Vì sao lái xe Grab đồng loạt đình công, phản đối?

Thứ Hai, 14/12/2020, 08:31
Sáng 7-12, hàng trăm tài xế mặc áo đồng phục Grab tập trung rất đông trước trụ sở công ty, tất cả đều tắt app, yêu cầu được làm việc với đơn vị chủ quản về việc tăng thuế ảnh hưởng tới thu nhập của họ. Nguyên nhân là khi Nghị định số 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực, cách tính thuế GTGT với các dịch vụ gọi xe công nghệ sẽ thay đổi. Các chuyên gia cho rằng, Grab lấy việc tăng mức thuế GTGT làm cớ để tăng cả phần trích nộp các khoản giảm từ của tài xế là không đúng.


"Chúng tôi chỉ là những người chạy xe ôm"

Anh Lê Đình Thành, tài xế Grab cho rằng việc Grab tăng giá cước cho mỗi chuyến đi là quá bất công với họ, điều này khiến anh và nhiều tài xế khác bức xúc. Trước đó, để đảm bảo thu nhập cho tài xế khi thuế VAT tăng theo Nghị định 126, Grab vừa tăng giá 5-6% dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ trên toàn quốc.

Hàng trăm tài xế Grab tụ tập trước trụ sở chính của Grab để phản đối việc tăng thuế với họ.

Như vậy, giá cước 2km đầu tiên cho dịch vụ Grab Car 4 chỗ tại Hà Nội, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ tăng lên 27.000 đồng, cao hơn 2.000 so với trước ngày 5-12. Mức cước này tại các thành phố khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng... tăng 3.000 đồng thành 25.000 đồng. Grab cũng điều chỉnh tăng giá cước mỗi kilomet (sau 2km đầu tiên) cho dịch vụ Grab Car 4 chỗ 500-1.000 đồng tùy từng thành phố, trong đó 1.000 đồng là mức tăng lớn nhất áp dụng cho khách hàng tại Hà Nội và Bắc Ninh.

Hiện tại, giá mỗi kilomet Grab Car 4 chỗ tại Hà Nội và Bắc Ninh là 9.500 đồng, tương đương TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Doanh nghiệp này cũng điều chỉnh giá cước dịch vụ Grab Car 7 chỗ với các tỉ lệ tăng tương đương 4 chỗ. Với dịch vụ xe ôm công nghệ Grab Bike, giá cước mỗi kilomet (sau 2km đầu tiên) tăng từ 3.400 đồng lên 4.000 đồng. Còn giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2km đầu tiên) tăng từ 300 lên 350 đồng mỗi phút.

Anh Nguyễn Duy Long (43 tuổi, Hà Nam) cho rằng nhà quản lý dùng từ đối tác hay tài xế xe công nghệ hay hợp tác kinh doanh, nhưng thực chất anh luôn nghĩ mình chỉ là người chạy xe ôm. "Tôi chỉ là người chạy xe ôm, lấy công làm lãi chứ có đối tác gì đâu. Họ cứ cho là đối tác là người làm kinh doanh rồi thu 10% doanh thu là không phù hợp với thực tế những người như tôi. Thu thuế như vậy, thà tôi đi làm công nhân để nhận đủ lương, khỏi phải đóng 10% trên số tiền lương mình được nhận", anh Long nói.

Theo thống kê của Grab, khoảng 90% đối tác tài xế 2 bánh đang sử dụng dịch vụ kết nối Grab có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, tức chỉ có thu nhập đủ cho mức sống tối thiểu. Với quy định hiện hành, nếu một chuyến xe có cước phí 100.000 đồng, tài xế sẽ nhận được khoản doanh thu là 76.400 đồng (sau khi trừ thuế và phí dịch vụ kết nối). Với quy định mới áp dụng từ ngày 5-12, tài xế sẽ chỉ còn nhận được 70.800 đồng, tức giảm khoảng 7,3% doanh thu so với mức hiện nay.

Trường hợp công ty tăng cước xe để giữ nguyên thu nhập của tài xế, các doanh nghiệp vận tải sẽ phải tăng cước thêm 7,3% và người tiêu dùng sẽ gánh khoản tăng thêm này.

Các chuyên gia kinh tế nói gì?

Trao đổi với báo chí, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính thuế cho biết, theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 5-12, cách tính thuế GTGT với các dịch vụ gọi xe công nghệ sẽ thay đổi. Như vậy, các tổ chức hợp tác kinh doanh như Grab, Gojek, Bee… sẽ phải khai thuế GTGT cho toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh với mức thuế là 10% (thay vì 3% như trước đây) và khai thay, nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho các tài xế hợp tác với các hãng xe công nghệ này.

Ông Thịnh nhấn mạnh, việc tăng mức thuế GTGT từ 3% lên 10% là chủ trương hoàn toàn đúng nhưng Grab lấy đó làm căn cứ để tăng cả phần trích nộp các khoản giảm trừ của tài xế là không đúng. Bởi quy định mới này không làm tăng nghĩa vụ thuế đối với cá nhân tài xế công nghệ, thậm chí còn giảm do chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân chứ không gánh thuế GTGT như lâu nay. Grab lấy việc tăng mức thuế GTGT làm cớ để tăng cả phần trích nộp các khoản giảm từ của tài xế là không đúng.

Về vấn đề này, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế cho biết: "Grab, Be, Gojek là đơn vị kinh doanh vận tải chứ không phải cung cấp giải pháp công nghệ. Trước đây do văn bản pháp lý chưa có nên các hãng vận tải công nghệ khai và nộp thuế GTGT trên phần họ được hưởng, chứ không khai và nộp thuế trên toàn bộ doanh thu. Hiện Nghị định 126 đã hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với hoạt động kinh doanh vận tải công nghệ, theo đó thuế GTGT là doanh nghiệp thu và nộp thay người tiêu dùng".

Từ đó có thể thấy, tài xế sẽ không phải nộp 3% thuế GTGT như hiện nay nữa, trách nhiệm nộp là của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vận tải công nghệ Grab, Bee, Gojek sẽ phải có nghĩa vụ nộp thuế GTGT chứ không phải là tài xế.

Phong Anh
.
.
.