Vì sao Việt Nam có quá ít trường đại học lọt bảng xếp hạng danh giá?

Thứ Tư, 07/11/2018, 15:38
Cuối tháng 10-2018, trong Bảng xếp hạng đại học châu Á được Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) của Anh công bố, Việt Nam góp mặt 7 trường đại học, trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội với vị trí 124, tăng 15 bậc so với vị trí 139 của năm trước; Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 261-270, tăng 30 bậc so vị trí 291-300 của năm 2017.


Như vậy, sau khi Việt Nam có 2 đại học vào top 1000 đại học hàng đầu thế giới (là 2 Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), việc có thêm 7 đại học lọt vào bảng xếp hạng các đại học hàng đầu châu Á đã cho thấy một nỗ lực bền bỉ của các trường đại học này. Nhưng cũng từ bảng câu hỏi đặt ra là vì sao Việt Nam còn quá ít các trường đại học lọt vào các bảng xếp hạng danh giá?

"Giải cơn khát" xếp hạng!

Xếp hạng có quan trọng không? Câu trả lời là có, bởi các trường đại học lọt được vào bảng xếp hạng phải là trường đại học có uy tín. Giáo sư Nguyễn Hữu Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội) thì cho rằng, xếp hạng đại học giúp xác định vị thế và uy tín của các trường đại học, đồng thời là nguồn thông tin tốt giúp các trường đại học điều chỉnh chiến lược để tiếp tục nâng cao chất lượng và vị thế của mình.

Theo nghiên cứu của nhóm nghiên cứu về xếp hạng đại học của Trường Đại học Ngoại thương, năm 2018, Tổ chức QS đã xem xét dữ liệu của 4.763 đại học từ 151 quốc gia. Sau vòng sơ loại còn 1.233 trường được đối sánh tiếp. Kết quả cuối cùng có 1.011 trường đại học của 85 quốc gia đã được xướng tên. Có 60 đại học lần đầu lọt top 1.000 này, trong đó Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh thuộc nhóm 701-750 và Đại học Quốc gia Hà Nội thuộc nhóm 801-1000. 

Tiêu chí "đánh giá của nhà tuyển dụng" được QS đánh giá là tiêu chí mạnh nhất của Đại học Quốc gia Hà Nội, đứng thứ 498. Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 497 về tiêu chí "đánh giá của học giả". 

Các lĩnh vực khác của hai đại học quốc gia như: "Số trích dẫn trung bình/giảng viên, giảng viên quốc tế và sinh viên quốc tế" đều thuộc nhóm 601+. Kết quả này cho thấy, chất lượng, uy tín đào tạo và nghiên cứu của hai đại học quốc gia đã hội nhập vươn ra xa hơn ở tầm thế giới, đã được các nhà khoa học và tuyển dụng trên thế giới biết đến và thừa nhận nhiều hơn.

Năm nay, bảng xếp hạng đại học châu Á của QS xếp hạng 505 đại học thuộc 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 92 đại học lần đầu tiên có tên, trong đó có Đại học Tôn Đức Thắng của Việt Nam. Ngoài 10 chỉ số đánh giá, năm nay lần đầu tiên QS đưa thêm chỉ số về "mạng lưới nghiên cứu quốc tế" với trọng số 10%.

Tăng cường đầu tư cho nghiên cứu khoa học cũng là giải pháp giúp các trường thăng hạng.

Trong số 7 đại học của Việt Nam có tên trong Bảng xếp hạng, có 2 đại học lọt top 150 đại học hàng đầu châu Á là Đại học Quốc gia Hà Nội (đứng thứ 124) và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (đứng thứ 144). Tiêu chí "đánh giá của học giả" đối với hai đại học quốc gia này có thứ hạng tương đối cao. 

Cụ thể, Đại học Quốc gia Hà Nội đứng thứ 103 và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 85. Tuy nhiên, "tỷ lệ sinh viên quốc tế, số bài báo trên giảng viên, số giảng viên có trình độ tiến sĩ" lại tương đối thấp (đứng thứ 301+) làm cho tổng điểm của hai đại học này thấp, dẫn đến thứ hạng chưa cao.

Năm nay là năm đầu tiên Trường Đại học Tôn Đức Thắng có tên trong bảng xếp hạng, nhưng có đến 4 chỉ số cao nhất (trên tổng số 5 chỉ số có sẵn số liệu) trong số các trường của Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội xếp ở vị trí 261-270, vươn lên 30 bậc so với năm 2018, dẫn đầu các trường đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các Bộ, ngành và các trường đại học đang triển khai thí điểm tự chủ toàn diện tại Việt Nam.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, với tiêu chí "mạng lưới nghiên cứu quốc tế" lần đầu tiên được đưa vào đánh giá, Trường được đánh giá đứng thứ 135 trong khu vực, vị trí tương đối cao. Ở tiêu chí khảo sát "ý kiến nhà tuyển dụng về chất lượng sinh viên tốt nghiệp", Trường đã có bước tăng đáng kể, lên mức 161. 

Với tiêu chí "tỷ lệ sinh viên đến trao đổi", Trường cũng có mức tăng lên 215. Tiêu chí "số lượng giảng viên là tiến sĩ" của nhà trường đã dần tiệm cận với mức trung bình khu vực, đạt 65,9 so với 69,9. Nhưng "mục tiêu của các trường đại học không phải là xếp hạng, tuy nhiên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng như mỗi trường đại học khác chắc chắn đều vui mừng khi được xếp hạng cao trong các bảng xếp hạng quốc tế hay khu vực. 

Các bảng xếp hạng quốc tế mặc dù sử dụng những chỉ số đánh giá có thể khác nhau, nhưng các tiêu chí chính phần lớn giống nhau ở chỗ phản ánh về chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Qua những chỉ số đánh giá, chúng tôi có thể đối sánh với các trường khác trong nước hay trong khu vực về chất lượng các hoạt động, từ đó có phương hướng để cải thiện những chỉ số quan trọng theo chiến lược phát triển của trường", PGS. Hoàng Minh Sơn chia sẻ.

Thăng hạng bằng cách nào?

Theo các chuyên gia nghiên cứu về xếp hạng, các trường muốn vươn lên vị trí cao hơn cần phải vượt qua nhiều thách thức, đặc biệt là công bố quốc tế. Bảng xếp hạng cũng cho thấy, sức ép cạnh tranh sẽ khiến các trường đại học không dựa được vào ánh hào quang "truyền thống" mà phải đầu tư theo chiều sâu vào nghiên cứu và nâng cao chất lượng giáo dục. 

Theo nhóm nghiên cứu về xếp hạng đại học của Đại học Ngoại thương, về cơ bản, các trường đại học ở Việt Nam đa số là đơn ngành, năng lực nghiên cứu khoa học rất hạn chế, và yếu nhất là "bài báo quốc tế" (bài báo quốc tế nếu xuất hiện ở các tạp chí thứ hạng không cao thì cũng không được tính điểm), nên chúng ta chưa có nhiều trường đại học trong các bảng xếp hạng. 

Để làm tốt điều này, việc nâng cao trình độ ngoại ngữ cũng như khả năng viết bài báo quốc tế là điều rất quan trọng. Nhóm nghiên cứu trên còn đề xuất, chúng ta cần sắp xếp, hợp nhất các trường để trở thành các đại học đa ngành (gồm nhiều trường thành viên giống chuẩn đại học (university) quốc tế). 

Bộ Giáo dục và Đạo tạo cần thành lập một tổ chức xếp hạng các trường đại học của Việt Nam, sử dụng ngay phương pháp luận của tổ chức QS, để có thể định vị một cách chính xác vị trí của các trường đại học của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, có một thực tế là chỉ số "số bài báo/giảng viên" của Việt Nam rất thấp và đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho thứ hạng đại học của Việt Nam chưa cao. Một chỉ số nữa của Việt Nam cũng rất thấp nữa là "tỷ lệ sinh viên của trường đi trao đổi". 

Chỉ số này của Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ đạt 8,6 và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh là 7,1 so với mức trung bình của top 10 đại học hàng đầu châu Á là 88,8 và mức trung bình của top 100 là 61,5. Do vậy, để Việt Nam có thứ hạng cao hơn ở tiêu chí này, "Nhà nước cần đầu tư hơn nữa và tạo điều kiện để có thể tăng số lượng sinh viên đi trao đổi, học tập tại các nước khác trên thế giới", nhóm nghiên cứu của Đại học Ngoại thương kiến nghị.

Đổi mới phương pháp đào tạo, có sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ sẽ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong các cơ sở giáo dục đại học.

Tỷ lệ giảng viên quốc tế của Việt Nam cũng là điều mà các nhà quản lý giáo dục đại học phải suy nghĩ, để có chiến lược thu hút nhân tài, mời giảng viên nước ngoài đến trường thỉnh giảng, tham gia giảng dạy lâu dài. Tỷ lệ này của Đại học Quốc gia Hà Nội là 6,9; Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh là 2,3 so với mức trung bình của top 10 đại học hàng đầu châu Á là 85,3 và top 100 là 57,4.

"Cơn khát" có trường đại học lọt trong bảng xếp hạng đã được "giải tỏa", vậy sau đó, những trường này có "ngủ quên" trên bảng xếp hạng hay không? PGS.TS Hoàng Minh Sơn cho hay: "Giống như việc học tập, có được năng lực thực sự mới là quan trọng chứ không phải điểm số hay số thứ tự qua một kỳ thi, vì vậy chúng tôi không chạy theo thứ hạng mà quan trọng hơn chính là nỗ lực liên tục để vượt qua chính mình, liên tục nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu để đóng góp cho xã hội. Còn nếu nhìn vào thứ hạng, việc có mặt trong bảng xếp hạng hay đứng trong top 200, 300 khu vực châu Á chưa phải là thành tích cao nên chắc chắn không thể làm các trường ngủ quên". 

Trước ý kiến cho rằng, "sức nóng" xếp hạng chưa thực sự lan tỏa, và người học dường như cũng chưa quan tâm tới vấn đề này, PGS. Hoàng Minh Sơn chia sẻ, "điều người học quan tâm nhất là môi trường, điều kiện học tập, chất lượng giảng dạy và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp chứ không phải xếp hạng đại học. 

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế thì thứ hạng đóng góp nhiều cho uy tín quốc tế của mỗi trường, vì thế nếu một trường đã rất có uy tín về chất lượng đào tạo thì việc tăng thứ hạng chắc chắn cũng sẽ làm cho cả sinh viên và cựu sinh viên vui mừng và hãnh diện. Tuy nhiên, có những trường không có mặt trong bảng xếp hạng vẫn thu hút học sinh giỏi, trong khi đó có những trường nằm trong bảng xếp hạng nhưng không thu hút được thí sinh giỏi".

Trong khi một số trường đại học nỗ lực thăng hạng thì nhiều trường đại học cho biết, "giấc mơ" xếp hạng với họ quá xa vời, do đó, họ cũng không đầu tư cho xếp hạng. Về vấn đề này, PGS.TS Hoàng Minh Sơn bày tỏ quan điểm, mỗi trường có một sứ mạng riêng và phải xác định chiến lược phát triển phù hợp với sứ mạng của mình. 

Để có được thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng quốc tế đòi hỏi đầu tư rất lớn, nên ngay cả tại các nước có nền giáo dục đại học được coi là hàng đầu thế giới như Mỹ, Anh, Đức hay Nhật, thì cũng không phải có nhiều trường quan tâm đầu tư hoặc có điều kiện đầu tư cho xếp hạng.

Vừa qua, một số trường đại học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thực hiện cơ chế tự chủ. Đây được xem là giải pháp hiệu quả để các trường phát huy nội lực của mình, có cơ hội thu hút nguồn lực từ xã hội đem lại nhiều tác động tích cực, qua đó góp phần cải thiện thứ hạng. Sau khi Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được tự chủ, Bộ vẫn tiếp tục quan tâm tới trường qua việc hỗ trợ phát triển các dự án phát triển năng lực nghiên cứu (đặc biệt vừa qua đã thông qua Dự án nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu với vốn vay của Ngân hàng thế giới).  

Theo kiến nghị của một số trường đại học, thời gian tới, Chính phủ và Bộ cần tiếp tục quan tâm hơn nữa để một số đại học định hướng nghiên cứu trong nước có điều kiện phát huy hơn nữa vai trò đầu tàu trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trước hết là để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế-xã hội của đất nước. Đây là cách hiệu quả giúp các trường đại học tiếp tục cải thiện thứ hạng trên các bảng xếp hạng quốc tế và khu vực.

Thu Phương
.
.
.