Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017)

Về đi anh, đồng đội ơi!

Thứ Năm, 27/07/2017, 08:44
"Tìm thấy rồi..i..i!" - Giọng lạc hẳn, ông đi mà như chạy. Đôi chân rắn rỏi của người lính năm xưa giờ trở nên lập bập. Vấp phải rễ cây, đá tai mèo, ông ngã xuống rồi lại vùng dậy chạy tiếp, lao đến ôm đoàn tìm kiếm mà nước mắt chan hòa. Họ đã tìm thấy người đồng đội nằm dưới tảng đá năm xưa giữa núi rừng trùng điệp. Những cuộc đi tìm hài cốt đồng đội như thế cũng khó khăn chẳng khác gì một trận đánh.


3 lần vượt biên giới tìm đồng đội

Giữa ngày tháng 7 ngập trời hương hoa và sự tri ân, cuộc trở về quê hương của các liệt sỹ càng thêm ý nghĩa. Ngày đón liệt sỹ Nguyễn Văn Chiến về với đất mẹ bên cầu Cời (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), ông Nguyễn Thế Nhiệm ngồi lặng trước hài cốt đồng đội được phủ cờ Tổ quốc. 

Vậy là cuộc hành trình kéo dài 4 tháng đi tìm đồng đội ở nước bạn Lào đã kết thúc trong niềm vui vô bờ. Bên ông giờ đây còn có người em gái của liệt sỹ Hoàng Văn Đá, quê ở Tuyên Quang. 

Liệt sỹ Nguyễn Văn Chiến và Hoàng Văn Đá là những đồng đội của ông, họ cùng chiến đấu, cùng hy sinh và cùng nằm lại dưới tảng đá trên cao điểm nơi chiến trường khắc nghiệt.

Kể lại câu chuyện đi tìm đồng đội với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Nhiệm, nguyên là cán bộ Thanh tra của Bộ NN&PTNT, là cựu chiến binh (CCB) của bộ đội đặc công E866, đơn vị C24 không giấu được xúc động. 

Hành trình gian khổ lên cứ điểm 1433 tìm mộ liệt sĩ.

Trận đánh lên cao điểm 1433 Sầm Thông - Long Chẹng, tỉnh Xây Xổm Bun ở nước bạn Lào là trận đánh mang dấu ấn lịch sử, mở màn quan trọng trong chiến dịch mùa khô năm 1971-1972. Ông cùng 4 đồng đội leo lên cứ điểm giữa những làn đạn xối xả. 

Vượt địa hình khó khăn, vượt qua cơn mưa đạn từ phía địch, 3 đồng đội của ông đã tiếp cận được cứ điểm. Đó là chiến sĩ Hoàng Văn Đá, Nguyễn Văn Chiến và Phạm Minh Giám (Hòa Bình). Nhưng trong giờ khắc chiếm lĩnh được trận địa ấy, đồng chí Hoàng Văn Đá và Nguyễn Văn Chiến đã anh dũng hy sinh cho trận đánh thắng lợi hoàn toàn. Bộ đội ta đã khống chế được cứ điểm Sầm Thông - Long Chẹng, một cao điểm quan trọng làm tiền đề cho các trận đánh sau. 

Tìm nhau sau trận đánh, những người lính ngậm ngùi đặt đồng đội nằm tại cao điểm để chờ ngày trở lại. Nhằm che mắt quân địch, họ đặt bên trên nấm mộ chung một phiến đá. Và, những trận đánh ác liệt cứ diễn ra liên miên, những đồng đội của các anh lao vào cuộc chiến đấu mới…

Nhiều năm sau, các anh vẫn nằm đó, ngóng về quê mẹ. Cuối năm 2016, cơ duyên đã đưa em gái của liệt sỹ Hoàng Văn Đá đến với ông Nhiệm. Quá khứ ào ạt dội về khiến lòng người không thể yên. 

Bà Hoàng Thị Hải Mùi là em gái liệt sĩ Hoàng Văn Đá đã từng cùng một đồng đội của anh trai là Vi Đức Cường sang Lào tìm anh nhưng chưa được, dù cuộc tìm kiếm đó được sự giúp đỡ tích cực của Đội quy tập (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An) và bộ đội trinh sát Lào.

 Bà Mùi kể, chuyến đi trước, bà cùng ông Cường, Đội quy tập và ông Phu Vông (Trưởng bản Sầm Thông - Long Chẹng) 3 lần lên cứ điểm 1433. Nhưng, họ cứ lên rồi lại xuống trong thất vọng bởi thời gian quá lâu, tre luồng mọc dày đặc. Địa hình, địa vật khác xưa nhiều quá. Dù chưa tìm được nhiều manh mối nhưng trong lòng vẫn tràn đầy quyết tâm, bà Mùi tiếp tục tìm đồng đội cũ của anh trai.

Phút nghỉ ngơi của đồng đội và đoàn tìm kiếm liệt sĩ Nguyễn Văn Chiến và Hoàng Văn Đá.

Ở tuổi 66, sức khỏe lại không ổn định sau khi đặt sten ở tim, nhưng nghe kể về nghị lực kiên cường của em gái liệt sĩ Hoàng Văn Đá trong hành trình đi tìm anh, ông Nhiệm vô cùng xúc động. Dù người thân lo lắng cho sức khỏe của ông, nhưng tình đồng chí, đồng đội sâu nặng, hơn hết là vong linh của các anh đang chờ đồng đội mình tới đón đã thôi thúc ông chuẩn bị tư trang lên đường. 

Ông nghĩ rằng anh Vi Đức Cường đã 70 tuổi còn quay lại được chiến trường xưa tìm đồng đội thì hà cớ gì ông lại không đi tìm các anh. Vậy là, ngày 16-12-2016, ông Nhiệm cùng với ông Phạm Hồng Thái, nguyên Chính vị viên phó C24 cùng gia đình liệt sĩ sang Lào lần thứ 2. 

Chuyến đi này không thể kể hết được gian khổ mà những người cao tuổi như các ông phải trải qua. Dốc hết sức lực với 6 ngày leo trèo lên xuống cứ điểm nhiều lần mà vẫn không tìm kiếm được, họ trở về trong nỗi buồn ám ảnh khôn nguôi.

Ra Tết, các CCB quyết định đi tìm ông Phạm Minh Giám, chiến sĩ sống sót duy nhất khi leo lên trên cao điểm 1433, cũng là người chính tay chôn cất hai liệt sĩ. 

Hơn 40 năm sau ngày về phục viên, C24 không có tin tức của ông Giám, không ai biết ông làm gì và ở đâu. Lại mất một khoảng thời gian để tìm, và may mắn, những đồng đội đã tìm thấy nhau, bùi ngùi nói chuyện người còn, người mất. Chẳng ai bảo ai, họ cùng linh cảm rằng, vong linh hai liệt sĩ mong muốn ông Giám sang đón họ về. Với niềm tin ấy, ông Giám tuy đã 70 tuổi cũng không quản đường xa lên đường trở lại chiến trường xưa. 

Lần này, gia đình liệt sỹ Hoàng Văn Đá mang theo nhiều hy vọng hơn. Và rồi, niềm vui đã vỡ òa, cả đoàn bật khóc khi tìm được phiến đá nơi hai liệt sĩ nằm lại trên cứ điểm năm xưa.

Nước mắt ngày gặp lại

Vậy là, thân nhân, đồng đội và các cán bộ sỹ quan trong Đội quy tập của Bộ Chỉ huy Quân sự Nghệ An đã 3 lần vượt núi băng rừng sang đất bạn Lào, 7 lần lên cứ điểm 1433. Nhớ lại những ngày dựng lán trong rừng ở Lào, ông Nhiệm kể, khi đặt chân đến chiến trường xưa, dấu tích cũ không còn, rừng hoang vắng lặng, cây cối rậm rạp. 

Cứ điểm 1433 từng là cao điểm án ngữ cả vùng Sầm Thông - Long Chẹng. Đó là một cứ điểm tiền tiêu của căn cứ Long Chẹng mà địch đã phải huy động cả một Trung đoàn cùng 1 Tiểu đoàn quân Thái Lan, 1 Tiểu đoàn quân cố vấn Mỹ để chiếm giữ. 45 năm sau, trong trí nhớ của các CCB, cao điểm đã hoàn toàn đổi khác. Việc tìm kiếm vô cùng khó khăn và gian khổ.

Dẫn đầu đoàn tìm kiếm là Trung tá Phạm Xuân Tám, Chính trị viên Đội quy tập, người đã có bề dày kinh nghiệm, đã nghiên cứu địa hình kỹ lưỡng trên bản đồ, căn cứ trên trí nhớ của các CCB vạch các mũi đi, nhưng có những lần lên cứ điểm vẫn bị lạc đường, phải lộn lại. 

Đường đi chỉ có rừng già với đá tai mèo lởm chởm, dốc núi cheo leo dựng ngược. Bom mìn còn sót lại trong thời chiến nằm rải rác khiến mọi người vừa đi vừa phải dò đường, đối mặt với sinh tử. Các CCB tuổi cao, sức yếu, có lúc không bước nổi phải có sự trợ giúp của anh em bộ đội. Khi thì họ phải leo trèo lên những tảng đá trơn trượt, lúc phải leo cây vượt qua hốc đá lớn với muôn vàn nguy hiểm. 

Khó khăn nhất của đoàn tìm kiếm chính là nước sinh hoạt. Trên cao điểm không có nước, muốn đi đến nơi có nguồn nước phải leo bộ 4 tiếng, vì vậy họ phải mang nước từ dưới chân núi lên. Các thành viên trong đoàn không dám dùng nước vào việc sinh hoạt cá nhân, chỉ dành để ăn, uống. 

Trong đoàn duy nhất chỉ có một phụ nữ, là em gái liệt sĩ Hoàng Văn Đá, chị đã 7 lần leo lên cứ điểm với nguyện vọng tha thiết  tìm được người anh trai. Địa hình, điều kiện khắc nghiệt là thế cũng không khiến chị chùn bước. Mùa khô ngày nắng, đêm lạnh thấu xương, họ ngủ lại giữa rừng sương.

Ngày 7-3-2017, đoàn tìm kiếm gồm hơn 20 người lên đường lần thứ 7 nhưng một ngày sau họ mới đến chân cao điểm. Ông Giám khẳng định đây đúng là cao điểm C24 đã chiến đấu và giành được thắng lợi. Ông đề xuất với đồng chí Tám cho đoàn dừng chân ở đây. 

Em gái liệt sỹ Hoàng Văn Đá đón anh trai trở về quê hương.

Phải mất một ngày trời tìm kiếm xung quanh. Đến khi tưởng chừng như bất lực trước rừng già yên ắng ấy, phiến đá đặt hai liệt sỹ để khâm liệm bất chợt lộ ra trước mắt người cựu binh già. Đôi chân như khuỵu xuống. Nước mắt tuôn rơi, ông vừa chạy vừa vấp ngã, rồi lại chạy. Gặp mọi người, ông òa khóc: "Tìm thấy rồi!".

Sau 4 tháng tìm kiếm, Đội quy tập, thân nhân, đồng đội cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của quân đội và nhân dân nước bạn Lào, liệt sĩ Hoàng Văn Đá và Nguyễn Văn Chiến đã được đưa về thị xã Xiêng Khoảng. Ngày 11-5-2017 hai nước Lào - Việt Nam đã phối hợp bàn giao 104 hài cốt liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên đất bạn Lào khi làm nhiệm vụ quốc tế về với Tổ quốc Việt Nam, trong đó có các anh.

Chuyện của những người "đi tìm nhau giữa hai đầu trận đánh"

"Đất nước gian nan chưa bao giờ bình yên" quả là vậy. Cho tới tận bây giờ, đất nước đã hòa bình, nhân dân đã được sống trong tự do, hạnh phúc thì vẫn có những khoảng lặng đâu đó trong tâm hồn người lính. Những cựu chiến binh còn sống vẫn canh cánh trong lòng về người bạn, người đồng chí đã nằm lại nơi chiến trường xưa. Họ hiểu rằng đồng đội đã nhường sự sống để họ được trở về. Bởi thế, những hành trình trở về chiến trường xưa luôn là chuyến đi đầy cảm đông nhưng không ít trăn trở của những người lính già.

Những ngày tháng 7, chúng tôi có dịp được trò chuyện với nhiều cựu chiến binh trở về từ nhiều mặt trận. Họ tâm sự rằng, họ đã may mắn được trở về. 

Ông Trần Ngọc Cảnh, nguyên là chiến sỹ của Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 chiến đấu trong chiến trường Kon Tum nghẹn ngào kể: "Tiểu đoàn chúng tôi khi đó ra chiến trường 580 quân, thế mà ngày gặp mặt đầu tiên sau hòa bình chỉ còn 160 đứa". 

Gặp nhau mừng tủi, nhưng họ không quên đồng đội sống chết cùng nhau, những người lính ấy gom góp số tiền ít ỏi cử người vào chiến trường cũ tìm đồng đội. Ngọn núi Chư Tan Kra ngày đó không còn như cũ. Cuộc tìm kiếm 9 ngày trời không có kết quả, họ đành trở ra mà lòng nặng trĩu. Nhiều người kể rằng, sau mỗi trận chiến đấu, họ lại đi tìm nhau, đó là những cuộc tìm kiếm luôn có nhiều mất mát.

Cả nước giờ vẫn còn hơn 200.000 liệt sỹ trên các chiến trường cần tìm kiếm, quy tập. Khó khăn, vất vả thời chiến đã khiến công tác chính sách không được trọn vẹn. Bởi vậy, những địa danh chung chung trên giấy báo tử như: "Hy sinh ở mặt trận phía Nam", "Hy sinh  ở chiến trường Lào"… cũng khiến nhiều thân nhân liệt sỹ không nhiều hy vọng khi tìm người thân. 

Thế nhưng, nhờ có đồng đội - những nhân chứng sống đã đưa hài cốt liệt sỹ trở về, đưa thân nhân tới thăm nơi các anh yên nghỉ. Dù chỉ gặp nhau qua hương khói, nhưng có lẽ cả người sống và người đã khuất cũng đã thấy yên lòng.

Trần Hằng - Việt Hà
.
.
.