Vấn nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng phức tạp, nghiêm trọng

Thứ Tư, 15/11/2017, 15:46
Hiện nay hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các quầy hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhằm "thử thách" mức độ sành sỏi của khách hàng cũng như gây thách thức không nhỏ cho cơ quan quản lý Nhà nước…

Ra ngõ gặp hàng giả, hàng nhái

Tại buổi tọa đàm "Nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp" do Báo Công an nhân dân phối hợp VTV9 - Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức ngày 10-11 (do Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn tài trợ chính), Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Đội trưởng Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Hồ Chí Minh, cho biết nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng hiện nay có sự thay đổi so với trước đây. 

Ngày càng nhiều người tiêu dùng có tâm lý sính hàng ngoại, hàng xách tay; một số khác lại có tâm lý thích hàng rẻ, đẹp. Lợi dụng điều này, các đối tượng tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả lợi dụng thời điểm khan hiếm các loại hàng này đưa hàng giả ra bán trên thị trường.

Trong 10 tháng của năm 2017, Cảnh sát kinh tế - Công an TP Hồ Chí Minh đã thụ lý giải quyết 119 vụ, 142 đối tượng buôn bán hàng giả, vi phạm sở hữu công nghiệp. Đã làm rõ 94 vụ, 106 đối tượng; khởi tố 7 vụ, 13 đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả và xử lý hành chính 86 vụ, 92 đối tượng buôn bán hàng giả, phạt hành chính 2.767.050.000 đồng.

Theo ông Trương Văn Ba, Phó Chánh văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, từ năm 2014 đến tháng 10-2017, cả nước đã xử lý hơn 44,5 ngàn vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng nhái, hàng giả.Các con số kể trên cho thấy thực trạng sản xuất, buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng nhái thực sự đáng báo động.

Buổi tọa đàm "Nâng cao hiệu quả trong đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp".

Đại tá Trần Kim Thẩm, Phó Tổng biên tập Báo Công an nhân dân nhận định: "Lâu nay hàng giả, hàng nhái được tiêu thụ công khai nhưng việc tổ chức sản xuất thì diễn ra trong 'bóng tối' nên những nỗ lực ngăn chặn với các giải pháp, chính sách của Nhà nước vẫn chỉ mới cắt "ngọn" vấn nạn, chưa đủ cách thức và sức nặng răn đe để loại trừ vấn nạn này từ gốc rễ. Cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ một đánh giá nào thống kê đầy đủ về những thiệt hại do vấn nạn hàng giả, hàng nhái gây ra, nhưng chắc chắn, thiệt hại của chúng gây ra cho nền kinh tế là cực lớn".

Không dừng lại ở mức độ vụ việc, hành vi đơn lẻ, hàng giả, hàng nhái đã thật sự trở thành một "ngành công nghiệp" đen tối đục ruỗng nền kinh tế đất nước, tàn phá sức khỏe và quyền lợi của người dân, phá hoại thành quả của nhà sản xuất kinh doanh chân chính, gây hoang mang xã hội, làm suy yếu sức cạnh tranh của hàng hóa chân chính trong mục tiêu phát triển trong nước và vươn ra thế giới.

Nhiều đường dây sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái lớn thậm chí đã tồn tại, hoành hành trong một thời gian dài. Có thể kể một vài vụ việc nổi cộm gần đây như vụ án buôn lậu, sản xuất kinh doanh thuốc trị ung thư giả rúng động của Công ty dược VN Pharma. 

Gần hơn nữa là vụ tráo mác nhà sản xuất, lợi dụng thương hiệu nhằm nâng giá lên hàng chục lần của thương hiệu Khải Silk, đáng nói là hành vi này đã kéo dài hàng chục năm nay. Và mới nhất là lô hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng chăm sóc, làm đẹp không rõ nguồn gốc trị giá 11 tỷ đồng liên quan đến một hoa hậu quý bà vừa bị khám phá…

Trước đó, vào đầu tháng 10 vừa qua, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (PC46), Công an TP Hồ Chí Minh, đã triệt phá một đường dây chuyên sản xuất, mua bán thuốc giả liên tỉnh quy mô lớn. Đối tượng cầm đầu đường dây này là Trần Minh Hằng (55 tuổi) và Trần Hữu Đồng (chồng Hằng, cùng ngụ quận 11, TP Hồ Chí Minh). 

Ngoài ra cơ quan Công an cũng bắt giữ nhiều đối tượng đồng phạm khác như Dương Hồng Sơn (Phú Yên), Nguyễn Đình Thanh (Bình Định), Trần Hữu Tâm (quận 3) và Võ Văn Thao (chưa rõ nơi cư ngụ).

Qua theo dõi, trinh sát đã bắt quả tang Tâm đang vận chuyển 230 hộp Vitamin C (loại 6 lọ/hộp) giả một nhãn hiệu lớn của nước ngoài. Tâm khai nhận toàn bộ số thuốc trên là hàng giả do Hằng thuê sản xuất. 

Theo đó, Tâm mua của các công ty tại Việt Nam sản xuất tại Trung tâm Dược quận 10 với giá 12.300 đồng/hộp rồi mang về nhà ở quận 12. Sau đó, Tâm lột bỏ nhãn và dán nhãn mới vào thành sản phẩm thuốc Vitamin C nhãn hiệu lớn của nước ngoài…

Từ lời khai của Tâm, PC46 ra lệnh bắt khẩn cấp vợ chồng Hằng. Tại cơ quan điều tra, vợ chồng Hằng khai được một "trùm" sản xuất thuốc giả tên Mỹ "truyền nghề" từ tháng 10-2016, sau đó ra chợ thuốc Tây ở quận 10, TP. Hồ Chí Minh mua nhiều loại thuốc do Việt Nam sản xuất, về thuê Thao thiết kế tem, bao bì ngoại rồi bóc tách thuốc nội cho vào bao bì, thành thuốc "ngoại".

Khám xét Công ty TNHH in ấn Q.T trên đường Nguyễn Văn Luông, phường 12, quận 6 (nơi Thao thuê in bao bì thuốc giả), PC46 thu giữ 4 khuôn in ấn bao bì thuốc giả; 55kg bao bì thuốc. 

Tiếp đó, tại Phú Yên và Bình Định, PC46 khám xét nhà của Sơn, Thanh và cũng thu giữ hàng chục ngàn hộp, lọ, vỉ thuốc và hàng ngàn vỏ hộp, hơn 33kg bao bì. Sơn khai, trong số thuốc bị thu giữ, có 6 thùng thuốc, bao bì giả mua của Hằng. Còn Thanh, tính đến ngày bị bắt, đã sản xuất khoảng 20.000 hộp thuốc giả loại đau dây thần kinh, vitamin, bán lại cho các cửa hàng thuốc ở Bình Định.

Hay giữa tháng 7 vừa qua, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã xét xử sơ thẩm vụ án hình sự và tuyên phạt Nguyễn Văn Sinh (34 tuổi, quê Bắc Ninh, ngụ huyện Bình Chánh) 8 tháng tù giam và Nguyễn Thị Huệ (28 tuổi, vợ Sinh) 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo do đang có con nhỏ. Đôi vợ chồng bị cáo này được cơ quan chức năng kết luận là đã có hành vi làm giả các sản phẩm mang nhãn hiệu võng xếp Duy Lợi rồi tung ra thị trường thu lợi bất chính…

Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn hàng giả thời điểm cuối năm

Trên đây chỉ là một số vụ điển hình, là phần nổi của tảng băng đen, phần chìm chưa được khám phá chắc hẳn còn lớn hơn nhiều. Theo bà Nguyễn Thị Huyền Trang, chuyên viên Cục Sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái phát triển ngày càng tinh vi, có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các "mẹt" hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có những biểu hiện đa dạng về mẫu mã, "linh động" về giá cả và phong phú về chủng loại. Các sản phẩm giả bị sản xuất, kinh doanh hiện nay chủ yếu là các mặt hàng được ưa chuộng, thứ nhất là các loại thuốc, thực phẩm chức năng tăng cường sinh lý, tiếp đó là các loại mỹ phẩm làm đẹp cho phụ nữ. 

Khi sản xuất hàng giả, các đối tượng có trang bị đầy đủ dụng cụ, máy móc để đóng gói, dán tem sản phẩm, sản phẩm giả có hình thức rất tinh vi, rất khó phân biệt với hàng chính hãng…

Sự nguy hiểm thể hiện ở chỗ, bên cạnh việc gây thiệt hại về kinh tế cho "khổ chủ", nó còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng như đồ ăn, đồ uống, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm... giả, kém chất lượng.

Hầu hết các hãng có uy tín, có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái hàng hóa. Những thủ đoạn làm hàng giả thường thay đổi liên tục, ngày càng tinh vi hơn; thậm chí đến mức tem chống giả cũng bị làm giả… 

Trong khi đó, doanh nghiệp lại chưa chủ động trong đăng ký xác lập quyền và thực thi quyền, chưa phối hợp với các cơ quan hữu quan để xử lý xâm phạm, tâm lý e ngại khi sợ người tiêu dùng biết sản phẩm của doanh nghiệp mình bị làm giả... Tất cả khiến vấn nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng phức tạp, nghiêm trọng.

Sản phẩm giả có hình thức rất tinh vi, rất khó phân biệt với hàng chính hãng.

Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thực trạng hàng nhái, hàng giả lộng hành thì một trong những nguyên nhân chính là công tác quản lý kinh tế, quản lý thị trường sản xuất, kinh doanh còn thiếu sót, sơ hở, lỏng lẻo và yếu kém. 

Hiện nay, công tác quản lý kinh tế, quản lý thị trường trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh còn bộc lộ những hạn chế thiếu sót nhất định, không theo kịp những biến đổi của nền kinh tế cũng như sự gia tăng ồ ạt của các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.

Chính sự đa dạng, phong phú về hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như thị trường tiêu thụ, từ đó tạo ra nhiều khó khăn, phức tạp cho công tác quản lý thị trường, những kẽ hở để các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả lợi dụng hoạt động. 

Việc thực hiện công tác quản lý cụ thể còn chưa tốt, ý thức của người tham gia quản lý chưa cao, trình độ quản lý còn yếu, kinh phí hạn hẹp, dẫn tới buông lỏng quản lý, kiểm tra, kiểm soát mang tính hình thức, không thường xuyên để phát hiện và xử lý kịp thời hành vi vi phạm của các đối tượng. 

Trong công tác chống hàng giả của lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường còn gặp nhiều khó khăn trong công tác giám định, thẩm định hàng giả.  Trong khi đó, việc xử lý các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả còn thiếu kiên quyết, triệt để, đa số là xử lý hành chính phạt tiền, số vụ khởi tố hình sự còn ít, vì vậy tính chất răn đe, giáo dục chưa cao.

Có thể nói, cuộc đấu tranh đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là công việc không chỉ của riêng một tổ chức hay cá nhân nào mà phải là công việc của toàn xã hội; trước hết là cần hoàn thiện các quy định của pháp luật, phối kết hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan thực thi pháp luật, nâng cao ý thức của tổ chức và cá nhân. Có làm được như vậy thì mới từng bước đẩy lùi được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang tràn lan hiện nay.

Ông Trương Văn Ba khẳng định, chưa bao giờ công tác chống hàng giả, hàng nhái được quan tâm như hiện nay, ngoài Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và cấp tỉnh, các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ đều đã có Ban chỉ đạo đến cấp quận. 

"Thông qua công tác tuyên truyền, các cơ quan báo chí truyền thông cần tập trung vào các chuyên đề chống sản xuất, buôn bán hàng giả; các doanh nghiệp cần thông qua tuyên truyền để hướng người tiêu dùng nhận biết hàng hóa do doanh nghiệp mình sản xuất, phân phối. Qua đó, công tác chống hàng giả, hàng nhái sẽ có hiệu quả hơn", ông Trương Văn Ba nói.

Cũng theo ông Trương Văn Ba, để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trong thời điểm cuối năm này, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo sẽ tham mưu cho Ban chỉ đạo 389 Quốc gia thành lập các đoàn kiểm tra để đi kiểm tra công tác chống hàng giả ở các bộ ngành, địa phương để đảm bảo sản xuất, lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng. 

Phú Lữ
.
.
.