Việt Nam lần đầu tiên chế tạo thành công robot giúp phòng chống dịch COVID-19
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp thì một tin vui đến từ Trường Đại học Tôn Đức Thắng là Nhóm nghiên cứu Robotics thuộc Trung tâm Công nghệ thông tin ứng dụng và Khoa Điện - Điện tử của nhà trường đã nghiên cứu và chế tạo thành công 2 loại robot giúp đội ngũ cán bộ y tế điều trị người bị nhiễm COVID, người bị cách ly, tránh lây nhiễm ra cộng đồng.
Đặc biệt, chi phí sản xuất và đưa ra thị trường cho các dòng sản phẩm này dự tính rẻ hơn chi phí nhập sản phẩm tương tự nhiều lần, khẳng định đẳng cấp công nghệ robot Việt Nam.
Hai loại robot đó là "robot khử khuẩn CD 1.0 (COVID Defender 1.0)" và "robot khử khuẩn DR 1.0 (Disinfection Robot 1.0)". Chúng được sử dụng để phục vụ khử khuẩn tại hai khu vực khác nhau: Khu vực chịu được nước thì khử khuẩn bằng phương pháp phun xịt thuốc, hóa chất và khu vực không chịu được nước (như có nhiều máy móc thiết bị) thì khử khuẩn bằng phương pháp chiếu tia UV.
Robot khử khuẩn CD 1.0 là loại robot được trang bị vi điều khiển STM34F4, với cấu hình mạnh và tính năng vượt trội. Robot được điều khiển từ xa (khoảng cách tối đa 2.000m) để phun xịt thuốc khử khuẩn cho khu vực cách ly người có khả năng nhiễm và phòng điều trị virus Corona của bệnh viện. Trên thân robot được gắn điện thoại thông minh, cho phép dễ dàng quan sát và điều khiển từ xa thông qua cuộc gọi video call.
Cánh tay robot là vòi phun thuốc. Cánh tay có khả năng chuyển động lên, xuống, qua trái, qua phải. Ngoài ra, hai bên hông của robot còn được gắn hai vòi. Do đó, trong quá trình di chuyển, robot có thể phun thuốc khử khuẩn ra hai bên, phía trước, phía trên và cả dưới mặt sàn.
Độ xa phun ra từ mỗi bên hông của thân robot là khoảng 1m, phía trước, phía trên là khoảng 2m nên robot có thể di chuyển 1 lượt là có thể khử khuẩn hoàn toàn khu vực sảnh, hành lang, phòng bệnh của các khu cách ly và bệnh viện.
Với khả năng di chuyển linh hoạt do kích thước nhỏ gọn, robot có thể làm việc trong không gian chật hẹp. Với khả năng tải khoảng 170kg, thời gian làm việc liên tục khoảng 6 giờ, tốc độ di chuyển tối đa 15km/h, robot có thể phát triển thành nhiều loại robot có tính năng khác nhau như: Robot vận chuyển thuốc men, vật tư y tế, cơm cho bệnh nhân, cứu hộ, cứu nạn, quan trắc môi trường, cứu hỏa, ...
TS. Dương Thị Thùy Vân và các cộng sự đang thử nghiệm tính năng hữu ích vượt trội của hai loại robot. |
Loại robot thứ hai là Robot khử khuẩn DR 1.0 (Disinfection Robot 1.0) tích hợp công nghệ diệt khuẩn chiếu tia UV đã phổ biến tại châu Âu và công nghệ xe robot tự hành được nghiên cứu và phát triển tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Robot này có khả năng tự động di chuyển theo quỹ đạo, ghi nhớ không gian làm việc và lặp lại hành trình. Robot có tải trọng 50kg nên có thể được phát triển thành robot vận chuyển thuốc men, vật tư y tế, cơm cho bệnh nhân …từ khoảng cách xa vào đến tận hiện trường.
Về công nghệ khử khuẩn, robot sử dụng công nghệ chiếu tia UV, là một công nghệ khử khuẩn chiếu tia cực tím phá hủy cấu trúc DNA của vi khuẩn, virus. Do khả năng phá hủy DNA, công nghệ UV diệt được nhiều loại virus, vi khuẩn hơn công nghệ phun hóa chất truyền thống, hiệu quả diệt khuẩn đạt 99,99%.
Một trong những ưu điểm vượt trội của robot này là sử dụng công nghệ chiếu tia UV, nên không tạo ra các phụ phẩm độc hại cho môi trường, không để lại các hóa chất tạo phản ứng hóa học.
Do đó, robot này rất phù hợp với diệt khuẩn trong phòng làm việc của nhóm, của cá nhân mà không làm ảnh hưởng tới các thiết bị đang hoạt động. Robot có độ bao phủ 360 độ và công suất khử khuẩn khoảng 15 phút/phòng.
Ngoài ra, robot sử dụng các bóng phát tia cực tím cho công nghệ UV nên có hiệu quả kinh tế cao, dễ bảo trì bảo dưỡng, và không đòi hỏi công tác pha chế, bảo quản, sang chiết chất diệt khuẩn, đảm bảo an toàn tối đa cho người vận hành.
TS. Dương Thị Thùy Vân, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin ứng dụng Trường ĐH Tôn Đức Thắng và cũng là trưởng nhóm nghiên cứu, cho hay: "Nhóm nghiên cứu Robotics của Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã phát triển từ nhiều năm trước, nhóm đã nghiên cứu về công nghệ xe robot tự hành và đã cho ra đời một số sản phẩm nghiên cứu.
Quá trình nghiên cứu và chế tạo robot khử khuẩn phòng chống COVID-19 do thời gian làm việc gấp để kịp thời cho ra sản phẩm nên nhóm phải làm cả ngày lẫn đêm trong suốt 10 ngày.
Trong điều kiện làm việc hết sức khó khăn về không gian, thời gian nhưng các thành viên của nhóm đều hết sức tích cực với hy vọng sản phẩm ra đời kịp thời hỗ trợ đội ngũ y bác sĩ tránh tiếp xúc trực tiếp với môi trường truyền nhiễm".
Theo TS. Dương Thị Thùy Vân, nếu nhập khẩu một con robot của Đan Mạch (với tính năng tương tự) sẽ mất tầm 80 ngàn USD, trong khi chi phí cho mỗi robot của nhóm nghiên cứu chỉ khoảng 100 triệu đồng.
TS. Dương Thị Thùy Vân cho rằng, vì cả 2 robot trên đều có khả năng được phát triển thành những robot có các chức năng khác nhau nên khi dịch COVID-19 được khống chế thì robot đa năng này có thể được phát triển để phục vụ cho những mục đích khác trong lĩnh vực y tế cũng như ứng dụng trong những công việc nguy hiểm, khó khăn như PCCC, cứu hộ, cứu nạn…