Văcxin "5 trong 1" ngừng sử dụng sau 9 ca tử vong

Thứ Hai, 13/05/2013, 16:25

Sau chín ca tử vong và hàng chục ca có phản ứng sau tiêm văcxin Quinvaxem chỉ trong vòng 6 tháng, Bộ Y tế đã quyết định ngừng sử dụng vào ngày 4/5.
>> Trẻ em chết sau khi tiêm váccin: Kết luận "mù mịt", giải pháp "tối tăm"

Tính từ tháng 11/2012 cho đến nay đã có tới chín trẻ em tử vong sau khi tiêm văcxin Quinvaxem. Trong đó có 3 trường hợp ở Nghệ An, một ở Kiên Giang, một ở Thanh Hóa, một ở Hà Nội, hai ở Lâm Đồng và một ở Hải Dương. Điều đáng nói, gần như các bé tử vong sau khi tiêm đều có tiền sử mạnh khỏe.

Các cháu đều tử vọng đột ngột tại nhà, không có hồ sơ y khoa về diễn biến bệnh trước khi tử vong. Trong số chín bé tử vong chỉ có 1 bé L.T. ở Hải Dương được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi tỉnh Hải Dương. Sau đó hội đồng chuyên môn Sở Y tế Hải Dương đã có kết luận cháu L.T. tử vong do nhiễm khuẩn huyết. Thực tế này đã gây hoang mang cho rất nhiều bậc cha mẹ và dư luận.

Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia Nguyễn Trần Hiển chia sẻ, số trường hợp phản ứng sau tiêm nặng xảy ra trong năm 2012 được ghi nhận là 13 trường hợp (trong đó có bốn trường hợp bệnh và một tử vong có thể liên quan đến tiêm chủng), năm 2011 là 10 trường hợp (trong đó có bốn trường hợp có thể liên quan đến tiêm chủng, không có tử vong). Tuy nhiên 6 tháng trở lại đây, đã có tới 9 ca tử vong sau tiêm văcxin, mặc dù chưa có bằng chứng về sự liên quan của văcxin nhưng cũng chưa có bằng chứng để loại trừ căn nguyên này.

Quyết định do Phó cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Nguyễn Việt Hùng ký ngày 4/5 ghi rõ yêu cầu các Sở Y tế, trung tâm y tế dự phòng trong cả nước ngừng ngay việc sử dụng văcxin Quinvaxem trong dự án tiêm chủng mở rộng.

Theo thông tin Cục Quản lý Dược thì đây là văcxin phối hợp 5 thành phần DTwP-HepB-Hib dạng lỏng, SDDK: QLVX-0604 do Công ty Berna Bieotech Korea Corporation sản xuất. Đi cùng thông báo này, Cục Quản lý yêu cầu Văn phòng đại diện Công ty Berna Bieotech Korea Corporation tại Việt Nam phối hợp với cơ sở nhập khẩu, cơ sở phân phối phải gửi thông báo tạm ngưng sử dụng tới những nơi phân phối, sử dụng văcxin trên. Bên cạnh đó yêu cầu các đơn vị bảo quản theo đúng điều kiện quy định ghi trên nhãn của văcxin.

Công ty này phải báo cáo về tình hình nhập khẩu, quá trình phân phối và sử dụng văcxin Quinvaxem về Cục Quản lý dược và Cục Y tế dự phòng trước ngày 15/5/2013. Loại văcxin này được tài trợ cho Việt Nam thông qua Liên minh toàn cầu về văcxin và tiêm chủng. Được biết nước sản xuất văcxin này là Hàn Quốc cũng không sử dụng trong tiêm chủng và có giá rất rẻ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Trịnh Quân Huấn cho hay, trong số 42 lô văcxin Quinvaxem đã nhập về Việt Nam, có đến trên 20 lô xuất hiện các trường hợp phản ứng sau tiêm từ nhẹ đến nặng. Ông Huấn cũng cho rằng văcxin có thành phần ho gà tế bào toàn phần (như Quinvaxem) là một trong những loại văcxin có tỉ lệ gây phản ứng cao nhất.

Vẫn tiêm chủng bình thường

TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết: Do văcxin Quinvaxem sử dụng cho nhóm trẻ dưới 1 tuổi, còn văcxin phối hợp ngừa ba bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván lại dùng cho trẻ trên 18 tháng tuổi, nên đề nghị Bộ Y tế sớm có hướng dẫn để các địa phương có phương án và văcxin tiêm ngừa cho trẻ em. Ông Cảm cũng nhấn mạnh, năm bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib đều là bệnh nguy hiểm, nếu không có văcxin chủng ngừa trong thời gian dài có thể để lại "lỗ hổng tiêm chủng". Ông cho biết thêm, sáng ngày 5/5 là ngày tiêm chủng định kỳ trên địa bàn thành phố. Việc tiêm chủng vẫn diễn ra bình thường. Chỉ riêng ''văcxin 5 trong 1'' Quinvaxem bị ngừng tiêm.

Còn ông Trịnh Quân Huấn cho rằng trong tình hình hiện nay, rất nên đề nghị Chính phủ hỗ trợ thêm ngân sách hoặc tìm thêm nhà tài trợ để có thể có văcxin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 thay thế Quinvaxem có chất lượng đảm bảo hơn.

Chưa có phương án nào thay thế?

Quinvaxem là văcxin "5 trong 1" duy nhất được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Sau khi có thông báo ngừng sử dụng, hiện chưa rõ Bộ Y tế sẽ đưa ra phương án nào để thay thế.

Theo ông Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW, Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia thì Quinvaxem được đưa vào sử dụng tại Việt Nam từ tháng 6/2010 do Liên minh toàn cầu về văcxin và tiêm chủng (GAVI) viện trợ thông qua UNICEF. Mỗi năm Việt Nam sử dụng khoảng 4,5 triệu liều văcxin Quivaxem tiêm miễn phí cho trẻ từ 2- 4 tháng tuổi.

Quang Ngọc
.
.
.