Facebook: Chia sẻ hữu ích hay vô bổ, rắc rối?

Thứ Bảy, 12/09/2015, 18:00
Con dâu bực bội mẹ chồng, lên facebook thổ lộ. Vợ chồng “cơm không lành canh không ngọt”, lên facebook chĩa mũi dùi vào nhau bằng lời lẽ mạt sát không hay. Học trò bức xúc với thầy, lên facebook chửi đổng...

Câu chuyện người phụ nữ chê cà vạt của trường xấu dẫn đến hệ lụy con trai chị bị đuổi học gây tranh cãi trên mạng xã hội. Không đâu một chuyện rất nhỏ mà lại trở thành một vấn đề lớn. Nhà trường và phụ huynh đều có ứng xử chưa thuận tình thuận lý. Ngẫm về chuyện đăng gì, phát ngôn gì, nói gì trên mạng xã hội chợt thấy buồn. Ngày nay người ta có rất nhiều công cụ hỗ trợ để cuộc sống trở nên thuận tiện, thông suốt hơn, nhưng đôi khi kỹ năng giải quyết các vấn đề lại rất kém.

Người mẹ, trong một cuộc trả lời phỏng vấn cũng đã thừa nhận mình dùng những từ ngữ hơi quá khi nhận xét về cà vạt đồng phục của ngôi trường, nơi con trai mình đang theo học. Nhận xét chiếc cà vạt giống như "mớ giẻ rách" của chị vô hình trung đã làm tổn thương đến nhà trường (mà chị gọi thẳng tên không giấu giếm trên trang facebook cá nhân).

Chọn cách giải quyết những bức xúc của mình bằng cách "xả" trên mạng xã hội, không cần đắn đo là một sai lầm, dẫn đến hệ lụy không hay mà con trai chị phải gánh chịu. Đây là một bài học thấm thía cho những bậc làm cha mẹ, đối diện và giải quyết các vấn đề của cuộc sống như thế nào để hiệu quả nhất, tinh tế nhất và ít bị tổn thương nhất.

Từ khi có facebook, hàng triệu người đã hăm hở sử dụng nó để kết nối với thế giới, phát  huy dân chủ trong lựa chọn, phát ngôn, biểu đạt thông tin theo cách của riêng mình. Tính năng tương tác mạnh mẽ của facebook có khả năng lan truyền, gây ảnh hưởng kể cả tiêu cực hay tích cực tới một đám đông, khi chủ nhân của mỗi tài khoản chia sẻ bất cứ một vấn đề gì.

Và cũng chính facebook làm người ta mất dần tính riêng tư trong cuộc sống đi, khi mà mọi vấn đề thầm kín, thậm chí là bí mật cần phải giữ kín, ngày càng được chia sẻ nhiều hơn. Tưởng như bất cứ một hoạt động gì, bất cứ một suy nghĩ gì, bất cứ cảm xúc gì cũng được bộc lộ. Những nguyên tắc ứng xử truyền thống đã bị mai một dần.

Con dâu bực bội mẹ chồng, lên facebook thổ lộ. Vợ chồng “cơm không lành canh không ngọt”, lên facebook chĩa mũi dùi vào nhau bằng lời lẽ mạt sát không hay. Học trò bức xúc với thầy, lên facebook chửi đổng; nhân viên không hài lòng với sếp, lên facebook nói xấu. Ta cũng gặp nhan nhản hình ảnh những sinh hoạt riêng tư của một gia đình được cập nhật thường xuyên trên facebook của một thành viên nào đó.

Hãy cẩn trọng những gì bạn chia sẻ trên facebook.

Facebook cũng thông tin cho cộng đồng chi tiết về lịch trình của một ai đó, nhờ cách họ tự nguyện post lên những hình ảnh hay chia sẻ về  mỗi "nhất cử nhất động" của mình. Ra khỏi cửa nhà là show ảnh, đến đâu gặp ai ăn gì cũng ảnh, thậm chí ăn xong còn chụp ảnh chiếc đĩa sạch trơn thức ăn, khoe facebook "ăn thế này mới là ăn chứ". Thói quen tìm đến facebook để trút mọi vấn đề rất nguy hại, mà chuyện mẹ chê đồng phục xấu con bị đuổi học chỉ là một ví dụ. Người mẹ nếu bình tĩnh hơn, sáng suốt hơn, suy nghĩ trước sau hơn, chị sẽ phải chọn một cách ứng xử khác.

Có thể phản ánh ý kiến của mình đến nhà trường bằng thư điện tử, hay đơn giản là một cuộc điện thoại trao đổi. Hoặc nếu chọn facebook đi nữa thì cũng phải chọn cách thể hiện sao cho dễ nghe, tránh gây ra những tổn thương không đáng có trong mối quan hệ giữa phụ huynh với nhà trường. Vì hệ lụy của một mối quan hệ không tốt chính là đứa trẻ phải gánh chịu. Những tranh luận vừa rồi, và cả việc phải chuyển trường cho con sẽ ít nhiều tác động không tốt đến tâm lý của trẻ.

Vậy bạn viết gì trên facebook? Chắc chắn viết gì cũng được vì đó là trang cá nhân của bạn, bạn có quyền lựa chọn những gì bạn muốn chia sẻ trên đó, một cách tự nguyện, không ai kiểm duyệt bạn. Rất nhiều người đã trở thành nhân vật được yêu thích, thậm chí nổi tiếng trên facebook nhờ những chia sẻ hữu ích với cộng đồng. Nhưng cũng không ít người sử dụng công cụ này một cách vô bổ, tốn thời gian cho những chuyện tầm phào không đâu, thậm chí là tự mua những rắc rối vào mình.

GS Văn Như Cương từng kêu gọi các học sinh trường Lương Thế Vinh của ông nên hạn chế thời gian cho facebook và phải luôn là người có văn hóa khi chia sẻ bất cứ điều gì trên mạng xã hội. Bởi vì người ta chỉ cần nhìn những gì một cá nhân thể hiện trên facebook thôi là có thể hiểu chủ nhân là người có trình độ văn hóa, trình độ hiểu biết như thế nào. Các cụ xưa đã đúc kết, phải uốn lưỡi 9 lần trước khi nói, vì lời nói như mũi tên, lao đi rồi khó lấy lại và dễ làm đau người khác. Vậy nói trên facebook những gì, thiết nghĩ cũng phải nên ngừng lại 9 giây để suy ngẫm, trước khi gõ vào bàn phím.

TS. Nguyễn Mai Phương
.
.
.