Vấn nạn xử lý rác thải

Thứ Hai, 12/02/2018, 00:26
Quyết định ngừng nhập khẩu và kiểm soát việc nhập khẩu rác tái chế của Trung Quốc đang khiến các nước châu Âu, đặc biệt là Anh trở nên chật vật khi phải tìm kiếm thị trường mới.


Theo quyết định mới, kể từ tháng 1-2018, có tới 24 loại phế liệu tái chế và phế liệu rắn bị cấm nhập khẩu và điều này đồng nghĩa với việc 2/3 trong tổng số 500.000 tấn phế liệu nhựa mỗi năm của Anh xuất sang Trung Quốc phải tìm nơi mới để đổ.

"Chúng tôi đã dựa vào việc xuất khẩu nhựa tái chế sang Trung Quốc trong 20 năm và bây giờ mọi người không biết điều gì sẽ xảy ra. Nhựa đang được chất thành núi và nếu bạn đi vòng quanh những bãi đó chỉ trong một vài tháng thì tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn", ông Simon Ellin, Tổng Giám đốc Hiệp hội tái chế Anh than thở.

Bộ trưởng Môi trường Anh Michael Gove cũng thổ lộ, ông không biết hậu quả của việc này sẽ đi đến đâu. Nhiều chuyên gia về xử lý rác thải của Australia, một trong những nước xuất khẩu rác nhiều nhất sang Trung Quốc cho rằng, hệ thống tái chế rác của Australia có thể sụp đổ nếu không "giải phóng" được rác sang thị trường khác.

Giới chuyên môn coi lệnh cấm của Trung Quốc có thể dẫn tới một "kỷ nguyên mới của tái chế". Và với lệnh cấm kể trên, Trung Quốc không muốn tiếp tục là "thùng rác" của thế giới. Theo thống kê, mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu hàng triệu tấn nhựa tái chế từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, và là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về nhập khẩu rác thải để tái chế.

Riêng trong năm 2015, Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 46 triệu tấn rác thải và con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Năm 2016, Trung Quốc nhập khẩu 45 triệu tấn rác thải kim loại, giấy, nhựa và những nguyên liệu rác khác với tổng trị giá lên tới 18 tỉ USD.

Một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu đối với một số loại rác thải xuất phát từ ảnh hưởng môi trường và sức khỏe của người dân. Bên cạnh việc hạn chế các nguồn rác thải từ nước ngoài, Chính phủ Trung Quốc còn cải tổ ngành tái chế rác thải để có thể xử lý một cách hiệu quả lượng rác thải đang ngày càng gia tăng trong nước.

Không khí tại thị trấn Quý Dữ, tỉnh Quảng Đông - từng là điểm đến của hàng triệu tấn rác thải cả trong và ngoài Trung Quốc, đang trở nên dễ thở hơn sau khi chính quyền địa phương mạnh tay dẹp bỏ hoạt động tái chế, nhập khẩu rác bất hợp pháp. Theo hãng AFP, tuy dịch vụ xử lý rác thải là "con gà đẻ trứng vàng", nhưng từ năm 2013, Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp nhằm tăng cường kiểm soát đối với các loại rác thải nhập khẩu.

Theo báo cáo của hải quan Trung Quốc, họ vừa gửi trở lại Mỹ hơn 318,7 tấn rác thải được đưa vào Trung Quốc bất hợp pháp. Được biết, từ năm 2007, chất thải tái chế là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Mỹ sang Trung Quốc.

Nhưng mọi thứ đang thay đổi, khi nền kinh tế Trung Quốc đang chuyển dịch sang dịch vụ, giảm phụ thuộc vào ngành công nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Theo ông Robin Wiener, Chủ tịch Viện Công nghiệp tái chế phế liệu (ISRI) của Mỹ, trong năm 2016, Mỹ đã xuất khẩu 5,6 tỷ USD rác thải công nghiệp vào Trung Quốc.

Do đó, quyết định của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với Mỹ. Theo thống kê của Liên hợp quốc, Mỹ là nguồn xuất khẩu rác thải công nghiệp lớn nhất thế giới - 42,8 triệu tấn/năm, trị giá 23,7 tỉ USD, trong đó khoảng 6 tỉ USD xuất sang Trung Quốc.

Theo báo cáo của Fisher International, tỷ lệ tái chế giấy của Trung Quốc có thể lên tới 70% nếu tất cả rác thải giấy được sử dụng để tái chế. Số người lao động tham gia ngành tái chế không thể thống kê chính xác do hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này manh mún và không được kiểm soát. Theo thống kê của Liên hợp quốc, riêng trong năm 2015, khoảng 180 triệu tấn rác công nghiệp đã được "xuất khẩu" với trị giá 86 tỉ USD.

Theo kết quả nghiên cứu của APEC, các nước thành viên của tổ chức này phải chi tới 1,3 tỉ USD/năm để xử lý ô nhiễm môi trường biển. Và Indonesia đang phải đối mặt với những thách thức về rác thải nhựa. Bởi theo các nghiên cứu cho thấy, Indonesia có thể là quốc gia lớn thứ hai thế giới về việc thải ra các loại rác thải nhựa làm ô nhiễm môi trường biển.

Theo các nhà khoa học, rác thải nhựa là một trong những mối đe dọa lớn nhất của các rạn san hô, chỉ đứng sau tình trạng đại dương nóng lên. Và hiện có hơn 11 tỉ đồ nhựa được tìm thấy trên 1/3 rạn san hô khảo sát ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và con số này sẽ tăng lên 15 tỉ vào năm 2025.

Theo nghiên cứu, rác nhựa làm tăng gấp 20 lần nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên các rạn san hô, trong khi có hơn 275 triệu người trên thế giới sống dựa vào chúng.

Mạnh Phong
.
.
.