Việt Nam đứng top cuối về chống xâm hại tình dục trẻ em, vì sao?

Thứ Hai, 28/01/2019, 10:23
Việt Nam đứng thứ 37 trong xếp hạng 40 nước về chống xâm hại tình dục trẻ em, với điểm yếu nằm ở thu thập dữ liệu, chế tài dành cho người phạm tội và sự can thiệp của truyền thông, trong một báo cáo mang tên Out of the shadows: Shining light on the response to child sexual abuse (tạm dịch: Ra khỏi vùng tối: Tìm hiểu về phản ứng đối với xâm hại tình dục trẻ em) do Economist Intelligence Unite (EIU) thực hiện và được công bố hôm 16-1.


EIU là hãng nghiên cứu thuộc Economist Group, công ty truyền thông sở hữu tạp chí The Economist. Đây là một vị trí nhắc nhở chúng ta phải hành động nhiều hơn nữa cho những trẻ em bị xâm hại. 

Hơn 1000 trẻ em bị xâm hại mỗi năm

Con số từ Bộ Công an cho biết, năm 2018, số vụ án xâm hại tình dục trẻ em là hơn 1.200 vụ (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em) với 1.230 người phạm tội. Số trẻ em bị xâm hại là trên 1.100 em. Mặc dù có giảm một chút so với năm 2017 (khoảng 2,8%) nhưng số vụ nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng lại tăng lên.

Cứ 8h trôi qua, ở Việt Nam có ít nhất 1 trẻ em bị xâm hại tình dục là con số đáng báo động với toàn xã hội.

Trong năm, Cơ quan điều tra đã xử lý hình sự 1.360 người phạm tội, xử phạt hành chính 160 người và đang trong quá trình xác minh đối với 58 người khác. Những địa phương xảy ra nhiều vụ án xâm hại trẻ em nhất có thể kể đến như Hà Nội (88 vụ), TP. Hồ Chí Minh (77 vụ), Đắk Lắk (52 vụ), Tây Ninh (51 vụ), Đồng Nai (46 vụ).

Người có hành vi phạm tội xâm hại trẻ em ở nhiều lứa tuổi, thành phần xã hội khác nhau và phần lớn có trình độ văn hóa thấp, nhận thức pháp luật và xã hội còn rất hạn chế. Đặc biệt, số đông những người có hành vi xâm hại trẻ em  là người có trách nhiệm nuôi dưỡng, quản lý trẻ em như giáo viên, bảo mẫu, cha mẹ ruột, cha dượng, mẹ kế.

Nạn nhân của các vụ xâm hại thường là trẻ em nhỏ tuổi được cha mẹ gửi quản lý, chăm sóc hoặc sống trong gia đình không hoàn thiện, cha mẹ ly thân, ly hôn phải sống với cha dượng, mẹ kế. Các trường hợp khác nằm ngoài sự quản lý của cha mẹ, người thân nên bị kẻ xấu xâm hại.

Báo động nhất, đau lòng nhất là có hàng trăm trẻ em dưới 6 tuổi cũng là nạn nhân của những vụ xâm hại. Vấn nạn xâm hại trẻ em, trong đó có đến hơn 80% các vụ việc là xâm hại tình dục trẻ em đang trở thành một vấn đề nhức nhối. Tại các kỳ họp Quốc hội khóa 14 vừa rồi, nhiều đại biểu đã liên tục chất vấn những người đứng đầu cơ quan bảo vệ trẻ em trả lời về vấn đề này.

Theo kết quả công bố của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), có nhiều quan niệm lầm tưởng cho rằng, hiếp dâm là do người lạ gây ra, nhưng từ kết quả nghiên cứu của Cơ quan Phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) tại Thái Lan và Việt Nam phát hiện ra: Ở Việt Nam 86% nạn nhân cho biết có quen biết với nghi phạm, còn ở Thái Lan tỷ lệ này là 91%.

Có chế tài nhưng việc thực hiện còn bất cập

Trong năm qua, có những vụ việc cực kỳ xót xa, đau lòng, như bảo vệ một trường dân tộc nội trú có hành vi xâm hại tình dục nhiều học sinh gái. Rồi Hiệu trưởng một trường ở Phú Thọ nhiều năm liền có hành vi xâm hại tình dục học sinh nam, đã bị cơ quan công an bắt giam, khởi tố.

Đặng Trần Hoài kẻ hiếp dâm trẻ em và sát hại trẻ em  tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội) phải chịu bản án tử hình.

Cũng trong năm qua, nhiều kẻ phạm tội đã được đưa ra xét xử, chịu những bản án nghiêm khắc của pháp luật. Tuy nhiên, trong cảm nhận của xã hội, và trên thực tế, những vụ được đưa ra xét xử còn chiếm tỷ lệ ít so với các vụ đã xảy ra, được phơi bày ra ánh sáng. Phần lớn các bản án được xem là chưa tương xứng với tội ác mà những kẻ gây tội ác ấu dâm đã "nhúng chàm".

Có không ít vụ việc, nạn nhân bị tổn thương nặng nề cả về thân thể lẫn tinh thần, còn kẻ phạm tội vẫn nhởn nhơ, hoặc chỉ phải nhận một án tù thấp, thậm chí chỉ bị cảnh cáo. Vụ việc một bé gái ở Quảng Ninh bị ông tổ trưởng tổ dân phố xâm hại 14 lần không xác định được bị can vì kẻ thủ ác bỏ trốn, hay vụ việc một cán bộ nghỉ hưu 77 tuổi ở Vũng Tàu xâm hại nhiều trẻ gái trong khu chung cư là những ví dụ đau xót.

Tổ chức CSAGA đã nhận được nhiều lời kêu cứu từ các trường hợp trẻ em bị xâm hại, gia đình trình báo các cơ quan chức năng nhưng không có phản hồi. Đau lòng nhất là trong không ít vụ việc, xâm hại tình dục trẻ em gái lại chính là ông nội, bổ đẻ, thầy giáo của các em.

Báo cáo "Out of the shadows: Shining light on the response to child sexual abuse" (Ra khỏi vùng tối: Phản ứng đối với xâm hại tình dục trẻ em) do Economist Intelligence Unite công bố hôm 16/1 được thực hiện dựa trên 4 tiêu chí: môi trường mà việc xâm hại xảy ra cũng như được biết đến, mức độ bảo vệ của khung pháp lý đối phó với vấn đề, cam kết và khả năng của chính phủ trong việc trang bị cho các tổ chức và cá nhân chống nạn xâm hại, và sự tham gia của các ngành nghề, xã hội dân sự, truyền thông.

Việt Nam đạt 42,9 điểm trên thang điểm 100, xếp thứ 37 trên tổng số 40 nước, đứng sau các quốc gia khác trong khu vực như Philippines xếp thứ 16, Malaysia thứ 20, Campuchia thứ 23, Indonesia ở vị trí 32, Trung Quốc thứ 36. Ba nước xếp cuối là Mozambique, Ai Cập và Pakistan, trong khi ba nước đứng đầu lần lượt là Anh, Thụy Điển và Canada.

Bị cáo Nguyễn Khắc Thủy 77 tuổi ở Vũng Tàu phải hầu tòa vì lạm dụng trẻ em.

Báo cáo này cũng chỉ rõ số điểm mà các nội dung thực hiện Việt Nam đạt được các điểm như sau: 59 điểm trong mục môi trường, 56 điểm cho mục hành lang pháp lý, cam kết và khả năng của chính phủ đạt 38 điểm, trong khi đó sự tham gia của các ngành nghề, xã hội dân sự và truyền thông chỉ đạt 17 điểm.

Mặc dù được ghi nhận về việc Bộ luật Hình sự Việt Nam có các điều khoản quy định cụ thể tội xâm hại và lạm dụng tình dục trẻ em nhưng Economist Intelligence Unite đánh giá Việt Nam 0 điểm trong việc thu thập thông tin về nạn xâm hại trẻ em, không có cơ quan riêng để thi hành luật lệ về chống xâm hại, chương trình hỗ trợ dành cho đối tượng xâm hại, sự tham gia của giới truyền thông.

"Việt Nam không có một hệ thống mạnh mẽ để thu thập thông tin trên diện rộng về xâm hại tình dục trẻ em. Các số liệu được công bố thường không chi tiết" - báo cáo viết. Báo cáo cũng nhận xét những người làm trong lĩnh vực giáo dục, y tế và công tác xã hội không được huấn luyện hay hướng dẫn để ứng xử trước các trường hợp liên quan đến nạn nhân trẻ em của việc xâm hại tình dục hoặc bạo lực tình dục. Việt Nam cũng không có các dịch vụ giáo dục, tâm lý và trị liệu để ngăn ngừa những người tiềm ẩn nguy cơ xâm hại trẻ em hay tái phạm.

Như vậy, từ một bảng xếp hạng của một tổ chức, chúng ta nên xem đây là cơ hội để đánh giá lại toàn bộ các hoạt động chống xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em. Chúng ta có chế tài pháp lý cho tội danh này, nhưng chúng ta chưa quyết liệt đưa những vụ việc ra ánh sáng.

Tuyên truyền là một hoạt động quan trọng để nâng cao nhận thức về mức độ nghiêm trọng của xâm hại trẻ em.

Nhiều nạn nhân vẫn còn phải sống trong bóng tối của sự lo sợ, những ám ảnh khủng khiếp mang theo suốt cuộc đời. Các Hội nghề nghiệp, các tổ chức xã hội, các cơ quan truyền thông, báo chí vào cuộc còn dè dặt. Ngành giáo dục đã có những nỗ lực đưa vấn đề giáo dục giới tính cũng như cung cấp cho học sinh những kỹ năng chống xâm hại, nhưng xem ra vẫn còn nặng về hình thức, khá rời rạc trong cách làm.

Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT hiệu lực từ ngày 28/8/2017 quy định về việc các trường học trên toàn quốc phải thành lập Phòng tham vấn tâm lý; tại đây, những vấn đề liên quan đến xâm hại sẽ được giải thích và giúp các em "gỡ rối", tuy nhiên, số trường lập được các phòng tham vấn như vậy vẫn còn quá ít.

Các bậc phụ huynh có nhận thức về vấn đề xâm hại trẻ em, nhưng số người thực sự quan tâm đến con em mình, giáo dục kỹ năng cho con em mình vẫn là một tỷ lệ khiêm tốn. Trong thời gian  tới, cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác liên ngành về thực hiện quyền trẻ em thông qua hoạt động của Ủy ban quốc gia về trẻ em, hướng dẫn địa phương củng cố hệ thống bảo vệ trẻ em trên cơ sở kiện toàn hệ thống đã có.

Cùng với đó là xây dựng, phát triển Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em và mạng lưới kết nối, đặc biệt là Luật Trẻ em để kịp thời phát hiện sai sót và điều chỉnh những nội dung, hoạt động không phù hợp, xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em một cách triệt để nhất.

Phạm Minh Hà
.
.
.