Trung thu phố cổ: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Thứ Năm, 20/09/2018, 16:09
Như đã thành thông lệ, mỗi mùa Trung thu đến, khu phố cổ Hà Nội lại tưng bừng các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc đón chị Hằng. Các không gian văn hóa ở đây thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân Thủ đô, khách du lịch và đặc biệt là các em nhỏ.


Năm nay, chương trình sẽ được mở rộng với nhiều hoạt động ý nghĩa, tại các địa điểm như phố bích họa Phùng Hưng, đình Kim Ngân, ngôi nhà di sản 87 Mã Mây, đình Đồng Lạc, Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ 50 Đào Duy Từ. 

Theo thông tin từ lãnh đạo ban Quản lý phố cổ Hà Nội, trong chương trình hoạt động Trung thu phố cổ năm nay có 12 nghệ nhân dân gian từ các làng nghề truyền thống tham gia vào chương trình đón tết Trung thu cùng nhân dân Thủ đô, không kể các đoàn của làng nghề rối cạn Tế Tiêu và làng nghề trống Đọi Tam tham gia biểu diễn trực tiếp trên các tuyến phố cổ.

Trẻ em chơi múa sạp trên phố bích họa Phùng Hưng Trung thu 2018.

Những “báu vật nhân văn sống” sẽ trực tiếp sáng tạo các sản phẩm văn hóa để nhân dân được thưởng thức. Ngoài ra, các cụ cũng sẽ dành thời gian hướng dẫn khách tham quan, nhất là trẻ nhỏ cách làm các sản phẩm văn hóa của làng mình. Trong bối cảnh các làng nghề ngày càng mai một, những hoạt động thực tế như thế này sẽ tiếp thêm động lực cho các nghệ nhân để họ tiếp tục công việc bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Cũng liên quan đến các nghệ nhân, một triển lãm ảnh nghệ nhân dân gian của nhiếp ảnh gia trẻ Lê Bích sẽ được trưng bày tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ 50 Đào Duy Từ. 

Tri ân các nghệ nhân dân gian là công việc mà những người làm văn hóa tâm huyết mong muốn, để qua đó khơi dậy tinh thần gìn giữ các giá trị truyền thống trong nhân dân. Thủ đô Hà Nội vốn là cái nôi văn hóa của cả nước, lưu giữ nhiều giá trị độc đáo mang tính bản sắc văn hóa Việt. 

10 năm kể từ khi địa giới hành chính thủ đô mở rộng, các giá trị văn hóa cổ truyền Hà Nội càng được làm giàu có thêm nhờ sự bổ sung của các địa phương. Có thể nói, sản phẩm của nhiều làng nghề của Hà Nội là để phục vụ cho Tết Trung thu, và đây chính là thời điểm để trưng bày, giới thiệu các sản phẩm này. 

Năm nay, đơn vị tổ chức Ban quản lý Phố cổ Hà Nội muốn nhấn vào các hoạt động đặc biệt như Giới thiệu không gian Tết trung thu truyền thống của một gia đình Hà Nội xưa, trình diễn cách làm tranh Kim Hoàng, tranh Đông Hồ, trình diễn nghệ thuật làm mặt nạ giấy bồi. 

Mọi trò chơi dân gian như Bịt mắt bắt dê, Kéo co, Nhảy sạp, Nhảy bao bố, Cà kheo, Mèo đuổi chuột… sẽ được tổ chức trên phố bích họa Phùng Hưng. Con phố này đã được nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái “Vì tình yêu Hà Nội” năm ngoái 2017 bởi những bức tranh khổ lớn thể hiện thấm đẫm các giá trị văn hóa Hà Nội. 

Sản phẩm tò he của nghệ nhân Đặng Văn Hậu - làng nghề tò he Xuân La, Phượng Dực, Phú Xuyên.

Cũng trên con phố này, trong dịp Trung thu, nhiều hoạt động biểu diễn âm nhạc sẽ được tổ chức sôi động, hứa hẹn thu hút sự quan tâm của khán giả trẻ. Đại diện Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho hay, năm nay lần đầu tiên công chúng sẽ được ngắm nhìn hai món đồ chơi được xem là đặc trưng nhất của Trung thu Hà Nội xưa là Thiên nga bằng bông và tàu thủy bằng sắt Tây. Hà Nội hiện nay chỉ còn duy nhất một gia đình nghệ nhân làm trò chơi này vào dịp Tết Trung thu. 

Để người dân thêm yêu mến các giá trị văn hóa cổ truyền

(Phỏng vấn bà Trần Thị Thúy Lan - Phó Ban quản lý phố cổ Hà Nội)

- Bà có thể cho biết nội dung các chương trình hoạt động mừng đón Tết Trung thu truyền thống do Ban quản lý phố cổ tổ chức năm nay có gì đặc biệt?

+ Có thể nói, Trung thu năm nay có nhiều hoạt động thú vị hơn được tổ chức. Mong muốn của chúng tôi là mang đến cho nhân dân thủ đô, đặc biệt là các em nhỏ một ngày hội trăng rằm đúng nghĩa, đẹp về thị giác nhưng sâu xa là góp phần lưu giữ các giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông bao đời để lại. 

Trong 2 ngày, từ 21 đến 23 tháng 9, người dân thủ đô sẽ được trải nghiệm nhiều hoạt động phong phú, như xem các nghệ nhân trình diễn và hướng dẫn cách làm đồ chơi dân gian các loại đèn ông sao, ông tiến sĩ, ông đánh gậy, diều giấy, tàu thủy bằng sắt tây, nghệ thuật con giống bột (tò he). Ngoài ra là các hoạt động trình diễn rối cạn, múa sạp, ô ăn quan, chơi chuyền, kéo co. 

Một điểm mới đáng chú ý là năm nay chúng tôi dành một không gian cho các nghệ nhân làng nghề tranh Kim Hoàng, một làng nghề quý nhưng đang đứng trước nguy cơ bị mai một dần, đến hướng dẫn trẻ em làm tranh Kim Hoàng. Ngoài ra là rất nhiều các hoạt động khác trên nhiều tuyến phố, nhiều không gian trong khu phố cổ.

Bà Trần Thị Thúy Lan và đại sứ Phạm Sanh Châu trong một chương trình giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội.

- Có thể thấy, trong các chương trình hoạt động vui đón tết Trung Thu phố cổ đang có một sự gắn kết giữa việc bảo tồn  văn hóa với không gian công cộng cho người dân được thưởng thức các giá trị văn hóa truyền thống…

+ Ban quản lý phố cổ Hà Nội luôn xem đây là tiêu chí hàng đầu khi tổ chức các hoạt động văn hóa. Công tác bảo tồn văn hóa chỉ có ý nghĩa khi gắn với đời sống của nhân dân, bởi vì không ai khác, chính họ là những người vừa thưởng thức vừa làm giàu có thêm, sáng tạo thêm vào các giá trị văn hóa cổ truyền. Chẳng hạn chúng ta thấy, các làng nghề ngày càng mai một đi, vì nó không được đông đảo người dân tham gia sáng tạo, gìn giữ. 

Bằng các hoạt động của mình, chúng tôi muốn tạo ra không gian cho các nghệ nhân của các làng nghề đến để vừa trình diễn, vừa hướng dẫn nhân dân cùng sáng tạo các sản phẩm với mình. 

Bảo tồn không chỉ là câu chuyện trên giấy, trên sách báo, hay trong những văn bản chỉ thị, những lời phát biểu, mà nó thực sự phải được hành động. 

Phải làm sao để mỗi người dân cảm nhận được sự quý giá của các giá trị văn hóa cổ truyền. Khi đã yêu mến các giá trị đó, họ sẽ chung tay gìn giữ bảo tồn bằng nhiều cách khác nhau.

- Hơn 10 năm nay, các hoạt động vui Tết Trung Thu đã trở thành thường niên ở khu phố cổ, bà tâm đắc nhất điều gì?

+ Các hoạt động đón Trung thu phố cổ thì có truyền thống từ lâu đời rồi, nhưng có thời gian nó không được quan tâm đúng mức. Hơn 10 năm về trước, chúng tôi đã quyết tâm phục hồi lại các hoạt động này, để lưu giữ cho đời sống văn hóa Hà Nội một nét đẹp độc đáo thu hút người dân, khách du lịch, đặc biệt là trẻ nhỏ. 

Đây cũng là cách để giáo dục tình yêu văn hóa, lòng yêu mến các giá trị truyền thống cho các thế hệ tương lai. Chúng ta càng hội nhập với thế giới thì càng phải biết trân trọng các giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc. Đó là tấm vé thông hành quan trọng để chúng ta đi ra thế giới. 

Chưa có một con số thống kê cụ thể nhưng các hoạt động tại tuyến phố cổ Trung thu mỗi năm thu hút đông đảo người dân tới xem, nghe, tham gia vào. Số lượng người tham gia năm sau lại đông hơn năm trước, đó là điều chúng tôi rất mừng.

Nghệ nhân làng rối Tế Tiêu với các em thiếu nhi.

- Với nhiều hoạt động trên nhiều tuyến phố và nhiều không gian như vậy, kinh phí tổ chức được lấy từ những nguồn nào?

+ Kinh phí tổ chức các hoạt động Trung thu phố cổ được lấy từ một phần ngân sách nhà nước và phần còn lại là nhờ vào công tác xã hội hóa.

- Cụ thể ngân sách xã hội hóa được hiểu như thế nào?

+ Chúng tôi xã hội hóa các hoạt động cộng đồng. Ví dụ, chúng tôi mời các nghệ nhân, thậm chí là người dân ở các làng nghề tham gia vào các chương trình đón Tết Trung thu phố cổ. Họ mang đồ nghề đến, trực tiếp làm ra các sản phẩm thủ công của mình, hướng dẫn khách tham quan cách làm sản phẩm, hoàn toàn miễn phí. Ai yêu thích thì mua sản phẩm cho họ. Còn việc họ tham gia với chúng tôi là hoàn toàn miễn phí, không lấy công. Như vậy, họ vừa giới thiệu được công việc sáng tạo của mình, làng nghề của mình, sản phẩm của mình để đông đảo khách tham quan biết đến. 

- Xin cảm ơn bà!

Hội Vũ
.
.
.