Tự chủ đại học, khoảng cách giữa quy định và thực tiễn

Thứ Bảy, 05/12/2020, 14:53
Nếu lấy mốc từ Luật Giáo dục 1998 thì đến nay, tự chủ đại học đã được thực hiện trong hơn 20 năm. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai,  hầu hết các trường đang gặp rất nhiều lúng túng, vướng mắc, cả về thể chế, cơ chế và năng lực thực hiện tự chủ. Nói cách khác, hiện đang tồn tại một khoảng cách lớn giữa nội dung chính sách và thực tiễn triển khai tự chủ trong giáo dục đại học ở Việt Nam.


Nhiều vướng mắc khiến trường khó tự chủ đúng nghĩa

Tại hội thảo “Tự chủ trong giáo dục đại học - từ chính sách đến thực tiễn” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT) và một số cơ sở giáo dục đại học tổ chức cuối tháng 11-2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định, tinh thần tự chủ đại học đã được “luật hóa” trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (còn gọi là Luật số 34, có hiệu lực từ 1/7/2019) – đây là một bước tiến dài và đúng hướng của giáo dục đại học Việt Nam. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng tự chủ là “hồn cốt” của các trường đại học.

Tự chủ đại học giúp các trường nâng cao chất lượng đào tạo.

Ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, số liệu từ 23 cơ sở đào tạo đại học thực hiện tự chủ (giai đoạn 2015 – 2020) cho thấy những kết quả rất tích cực như: Tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tăng gần 10%; tỉ lệ tuyển được trong tuyển sinh đại học/chỉ tiêu tăng từ 87% lên 92%; số chương trình đào tạo được kiểm định tăng từ 1 lên 100, bằng 30% chương trình đào tạo được kiểm định của toàn quốc; số công bố quốc tế (Scopus) tăng 10 lần; tổng thu và tổng chi hằng năm tăng khoảng 1,5 lần (mặc dù NSNN cấp giảm 2,1 lần); có 4 trường lọt vào bảng xếp hạng QS Asia 2021. Khi được tự chủ, các trường đại học năng động, sáng tạo, hoạt động hiệu quả hơn, mang lại lợi ích lớn hơn cho người học và xã hội…

Như vậy, lợi ích do tự chủ đại học mang lại đã được khẳng định trong thực tiễn, tuy nhiên, những bất cập vướng mắc hiện đang nảy sinh đã khiến các trường đại học không được tự chủ theo đúng nghĩa. Theo ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, hiện quan niệm, tư duy về bản chất tự chủ đại học còn chưa có sự đồng thuận, thống nhất. Nhiều cơ sở giáo dục đại học cho rằng, tự chủ đại học là quyền đương nhiên mà họ phải được hưởng, theo đó, nhà trường cần phải được tự chủ hoàn toàn trong việc quyết định sự vận hành của đơn vị và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn cơ chế chủ quản đối với các trường đại học. Ngược lại, cũng không ít đơn vị thấy rằng, tự chủ không có nghĩa là thoát khỏi chủ sở hữu, xóa bỏ “chủ quản”, buông lỏng quản lý.

Ông Phạm Tất Thắng xác nhận còn nhiều bất cập về cơ chế như: Hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động liên quan đến các nội dung tự chủ của cơ sở còn thiếu đồng bộ. Luật Giáo dục đại học đã xác định quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, nhiều nội dung cụ thể lại được điều chỉnh bởi các luật khác như: Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Ngân sách và các luật về thuế, tài chính cũng như nhiều văn bản pháp quy khác. Trong khi không thể dùng một luật chuyên ngành này để điều chỉnh luật chuyên ngành khác.

Thêm nữa, công tác chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện và quản lý của cơ quan thẩm quyền còn chưa theo kịp yêu cầu mới của thực hiện tự chủ. Ngoài ra còn rào cản trong thực hiện cơ chế tài chính tự chủ. Khả năng tự chủ tài chính của các trường công lập tự chủ còn thấp; trách nhiệm của Nhà nước trong đầu tư nguồn lực cho giáo dục đại học chưa rõ ràng.

GS.TS Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhìn nhận, các trường đại học nói chung, các trường tự chủ nói riêng, trừ một vài trường nhờ có người đứng đầu dũng cảm, dám bứt phá, tạo nên các dấu ấn đáng trân trọng trong việc nâng cao chất lượng, còn nhìn chung vẫn còn đó các cơ sở giáo dục đại học “không chịu lớn và không muốn lớn”. Thêm nữa, sự chuyển dịch của giáo dục đại học Việt Nam trên bản đồ giáo dục đại học thế giới chủ yếu là do sự đóng góp của một vài trường “thí điểm tự chủ” dám bứt phá, và một vài trường công khác được Nhà nước “rót” đều đặn hàng ngàn tỷ đồng, nên đã có các đóng góp nổi trội về khoa học và công nghệ, so với các trường không được Nhà nước rót một đồng nào từ ngân sách cho chi thường xuyên.

Cần nghĩ tới một đề án tổng thể mới về tự chủ đại học

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, tự chủ đại học phải đi từ chuyên môn, hay còn gọi là tự chủ học thuật, ở đó có mô hình quản trị tiên tiến lan tỏa ra ngoài xã hội, nâng cao tính dân chủ, khoa học; tự chủ phải gắn với giải trình, không phải giải trình với cơ quan nhà nước, mà giải trình với toàn xã hội; tự chủ không có nghĩa là Nhà nước không đầu tư nữa; tự chủ không có nghĩa buông lỏng quản lý Nhà nước, mà sẽ quản lý bằng pháp luật và cuối cùng, tự chủ nhưng không làm giảm cơ hội tiếp cận giáo dục của người nghèo…

Ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, kiến nghị Quốc hội quan tâm sửa đổi, bổ sung các luật, từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản luật đồng bộ cho tự chủ đại học. Ông Sơn kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các nghị định hướng dẫn để đồng bộ với Luật và Nghị định 99; thành lập Ban Chỉ đạo về tự chủ đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo là thường trực). Chỉ đạo các cơ quan quản lý trực tiếp hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc sớm thành lập, kiện toàn hội đồng trường và các vị trí lãnh đạo chủ chốt theo quy định của Luật và Nghị định 99…

Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đặt vấn đề, có nên xây dựng nhiều mô hình tự chủ phù hợp với từng nhóm trường đại học đặc thù hay không, là một câu hỏi đặt ra liên quan đến quan điểm, nhận thức về tự chủ đại học. Giải quyết câu chuyện “vướng luật” khi thực hiện tự chủ khiến các trường lúng túng, tự chủ nửa vời. Khi việc sửa đổi, bổ sung các luật không thể thực hiện trong thời gian ngắn, thì có thể xem xét, xây dựng một đề án tổng thể về đẩy mạnh tự chủ đại học để giải quyết được vấn đề này hay không cũng là một nội dung đặt ra trong bối cảnh hiện nay.

Khi được tự chủ, các trường sẽ hoạt động hiệu quả hơn.

Ông Thắng đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của Nhà nước trong hoạt động đầu tư phát triển giáo dục đại học nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thời kỳ đổi mới và hội nhập. Bên cạnh đó, chính sách học phí trong bối cảnh tự chủ; việc hoàn thiện hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng cũng là những yêu cầu đặt ra trong bối cảnh đẩy mạnh tự chủ đại học hiện nay…

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến (Học viện Quản lý giáo dục) cho rằng, để thu hẹp khoảng cách giữa tự chủ trên văn bản với tự chủ trên thực tế không hề đơn giản, vì bên cạnh Bộ Giáo dục và Đào tạo, còn nhiều Bộ khác tham gia quản lý Nhà nước khiến các cơ sở giáo dục đại học chịu sự kiểm soát quá mức với nhiều văn bản dưới luật chồng chéo, không cần thiết, kém hiệu quả, thậm chí xung đột nhau.

“WB khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần cung cấp các điều kiện thuận lợi về năng lực, nguồn lực và thể chế để các cơ sở giáo dục đại học thực sự có quyền tụ chủ và trách nhiệm giải trình. Còn cá nhân tôi cho rằng, để rút ngắn khoảng cách giữa văn bản và thực tế, cần nỗ lực rất lớn của các cơ quan quản lý Nhà nước trong hoàn thiện thể chế, xây dựng năng lực và cung cấp nguồn lực cần thiết cho các cơ sở giáo dục đại học”, ông Tiến nói.

Tự chủ đại học đã mang lại cho sinh viên nhiều cơ hội trong nghiên cứu khoa học với nhiều sáng tạo

Tự chủ đại học dù còn nhiều bất cập, nhưng đã góp phần giúp nhiều trường đại học cải tạo cơ sở vật chất, xây dựng thư viện đa năng hiện đại 

Thu Phương
.
.
.