Trung Quốc - Mỹ chạy đua ở Tây Thái Bình Dương

Thứ Sáu, 19/06/2020, 14:59
Dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lan rộng trong quân đội Mỹ. Trong khi đó, tàu sân bay USS Ronald Reagan "đậu" tại Yokosuka, Kanagawa (Nhật Bản) đang chuẩn bị quay trở lại tuần tra vùng biển phía Tây Thái Bình Dương. Đây là những lát cắt nhỏ về hoạt động của quân đội Mỹ cùng những thăng trầm của lực lượng này trong khi vừa phải "vật lộn" với virus SARS-CoV-2, vừa phải trấn an các đồng minh và ngăn chặn Trung Quốc tận dụng dịch bệnh nhằm hiện thực hoá các yêu sách vô lý về chủ quyền biển đảo.


Chồng chất khó khăn

Theo cảnh báo được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đưa ra hồi đầu tháng 6, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh tới nước Mỹ và cũng ảnh hưởng không nhỏ tới quân đội nước này. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc vẫn luôn sẵn sàng với những nhiệm vụ khó khăn nhất.

Điều lo lắng của ông Mark Esper hiện tại là quân đội chưa thể thống kê đầy đủ số binh sĩ bị nhiễm virus SARS-CoV-2 tỷ  lệ tử vong vì COVID-19 trong quân đội Mỹ đang ở mức 0,3%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tử vong trên toàn nước Mỹ là 5,8%.

Bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy máy bay chiến đấu Mỹ đã bay qua một số khu vực đang là "điểm nóng trên biển" thời kỳ dịch bệnh COVID-19 bùng phát. ảnh: Getty.

Hiện Bộ Quốc phòng Mỹ đã ra lệnh cho các căn cứ quân sự giữ nguyên quân số, không cho binh lính di chuyển. Riêng tàu sân bay  USS Theordore Rooselvelt phải chịu cách ly ở đảo Guam vì có hơn 1.150 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2. Tại Nhật Bản, lực lượng quân đội đang đóng ở các căn cứ quân sự trên đảo Okinawa dù đã gia hạn khẩn cấp y tế công cộng đến hết ngày 14-6 nhưng vẫn lo sợ dịch bệnh bùng phát trở lại.

Chuyên gia an ninh hàng hải tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, Collin Koh nhận định, về lâu dài, trận chiến của quân đội Mỹ với COVID-19 có thể còn chứng kiến sự tấn công mạnh hơn từ Trung Quốc, Bởi lẽ, trong khi Washington và Bắc Kinh đang tranh cãi về nguồn gốc của virus và việc xử lý đại dịch, Trung Quốc đã sử dụng phương tiện truyền thông nhà nước để trình bày một tường thuật rằng quân đội Mỹ đang cố gắng che giấu sự suy yếu của mình.

Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng cao cấp của Rand Corp thì cho rằng, thật khó để tin sự sẵn sàng trong quân đội Mỹ đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi virus SARS-CoV-2. Cũng theo quan điểm của nhà phân tích này, tại Biển Đông, từ tháng 4, Bắc Kinh đã thành lập hai quận để quản lý các đảo và các rạn san hô mà họ xây dựng trái phép nhằm củng cố tham vọng độc chiếm vùng biển này.

Chưa hết, hải quân Trung Quốc còn tập trận giả, huấn luyện bắn đạn thật trực tiếp trên biển để cải thiện kỹ năng chiến đấu và triển khai một tàu khảo sát và bảo vệ bờ biển theo đuôi West Capella, một tàu khoan dầu được hợp đồng bởi công ty dầu khí quốc gia Malaysia trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Các lực lượng Trung Quốc đã tiếp tục hành vi mạo hiểm và leo thang căng thẳng trong khu vực, một quan chức cao cấp của Lầu Năm Góc cũng nhấn mạnh điều này khi trả lời phỏng vấn hãng Fox News.

Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách khu vực Đông Nam Á Reed B. Werner thì cho biết, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã quấy rối máy bay trinh sát của Mỹ, ít nhất 9 lần trên Biển Đông kể từ giữa tháng 3, cùng thời điểm khi tàu sân bay USS Theordore Roosevelt cập cảng ở đảo Guam. "Hành vi khiêu khích này không chỉ giới hạn ở bầu trời", ông Reed B.Werner nói.

Sự công khai của Mỹ

Trước đây, những cuộc đối đầu giữa quân đội Mỹ và quân đội Trung Quốc không được báo cáo công khai. Nhưng nay, những hành động đơn phương của Trung Quốc ở Thái Bình Dương đã gây ra một loạt phản ứng dữ dội từ Washington, bao gồm một tuyên bố vào cuối tháng 4 của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo, trong đó chỉ rõ, Bắc Kinh cố gắng tận dụng sự lây lan của đại dịch để gây bất ổn, mất an toàn và an ninh hàng hải; tiếp tục các hành vi khiêu khích của mình và gây áp lực quân sự, ép buộc các nước láng giềng.

Máy bay chiến đấu F-35B của Lính thuỷ đánh bộ Mỹ. ảnh: Reuters.

Nhà phân tích quốc phòng Derek Grossman khẳng định, trong khi Nhật Bản và các đồng minh khác lo lắng thì có rất nhiều dấu hiệu khác cho thấy sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực ngày càng mạnh mẽ. Nhắc lại các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông hồi tháng 4 cũng như hành trình của tàu tấn công đổ bộ USS America chở máy bay chiến đấu F-35B, ông Derek Grossman chỉ ra rằng, đây là một nỗ lực phối hợp để đối đầu với sự quyết đoán của Trung Quốc. "Có rất ít bằng chứng cho thấy nhiều thay đổi cho điều tồi tệ hơn. Ngược lại, quân đội Mỹ dường như đang chú ý hơn đến Ấn Độ-Thái Bình Dương hơn bình thường", nhà phân tích quân sự chỉ rõ.

Tờ Japanese Times trong một bài viết mới đây cũng phân tích: "Hải quân Mỹ đã có tiếng nói khác thường trong việc truyền đạt công khai các hoạt động của mình ở phía Tây Thái Bình Dương trong những tuần gần đây. Trong một động thái đặc biệt đáng ngạc nhiên, Hạm đội Thái Bình Dương thậm chí đã thực hiện bước hiếm hoi vào ngày 8-5 khi tuyên bố rằng tất cả các tàu ngầm được triển khai đang hoạt động trên biển để hỗ trợ một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở giữa đại dịch COVID-19.

Một ngày sau, Hạm đội 7 cho biết, ba tàu ngầm và máy bay tham gia cho một cuộc huấn luyện chiến đấu từ ngày 2 đến 8-5 trên biển Philippines. Và trong những gì được coi là một phản ứng đối với hành động của Trung Quốc gần West Capella, Hạm đội 7 cũng đã triển khai hai tàu chiến đấu duyên hải tiên tiến cho các hoạt động kiểm tra gần các khu vực có giàn khoan dầu khí.  khu vực khoan.

Ngoài các hoạt động của hải quân, Không quân Mỹ cũng tăng cường các nhiệm vụ trong khu vực với việc sử dụng máy bay ném bom B-1B. Hồi tháng 4, Không quân Mỹ còn công bố 5 nhiệm vụ huấn luyện B-1B trên Biển Hoa Đông cũng như một nhiệm vụ ở ngoài biển phía Bắc Nhật Bản với sự tham gia của  6 máy bay chiến đấu F-16 thuộc Không quân Mỹ, bảy F-2 của Lực lượng Phòng không Không quân Nhật Bản và 8 chiếc F-15 của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Đồng thời, Không quân Mỹ còn  công khai thừa nhận 3 chuyến bay của B-1B trên Biển Đông, bao gồm cả nhiệm vụ huấn luyện ngày 8-5.

Olli Suorsa, một nghiên cứu viên tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore bình luận, những hành động và những tuyên bố rộng rãi này tạo thành thách thức trực tiếp đối với bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc khi thông tin sai lệch rằng sức mạnh quân sự của Mỹ ở phía Tây Thái Bình Dương bị suy giảm. Đồng quan điểm này, Collin Koh nhấn mạnh, vấn đề không phải là về việc, trong quá khứ, quân đội Mỹ có làm những việc này hay không.

Thuỷ thủ đang vận chuyển đồ lên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt. ảnh: US Navy.

Những hoạt động như vậy vẫn được tiến hành, chỉ là chúng có thể không được công bố. Thay vào đó, thật thú vị khi thấy cách quản lý truyền thông của quân đội Mỹ đã phát triển trong thời gian gần đây: Không có thêm thông tin cập nhật nào về mức độ lây nhiễm COVID-19 trong Hải quân nhưng lại có những thông báo rõ ràng về các hoạt động của quân đội. Điều đó, dựa trên những gì tôi biết cho đến nay, là chưa từng có về mặt cường độ của cách thức hoạt động cho các hoạt động này và các thông báo công khai được thực hiện.

Nguy cơ leo thang căng thẳng?

Tuy nhiên, như GS Khoa học Chính trị Zhang Baohui, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á -Thái Bình Dương tại Đại học Lĩnh Nam, Hồng Kông (Trung Quốc) lo ngại, tất cả các hoạt động tăng cường này có thể tạo nên cơ hội của sự hiểu lầm và vô tình làm leo thang căng thẳng: "Đây là một môi trường trong đó tuân thủ chặt chẽ các quy định và quy tắc đã được thống nhất về các cuộc gặp gỡ ngoài ý muốn trên biển và trên không, thiết lập đường dây liên lạc, cũng như thực hiện các biện pháp kiềm chế ở cả hai bên. Những người khác nói rằng các hoạt động tăng cao có thể phản ánh một vòng luẩn quẩn của sự ngờ vực lẫn nhau và nỗi sợ hãi giữa đại dịch. Cả hai bên đều tin rằng bên kia có thể tận dụng cuộc khủng hoảng".

Gọi đây là một tình huống khó xử an ninh cổ điển, trong đó cả hai bên đều phóng đại sự hiếu chiến của phía bên kia, GS Zhang Baohui vẫn tin rằng, nguy cơ thực sự của các cuộc xung đột quân sự vẫn ở mức thấp vì cả hai bên đều không muốn chiến tranh.

Hành động của Bắc Kinh trên Biển Đông và biển Hoa Đông thời gian gần đây đơn giản là sự tiếp nối của hành vi quyết đoán trong quá khứ, phục vụ cho ý đồ độc chiếm Biển Đông. Nhưng "dù thế nào đi chăng nữa thì quân đội Mỹ cũng đã thúc đẩy quan điểm rằng nước này đang tìm cách trở lại với một chỗ đứng vững chắc hơn ở phía Tây Thái Bình Dương", GS Zhang Baohui nhấn mạnh.

Huyền Chi (tổng hợp)
.
.
.