Về miền quê có 2 bà mẹ hy sinh con để bảo vệ dân làng

Thứ Ba, 16/05/2017, 16:05
Ngày 12-5, đại diện Báo CAND – Văn phòng Thường trú miền Trung đã về huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam, thăm và tặng sổ tiết kiệm cho cụ Lê Thị Nghê ở xã Hiệp Hòa và cụ Lê Thị Tịch ở xã Thăng Phước.



Trung tuần tháng 5, đại diện Báo CAND đã về huyện Hiệp Đức, Quảng Nam, thăm và tặng sổ tiết kiệm cho cụ Lê Thị Nghê và cụ Lê Thị Tịch, 2 bà mẹ đã phải hy sinh những đứa con thơ dại của mình để bảo vệ dân làng, bảo vệ cán bộ xã và du kích trước cuộc truy lùng gắt gao của giặc trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

85 tuổi, mắt đã mờ, đôi chân run rẩy do di chứng của cơn nhồi máu cơ tim. Nhưng cái thời khắc kinh hoàng vào một đêm tháng 10-1969, trong hang núi Hòn Kẽm vẫn ám ảnh tâm trí của cụ Nghê. Mỗi khi có ai hỏi đến, cụ lại khổ não, dằn vặt, đôi mắt khô khốc trông thất thần, khuôn mặt co rúm lại...

Những bậc cao niên ở xã Hiệp Hòa (ngày ấy là xã Quế Tân) không bao giờ quên những ngày tháng vô cùng khốc liệt từ năm 1968 đến cuối năm 1969. Là vùng căn cứ cách mạng nên vùng trung du Hiệp Đức thường xuyên bị giặc càn quét và dùng bom đạn cày xới. Xã Hiệp Hòa có hàng trăm người chết, nhiều người tàn phế. Hầu như gia đình nào cũng có mất mát, hy sinh.

Cụ Nghê lúc đó cùng chị gái tên là Nga theo một gánh hát bội, cùng lấy chung chồng là ông bầu gánh hát rồi sinh con đẻ cái và ở chung nhà tại thôn Trà Linh (nay là thôn Linh Kiều). Một buổi chiều đầu năm 1969, bà Nga đang ngồi nhặt rau trước sân thì máy bay trực thăng của Mỹ đi càn bắn chết. Không lâu sau, giặc lại tiếp tục thực hiện rải thảm bom ở vùng đất Hiệp Hòa.

Đại diện Báo CAND khu vực Miền Trung - Tây Nguyên tặng sổ tiết kiệm cho cụ Nghê.

Nghe tiếng máy bay, cụ Nghê cùng chồng và 4 đứa con, bao gồm 2 con của chồng cùng chị gái là bà Nga ẩn nấp trong hầm thì trúng bom bị sập. Chồng cụ Nghê và 2 con của bà Nga bị đất vùi chết.

Cụ Nghê cùng 2 con đẻ là bà Liên (lúc đó chừng 5 tuổi) và con trai tên Tân (mới hơn 3 tháng tuổi) trú gần miệng hầm thoát được ra ngoài, chạy ra ẩn náu ở căn hầm ngoài vườn. Chỉ vài phút sau, căn hầm trong nhà lại bị trúng bom, chồng cụ Nghê cùng 2 người con bị bay mất xác. Cụ Nghê còn có một người em tham gia bộ đội là liệt sỹ Lê Phước Tá, hy sinh năm 1969...

Sau nhiều trận tập kích bằng máy bay và đường thuỷ theo sông Thu Bồn bị bộ đội và du kích đánh trả, gây thiệt hại nặng nề, một ngày đầu tháng 10-1969, Mỹ lại cho máy bay rải thảm và huy động lực lượng hùng hậu đổ bộ xuống vùng đất thượng nguồn sông Thu Bồn nhằm tiêu diệt vùng căn cứ cách mạng, tạo vùng đệm an toàn để bảo vệ tiền đồn Nông Sơn - Quế Sơn, củng cố phòng thủ từ xa cho Đà Nẵng- Hội An. Lúc đó, hơn 100 người dân bán trụ ở thôn Trà Linh cùng cán bộ và du kích xã vượt sông Thu Bồn, vào núi Hòn Kẽm Đá Dừng cách đó hơn 2km trú ẩn. Cụ Nghê tay dắt tay bồng Tân và Liên vượt sông cùng xóm giềng.

Đốt phá và vây ráp nhiều ngày vẫn không tìm thấy bộ đội và dân làng, địch tập trung hoả lực nã vào núi, sau đó dùng tàu gáo, tàu rọ quần thảo để dò tìm.

Bị vây ráp nhiều ngày, lương thực, nước uống người dân mang theo khi chạy giặc cạn kiệt. Một số người liều mình đợi đêm tối ra khỏi hang, lẻn ra nương rẫy để tìm cái ăn thì bị địch phục kích giết hại. Mấy ngày liền cùng mọi người trong hang chịu đói chịu khát, những giọt sữa của cụ Nghê cũng cạn kiệt nên cậu bé Tân khóc quấy không ngừng.

Nghe tiếng súng đi càn của giặc càng lúc càng gần, lòng cụ Nghê nóng như lửa đốt vì sự an nguy của hơn trăm người trú trong hang. Cụ cố dỗ dành, bịt miệng nhưng vẫn không ngăn được tiếng khóc nghèn nghẹt của đứa bé. Lúc này, nhiều người trong hang sợ hãi, lo sợ đứa bé sẽ khiến cả làng gặp họa.

Trước đám đông sắp cuồng loạn, cụ đành dứt ruột hy sinh đứa con bé bỏng vô tội của mình. Xác cậu bé được vùi vội cách miệng hang không xa, sau đó cũng bị thất lạc. Cụ Nghê ngã quỵ, ốm liệt gường. May nhờ có xóm giềng sẻ chia giúp đỡ, cụ mới vượt qua cơn bạo bệnh, tiếp tục sống để nuôi đứa con còn lại.

Đáng trách là có những kẻ hậu sinh không hiểu chuyện, không hình dung được tình thế nguy nan bấn loạn và sẵn sàng phẫn nộ của hơn trăm con người đang bị truy lùng trong hang núi nên khi đọc truyện trên mạng xã hội đã vô tâm bình phẩm, trách móc khiến con cháu cụ đau lòng…

Cụ Tịch kể lại câu chuyện kinh hoàng năm xưa.

Cũng lâm vào hoàn cảnh trớ trêu, phải hy sinh con vì dân làng như cụ Nghê là cụ Lê Thị Tịch (cũng 85 tuổi). Trong chiến tranh, cụ Tịch ở thôn Đồng Làng, xã Quế Tân, nay về sống với cháu ngoại ở xã Thăng Phước, huyện Hiệp Đức.

Cụ Tịch sinh 3 người con, chồng cụ là bộ đội chính quy của huyện, chiến đấu tại quê nhà. Năm 1969, trong lúc cùng đồng đội tập kích bọn giặc đang đổ bộ, chồng cụ bị trúng đạn, hy sinh, sau này được Nhà nước phong liệt sỹ.

Con trai đầu của cụ tên Lực, năm đó mới hơn 10 tuổi, đang chạy chơi trên đồi cũng bị tàu rọ của giặc bắn chết. Do điều kiện khó khăn, cụ phải gửi người con gái thứ tên là Nga cho một người quen là vợ chồng ông Tám Loan nuôi nấng, còn cụ vừa tham gia tiếp tế cho bộ đội, vừa nuôi đứa con trai út gần 2 tuổi.

Cụ Tịch ứa nước mắt khi kể lại những năm tháng chiến tranh cơ cực và bi thương. Nhiều vụ mùa, người dân đang chuẩn bị thu hoạch thì bị giặc càn quét, thiêu trụi cả những cánh đồng lúa bé nhỏ xen kề chân núi. Dân làng đói, phải lên núi đào củ, hái rau rừng ăn thay cơm. Thỉnh thoảng bộ đội hành quân qua làng, chia cho dân ít lương khô, ít muối hột.

Cụ Tịch bảo, hạt muối khi đó còn quý hơn vàng. Những khi đói muối, dân làng phải lên núi bứt rễ cỏ tranh đốt thành tro, liếm láp cho đỡ thèm. Chỉ ít tháng sau cái chết của chồng và con trai đầu, cụ Tịch cùng khoảng 50 dân làng vào hang Hố Dù trên núi để tránh cuộc càn quét của giặc.

Biết dân trốn vào núi, quân giặc mặc sức đốt phá nhà cửa, bắn giết trầu bò, vào núi lùng sục. Người dân trốn trong hang không dám nấu nướng vì sợ địch phát hiện, chỉ dám lấy bột bắp mang theo hòa với nước uống để cầm hơi.

Đến ngày thứ 5 thứ 6, bột bắp cũng hết, nước uống cũng sắp cạn. Những đứa trẻ theo cha mẹ trốn trong hang núi chừng 4-5 tuổi đã biết sợ, không dám khóc. Còn cậu con trai của cụ mới đi lẫm chẫm, nên khóc quấy dỗ hoài không nín. Trước tình thế đó, người mẹ phải quyết định bỏ đứa con của mình… Sáng hôm sau, giặc xuống núi, rút lui khỏi làng. Ai cũng day dứt vì cái chết của con cụ Tịch. Phải chi cầm cự được thêm một ngày, con cụ Tịch đâu phải ra đi… Đau là vậy, nhưng cụ Nghê cũng như cụ Tịch chẳng trách ai. Trách là trách chiến tranh loạn lạc, khiến bao người lầm than, chết chóc.

Bà Liên- con gái cụ Nghê bây giờ đã sang tuổi ngũ thập, cùng gia đình sống ở thôn Linh Kiều và nuôi dưỡng mẹ. Tuy còn khó khăn, nhưng với ý chí cần cù, trồng rừng và chăn nuôi để mưu sinh, vợ chồng bà Liên cũng đủ sống, con cái 5 đứa đều thiện lương, và đi làm để lo cho bản thân.

Còn cụ Tịch thì được vợ chồng cháu gái là chị Nhựt đưa từ Hiệp Hòa về thôn Nhị Phúc, xã Thăng Phước sống cùng hơn 10 năm nay. Niềm vui của các cụ là con cháu hiếu nghĩa, xóm làng yêu thương, quý trọng…

Thấu hiểu những bi thương, mất mát trong chiến tranh, Đảng bộ, Chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều chính sách để chia sẻ nỗi đau, giúp những gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.

Nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến để chia sẻ, giúp đỡ để gia đình có điều kiện chăm sóc cụ Nghê, cụ Tịch. Năm 2009, Phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động Công an TP Đà Nẵng cũng đã góp sức xây dựng ngôi nhà tình nghĩa cho cụ Nghê và gia đình....

Về Hiệp Đức lần này, đại diện Báo Công an nhân dân đã thăm và tặng 2 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 10.000.000 đồng cho cụ Lê Thị Nghê và cụ Lê Thị Tịch.

Trung tá Nguyễn Văn Long - Trưởng đại diện Báo CAND khu vực Miền Trung- Tây Nguyên chúc các cụ mạnh khoẻ, sống lâu trăm tuổi. Số tiền không nhiều mang tình cảm đong đầy của CBCS Báo CAND với mong muốn chia sẻ những khó khăn, góp sức để gia đình có thêm điều kiện chăm lo cho các cụ lúc tuổi già. Thân nhân cụ Nghê, cụ Tịch đã đón nhận và cảm ơn tình cảm, sự quan tâm của Báo CAND…

Đi giữa làng quê Hiệp Hòa, chúng tôi ngỡ như lạc vào danh lam thắng cảnh bởi màu xanh bát ngát của núi đồi, màu xanh êm đềm lững lờ của dòng sông Thu. Theo anh Lương Phước Nghĩa - Chủ tịch xã thì xã Hiệp Hòa, có diện tích tự nhiên hơn 3.090ha, chủ yếu là đất rừng.

Trong đó có 1.161ha cao su đại điền và tiểu điền. Hơn 1.800ha được phủ xanh bởi các loại cây công nghiệp, cây nguyên liệu như tràm, keo tai tượng. Do địa hình đồi núi, diện tích đất nông nghiệp của xã chỉ có 61ha, bao gồm 50ha lúa và 11ha màu, nhưng chỉ có một phần diện tích chủ động nước tưới nhờ có đập bổi, phần còn lại phụ thuộc vào nước trời. Hiệp Hòa có 6 thôn, với 657 hộ và 2.430 nhân khẩu.

Nhờ tài nguyên đất đai, thổ nhưỡng, người dân Hiệp Hòa đã dựa vào nông lâm nghiệp và chăn nuôi để phát triển kinh tế. Anh Nghĩa cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã được giữ vững trong những năm qua, thu nhập của nhân dân ngày càng được cải thiện. Các phong trào văn hoá- thể thao cũng phát triển, hạ tầng giao thông được đầu tư đến từng thôn xóm, từng cụm dân cư, 2 năm liền, xã Hiệp Hòa được bầu chọn là điển hình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Nam.

Xã Thăng Phước cũng từng ngày thay da đổi thịt. Những ngôi nhà xây mái ngói, mái đúc đã thay thế phần lớn những ngôi nhà vách tre, vách ván. Từ nhiều năm trước, đường bê tông và điện lưới đã dẫn đến từng nhà.

Nhờ sự đầu tư của tỉnh Quảng Nam và huyện Hiệp Đức, một cây cầu treo bằng thép kiên cố mang tên cầu treo Bà Châu dài hơn 200m vượt một nhánh sông Thu Bồn dẫn vào thôn Nhị Phú đã được xây dựng. Nhờ vậy, thỉnh thoảng vợ chồng chị Nhựt- cháu ngoại cụ Tịch có thể dùng xe máy chở cụ ra thị trấn Tân An rồi đón ô-tô đưa cụ ra Đà Nẵng thăm bà con họ hàng.

Cuối tháng 3 vừa qua, cây cầu Giao Thuỷ chiều rộng 12m, dài hơn 1.000m với đường dẫn 2 đầu cầu dài 4,29km khánh thành. Cầu bắt qua đôi bờ sông Thu Bồn, không chỉ nối liền 2 huyện Duy Xuyên và Đại Lộc, mà còn kết nối một loạt các huyện trung du, miền núi Quảng Nam như Quế Sơn, Nông Sơn, Hiệp Đức… với QL14B, QL1A, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Nhờ cây cầu này, quãng đường từ Hiệp Đức, Nông Sơn đi Đà Nẵng rút ngắn 30-40km. Hạ tầng giao thông phát triển sẽ tạo điều kiện khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đất phía Tây của tỉnh Quảng Nam. Cũng như những vùng căn cứ địa cách mạng năm xưa, vùng đất Hiệp Đức đang thay da đổi thịt từng ngày.  

Nói về công ơn cha mẹ, người Quảng Nam có câu ca dao: "Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng/Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi". Với mẹ Nghê, mẹ Tịch, mỗi khi bước ra sân, nhìn qua sông là thấy Hòn Kẽm Đá Dừng, nơi 2 đứa con thơ dại của các mẹ ngày nào đã phải hy sinh sự sống và thân xác đã tan vào đất núi.

Nhìn nhánh sông Tiên trước khi hợp lưu với sông Thu Bồn qua Hòn Kẽm Đá Dừng chảy ngược từ đông lên tây, có hai mái đầu bạc trắng vẫn chưa từng nguôi ngoai nỗi thương xót con thơ. Nhưng người miền Trung, người Quảng Nam vốn kiên cường, luôn nỗ lực vượt lên đau thương, nghịch cảnh, để cuộc sống không bao giờ dừng lại…

Thân Lai
.
.
.