Vỉa hè mà biết nói năng…

Thứ Hai, 28/12/2020, 07:07
Sáng 22-12, tại buổi làm việc của Thường trực Thành ủy với Sở Xây dựng Hà Nội, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nêu thực tế đá vỉa hè vỡ sau thời gian ngắn sử dụng. Ông Huệ đặt vấn đề vì sao cũng cùng làm đúng quy trình, thiết kế mẫu của Sở Xây dựng Hà Nội, nhưng có quận làm tốt, có quận chưa. Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu cẩn trọng từ khâu chọn đá, thi công đồng bộ, không làm manh mún. Sở Xây dựng Hà Nội tăng cường hướng dẫn, kiểm tra về nghiệp vụ, quy trình lát đá hè.


Từ 4 năm nay, chuyện lát đá vỉa hè ở Hà Nội luôn là câu chuyện thời sự được nhiều người dân quan tâm bởi thực tế đá lát chưa được bao lâu thì đã hỏng. Cuối năm 2016, nhiều quận nội thành Hà Nội bắt đầu được cải tạo vỉa hè bằng đá tự nhiên, được cho có thể sử dụng 50-70 năm. Tuyến phố đầu tiên là Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân), rồi tới Hai Bà Trưng, Nguyễn Trãi, Giải Phóng... Tuy nhiên, mặt đá lát sau vài tháng đã bong tróc, vỡ nát.

Thời điểm đó, lãnh đạo thành phố chỉ đạo dừng các dự án chuẩn bị đầu tư, cải tạo vỉa hè để rà soát; giao cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ trách nhiệm các bên liên quan. Kết luận thanh tra vào tháng 2-2018 nêu một số bất cập trong thiết kế mẫu, loại đá dùng trong bê tông lót nền hè không thống nhất dẫn đến các dự án sử dụng kích thước đá khác nhau, ảnh hưởng chất lượng; thiếu hướng dẫn chung về quy trình thi công; một số mẫu đá lát hè không đảm bảo theo thiết kế...

Đầu năm 2019, thành phố ban hành quyết định "thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn". Sau đó, 15 quận, huyện, thị xã đề xuất lát đá vỉa hè gần 300 tuyến đường. Nhưng cũng như đợt trước, một số tuyến phố sau khi đưa vào sử dụng có hiện tượng đá hư hại như Khuất Duy Tiến, Nguyễn Đình Chiểu, Trịnh Văn Bô... Đoạn vỉa hè bị xuống cấp nặng nhất là nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến, bề rộng hơn 10 m, nhiều điểm đá bị lật tung để lộ lớp vữa bở vụn. Đây là khu vực thường xuyên xảy ra ùn ứ vào giờ cao điểm trong ngày, hàng trăm người điều khiển xe máy lao lên vỉa hè, thậm chí nhiều nơi trên vỉa hè thành chỗ đậu ôtô.

Theo các chuyên gia quy hoạch đô thị, điểm tích cực khi đồng bộ lát vỉa hè bằng đá tự nhiên là sự sạch đẹp, văn minh đô thị trong tương lai. Tuy nhiên để thành công thì cần có một giải pháp có tính chất đồng bộ, lâu dài và toàn diện, tránh gây lãng phí nguồn ngân sách.

Theo các chuyên gia về xây dựng, muốn để vật liệu đá lát bền thì cần có một lớp lót nền đảm bảo bền vững. Lớp lót nền hiện nay đang được thực hiện bằng bêtông. Dưới lớp bêtông thì vỉa hè lại có nhiều hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác nhau như đường ống cấp thoát nước, đường thông tin liên lạc. Như vậy, việc làm thế nào để đảm bảo đồng bộ bền vững tất cả các hạ tầng kỹ thuật là điều rất quan trọng.

Bên cạnh đó, chính quyền thành phố cần xác định rõ mục tiêu từng mục đích sử dụng như việc phục vụ cho việc đi bộ và kinh doanh thì giải pháp về chất lượng đá, độ dày, kết cấu nền sẽ khác nhau. Trước khi tiến hành lát đá, cần phải làm đồng bộ hạ tầng điện, nước, cáp viễn thông. Bởi có thự tế đã tồn tại hàng chục năm qua là trên một đoạn vỉa hè nhưng liên tục diễn ra việc đào bới, hết cấp nước lại điện lực, viễn thông, vì thế "đào, lấp" trở thành điệp khúc hàng năm. 

Công tác quản lý, kiểm tra, giám sát trong và sau khi thi công cũng rất cần thiết, nhằm bảo đảm thi công đúng theo quy trình, kỹ thuật, bảo đảm chất lượng công trình. Sau đó, cần có hội đồng nghiệm thu để rút kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn, bảo vệ các công trình đang thi công. Bởi chỉ cần một người dân thiếu ý thức, đỗ xe hoặc đi vào chỗ công trình vừa thi công, mặc dù có biển báo công trình đang thi công, cần giữ gìn, thì việc bảo vệ tính bền vững, giữ tuổi tác cho đá lát vỉa hè là điều rất khó.

Tân Lương
.
.
.