Ứng phó với tin giả đừng để "tay nhanh hơn não"
- Chiến dịch chống tin giả COVID-19 trên toàn cầu
- Những kẻ thủ ác với tin giả
- Cảnh báo các trang thông tin giả mạo Công an TP Hà Nội
Ngày xuân em đi chợ hạ
Mua cá thu về chợ hãy còn đông
Ai nói với anh rằng em đã có chồng
Bực mình em đổ cá xuống sông, em về
Dẫu bài ca dao nghiêng về sự giãi bày, thổ lộ (hoặc cải chính), xen lẫn một chút dỗi hờn đáng yêu của người con gái, giữa buổi chợ đông, giữa độ xuân thì, cũng không ngăn được những liên tưởng về phía nhỡ nhàng. Căn cứ vào cung cách, thái độ của cô gái, đó là "tin thất thiệt", nhưng, nếu người ta tưởng thật, chẳng phải đã làm lỡ duyên một người con gái sao? Và thế là chuyện lớn, chứ đâu còn là chuyện nhỏ nữa.
Trong bài ca dao trên, cô gái là đối tượng mà tin đồn thất thiệt hướng đến. Nghĩa là, cô là nạn nhân, mà hậu quả có thể phải trả giá bằng cả một đời đành đoạn lỡ dở. Mới hay, những lời đồn đoán, bịa đặt, những thông tin sai lệch, tin giả… nguy hiểm biết chừng nào.
Xã hội loài người bước vào kỷ nguyên công nghệ với những tính năng ưu trội thuộc về công cụ, đã mở rộng không gian sống, xóa nhòa nhiều đường biên, ranh giới, nhưng đồng thời cũng đặt con người vào muôn vàn tình huống cần phải đối phó. Một trong các tình huống đó chính là thông tin giả, tin rác, tin bịa đặt đến từ môi trường truyền thông nở rộ như hiện nay.
Tin giả, tin rác là một dạng thông tin (không đúng sự thật), được đăng tải trên các diễn đàn báo chí, mạng xã hội với mục đích gây thất thiệt, tổn hại đến uy tín, danh dự, lợi ích của cá nhân hay tổ chức nào đó. Nền tảng truyền thông đa phương tiện với tốc độ lan truyền mau chóng ẩn chứa tính hai mặt của tiện ích.
Nếu xem xét tin giả, tin rác như một năng lượng tiêu cực, thì có lẽ năng lượng đó còn lan tỏa nhanh hơn nhiều lần so với các tin được kiểm chứng đúng sự thật. Xem lại bài ca dao trên, việc cô gái chưa chồng, đi chợ ngày xuân, vừa thể hiện sự đảm đang, tháo vát, vừa để kiếm tìm ý trung nhân xem ra không gây chấn động bằng việc "người đẹp ấy đã có chồng". Cái tin ấy loang ra, làng trên xóm dưới đều biết "ván đã đóng thuyền", hoa đã có chủ, hỏi còn ai dám lân la đào mận được nữa.
Tin giả thực sự đã trở thành một ngành công nghiệp gắn với các đế chế truyền thông bởi lợi ích mà nó đem lại cho họ. Dĩ nhiên, những lợi ích đó được xây dựng (phần lớn) trên nền tảng phi đạo đức, nhưng do tâm lý hiếu kỳ, những mối quan tâm thường trực liên quan đến lứa tuổi, nghề nghiệp, giới tính, chủng tộc, đạo đức, chính trị, văn hóa, khoa học, thương mại… mà con người vẫn không ngừng tham gia vào quá trình lan truyền các thông tin giả.
Thử nghĩ mà xem, bao nhiêu chàng trai sẽ ngập ngừng dừng bước, rẽ sang lối khác, hướng đến người con gái khác trước thông tin cô gái kia đã có chồng?
Cũng như vậy, tác động của tin giả là vô cùng lớn đối với cộng đồng khi nó tạo dựng những thực tại giả mạo, tác động đến nhận thức, cảm xúc, thái độ, hành vi của cộng đồng. Với tốc độ kết nối trong không gian đa phương tiện như hiện nay, cái tin "em đã có chồng" kia đâu chỉ còn bó hẹp trong phạm vi làng trên xóm dưới nữa. Mọi trái ngang, oan khuất, bi kịch có lẽ sẽ bắt đầu từ đó.
Tiến sỹ Nguyễn Thanh Tâm, tamvvh@gmail.com. |
Tin giả, tin rác, bịa đặt, sai lệch trong môi trường truyền thông hiện nay có thể được xem là một công cụ, một phương thức nhắm đến nhiều mục đích, diễn ra trong nhiều phạm vi.
Từ các thủ đoạn chính trị đến các cạnh tranh lợi ích thương mại, từ ái tình đến khoa học, từ hình ảnh (được chỉnh sửa bằng các phần mềm) đến vị trí check in (sai vị trí), từ cá nhân đến tổ chức, từ người già đến người trẻ… dường như (vô tình hay hữu ý) đang tham gia vào một bộ máy cung cấp tin giả. Tin giả, tin rác được hình thành và tồn tại, vận hành dưới nhiều hình thức.
Từ tin hoàn toàn sai sự thật đến tin nhầm lẫn, tin giễu nhại, tin sai giữa tiêu đề và nội dung, tin sai đối tượng - địa điểm - thời gian, mạo nhận, đánh tráo, thay đổi nội dung số liệu - thông tin - hình ảnh… Dù với mục đích nào, các tin giả này cũng hướng đến việc thu hút, gia tăng lượng người truy cập, view, like, share hay comment.
Từ cộng đồng chia sẻ thông tin này, mục đích của chiến lược tin giả được thực thi. Có thể, chỉ là một cảm xúc, một cá nhân, lớn hơn là một cuộc khủng hoảng liên quan đến thể chế, quốc gia, dân tộc hay toàn thế giới, tin giả đã thao túng và dẫn dắt con người theo mục đích mà nó đặt ra.
Thực tế chứng minh rằng, những thế lực chính trị đã sử dụng tin giả như một công cụ nhắm vào các phe cánh đối lập. Diễn biến của cuộc chạy đua vào ghế Tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 đã cho thấy có bàn tay can thiệp của các chiêu bài tin giả, nhằm hạ uy tín đối thủ.
Ở Việt Nam, các thế lực chống phá cũng lợi dụng mạng xã hội để tung tin về chính sách dân chủ, tôn giáo cũng như mô hình thể chế chính trị mà Đảng cộng sản Việt Nam đang chủ trương.
Trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng, văn học nghệ thuật, có không ít những tin giả, bịa đặt, nhằm xuyên tạc, bôi xấu, phủ định tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mục đích của các thế lực này nhằm hạ uy tín lãnh tụ, kêu gọi tẩy chay hay xóa bỏ vai trò ảnh hưởng của Hồ Chí Minh đối với cách mạng và nhân dân Việt Nam.
Trên lĩnh vực kinh tế, những cú áp phe tin giả liên quan đến nhãn hàng nước giải khát đóng chai có ruồi hay nước mắm có chứa asen vượt quá chỉ tiêu cho phép đã làm các công ty, doanh nghiệp này điêu đứng.
Gần hơn, những tin giả liên quan đến đại dịch COVID-19 (như có người tử vong, người nhiễm bệnh ở khu dân cư) gây không ít hoang mang trong cộng đồng. Những tin giả này có mục đích gây mất trật tự xã hội từ đó tấn công vào vai trò, năng lực lãnh đạo của nhà nước trong chiến dịch phòng chống, ngăn chặn đại dịch.
Ở khía cạnh kinh tế, những âm mưu gây hoang mang về sự nguy hiểm và sức lan tỏa hủy diệt của dịch bệnh có thể đem đến lợi ích cho những kẻ đầu cơ thiết bị, phương tiện, vật tư y tế…
Việt Nam là một quốc gia có số lượng người sử dụng internet và mạng xã hội vào hàng cao của khu vực và thế giới (hơn 60 triệu người dùng). Tuy nhiên, theo đánh giá từ các nhà chuyên môn, cộng đồng mạng ở Việt Nam không mạnh.
Tâm lý hiếu kỳ, thiên về cảm xúc (dễ bị lôi kéo bởi tính hấp dẫn, giật gân, câu khách của tin giả), ít có tư duy phản biện, phân tích, đối chiếu và kiểm định thông tin (dễ bỏ qua các khâu kiểm chứng) cùng với những hoang mang, lo âu vốn sinh ra trong hoàn cảnh mưu sinh còn nhiều khó khăn, bất trắc chính là cơ hội cho tin giả hoành hành.
Lợi dụng thực trạng đó, nhiều đối tượng đã tung tin giả, tin xấu, bịa đặt, nhỏ thì nhằm câu like-view-share-comment và gia tăng lượt theo dõi (follow), đăng ký (Subscribe); lớn hơn là các lợi ích kinh tế từ quảng cáo, bán hàng hay cạnh tranh thương mại.
Nguy hiểm nhất là lợi dụng tin giả để tạo scandal, gây khủng hoảng truyền thông, khủng hoảng chính trị, tác động đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn đời sống xã hội. Chính vì thế, các chính sách kiểm soát thông tin, ứng phó với tin giả đã được các đơn vị truyền thông cũng như cơ quan quản lý nhà nước đặt ra một cách mạnh mẽ.
Điều gì sẽ xảy ra nếu thông tin "em đã có chồng" không được kiểm chứng và cải chính? Có phải chỉ là "bực mình em đổ cá xuống sông, em về" hay còn gì nữa? Phía sau đó là một thân phận, một cuộc đời, một gia đình, mà khía cạnh bi đát của nó có thể khiến chúng ta phải giật mình trước sự nguy hại của tin giả. Bởi thế, lời cảnh báo của cộng đồng mạng, đừng để "tay nhanh hơn não" cần phải được xem như một tâm thế, một kỹ năng khi sống trong xã hội truyền thông bùng nổ như hiện nay.