Vai trò của Hải quân Liên Xô trong chiến thắng phát xít Nhật Bản
Các thủy thủ bằng hỏa lực hỗ trợ các đơn vị lục quân, bộ binh tiến chiếm các đảo, cảng Triều Tiên, Đại Liên (Port-Arthur), quần đảo Kuril, cũng như ngăn chặn giao thông trên biển của đối phương.
Khu vực Thái Bình Dương, chiến trường trong Thế chiến II
Sau khi Đức Quốc xã đầu hàng và kết thúc chiến tranh ở châu Âu, khu vực Thái Bình Dương trở thành nơi duy nhất có các hoạt động quân sự trong Thế chiến thứ hai. Sau những năm dài chiến tranh, nền kinh tế Nhật Bản bị hủy hoại nghiêm trọng, nhưng vào năm 1945, họ vẫn sở hữu một đội quân vũ trang 7 triệu người, lực lượng không quân còn khả năng chiến đấu và một hạm đội mạnh mẽ.
Do đó không có gì đáng ngạc nhiên khi các hoạt động tấn công của lực lượng Mỹ-Anh ở Thái Bình Dương diễn ra rất chậm và đẫm máu. Gần 3 tháng, từ ngày 1-4 đến 23-6-1945, đội quân 500.000 người của lực lượng đồng minh (Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand), được hỗ trợ của 1.600 tàu chiến Mỹ, Anh và gần 2.000 máy bay chiến đấu vẫn không thể phá vỡ sự kháng cự của người Nhật ở Okinawa.
Trong trận này, phía Đồng minh đã tổn thất nặng nề với 75.000 người thiệt mạng, 38.000 người bị thương, thiệt hại hơn 100 máy bay ném bom, 36 tàu chiến bị chìm và khoảng 370 chiếc khác bị hư hại.
Sau chiến dịch Okinawa, bộ chỉ huy Mỹ tin rằng cuộc chiến tranh chống Nhật Bản sẽ kéo dài ít nhất một năm. Thủ tướng Anh Winston Churchill cũng tuyên bố cuộc đổ bộ của các lực lượng Mỹ-Anh lên Nhật Bản sẽ không thể thực hiện cho đến mùa hè năm 1946.
Tại Hội nghị Yalta tháng 2-1945, Stalin đã phác thảo cho các đồng minh - Franklin Roosevelt và Winston Churchill - những điều kiện để Liên Xô tham gia cuộc chiến với đế quốc Nhật Bản 3 tháng sau khi chấm dứt chiến sự ở châu Âu.
Một trong số đó là thu hồi lại các vùng lãnh thổ bị mất sau chiến tranh Nga-Nhật 1904-1905: các căn cứ ở Port - Arthur (Đại Liên) và phần phía Nam Sakhalin và ngoài ra, chuyển đổi sang quyền tài phán của Liên Xô đối với quần đảo Kuril.
Tàu phóng ngư lôi của Liên Xô tấn công cảng Seishin (nay là thành phố Chongjin - Thanh Tân), tháng 8-1945. |
Hạm đội là một thành phần quan trọng để thành công
Trước các đặc thù của chiến trường, một vai trò quan trọng đã được giao cho Hạm đội Thái Bình Dương Liên Xô. Trong suốt những năm của cuộc chiến tranh chống Đức Quốc xã, bộ chỉ huy Liên Xô buộc phải giữ các lực lượng lớn ở Thái Bình Dương để tuần tra vùng biển ven bờ và bảo vệ tuyến đường biển nối liền Liên Xô và Bắc Mỹ.
Năm 1945, Hạm đội Thái Bình Dương dưới sự chỉ huy của Đô đốc Ivan Yumashev là lực lượng mạnh, với lực lượng gồm: 1 kỳ hạm (tàu khu trục lớn, tốc độ nhanh với ngư lôi và pháo hạm mạnh mẽ), 2 tàu tuần dương, 10 tàu khu trục, 19 tàu tuần tra, 78 tàu ngầm, 10 tàu rải ngư lôi, 52 tàu quét mìn và 250 tàu thuyền. Không quân hạm đội gồm có 1.508 máy bay: 164 máy bay ném bom, 170 máy bay thả ngư lôi, 243 cường kích, 665 tiêm kích, 266 máy bay trinh sát.
Đô đốc Nikolai Kuznetsov nhớ lại: "Tôi nhận được lệnh từ Stalin về trách nhiệm phối hợp các hành động của Hạm đội Thái Bình Dương và Đội tàu Amur với lực lượng lục quân. Việc chuẩn bị cho chiến dịch được bảo mật tối đa. Thậm chí nhiều chỉ huy cao cấp đã đến Viễn Đông dưới tên giả".
Ngày 9-8-1945, Hạm đội Thái Bình Dương trở thành lực lượng chính của Liên Xô trong vùng biển Nhật Bản. Nhiệm vụ bao gồm hỗ trợ hỏa lực "từ tất cả các cỡ" cho lục quân Liên Xô tiến vào vùng ven biển, đổ bộ tấn công, chế áp các nỗ lực của quân Nhật vận chuyển hàng hóa quân sự bằng đường biển, ngăn chặn các cuộc tấn công của Hải quân Nhật Bản vào bờ biển Liên Xô.
Tập đoàn quân số 2 mặt trận Viễn Đông cần phải vượt sông Amur. Địch thủ đã tạo ra các khu vực phòng thủ kiên cố mạnh mẽ trên bờ phía bên kia. Không thể vượt qua dọc theo bờ phía Liên Xô và đổ bộ từ bên sườn. Đội tàu Amur, bao gồm 170 tàu chiến, đã tham gia vượt sông.
Ngày 12-8-1945, trận chiến ác liệt diễn ra tại ngã ba quan trọng đường sắt và đường bộ - thành phố Jiamusi trên sông Sungari, một nhánh của Amur. Vị trí được phòng thủ từ hướng đất liền, vì vậy ban chỉ huy quyết định tấn công từ hướng sông.
Người Nhật thả trôi những chiếc bè gài mìn và một số lượng lớn khúc gỗ để ngăn chặn bước tiến của những chiếc tàu bọc thép Liên Xô. Khi đó tàu pháo trên sông của hạm đội Amur với lượng giãn nước 1.000 tấn đẩy dẹp chướng ngại vật và khai hỏa từ tất cả các pháo hạm. Pháo 120 mm và 85 mm chế áp các vị trí kẻ địch, hỏa lực pháo 37 mm phá vỡ các khúc gỗ, để tàu bọc thép có thể di chuyển.
Tấn công vào các cảng Triều Tiên và đánh chiếm Seishin
Cuộc tấn công nhanh chóng của quân đội Liên Xô khu vực Trans-Baikal (từ phía Tây Bắc) và tập đoàn quân số 2 mặt trận Viễn Đông (từ phía Bắc) vào sâu trong lãnh thổ Trung Quốc đã tạo ra mối đe dọa thực sự bao vây đội quân Quan Đông. Tuy nhiên, địch vẫn có đường rút lui đến các cảng Triều Tiên để sơ tán đến các đảo Nhật Bản.
Để ngăn chặn, Đô đốc Yumashev, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, quyết định tấn công vào các cảng ở Yuki (nay là Ungi hoặc Sonbon) và Racine (nay là Rason hoặc Najin)... Hơn 50 máy bay, 15 tàu chiến và 800 lính thủy đánh bộ của Hạm đội Thái Bình Dương tham gia vào chiến dịch chiếm giữ các cảng Yuki và Racine.
Tình báo Nhật Bản đã tìm cách truyền thông tin trên về trụ sở, nhưng họ không tin người Nga sẽ tấn công với một lực lượng tương đối nhỏ như vậy. Rạng sáng 11-8, các máy bay ném bom Hạm đội Thái Bình Dương thả hàng trăm quả bom cực mạnh vào tàu chiến và kho nhiên liệu đạn dược tại cảng Yuki.
Làn sóng máy bay ném bom thứ hai áp đảo các tiểu đoàn phòng thủ ven biển. Một toán biệt kích của lính thủy đánh bộ chiếm giữ đầu cầu cho cuộc đổ bộ của lực lượng đổ bộ chính. Đến 15h ngày 11-8, cảng đã được chiếm giữ. Vào buổi tối cùng ngày, Racine cũng thất thủ. Quân Nhật vội vã rút lui về Seishin.
Hội đồng quân sự Hạm đội Thái Bình Dương quyết định phải được chiếm Seishin ngay lập tức. Sáng sớm 13-8-1945, khoảng 100 tàu Liên Xô các loại đã tiếp cận bên ngoài Seishin. Từ trên không, nhóm tàu tấn công được 300 máy bay chiến đấu hỗ trợ.
Với hỏa lực pháo hạm và không quân, các tàu địch Nhật bị đẩy ra khỏi bờ biển, trấn áp các lực lượng phòng thủ bờ biển, và sau đó là các toán biệt kích lính thủy đánh bộ chiếm giữ các bến tàu. Làn sóng đổ bộ thứ hai nhận nhiệm vụ chiếm được chỗ đứng chân trong thành phố và giữ vững cho đến khi lục quân kéo đến.
7 giờ sáng 13-8, đội tàu ngư lôi đột nhập vào khu vực cảng. Cuộc tấn công ngư lôi làm tê liệt giao thông của quân Nhật và đơn vị phòng thủ trên bến tàu. Đơn vị đổ bộ tiền duyên (181 người) bước vào trận chiến không cân sức với lực lượng đồn trú khu vực kiên cố Seisin để đảm bảo an toàn cho cuộc đổ bộ của 5.000 quân thuộc Lữ đoàn lính thủy đánh bộ số 13 Hạm đội Thái Bình Dương.
Ngày 16- 8, quân Liên Xô đã chiếm giữ thành phố. Sau khi chiếm được Seishin, ngày 21-8, lực lượng tấn công Hạm đội Thái Bình Dương, gồm 2.000 người cùng với pháo binh đã cập cảng Genzan (nay là Wonsan). Lần này, 6.000 quân đồn trú Nhật Bản đầu hàng.
Hạm đội Thái Bình Dương treo cờ trên cảng Arthur, năm 1945. |
Đổ bộ lên quần đảo Kuril
Từ cuối thế kỷ 18, Nga bắt đầu dần dần xác nhận quyền làm chủ, thậm chí còn xây dựng một pháo đài Nga trên đó. Tuy nhiên, vào năm 1875, chính phủ Sa hoàng, vì một số lý do không rõ ràng, đã thực sự tặng Kuril cho Nhật Bản.
Từ năm 1940, nhận ra tầm quan trọng chiến lược, Nhật Bản bắt đầu xây dựng các công sự mạnh mẽ với công trình ngầm, căn cứ hải quân, sân bay, bố trí lực lượng phòng không mạnh mẽ. Chính từ Kuril vào ngày 26-11-1941, phi đội Nhật Bản đã bắt đầu chiến dịch Trân Châu Cảng.
Các căn cứ quân sự trên các đảo Shumshu và Paramushir phía Bắc Kuril được người Nhật sử dụng cho các hoạt động chống lại người Mỹ. Đáp lại, máy bay Mỹ thường xuyên tấn công các căn cứ này, nhưng không có nhiều thành công. Và tất cả những điều này xảy ra chỉ cách Kamchatka 11 km.
Tháng 8-1945, tình báo Liên Xô nhận được thông tin đáng tin cậy cho biết người Mỹ có kế hoạch đổ bộ lên quần đảo Kuril và thiết lập căn cứ của mình ở đó. Trong tình huống này, cần phải "ra tay trước".
Ngày 15-8-1945, nguyên soái Vasilevsky, chỉ huy quân đội Liên Xô ở Viễn Đông, ra lệnh mở chiến dịch chiếm giữ quần đảo Kuril. Khi đó, quân đồn trú Nhật Bản gồm 8.500 người với 100 khẩu pháo, 60 xe tăng và một trung đoàn phòng không.
Chiều sâu của công sự chống đổ bộ lên tới 4 km với hệ thống phòng thủ thống nhất. Quân đồn trú do trung tướng giàu kinh nghiệm Fusai Tsutsumi chỉ huy. Ngoài ra, đơn vị đồn trú đảo Paramushir có thể hỗ trợ nhanh chóng.
Lực lượng đổ bộ Liên Xô bao gồm 2 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn chống tăng và 1 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Hạm đội Thái Bình Dương. Tổng cộng 8.300 người, 118 pháo, cối, và 500 súng máy.
Các lực lượng hải quân tham gia có 64 tàu (2 tàu tuần tra, 4 tàu quét mìn, 1 tàu nhỏ, 8 tàu tuần tra, 2 tàu ngư lôi, một xà lan nổi, tàu đổ bộ). 78 máy bay hỗ trợ từ trên không. Cuộc đổ bộ do thuyền trưởng cấp 1 Ponomarev và thiếu tướng Dyakov chỉ huy.
Sáng sớm 18-8-1945, nhóm đổ bộ Liên Xô tiếp cận hòn đảo. Trong ngày đầu tiên của chiến dịch, 7 tàu đổ bộ, 1 tàu tuần tra và 2 tàu nhỏ đã bị mất do hỏa lực của địch và thêm 8 tàu bị hư hại. Máy bay Nhật từ sân bay địa phương đã cố gắng tấn công tàu tuần tra Kirov, mặc dù không thành công. Và trên chính hòn đảo, người Nhật phát động một số cuộc phản công mạnh mẽ, thậm chí đã sử dụng xe tăng và bị bắn cháy gần hết.
Trận chiến kéo dài đến ngày 23-8, chỉ huy nhóm quân đội Nhật Bản chấp nhận các điều khoản đầu hàng do phía Liên Xô đưa ra. Thiệt hại của quân đội Liên Xô trong các trận đánh ở Shumshu lên tới 1.567 người, trong đó 416 người thiệt mạng. Người Nhật mất 1.018 người, trong đó 300 người chết.
Ngày 24-8, các lực lượng Hạm đội Thái Bình Dương bắt đầu đổ bộ lên các hòn đảo còn lại của quần đảo Kuril. Tổng cộng, khoảng 50.000 quân nhân Nhật bị bắt làm tù binh tại quần đảo Kuril.
Cuộc chiến tranh Xô-Nhật năm 1945 chỉ kéo dài 24 ngày. Tuy nhiên, sự tham gia của Liên Xô vào chiến sự ở khu vực Thái Bình Dương đã góp phần đáng kể vào việc kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai.