Truyền hơi ấm tình người cho những cuộc đời lầm lỡ
Việc khó, có thanh niên
Trung uý Mai Quang Huy - Bí thư Ban Chấp hành Đoàn cơ sở Trại giam Thanh Lâm dẫn chúng tôi đi tham quan "Đồi cây cao su thanh niên" với tổng diện tích hơn 168ha. Từ trên đồi cao, phóng hết tầm mắt chỉ thấy một màu xanh ngút ngàn của cây cao su đang đua nhau phát triển đều tăm tắp.
Đây chính là dự án được thực hiện theo kế hoạch giữa Đoàn Thanh niên Tổng cục 8 với Trại giam Thanh Lâm. Nhiệm vụ sẽ được chia đều cho các chi đoàn, ngoài việc chăm sóc đồi cây cao su, các đoàn viên còn đảm trách nhiệm vụ chăm sóc 55ha mía, 21ha rau xanh, đảm bảo đủ rau xanh cung cấp phục vụ đời sống của CBCS và phạm nhân.
Sung Văn Chứ trong niềm vui được giảm án. |
Đóng quân ở vùng sâu, vùng xa, các phân trại lại nằm cách xa nhau, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn, ai cũng nghĩ công tác sinh hoạt Đoàn ở Trại giam Thanh Lâm sẽ ít sôi nổi, nhưng ngược lại, về Thanh Lâm những ngày tháng 3 này, mới thấy hết được nhiệt huyết, năng lượng của tuổi trẻ đang bừng cháy trong những người trẻ nơi đây.
Trong năm 2015, Đoàn cơ sở Trại giam Thanh Lâm đã triển khai tới tất cả các chi đoàn, tổ đăng kí thực hiện các công trình, phần việc thanh niên, mà trọng tâm là thực hiện công trình chống phạm nhân đưa ma tuý, điện thoại di động và các đồ vật cấm vào trại giam. Và việc thực hiện tốt chủ trương này đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Tình trạng phạm nhân lén lút sử dụng điện thoại trong trại giam đã hoàn toàn chấm dứt, nhờ công tác sát sao, ý thức cảnh giác của các cán bộ, chiến sĩ. Tiêu biểu là đồng chí Hà Văn Huỳnh - cán bộ bảo vệ - đoàn viên chi đoàn 7 thuộc phân trại số 4, trong khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra canh gác đã phát hiện, ngăn chặn được đối tượng xấu bên ngoài ném 15 chiếc điện thoại di động vào trại giam.
Trung uý Mai Quang Huy chia sẻ: Mỗi đoàn viên Đoàn cơ sở Trại giam Thanh Lâm đều tự giác hoàn thành tốt phần việc đã được giao, trong đó 3 nhiệm vụ luôn được anh em chú trọng, đó là: chống phạm nhân sử dụng ma tuý, điện thoại; giáo dục phạm nhân kém thành tốt và tái hoà nhập cộng đồng.
Muốn phạm nhân tâm phục khẩu phục và một lòng hướng thiện, có ý thức cải tạo tốt trở về với gia đình, xã hội, thì cần phải chăm lo không những đời sống vật chất cho họ mà còn phải nuôi dưỡng, cải tạo tâm hồn họ bằng những hoạt động giao lưu văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, trang bị những kĩ năng sống cần thiết bằng những chuyên đề cụ thể: "Phối hợp giáo dục phạm nhân, trại viên trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hoà nhập cộng đồng".
Theo đó, Đoàn cơ sở Trại giam Thanh Lâm đã phối hợp với Huyện đoàn Như Xuân tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đoàn viên thanh niên đối với công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân trong độ tuổi thanh niên và giúp đỡ họ tái hoà nhập cộng đồng sau khi hết án.
Một tập thể vững mạnh, bao giờ cũng có dấu ấn của người chỉ huy. Cũng giống như con thuyền có mạnh mẽ, băng băng lao trên sóng nước hay không, là nhờ những vị thuyền trưởng lão luyện.
Cảm hoá là biện pháp tốt nhất
Đại tá Phan Ngọc Việt, Giám thị Trại giam Thanh Lâm tự hào giới thiệu: Đơn vị chúng tôi vững mạnh là nhờ sự đóng góp của các đoàn viên trẻ tuổi. Ban giám thị chỉ đưa ra chủ trương, đường lối, còn thực hiện như thế nào là các đoàn viên tự giác. Họ phát huy tốt vai trò xung kích, tình nguyện trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, khắc phục khó khăn, làm thêm ca, làm thêm giờ.
Đặc biệt, trong đợt xét giảm án, đặc xá tha tù cho phạm nhân, đoàn viên thanh niên đã xung kích trong việc giáo dục, cảm hoá phạm nhân xếp loại cải tạo kém trở thành khá, tốt và giúp phạm nhân tái hoà nhập cộng đồng.
Phạm nhân trại giam Thanh Lâm tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn. |
Cũng không ai khác ngoài các đoàn viên thanh niên đăng kí đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên, việc khó, việc mới như xung kích tình nguyện thực hiện ca gác trọng điểm, ca gác an toàn, đội phạm nhân an toàn. Hiệu quả hết sức rõ rệt là trong năm 2015, Trại giam Thanh Lâm không để xảy ra trường hợp nào trốn trại.
Một trong những phương châm công tác của những người thầy đặc biệt nơi đất trại, đó là giáo dục, cảm hoá phạm nhân, giúp họ nhận ra lỗi lầm và có ý thức sửa chữa, hướng thiện. Trong đợt giảm án Tết Bính Thân 2016 vừa qua, có hai phạm nhân được giảm án từ chung thân xuống án có thời hạn. Nghĩa là, họ đã có ngày về.
Để nhận được sự ân giảm ấy, Sung Văn Chứ, một phạm nhân người dân tộc thiểu số, quê Mường Lát, Thanh Hoá, bị án chung thân về tội mua bán trái phép chất ma tuý, đã luôn được Ban giám thị, tập thể cán bộ quan tâm động viên, giúp phạm nhân này có được kết quả cải tạo luôn đạt tốt.
Rất thật thà, Sung Văn Chứ tâm sự: "Tôi rất vui mừng khi được cán bộ thông báo là mình được giảm xuống tù có thời hạn, cứ tưởng con đường về với gia đình đã chấm hết. Giờ đây, tôi không biết nói gì để cảm ơn các cán bộ đã tạo điều kiện giúp đỡ tôi. Tôi xin hứa sẽ cải tạo tốt hơn để tiếp tục được giảm án và sớm về đoàn tụ cùng gia đình".
Còn phạm nhân Nguyễn Văn Hiếu, SN 1982, quê ở Quảng Thịnh, Quảng Xương, Thanh Hoá vốn là đối tượng không nghề nghiệp, nghiện ngập cờ bạc. Ngày 22-6-2006, Hiếu bàn nhau cùng 2 đối tượng khác đi cướp để có tiền đánh bạc. Rạng sáng 23-6-2006, Hiếu cùng đồng bọn ra cây xăng Quảng Yên chặn được hai vợ chồng đi chợ, cướp tiền, bị kết án 13 năm tù.
Lên trại Thanh Lâm năm 2008, anh ta thường xuyên vi phạm nội quy và bị phát hiện, liên tục nhận kỷ luật. Không chịu lao động, lại sẵn thói côn đồ ngang tàng, quản giáo giao việc gì, Hiếu cũng chống đối hoặc làm đối phó.
Nhiều lần tiếp xúc với Nguyễn Văn Hiếu, đồng chí Đỗ Xuân Hiền - cán bộ quản giáo, đoàn viên chi đoàn 5 đã nhận thấy ở phạm nhân này có uẩn khúc, tâm tư gì đó. Anh quyết tâm tìm hiểu và biết được hoàn cảnh khá éo le của Hiếu: Bố anh ta mất sớm, chỉ còn mẹ già, gia đình hết sức khó khăn. Từ đó, anh Hiền thường xuyên gặp gỡ, tranh thủ giờ nghỉ để động viên, thuyết phục, nắm tâm tư nguyện vọng.
Lúc đầu, với bản tính ngang tàng, lại bất mãn cuộc sống, Hiếu không nghe, cố tình không hợp tác, (sau này Hiếu tâm sự, vì án dài, gia đình lại không có điều kiện nên Hiếu chán nản không muốn phấn đấu), nhưng dần dần thấy anh cán bộ quản giáo chân tình, Hiếu rất xúc động và tích cực cải tạo, đạt mức khoán như các phạm nhân khác.
Giờ đây, tư tưởng của phạm nhân này đã rất thoải mái, luôn đi đầu trong việc chấp hành nội quy, quy định. 4 năm liên tục từ 2012 đến nay, Nguyễn Văn Hiếu đều cải tạo khá, được giảm án 2 lần với tổng số 27 tháng.
Tuổi thanh xuân đẹp nhất đời người, và những cán bộ, chiến sĩ nơi đây đã cống hiến những ngày tháng rực rỡ nhất cuộc đời mình, ở nơi rừng thiêng nước độc, với một niềm tin bất diệt: Sẽ tiếp thêm ngọn lửa sống cho những cuộc đời lầm lỡ, đã vì nhiều lý do mà trượt bước...