Vị trung tướng quân y vẽ lại giấc mơ xưa

Thứ Năm, 13/11/2014, 17:00
Tôi không biết người về một cõi ấy đang ở đâu trong hành trình số phận đời mình. Tôi cũng không rõ ông còn giấc mơ nào khác nữa không. Nhưng ông đã kịp lưu lại một phần ký ức ấy trước khi nó phai màu để rồi tất cả trùng phùng sum vầy lại đây, đặt bên cạnh nhau giữa những ngày thu Hà Nội. Ông, "ngũ sỹ" Bình “xương”, người phục dựng lại những giấc mơ đời hư ảo bằng tranh vẽ và thả những niềm rong rêu cuối cùng vào hội họa.

1. Tôi đã không biết gọi ông bằng danh xưng nào. Chiến sỹ, bác sỹ, tiến sỹ, văn sỹ, hay họa sỹ (mà có người gọi vui là "ngũ sỹ")? Có gọi bằng danh xưng nào đi chăng nữa thì dường như vẫn không đủ với một người tha thiết đến tận cùng như ông. Tận cùng trong mỗi đam mê, trong từng hơi thở. Tận cùng thành tranh vẽ. Giáo sư, Tiến sỹ, Thầy thuốc nhân dân, Trung tướng Nguyễn Tiến Bình, Giám đốc  Học viện Quân Y đã có một buổi ra mắt khá ấn tượng với khán giả Thủ đô bằng triển lãm "Nguyễn Tiến Bình và chuỗi ký ức" của mình vào những ngày đầu tháng 10 vừa qua. Triển lãm sẽ kết thúc vào ngày 25/10.

Triển lãm có 42 bức tranh sơn dầu theo trường phái trừu tượng; trong đó có 36 bức được đánh số theo thứ tự, tạo thành chuỗi ký ức của tác giả. Và mỗi bức tranh này là một câu chuyện, hay chính xác là một giấc mơ thành hình trong nỗi nhớ của người họa sỹ tay ngang. "Mỗi bức tranh đều gắn với một ký ức hay một kỷ niệm. Cảm xúc và lý trí đã hòa quyện với nhau giúp tôi tạo nên những đứa con tinh thần đó. Tôi đã gửi vào đấy ký ức của từng giai đoạn, những kỷ niệm ở những nơi mà tôi đã sống và làm việc", ông chia sẻ.

Trung tướng Nguyễn Tiến Bình.

Khi xem chuỗi màu ký ức của ông, có những bức vẽ cố tình phơi ra rồi vùi mờ một vài kí tự, đôi ba tên đường, tên phố… Thậm chí, có vài chỗ, những di chỉ nỗi nhớ bị bôi xóa hoàn toàn, người xem không dịch nổi đó là tiếng Việt, tiếng Pháp hay tiếng Nga. Rồi bất ngờ, dù cho khác nhau ở điểm này điểm kia, 36 bức vẽ đều gặp nhau ở một lốc xoáy màu sắc đầy mạnh bạo và cũng hết sức tự do, khoáng đạt, không theo chuẩn thông thường nào cả. Các bức vẽ được triển khai theo từng lớp, từng lớp. Và để cảm được thế giới màu sắc ấy, người xem phải biết bóc tách từng lớp ấy như giải mã từng ẩn dụ của sắc màu. Rõ ràng, Trung tướng Nguyễn Tiến Bình là họa sỹ tay ngang. Nhưng ngông. Thú vị. Lạ. Và cũng hết sức đương đại.

Có phải vì thế mà Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội,  nhà văn Nguyễn Bình Phương khi xem tranh của ông đã cho rằng: "Những bức tranh của Trung tướng Nguyễn Tiến Bình là sự giải phóng chính bản thân ông. Không có bất cứ một quy tắc nào trong các tác phẩm của ông. Mỗi bức tranh đều xuất phát từ tinh thần tự do. Điều đó biểu lộ kích thước tâm hồn người vẽ và sự hồn nhiên, vượt qua những ràng buộc về kỹ thuật. Xem tranh của ông, độc giả dường như được thấy cả một miền ký ức, dẫn dụ, hòa quyện vào nhau giữa màu sắc, hình hài, cảm giác và ý tưởng".

Ký ức 3, Hà Nội mùa đông năm 1968: Trên những con phố cũ (Tranh của Trung tướng Nguyễn Tiến Bình).

Chuỗi ký ức ấy gắn với 36 câu chuyện (hoặc có khi nhiều hơn thế nữa) bắt đầu từ những ngày thơ ấu vất vả ở cái Làng Giường bé nhỏ của ông, cho tới khi ông lớn lên, đi du học rồi trở về, cống hiến và phục vụ đất nước.  Có thể nói, tác giả đã ghi lại ký ức bằng tranh trong suốt cả cuộc đời của mình. Từ "Tuổi thơ vất vả", "Ước mơ cùng bè bạn", "Nơi tình yêu bắt đầu", "Những câu thơ từ phương xa"… hay những xao động nên thơ "Trên những con phố cũ", "Nỗi nhớ khi mùa đông về", "Gửi gắm niềm tin"…

Cách đặt tên cũng gợi cảm giác. Hóa ra ở đây, không chỉ có một họa sỹ Nguyễn Tiến Bình. Vẫn còn nguyên vẹn một Nguyễn Tiến Bình nhà văn của "Đêm dài qua" một dạo. (Tên chùm truyện ngắn đoạt giải 3 trong cuộc thi truyện ngắn của Tuần báo Văn nghệ do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức (2011 - 2013) - PV). Văn trong họa, rõ ràng đích thị nghệ sỹ còn gì!

Và người nghệ sỹ Nguyễn Tiến Bình phải thương yêu, ngóng vọng và miên hoài lắm về những điều bình dị mình đã đi qua thì ông mới có thể gọi tên một cách đủ đầy màu sắc như thế. Ở cái tuổi 60 của ông, sự xao động không nằm ở những điều đao to búa lớn, mà đến từ những mảnh ký ức chân phương, mộc mạc, đầy hồn hậu và thiết tha như thế này.  

Tranh của nghệ sỹ Tiến Bình không chỉ là câu chuyện ký ức, suy tư. Tranh ấy còn chuyển tải những thông điệp, những câu danh ngôn mà tác giả tâm đắc về đời sống. Chẳng hạn như: "Nếu muốn thành công, đừng sợ thất bại"; "Tất cả đi qua, chỉ tình yêu ở lại"; "Khi hướng về mặt trời, bóng tối sẽ ở lại sau lưng"… Dường như không chỉ gợi nhắc người xem, ông đang làm một cuộc tự lắng nghe mình một cách quyết liệt nhất.

2. Là người đứng đầu một học viện lớn, là giáo sư đầu ngành của chuyên ngành chấn thương chỉnh hình trong Quân đội, công việc của ông hằng ngày rất bận rộn. Lắm lúc bị stress, ông bảo, lúc ấy, chỉ có vẽ và viết văn mới cứu rỗi và giúp mình cân bằng lại. Bận thế thì ông vẽ lúc nào, ông cười bảo, vẽ bất cứ lúc nào ông rảnh. Đó có thể là sau tan ca, khi mọi người vội vàng về nhà, còn mình ông rớt lại; đó cũng có thể là những ngày cuối tuần hoặc ngày lễ, mọi người đi chơi, đi du lịch thì ông cặm cụi những nét vẽ của mình. Ông bảo, chỉ cần mình thích và muốn làm thôi, việc gì cũng làm được. Ngoài những bức tranh được chọn tham gia triển lãm, số lượng tranh mà Trung tướng Nguyễn Tiến Bình vẽ trong 4 năm qua còn rất nhiều.

Buổi ký tặng sách tại triển lãm.

Nói là vậy, nhưng rồi con người nghệ sỹ Tiến Bình chợt tư lự khi trò chuyện cùng anh em đồng nghiệp của mình về những non yếu và lạc hậu của y học nước nhà. Khi tôi đến gặp, ông vừa tiếp xong một đoàn khách nước ngoài. Nhìn người ta mà thẹn mình. Còn quá nhiều điều chưa làm được. Còn quá nhiều điều mình vẫn phải học hỏi và trau dồi. Rồi quay sang nói chuyện về giáo dục, về đời sống hiện đại xô lệch đi nhiều giá trị. Ông bảo chỉ có người vô cảm mới không biết buồn. Đánh giá về các tác phẩm của Trung tướng Nguyễn Tiến Bình, họa sĩ Phạm Lực cho rằng, tranh của ông thể hiện sự chân thực, hồn nhiên của người từng trải trong cuộc sống. Dường như trong con người ông, giữa nhà quản lý, nhà khoa học và người nghệ sĩ hòa quyện cùng nhau.

Một góc triển lãm.

Mặc dù là người đi ngang qua địa hạt nghệ thuật một cách tình cờ, Trung tướng Nguyễn Tiến Bình đã lắng nghe tiếng lòng không hề vô cảm của mình, nhìn nhận và biện giải đời sống theo cách rất nghệ sỹ. Xem tranh của ông, những chuỗi ngày xa tít tắp bỗng nhiên ùa về. Rồi như một cơn mơ, đến đây và ở lại rủ rỉ mãi. Thì ra, ta đã sống những năm tháng dài như thế. Thì ra, cuộc sống vẫn còn lắm những mảng màu đáng yêu, đáng quý như thế. Và có cái gì gọi là nỗi đau tình cờ đâu. Khi còn đau, còn buồn, nghệ thuật sẽ giống như một nơi "cho ta về nương náu" và được quên rất nhiều "năm tháng tiêu điều"…  

Trin lãm tranh đ ly tin lp qu cho sinh viên gii

Trung tướng Nguyễn Tiến Bình - Giám đốc Học viện Quân y - sinh ra tại một trong 5 cửa ô của Hà Nội, trong một căn nhà nhỏ nằm trên phố Lò Đúc đúng ngày 10/10/1954 khi đoàn quân tiến về rợp đỏ cờ hoa. Triển lãm tranh lần đầu tiên của ông diễn ra vào dịp kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô như một món quà tặng Hà Nội vào dịp lễ trọng. Những tác phẩm nghệ thuật của một họa sĩ không chuyên chứa đựng tình yêu với mảnh đất đã nuôi dưỡng ông trưởng thành. Không chỉ là một chuyên gia đầu ngành của chuyên ngành chấn thương chỉnh hình, người lãnh đạo tài ba, GS.TS Y học Nguyễn Tiến Bình ngoài vẽ tranh, còn viết truyện ngắn, làm thơ. Toàn bộ số tiền ủng hộ thu được từ tranh và sách tại triển lãm sẽ được Trung tướng Nguyễn Tiến Bình đóng góp xây dựng tại Học viện Quân y "Quỹ khích lệ học viên giỏi". "Một chút quà nhỏ động viên đúng lúc sẽ có tác dụng tích cực thúc đẩy động lực phấn đấu của những thầy thuốc trong tương lai. Tôi mong quỹ này sẽ được duy trì với sự chung tay góp sức của nhiều người" - Trung tướng Nguyễn Tiến Bình chia sẻ

Đậu Dung
.
.
.