“Việc nhỏ” trước khi nghĩ về 4.0

Thứ Hai, 05/02/2018, 14:44
Sang thế kỷ XXI, phần lớn người dân thành phố đã sử dụng bếp gas hay bếp từ để nấu chín thức ăn. Khỏi phải nói mọi người cũng biết những ưu điểm của hai loại bếp này. Tất nhiên, văn minh thì đi kèm với sự tốn kém, nhưng cái được lớn nhất là sự tiện lợi, không có tác động xấu đến môi trường.

Những năm trước đó, các bà nội trợ hẳn còn ám ảnh với các loại bếp củi, bếp dầu rồi bếp than. Nấu được một bữa cơm chắc phải toát mồ hôi, còn những người xung quanh cũng bị ảnh hưởng từ khói bếp hay các loại khí thải độc hại.

Hai chục năm trở lại đây, người thành phố còn sử dụng bếp than tổ ong. Cứ sáng sớm hay trưa đi ngoài đường thể nào cũng gặp hình ảnh khói bay mù mịt từ những bếp than tổ ong, được các chủ nhà bê ra vỉa hè để mọi người cùng “hưởng”. Thật sự, đó là loại khói có mùi rất khó chịu khiến người đi đường chỉ còn cách phóng xe nhanh hoặc nín thở khi qua.

Minh họa của Lê Tâm.

Khi bếp than tổ ong mới tung ra thị trường được rất nhiều người hưởng ứng, thậm chí thành phong trào nhà nhà dùng than tổ ong. Lý do thật đơn giản. Bạn chỉ mất một khoản tiền nhỏ là có thể mua được một bếp than vừa nhỏ gọn, tiện lợi, vừa dễ sử dụng, lại hiệu quả về kinh tế. Chính vì những ưu điểm “vượt trội” này mà bếp than tổ ong trở thành sự lựa chọn cho nhiều gia đình, từ các gia đình có thu nhập thấp cho đến các quán ăn, nhà hàng.

Nếu bạn có dịp quan sát những cơ sở sản xuất than tổ ong, hẳn bạn sẽ “choáng”. Nguyên liệu chính để làm than tổ ong thường được làm từ than cám, than vụn, than kém chất lượng chứa một lượng lớn lưu huỳnh. Tiếp đó, nó được trộn với nhiều tạp chất khác như bùn sông, mùn cưa cho dễ cháy. Bước cuối cùng là đóng khuôn rồi phơi khô. Tóm lại là những nguyên liệu rẻ tiền.

Tất nhiên, khi bếp than tổ ong “lây lan” trong cộng đồng bởi một số người ham rẻ thì nhiều người đã lên tiếng vì phải hít khói độc hại từ loại bếp này thải ra. Các nhà khoa học cũng vào cuộc và có chung quan điểm: than tổ ong dùng để đun nấu có thể gây ra các tác hại không nhỏ đến sức khỏe của mọi người xung quanh. Tỷ lệ người mắc các bệnh nguy hiểm như bệnh viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư thanh quản, viêm nhiễm đường hô hấp và phổi đang có xu hướng tăng lên trong cộng đồng dân cư có sử dụng bếp than tổ ong.

Theo số liệu khảo sát Chi cục Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) mới công bố, tổng số lượng bếp than trên địa bàn thành phố khoảng 55.000 bếp, trong đó, tỷ lệ bếp than tổ ong tại các quận nội thành chiếm 63%, nơi tập trung nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, bán nước trên vỉa hè…. Đây là những con số đáng báo động, đe dọa sức khỏe người dân và môi trường trong khu vực nội đô.

Cách đây hơn một năm tại Hải Phòng, đúng ngày khai trương quán Bún bò Huế ở khu tập thể Đồng Quốc Bình, một số bạn bè đến chia vui nhưng không thấy vợ chồng chủ quán đâu. Chỉ đến lúc người dân đập kính cửa thì phát hiện hai người bất tỉnh trên giường. Sau khi kiểm tra phát hiện người vợ đã chết còn chồng trong tình trạng nguy kịch. Lực lượng chức năng quận Ngô Quyền, khám nghiệm hiện trường và khẳng định hai vợ chồng hít phải khí độc từ hai bếp than tổ ong đun nấu trong nhà. Nhà chật, vừa là chỗ ngủ, vừa là nơi đun nấu, bán hàng, hệ thống cửa lại làm bằng kính kín. Chính vì thế mà khí thải từ bếp than không thoát được ra ngoài mà người hít phải khí độc nhiều nhất lại chính là hai vợ chồng chủ nhà.

Từ những kết quả khảo sát, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã đưa lộ trình từ nay đến năm 2020 sẽ “xóa sổ” bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố Hà Nội. Quận Ba Đình, Hoàn Kiếm được chọn để tổ chức thí điểm mô hình tuyên truyền tác hại của bếp than tổ ong, đồng thời giới thiệu các mẫu bếp mới thân thiện với môi trường.

Cùng với đó, thành phố sẽ có chủ trương chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ bán than tổ ong theo lộ trình và xóa bỏ các cơ sở này. Không chỉ xóa sổ bếp than tổ ong, thành phố sẽ trồng thêm 1 triệu cây xanh. Hy vọng là với những nỗ lực này, Hà Nội sẽ trong lành, thân thiện hơn với khách trong và ngoài nước khi đặt chân tới đây.

Tuấn Nguyễn
.
.
.