Vụ đánh vợ ở Vĩnh Phúc và nạn bạo hành gia đình

Thứ Tư, 14/12/2011, 16:30

Người ta không thể gây trọng thương cho người khác nếu dùng gậy bịt bông hay phất trần phủi nhẹ! Mà chỉ có vết thương trầm trọng khi những chiếc roi được quật xuống bằng một ý thức triệt hạ vô nhân tính!

Nhìn chị Lê Thị Lý ( 30 tuổi) mình trần từ đầu đến chân mang thương tích của đòn roi đỏ lựng khắp người, người ta nghĩ đó là một bức ảnh ở nơi sơn cùng thủy tận nào đó còn hoang dại như chưa hề có văn hiến và luật pháp của loài người, nhưng bạn đọc thật sửng sốt, sững sờ, thậm chí uất khí không cầm lòng được khi biết đó là vụ án mới xảy ra đầu tháng 11 năm 2011 này, nghĩa là nó xảy ra vào đầu thiên niên kỷ thứ ba khi văn mình nhân loại đã tiến một bước quá dài với vệ tinh, mạng internet, hệ thống pháp luật được hình thành từ Liên Hiệp Quốc cho đến các quốc gia thành viên, và oái oăm thay nó xảy ra ngay ngưỡng cửa phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, chính xác là tại tổ 5, Đường Lạc Long Quân, phường Hùng Vương, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Kẻ nào gây ra những vết thương rùng rợn như vậy trên thân hình của người phụ nữ trẻ mới ngoài hai mươi tuổi? Chắc đó phải là thứ quân hằn quân thù có có mối thâm thù nào sâu đến tận xương tủy? Hay là  kẻ nào thiếu giáo dục chưa học được cái chữ "làm người"? Nhưng không, kẻ đánh chị Lý, bò lê bò càng, bò từ phòng nọ sang phòng kia, vật lộn từ trên giường xuống nền nhà, bò từ tiếng rên rỉ này sang tiếng kêu la khác, chẳng phải là ai xa lạ mà là người bạn đời mới đó còn ngày đêm gối ấp má kề, người chồng đã xuống tay không một chút lòng trắc ẩn thương xót nào đó có tên là Nguyễn Tiến Thịnh (31 tuổi), một người có thừa "bằng giáo dục" - đã có hai bằng đại học, y vừa bị Công an thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc (14/11/2011) khởi tố, bắt tạm giam để điều tra vụ việc trắng đen hai năm rõ mười.

Vụ việc xảy ra đầu cuối thế nào? Theo điều tra ban đầu, chị Lý là nạn nhân của một bi kịch thật éo le: "Tốt nghiệp Cao đẳng Tài Chính, chị Lê Thị Lý rời quê lên Phúc Yên làm việc tại Doanh nghiệp vàng bạc Duy Hiến. Ở đây chị quen anh Nguyễn Tiến Thịnh. Yêu nhau hơn một năm anh chị xin phép bố mẹ làm đám cưới và năm sau sinh được một cô con gái. Bà Chu Thị Tuyền, mẹ đẻ của chị Lý nói: "Khi đó, tôi thấy mừng vì nó lấy được chồng tử tế".

Về nhà chồng không bao lâu thì bố chồng mang trọng bệnh. Gia đình bàn bạc rồi quyết định cho Lý đi nước ngoài làm việc lấy tiền chạy chữa bệnh cho ông cụ. "Con bé không muốn đi, tôi cũng không đồng ý cho nó đi, nhưng vì gia đình nhà chồng nó chấp nhận đi Angola" - Bà Chu Thị Tuyền mẹ chị Lý đang bón từng thìa cơm cho con gái đau xót nói.

Tháng 7/2008 chị Lý đi Angola, gần 3 năm xa nhà đến tháng 1/2011 Lý trở về đoàn tụ cùng chồng con, gia đình và xin đi làm lại tại Doanh nghiệp vàng bạc Duy Hiến. Trong mấy năm lao động, chị gửi hết tiền về nhà cho gia đình nhà chồng để chữa bệnh cho bố chồng. Gia đình nhà chồng xây nhà, chồng mua ôtô (nhưng không đăng ký tên của hai vợ chồng mà đăng ký tên của một người bạn). Những tưởng công lao của chị sẽ được gia đình nhà chồng nhìn nhận một cách đúng đắn ...

Về nhà được 1 - 2 tháng, Chị Lý phát hiện trong suốt thời gian vắng nhà chồng chị bồ bịch lăng nhăng với nhiều cô gái khác. "Trong đó có một người rất sâu nặng mà đến khi tôi về vẫn quan hệ. Đó là chị Nguyễn Thị A, hàng xóm làm ở Trung tâm KHHGĐ phường Hùng Vương. Thôi thì xa vợ, tôi chấp nhận tha thứ, rồi khuyên nhủ chồng cùng cố gắng xây dựng hạnh phúc gia đình. Chị A cũng là bạn cũ của tôi nên tôi chân thành can ngăn cả hai người để giữ hạnh phúc của hai gia đình", chị Lý kể.

Nhưng họ vẫn cặp với nhau như không hề biết đến sự có mặt của cô vợ. Máu ghen đàn bà nổi lên, chị Lý cũng đánh ghen bằng cách nhờ người cắt tóc A để cảnh cáo. "Không ngờ đó chính là cái cớ để chồng tôi trút những trận đòn lên người tôi" - Chị Lý gạt nước mắt (Ngày 11/11, PV Phunutoday).

Thịnh đánh vợ, không phải đánh bằng một tâm lý nóng giận tức thì, mà đánh bằng một tâm lý "triệt hạ", vừa hành hạ đau đớn về thể xác lại vừa lột quần áo vợ, lột trước mặt nhiều người trong gia đình "tứ hệ đồng đường" của nhà mình, rồi vừa đánh vừa chửi bới lăng nhục, vừa đánh vừa dùng điện thoại quay video như thể đang đắc thắng về sự khải hoàn ca "chiến thắng" thứ nàng dâu bé nhỏ ở lọt thỏm dưới mái nhà mình. Người ta nói, Thịnh còn quay video cảnh nóng ái ân giữa mình và cô bồ tên A ở gần nhà, rồi đem về bật lên bắt vợ phải xem.

Sự việc còn đang được điều tra để làm rõ trắng đen, hư thực, nhưng những chứng cớ trên minh chị Lý thì chẳng cần điều tra gì cả, nó hiển hiện sờ sờ ra đấy? Nó hiển hiện cái gì? Không thể có vết đánh bầm tím trên da thịt nếu không có roi đánh! Chiếc roi không thể đánh nếu không có người đánh! Người không thể đánh nếu không quyết định bằng một ý thức ở trong đầu! Ý thức đó thế nào? Người ta không thể gây trọng thương cho người khác nếu dùng gậy bịt bông hay phất trần phủi nhẹ! Mà chỉ có vết thương trầm trọng khi những chiếc roi được quật xuống bằng một ý thức triệt hạ vô nhân tính! Như vậy người ta đã nhìn thấy chứng cứ và chứng lý hai năm rõ mười, từ ý thức của Thịnh xuyên qua chiếc roi hằn lên da thịt của chị Lý là những vết đánh gây thương tích vô nhân tính không thể nào chối cãi.

Nhân đây chúng ta cũng cần ôn lại một chút kiến thức về nạn bạo hành gia đình. Thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng trong thời đại mới xảy ra nhiều vụ án bạo hành gia đình vô cùng nghiêm trọng, điều này đã được các tổ chức Liên Hiệp Quốc cảnh báo nhiều lần.

Tại Âu Mỹ, người ta còn tổ chức những đường dây điện thoại nóng giành cho các bà vợ gọi khẩn cấp khi chồng bạo hành mình. Ở Việt Nam, có nhiều vụ bạo hành vợ bằng cả xà beng quất tới tấp vào người hay bằng các vật cứng hoặc dao vớ được bất kỳ… Nạn bạo hành gia đình gia tăng không chỉ về số vụ mà còn tăng cả về mức độ bạo liệt. Dường như đây là xu hướng trả thù phản xạ tất yếu từ phía đàn ông sau khi phải chịu đựng nhiều năm phong trào giải phóng và bình quyền phụ nữ. Thấy mình mất đặc ân ưu tiên, mất sân chơi bất công của công dân hạng một được sống trên đầu trên cổ của phái yếu công dân hạng hai, nên nhiều đàn ông đã có tâm lý "phản pháo" chăng?

Người Việt có câu "Yêu nhau lắm cắn nhau đau", đây chính là một nghịch lý của tình yêu, và không thể bị gạt ra ngoài như ngoại lệ, ngay trong cả việc bạo hành gia đình, người ta thường thích hành hạ cái người mình đã trăm thương ngàn nhớ. Kẻ bạo hành muốn mang mặc cảm chiến thắng, rằng nó đã cho đối phương đáng yêu của nó một bài học nhớ đời.

Kẻ bạo hành đóng vai là thợ săn, săn lùng con mồi bị đánh đập như kẻ bị thương, nhưng trong rất nhiều trường hợp, người bị thương muốn chấm dứt bi kịch đánh đập muốn ly hôn, thì kẻ săn đuổi từ chối việc ly hôn, bởi vì y không muốn kết thúc cuộc săn đuổi. Y muốn vở kịch trưng bày sức mạnh hủy diệt và kẻ yếu phải chịu đòn cứ tiếp diễn mãi mãi. Chừng nào mà cuộc săn đuổi vẫn còn chừng đó mặc cảm thắng thế của y mới còn tồn tại. Ly hôn, hay chấm dứt đánh đập tức là chấm dứt bữa tiệc của mặc cảm khải hoàn môn săn đuổi. Y nghĩ rằng, chấm dứt bạo hành thì có khác nào phim hành động chấm dứt săn đuổi.

Trường hợp của Thịnh cũng có những nét tương tự, chị Lý kể: "Đến ngày 26/10 khi chị bị đuổi ra khỏi nhà hàng xóm mới biết chuyện. Ra khỏi nhà khi sức khỏe suy kiệt, trên người không tài sản, không giấy tờ tùy thân, chỉ còn duy nhất tấm BHYT. Đang ở chỗ trọ của em gái thì anh Thịnh lại gọi điện bắt về. Đầu tiên thì là dọa đánh, không được thì quay sang xin lỗi, cầu xin tôi tha thứ, dọa sẽ chết nếu tôi không về. Vì còn yêu chồng, sợ anh ta làm những điều dại dột một lần nữa chị Lý lại trở về ngôi nhà địa ngục đó và lại bị tát, bị đánh không thương tiếc."

Thật thương xót khi chị Lý là nạn nhân của một vụ bạo hành man rợ, nhưng qua những vụ thế này, chị em cũng nên bình tĩnh rút ra những bài học kinh nghiệm cho mình. Bởi lẽ những bài học kinh nghiệm kiểu này không có gì mới mà đã tua đi tua lại tam phiên tứ hồi trong quá khứ và hiện tại. Đó là mỗi lần chị em muốn thể hiện quyết liệt cơn ghen thì người đàn ông lại nổi khí mã hiệp trượng phu đứng ra bảo vệ người bị áp bức đánh đập, có khi chàng chưa có gì với nàng liền quyết định xốc tới yêu nàng để bảo vệ nàng.

Trong trường hợp chị Lý nổi máu ghen tuông cắt tóc bồ của chồng là Nguyễn Thị A, là một cách ghen tuông thiếu khôn ngoan. Cái xảy nảy cái ung, sai một ly đi một dặm là thế. Mong rằng chị em cũng nên rút ra bài học cho việc ứng xử tình cảm. Đàn ông luôn mang mặc cảm sợ bị tổn thương, cũng như muốn đóng vai "anh hùng cứu mỹ nhân".

Nhưng nhìn một cách tổng quát, ai dám làm thì phải dám chịu. Vì những hành động bạo lực của mình, Nguyễn Tiến Thịnh đã bị công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt, và đang phải đối mặt trước tòa án với tội vi phạm điều 104 Bộ luật Hình sự: "Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm". Vậy Thịnh gây thương tích cho vợ hơn 17% thì có thoát được tội không? Hy vọng đây không chỉ là bài học răn đe về xã hội mà còn là bài học từ sâu thẳm lương tâm giành cho kẻ nào không muốn sống yêu thương mà lại sống thù nghịch với những giá trị nhân ái của con người

Nguyễn Hoàng Đức
.
.
.