Vì sao dự án thu phí tự động không dừng "vỡ" tiến độ?
Đây là lần thứ 3 điều chỉnh thời hạn hoàn thành dự án này. Việc liên tục "trễ hẹn" khiến cho nhiều chuyên gia và người dân đặt dấu hỏi về tính khả thi của dự án cũng như sự quyết tâm vào cuộc của Bộ này.
Chính thức "vỡ" tiến độ
Hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí BOT do Bộ GT-VT là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được chia làm 2 dự án.
Dự án giai đoạn 1 có tổng số 44 trạm, gồm 26 trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác được bổ sung vào dự án. Đến nay, đã lắp đặt, vận hành 25/26 trạm trên quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và 13 trạm trên các tuyến quốc lộ khác.
Đối với 5 tuyến cao tốc do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc VN (VEC) quản lý, chỉ có 1 tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đang lắp đặt thiết bị, dự kiến vận hành vào đầu tháng 1-2020. Bốn tuyến còn lại chưa thể triển khai thực hiện nên không thể hoàn thành trong năm 2019 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trước thực tế này, Bộ GT-VT lý giải do nhiều nguyên nhân như do nguồn vốn để đầu tư hệ thống thiết bị ETC tại các trạm thu phí do hiệp định vay vốn các dự án đã hết. Việc chuyển VEC về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, trong khi phân cấp, phân quyền giữa Bộ GT-VT và Ủy ban chưa rõ ràng cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai hệ thống ETC.
Cũng theo Bộ này, đến thời điểm hiện tại, vướng mắc lớn nhất tại các trạm thu phí thuộc dự án giai đoạn 1 hiện nay là doanh thu hoàn vốn cho dự án ETC không như dự kiến ban đầu do tiến độ ký hợp đồng dịch vụ, trích doanh thu còn chậm. Ngoài ra, việc nhiều dự án BOT sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính ban đầu cũng làm ảnh hưởng đến nguồn thu của dự án thu phí tự động không dừng.
Làn thu phí tự động tại một trạm thu phí BOT. |
Vì những khó khăn, vướng mắc như trên, nhà đầu tư dự án là Công ty VETC đã đề xuất dừng triển khai dự án để chuyển giao cho nhà đầu tư khác hoặc Nhà nước nhận lại dự án để tiếp tục thực hiện.
Dù mong muốn là thế, song sau khi xem xét đề xuất của Công ty VETC, Bộ GT-VT đã không đồng thuận giải pháp trên mà sẽ tiếp tục phối hợp với VETC và các cơ quan đơn vị có liên quan từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai nhằm đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Với dự án giai đoạn 2, Bộ GT-VT cho biết có tổng số 33 trạm, bao gồm: 10 trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và 23 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác.
Dự án đã lựa chọn được liên danh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty cổ phần Vietinf và một số doanh nghiệp công nghệ khác là nhà đầu tư thực hiện dự án từ tháng 5-2019. Hiện nay, nhà đầu tư chưa hoàn thiện thủ tục thành lập doanh nghiệp dự án theo quy định.
Với tiến độ thành lập doanh nghiệp dự án chậm như hiện nay, dự án có nguy cơ không hoàn thành đúng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ... Việc chưa thành lập doanh nghiệp dự án của Viettel không phải lỗi của nhà đầu tư BOT nên Bộ GT-VT không đủ cơ sở dừng thu phí các trạm không kịp triển khai thu phí không dừng trước ngày 31-12-2019 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trước tình trạng triển khai hai dự án trên chậm, Bộ GT-VT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho gia hạn thực hiện hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí thuộc giai đoạn 2 và các dự án cao tốc do VEC quản lý sang năm 2020. Như vậy, dự án thu phí tự động không dừng đã chính thức ''vỡ'' tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng là trước 31-12-2019, tất cả các trạm thu phí trên cả nước phải lắp đặt và vận hành làn thu phí không dừng.
Lùi thời hạn do điều kiện thực hiện chưa được minh bạch?
Cần nhắc lại, trong vòng 5 năm qua, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng đã nhiều lần yêu cầu Bộ GT-VT phải nhanh chóng xử lý các vướng mắc, hoàn thành đúng tiến độ và thời gian áp dụng thu phí không dừng tại các trạm thu phí trong kế hoạch. Việc lắp đặt hệ thống thu phí không dừng, theo kế hoạch đáng ra phải hoàn thành từ cuối năm 2018. Sang năm 2020, tất cả các trạm thu phí sẽ phải chuyển sang công nghệ thu phí tự động không dừng.
Theo tính toán, việc áp dụng thu phí không dừng giúp giảm thời gian thu phí, giảm tiêu thụ nhiên liệu cho phương tiện nhờ duy trì tốc độ trên đường với mức quy đổi nếu áp dụng trên toàn quốc vào khoảng hơn 3.000 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, sự chậm trễ của dự án này lại cho thấy hướng tiếp cận của Bộ GT-VT ngay từ đầu đã không ổn.
Theo nhiều chuyên gia giao thông, nguyên nhân căn bản nhất khiến dự án thu phí không dừng liên tục "trễ hẹn" chính là Bộ GT-VT. Ban đầu, Bộ này đã không nghiên cứu một cách kỹ lưỡng để nhận ra những bất cập của thu phí không dừng khi triển khai dự án.
Từ đó, thay vì nêu rõ những ưu điểm, hạn chế của dự án, Bộ GT-VT lại chỉ lọc ra những ưu điểm để thuyết minh nhằm tăng tính thuyết phục cho dự án này. Đến khi bắt tay vào triển khai, những bất cập ngày một lộ rõ thì Bộ GT-VT lại tỏ ra lúng túng trong việc đưa ra những giải pháp tháo gỡ.
Chưa dừng lại ở đó, trong quá trình triển khai dự án thu phí không dừng, Bộ GT-VT đã thể hiện không đúng vai trò của mình. Đúng ra, với vai trò là một cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ GT-VT cần đứng ngoài đưa ra những quy định cụ thể để làm quy chuẩn cho các đơn vị tham gia triển khai thu phí không dừng thực hiện thì cơ quan này lại "xắn tay" vào đàm phán với đơn vị lắp đặt thu phí tự động thay cho các nhà đầu tư BOT. Điều này không những không giúp tiến độ dự án tiến nhanh hơn mà còn gây ra những bất đồng không nhỏ giữa các nhà đầu tư BOT với đơn vị cung cấp thiết bị thu phí không dừng và với Bộ GT-VT.
Một số trạm thu phí đã hoàn thiện việc triển khai làn thu phí tự động không dừng. |
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, việc Bộ GT-VT phải xin lùi ngày "về đích" trước giờ G là do tất cả các điều kiện để thực hiện chưa được minh bạch.
Cụ thể, về phía Bộ GT-VT, là cơ quan quản lý nhà nước tổ chức thực hiện thu phí tự động không dừng nhưng trong điều kiện chưa hội đủ các yếu tố để bảo đảm cho việc tổ chức triển khai thu phí không dừng được thuận lợi, suôn sẻ. Đó là bài toán làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư BOT và nhà đầu tư thiết bị thu phí không dừng; Là giá phí, thời gian thu phí, việc xác định dòng tiền đổ vào ngân hàng...
Rất nhiều vấn đề liên quan tới doanh thu của doanh nghiệp BOT chưa được giải quyết triệt để dẫn tới những mâu thuẫn phát sinh, lợi ích không được thống nhất doanh nghiệp BOT đòi trả lại, cơ quan quản lý thì lúng túng không xử lý được. Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư chưa đồng ý tổ chức đàm phán hợp đồng, chưa thống nhất mức trích tỷ lệ sử dụng dịch vụ hoặc đồng ý mức trích nhưng chờ sự đồng thuận từ địa phương, ngân hàng tài trợ vốn.
Về phía người dân, khi các giải pháp quản lý chưa triển khai đồng bộ, thống nhất, chưa tạo được lòng tin, khuyến khích người dân thực hiện thì người dân chưa muốn thực hiện. Do đó, muốn người dân tự nguyện dán thẻ ETAG thì cơ quan quản lý và doanh nghiệp phải làm cho tốt, phải tạo được sự thuận lợi cho người dân khi tham gia. Làm được như vậy, chắc chắn người dân sẽ ủng hộ.
Theo ông Liên, từ việc "vỡ trận" này, cần phải xử lý trách nhiệm thật nghiêm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, không tạo tiền lệ xấu. "Nếu không làm nghiêm sẽ tạo tiền lệ ai muốn làm gì thì làm. Cơ quan quản lý sai nhưng không ai bị xử lý. Còn doanh nghiệp thực hiện cứ thấy khó là đòi, là trả, là ăn vạ cơ quan quản lý", ông Liên nhấn mạnh.
Với tiến độ triển khai ì ạch như hiện nay, không biết Bộ GT-VT sẽ còn tiếp tục "trễ hẹn" đến khi nào.
Lãnh đạo Công ty TNHH Thu phí tự động (VETC) cho biết, đến nay mới có khoảng hơn 810.000/3.000.000 xe đã dán thẻ Etag. Trong số những xe đã dán thẻ, tỷ lệ chủ xe đã nạp tiền vào tài khoản giao thông để sử dụng mới chỉ đạt khoảng 30%, một con số quá thấp so với kỳ vọng. Mặc dù VETC đến nay đã mở nhiều hình thức dán thẻ Etag ở các trung tâm đăng kiểm và 210 điểm dán thẻ trực tiếp trên toàn quốc, mỗi phương tiện dán thẻ chỉ 5 phút, nhưng nhiều phương tiện vẫn "phớt lờ". |