Vị bác sĩ già 30 năm chữa bệnh miễn phí
- Khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân nghèo huyện Tân Biên
- Tặng quà, khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho đồng bào nghèo xã Lóng Luông
- Bệnh viện Chợ Rẫy: Khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 4.800 lượt người
Từng đó thời gian ông khám và chữa bệnh cho không biết bao người nhưng chưa từng một lần ông nhận tiền thù lao. Ông bảo: "Bệnh nhân khỏe là niềm vui lớn nhất của tôi rồi, tiền bạc khi ấy đâu có nghĩa lý gì".
Vị bác sĩ đáng kính ấy là ông Đặng Cát, sinh năm 1936. Ông Cát sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nhiều đời làm nghề y tại tỉnh Nam Định. Năm 1952, ông Cát lên đường nhập ngũ và được phân công làm y tá cho Đội Điều trị 2 của Cục Quân y.
Năm 1966, ông được đơn vị gọi trở lại Hà Nội để học tại Học viện Quân y. Năm 1969, ra trường, ông lại tiếp tục ba lô con cóc lên Tây Bắc làm Chủ nhiệm quân y của Công an vũ trang Sơn La. Là người ham học hỏi, tìm tòi và nghiên cứu nên trong thời gian công tác tại Sơn La, ông Cát đã mày mò ra nhiều bài thuốc Nam kết hợp với Tây y khiến việc điều trị bệnh rất hiệu quả.
Ông nhớ lại: "Tôi còn nhớ rất rõ hồi ấy khoảng năm 1972, tôi đã cứu một cháu bé 3 ngày tuổi tên là Nguyễn Thành Đồng. Cậu bé ấy lúc mới sinh hoàn toàn bình thường nhưng 4 ngày sau thì bụng chướng to. Gia đình đã đưa cậu bé tới bệnh viện cấp cứu nhưng đến ngày thứ 8 thì bị bệnh viện trả về. Hôm đó tôi đang ngủ say thì nghe thấy tiếng đập cửa rất mạnh, khi mở cửa thì người thân của cậu bé cầu cứu tôi giúp đỡ. Dù chỗ tôi ở chỉ cách nhà cậu bé chừng 1 cây số nhưng do địa hình là đồi núi nên đi lại rất khó khăn.
Phải mất khá nhiều thời gian tôi mới tới được nhà của Đồng. Lúc đó bụng cậu bé ấy phình to lắm, nhiều người thân đang khóc ngằn ngặt vì tin rằng cậu bé chẳng thể qua khỏi. Tôi khám thì phát hiện Đồng bị nhiễm độc. Bằng kinh nghiệm của mình tôi đã cố gắng để cứu cậu bé, kết quả chính tôi cũng không ngờ vì đến khoảng ngày thứ 13 là bụng cậu bé xẹp xuống và chịu bú sữa mẹ".
Ông Đặng Cát đang chữa bệnh cho bệnh nhân tại nhà. |
10 năm sau, ông Cát trở về trường Sĩ quan Biên phòng tại Sơn Tây (nay là Học viện Biên Phòng) làm Chủ nhiệm quân y rồi nghỉ hưu năm 1989 với quân hàm Trung tá. Thông thường, khi được nghỉ hưu người ta hay nghĩ đến những giây phút thư thái, sum vầy bên con cháu, coi đó là niềm vui lớn nhất lúc về già nhưng với bác sĩ Đặng Cát thì lại khác.
"Tôi luôn nghĩ rằng mình vẫn còn sức, còn kinh nghiệm và sự hiểu biết thì tại sao lại không dùng những thứ đó để giúp đỡ nhiều người khác. Trong thời gian còn công tác tôi rất hiểu, có những bệnh nhân dù biết mình mắc bệnh hiểm nghèo nhưng cũng đành buông xuôi vì không lấy đâu ra tiền mà chữa trị. Nhìn những số phận thương tâm như thế tôi không cầm được lòng mình, nó luôn ám ảnh tâm trí tôi" - ông Cát chia sẻ.
Chính vì những suy nghĩ ấy khiến bác sĩ Đặng Cát khi về hưu đã không chịu "yên phận" hưởng an nhàn mà chủ động tìm đến với người bệnh. Ông kể rằng, những bệnh nhân được ông khám chữa bệnh miễn phí đầu tiên chỉ là những người hàng xóm láng giềng sống quanh khu phố.
Có lần giữa đêm khuya, trời mùa đông rét như cắt da cắt thịt, đang nằm trong chăn ấm ông nghe tiếng gọi thất thanh nhờ ông tới cứu một phụ nữ đã uống thuốc trừ sâu để tự tử. Lúc đó bệnh nhân đã sùi bọt mép, co giật nên người nhà không dám đưa đến bệnh viện cấp cứu vì sợ đoạn đường di chuyển dài sẽ khiến người thân của mình không còn cơ hội sống.
"Khi tôi đến bệnh nhân đã có biểu hiện giãn đồng tử, bắt đầu mất ý thức. Tôi mau chóng tiến hành sơ cứu, rất may là người phụ nữ ấy đã qua khỏi cơn nguy kịch. Đến bây giờ người thân và cả người phụ nữ ấy vẫn thỉnh thoảng qua nhà tôi chơi. Chỉ cần vậy thôi là tôi thấy vui lắm rồi" - ông Cát vui vẻ tâm sự.
Một góc căn nhà tuềnh toàng của ông Cát - nơi những bệnh nhân được khám bệnh. |
Tiếng lành đồn xa, bệnh nhân của ông Cát dần dần không còn chỉ là những người trong khu phố mà họ đến từ nhiều nơi trên cả nước. Có những bệnh nhân đến từ Thanh Hóa, Phú Thọ, Huế, Bình Định…
Thậm chí có những người là Việt kiều cũng tìm đến với phòng khám của ông. Những bệnh nhân này thường là bị xuất hiện các u ở đầu, ở cổ, ở ngực; ung thư phế quản; ung thư đại tràng, thiểu năng tuần hoàn não, hẹp van tim, nấm…
Điều khiến vị bác sĩ tốt bụng luôn trăn trở là bệnh nhân ở các tỉnh xa về Hà Nội thường phải thuê nhà trọ tới mấy trăm nghìn đồng/ngày, tính ra mỗi đợt điều trị 10 ngày thì tiền thuê nhà tốn hơn tiền thuốc. Do đó, với chuyên môn y khoa sâu rộng và kinh nghiệm tích lũy, khi kê thuốc cho bệnh nhân, ông Cát luôn phải cân nhắc để có phương án vừa thuận tiện, vừa đỡ tốn kém nhất cho họ.
Đã có rất nhiều trường hợp từng bi quan, chán nản về tình trạng bệnh tật, nhưng sau khi được ông Cát khám và điều trị, sức khỏe đã hồi phục, trở lại cuộc sống bình thường. Nhiều gia đình coi ông như ân nhân nên thỉnh thoảng vẫn qua lại thăm hỏi.
Nếu như những năm trước, ông Cát vẫn thường đạp xe đến nhà bệnh nhân để thăm khám thì mấy năm trở lại đây ông gần như không đi nữa. Một phần do tuổi cao, một phần vì ông nghĩ: "Mình đến nhà thì chỉ khám được một người, còn ở nhà thì khám được nhiều người hơn".
Trước đó, những người dân sống trên đường Lạc Long Quân dường như đã quá quen với hình ảnh một vị bác sĩ già lóc cóc đạp chiếc xe đạp thống nhất đeo theo một túi "đồ nghề" để đến thăm khám cho những người bệnh. Có ngày ông phải đạp tới 10 cây số mới tới được nhà bệnh nhân.
Ông bảo: "Những người đó thường là mắc bệnh nặng lắm rồi, người thân không thể chở đến nhà tôi được nên tôi phải tự đến. Với lại, nguyên tắc khám chữa bệnh của tôi là không khám qua điện thoại. Một phần là vì khả năng chính xác không cao, phần khác là vì tôi sợ khi mình bận quá người ta gọi đến mà mình không nghe được thì mang tiếng chết. Đó cũng là lý do vì sao tôi tuyệt đối không dùng điện thoại".
Những lúc rảnh rỗi ông Cát thường xem lại những kỷ niệm một thời hào hùng. |
Có một điều đặc biệt ở vị bác sĩ già này, đó là ông rất hiếm khi ghi tên tuổi, bệnh án của bệnh nhân trong sổ, nhưng khi gặp lại họ lần thứ 2 thì ông có thể đọc vanh vách "tiểu sử bệnh" của người đó. Minh chứng là hôm chúng tôi tới gặp ông, đang nói chuyện thì có 2 người khách đến.
Họ vừa bước vào nhà ông Cát đã nói với chúng tôi: "Đây là bệnh nhân bị u thanh quản, ở Cống Vị, còn kia là con trai đưa bà ấy tới khám". Sau khi được ông Cát khám lại, bệnh nhân quay ra trò chuyện với chúng tôi. Bà giới thiệu mình tên là Đoàn, 80 tuổi.
"Cách đó 2 năm tôi bị u thanh quả, nó chèn rất đau nên tôi nói cũng khó mà ăn cũng khó. Tôi đã đi chữa ở 4 bệnh viện rồi nhưng bệnh viện nào bác sĩ cũng khuyên tôi phải mổ. Con cái thì thấy tôi già rồi, sợ không đủ sức khỏe để làm phẫu thuật nên chúng không đồng ý. Sau đó, chúng nó nghe được ai mách nên đưa tôi đến bác sĩ Cát để chữa. Từ hồi đó tới nay cái khối u đó xẹp luôn. Hôm nay tôi bảo con đưa đến khám lại cho yên tâm" - bà Đoàn kể lại.
Việc làm ý nghĩa của ông Đặng Cát qua nhiều năm tháng đã được nhân dân và chính quyền các cấp ghi nhận. Ông được Quận ủy Tây Hồ tôn vinh, khen thưởng về thành tích trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh (năm 2009); được UBND TP Hà Nội công nhận danh hiệu "Người tốt, việc tốt tiêu biểu" (năm 2013); là một trong 124 gương điển hình tiên tiến tại Triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý" do Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức nhân dịp kỷ niệm 124 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2014)… Năm 2017, ông vinh dự là 1 trong 10 đề cử cho danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú.
Nếu như xã hội đang điên đầu về vấn nạn bác sĩ nhận phong bì thì ở đây có một vị bác sĩ già vẫn ngày ngày tận tâm khám, chữa cho bệnh nhân mà chưa từng nhận một đồng thù lao. Việc làm ý nghĩa ấy được duy trì gần 30 năm nay. Đã có biết bao con người từng ở trong tình trạng "thập tử nhất sinh" được ông Cát cứu sống. Đó mới chính là niềm vui của vị bác sĩ già, bởi ông quan niệm: "Cho đi là còn mãi".