Túi tiền và ảnh hưởng của người Do Thái ở Mỹ

Thứ Sáu, 18/05/2018, 11:01
Nếu so sánh với các sắc tộc khác, thì quyền lực mà cộng đồng Do Thái ở Mỹ tạo ra thật to lớn. Ước tính khoảng 70% những người có thế lực trong ngành sản xuất phim ảnh của Hollywood là người Do Thái và khoảng 60% đang nắm giữ những ngành quan trọng như ngân hàng, báo chí, chứng khoán…


Vai trò của người Do Thái trong sự hình thành nền tài chính Mỹ

Mỹ là một quốc gia hợp chủng quốc, nên những doanh nhân thời kỳ đầu ở Mỹ vẫn giữ ít nhiều bản sắc của dân tộc mình trong lề lối làm ăn. Đôi khi tính dân tộc đó cộng hưởng nhau tạo sức ảnh hưởng lớn đến toàn bộ nền kinh tế Mỹ. 

Cộng đồng doanh nhân gốc Do Thái là một ví dụ điển hình. Tuy người Do Thái tại Mỹ chiếm thiểu số, chỉ có 5,4 triệu người (chưa tới 2% dân số Mỹ) nhưng họ đoàn kết rất chặt chẽ. Đặc tính liên kết của họ rất cao, thông qua sự kết nối của các giáo sỹ, tạo ra độ tin cậy nhau cực lớn. 

Trên hết, người Do Thái rất thông minh, có kỹ năng quản trị nhạy bén và cách xử lý tài chính tài tình. Có thể khẳng định rằng, không có dân tộc nào trên thế giới có thể bắt kịp người Do Thái trong lĩnh vực kinh doanh. Từ một quốc gia mới thành lập và không có tài nguyên thiên nhiên ưu đãi gì vào năm 1949, ngày nay Israel của người Do Thái đã trở thành một quốc gia phát triển kinh tế hàng đầu thế giới.

Tỉ phú Sheldon Adelson.

Chỉ riêng trong lĩnh vực tài chính-kinh doanh, cộng đồng Do Thái Mỹ cũng mang rất nhiều dấu ấn. Họ tham gia vào các dịch vụ tài chính từ thời Mỹ chưa độc lập. Họ đã nhận được quyền giao dịch lông thú từ các thuộc địa Hà Lan và Thụy Điển. Trong chiến tranh giành độc lập, Haym Solomon đã giúp tạo ra ngân hàng bán trung tâm đầu tiên của Mỹ và khuyên Alexander Hamilton xây dựng hệ thống tài chính của Mỹ.

Người Do Thái ở Mỹ vào thế kỷ 19, 20 và 21 đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển ngành dịch vụ tài chính của Mỹ, cả ở ngân hàng đầu tư và quỹ đầu tư. 

Các nhà hoạt động ngân hàng người Do Thái gốc Đức bắt đầu đảm nhận một vai trò quan trọng trong nền tài chính Mỹ vào những năm 1830 khi vay của chính phủ và tư nhân để chi trả cho kênh rạch, đường sắt và các cải tiến nội bộ khác tăng nhanh chóng và đáng kể. 

Những người như August Belmont, Philip Speyer, Jacob Schiff, Joseph Seligman, Philip Lehman (của Lehman Brothers), Jules Bache và Marcus Goldman (của Goldman Sachs) minh họa cho tầng lớp hoạt động tài chính này. 

Các gia đình và các công ty do họ kiểm soát gắn kết với nhau bằng các yếu tố tôn giáo và xã hội. Những mối quan hệ cá nhân này hoàn thành các chức năng kinh doanh thực sự trước sự ra đời của nhiều tổ chức và định chế tài chính của Mỹ trong thế kỷ 20.

Kể từ cuối thế kỷ 20, người Do Thái đã đóng một vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp quỹ dự phòng. Do đó, các tập đoàn như SAC Capital Advisors, Soros Fund Management, Och-Ziff Capital Management, GLG Partners, Renaissance Technologies và Elliott Management Corporation là những quỹ đầu tư lớn do người Do Thái sáng lập. 

Họ cũng đóng một vai trò then chốt trong ngành công nghiệp cổ phần tư nhân, đồng sáng lập một số công ty lớn nhất tại Mỹ như: Blackstone, Quản lý vốn Cerberus, TPG Capital, BlackRock, Carlyle Group, Warburg Pincus...

Paul Warburg, một trong những người ủng hộ hàng đầu về việc thành lập một ngân hàng trung ương ở Mỹ và là một trong những thống đốc đầu tiên của Hệ thống Dự trữ Liên bang mới thành lập xuất thân từ gia đình Do Thái nổi tiếng ở Đức. Kể từ đó, một số người gốc Do Thái lần lượt giữ chức Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), như Alan Greenspan, Ben Bernanke và Janet Yellen.

Bà Janet Yellen, nguyên Chủ tịch FED.

Bà Janet Yellen, nguyên Chủ tịch FED đóng vai trò quan trọng trong việc nâng lãi suất lần đầu tiên của Mỹ kể từ khi FED giảm lãi suất xuống mức bằng 0 vào năm 2008. Đà tăng lãi suất này cho tới nay vẫn có được là từ sự hoạch định của bà khi còn đương chức. 

Không có gì lạ khi tạp chí Forbes từng xếp bà là người phụ nữ quyền lực thứ hai thế giới, chỉ đứng sau “Nữ hoàng đồng Euro” - Thủ tướng Đức Angela Merkel. Yellen lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Yale. Bà là một trong số ít các thống đốc ngân hàng trung ương nữ trên thế giới.

Đằng sau quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel

Về quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel gây ra nhiều phản đối trên thế giới. Ngay cả đa số cộng đồng người Do Thái tại Mỹ cũng không đồng tình. Theo trang web Quartz (Mỹ), đã có nhiều tỷ phú Do Thái đứng đằng sau quyết định này của ông Trump. 

Với tư cách là những nhà tài trợ lớn cho đảng Cộng hòa có ảnh hưởng rất lớn đến dự luật cải cách thuế, họ cũng đã gây áp lực trực tiếp lên Tổng thống Mỹ thay đổi chính sách của Mỹ tại Israel. Nổi bật nhất là ông trùm sòng bạc Sheldon Adelson và vợ ông là bà Miriam Ochsorn, nhà tài trợ cá nhân lớn nhất của đảng Cộng hòa trong năm 2016, người đã chi 83 triệu USD.

Di chuyển đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem từ lâu đã là một trong những mục tiêu của cặp vợ chồng này.  “Có ý kiến cho rằng bà Miriam là người thực sự đứng đằng sau quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel”, Michael Green, giáo sư lịch sử tại Đại học Nevada cho biết.

Những nhóm vận động hành lang ủng hộ Israel tại Mỹ đã chi hàng chục triệu USD trong những năm gần đây, hy vọng sẽ ảnh hưởng đến Quốc hội và chi nhánh hành pháp. Năm 2016, số tiền ủng hộ đạt kỷ lục gần 20 triệu USD.

John Bolton, Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ Trump cũng đóng một vai trò trong quyết định của Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Ông cũng là thành viên Hội đồng Quản trị Viện An ninh quốc gia Do Thái của Mỹ, một cơ quan bài Iran, ủng hộ Israel.

Biểu đồ tài trợ của các nhóm ủng hộ Israel tại Mỹ

(Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu đáp ứng chính trị, trụ sở tại Washington D.C., Mỹ)

Chiều ngang: năm - Chiều dọc: số tiền (triệu USD)
Minh Khang (Tổng hợp)
.
.
.