Vì sao nạn "vàng tặc" ở Quảng Nam vẫn dai dẳng?

Thứ Bảy, 05/10/2019, 13:11
Thời gian gần đây, tại một số địa phương miền núi của tỉnh Quảng Nam như các huyện Phước Sơn, Nam Giang, Bắc Trà My, Phú Ninh, tình trạng khai thác vàng trái phép lại có diễn biến khá phức tạp. Mặc dù các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam thường xuyên tổ chức các đợt truy quét, đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng trái phép, song tình trạng khai thác vàng vẫn gây ra nhiều hệ lụy…


Rạng sáng 12-9, Phòng Cảnh sát môi trường phối hợp với Phòng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh Quảng Nam bí mật đột kích kiểm tra tại khu vực mỏ vàng Bồng Miêu thuộc thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh. Lực lượng chức năng phát hiện có 20 lán trại, hơn 100 người đang thực hiện các hoạt động khai thác vàng trái phép.

Đấu tranh tại hiện trường, các đối tượng khai nhận được các chủ khai thác thuê vào khu vực Lò 10, ngách gió Lò 10, bãi Thầu Đâu, khu vực mỏ vàng Bồng Miêu dựng lán trại, sử dụng các công cụ, phương tiện hoạt động khai thác vàng trái phép từ đầu tháng 8-2019. Kiểm tra tại khu vực lán trại phát hiện hơn 150 bao quặng.

Công an tỉnh Quảng Nam tổ chức lực lượng truy quét "vàng tặc" tại mỏ vàng Bồng Miêu.

Sau đó, tổ công tác đã phá hủy làm mất tác dụng các công cụ, phương tiện phục vụ cho hoạt động khai thác vàng trái phép, hoàn thổ khối lượng đá, quặng xuống lại khu vực khai thác, đồng thời đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng trái phép ra khỏi khu vực khai thác, lập lại tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Phòng Cảnh sát môi trường đã làm việc với các đối tượng có liên quan, đấu tranh làm rõ các chủ khai thác vàng trái phép để củng cố hồ sơ đề xuất Giám đốc Công an tỉnh xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Không chỉ trên địa bàn huyện Phú Ninh, thời gian qua, "vàng tặc" còn hoạt động khá rầm rộ tại khu vực vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (huyện Nam Giang). Và mới đây, đoàn công tác liên ngành của huyện Nam Giang đã tổ chức đợt truy quét các đối tượng khai thác vàng trái phép tại vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (thuộc xã Đắc Pring và Tà Pơơ, huyện Nam Giang).

Địa điểm mở đợt truy quét trên diện rộng tại các bãi vàng Thạnh Mỹ 1, khe Tà Vạc nằm trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. Qua đợt truy quét này, đã phá hủy 5 máy nổ, 1 củ điện, đốt phá 21 lán trại và nhiều công cụ phục vụ việc khai thác vàng, đồng thời đẩy đuổi gần 40 người ra khỏi khu vực khai thác vàng trái phép.

Điều đáng lo ngại là qua đợt truy quét này cho thấy, các đối tượng khai thác vàng trái phép ngày càng manh động và tinh vi hơn khi các thiết bị máy móc phục vụ việc khai thác vàng được chỉ đạo chôn rất kỹ và rất sâu, có nơi đến gần 2m dưới lớp đất đá nhằm gây khó khăn cho lực lượng chức năng; đồng thời các đối tượng được chia nhau phân tán rải rác trên các đỉnh đồi, cùng với thiết bị quan sát như ống nhòm để có thể nhìn xuống quan sát nhất cử nhất động của đoàn liên ngành hòng tìm cách đối phó.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Phòng TN&MT huyện Nam Giang, cho biết địa điểm truy quét nằm xa khu dân cư, thời gian di chuyển đến hiện trường từ 3-4 tiếng đồng hồ nên các đối tượng có đủ thời gian tháo dỡ lán trại, các phương tiện máy móc vật dụng đã được chôn cất sâu và trốn chạy vào rừng.

Các đối tượng khai thác lâm khoáng sản trái phép đã dùng nhiều cách ngụy trang khu vực chôn lấp rất khó phát hiện. Những đối tượng bắt gặp tại hiện trường chủ yếu là người làm thuê. Một số ghe thuyền trên lòng hồ thủy điện Sông Bung 4 tham gia vận chuyển tiếp tay cho các đối tượng khai thác lâm khoáng sản trái phép. Một số người dân tại xã Đắc Pring gùi cõng lương thực thực phẩm, dầu máy tiếp tay cho các đối tượng khai thác lâm khoáng sản trái phép mặc dù đã được xã tuyên truyền vận động nhưng vẫn còn diễn ra.

Đốt, phá hủy lán trại của "vàng tặc".

Sau đợt truy quét, Phòng TN&MT đã có báo cáo gửi UBND huyện Nam Giang, đề nghị UBND huyện tiếp tục chỉ đạo UBND xã Đắc Pring, Đồn Biên phòng Đắc Pring tăng cường quản lý con người ra vào vùng biên giới, và chủ động đề xuất giải pháp ngăn chặn tình trạng khai thác lâm khoáng sản trái phép như hiện nay.

Đồng thời, UBND huyện Nam Giang tiếp tục chỉ đạo Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh tăng cường hơn nữa công tác tuần tra quản lý bảo vệ rừng, hạn chế tình trạng các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép phá rừng làm lán trại và phục vụ hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Thực tế cho thấy, việc khai thác vàng trái phép không chỉ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, làm mất tình hình an ninh trật tự tại địa phương mà còn đe dọa trực tiếp đến tính mạng những người tham gia khai thác vàng trái phép. Gần đây nhất, ngày 30-7, tại một điểm đào đãi vàng trái phép thuộc bãi 3, xã Phước Kim, huyện Phước Sơn đã xảy ra vụ sập hầm vàng khiến 1 người thiệt mạng. Nạn nhân được xác định là Nguyễn Văn D. (40 tuổi, tạm trú thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn).

Ông Nguyễn Quảng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho biết địa bàn các xã Phước Kim, Phước Đức, Phước Thành là những nơi "nóng" về tình tạng khai thác vàng trái phép. Mặc dù chính quyền địa phương đã triển khai các đợt truy quét, đẩy đuổi nhưng tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn chưa được ngăn chặn dứt điểm.

Theo ông Quảng, ngoài việc đẩy đuổi các đối tượng khai thác vàng trái phép để tránh nguy cơ sập hầm vàng, đặc biệt trong mùa mưa lũ sắp đến, huyện Phước Sơn cũng đã yêu cầu các đơn vị được cấp phép khai thác vàng trên địa bàn bên cạnh việc đảm bảo tuyển dụng lao động, chính sách cho người lao động theo đúng quy định cần phải lên phương án phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn trong sản xuất.

Máy móc, thiết bị phục vụ việc khai thác vàng trái phép được các đối tượng chôn sâu dưới đất tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương tăng cường truy quét, đẩy đuổi, xử lý nghiêm hoạt động khai thác vàng trái phép.

Song, để xử lý triệt để tình trạng "vàng tặc" thực tế gặp không ít khó khăn do đối với mỏ vàng Bồng Miêu (huyện Phú Ninh), hiện trạng khai thác mỏ khá phức tạp, nhiều ngóc ngách ra vào; trong khi Đề án đóng cửa mỏ chưa được Bộ TN&MT phê duyệt do chưa bố trí đủ kinh phí. Địa phương không đủ lực lượng và thời gian để canh gác, đẩy đuổi liên tục được, do đó các đối tượng khai thác vẫn tìm cách xâm nhập để mót vàng.

Còn đối với các mỏ vàng khác do doanh nghiệp quản lý khai thác thì không có tình trạng khai thác trộm, chỉ xảy ra ở các khu vực có vàng sa khoáng chưa được làm thủ tục hoặc đang trong quá trình làm thủ tục để cấp cho doanh nghiệp. "Những khu vực này ở trong rừng sâu, địa hình hiểm trở, chia cắt bởi sông suối nên địa phương không đủ lực lượng ngăn chặn, chỉ có thể truy quét đẩy đuổi theo từng đợt", ông Lê Trí Thanh cho biết.

Nhằm tránh nguy cơ tái diễn sập hầm vàng gây chết người tại các điểm khai thác vàng trái phép trong mùa mưa lũ năm nay, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, tổ chức truy quét, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác vàng trái phép, qua đó góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự địa phương.

Ngọc Thi

.
.