Trụ sở phường, xã có cần "mặc đồng phục"?

Thứ Bảy, 29/09/2018, 12:01
Những ngày qua, thông tin về việc các cơ quan chuyên môn của Hà Nội  đang tổng hợp ý kiến các quận, huyện về phương án thiết kế mẫu trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.


Bởi theo thống kê của sở Quy hoạch- kiến trúc Hà Nội, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng số trụ sở có thể áp dụng thiết kế mẫu khi đầu tư xây dựng mới là 483.

Phương án được đưa ra lấy ý kiến do Trung tâm nghiên cứu kiến trúc và quy hoạch đô thị, nông thôn (HRAP) trực thuộc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội thực hiện. Theo đó, về hình ảnh công trình phải thống nhất nhận diện, tiêu chuẩn vật liệu hoàn thiện. 

Quy mô diện tích đất cũng được đưa ra tùy theo khu vực, như trung tâm đô thị có diện tích tối thiểu 300 m2, tối đa khoảng 2.000 m2, cao tối đa 6 tầng. Thiết kế cũng phải có hình khối ngôn ngữ đơn giản, hiện đại, không trang trí các chi tiết, gờ phào cổ điển rườm rà.

Minh họa: Lê Tâm

Ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, khẳng định việc này mới  đang trong quá trình nghiên cứu, lấy ý kiến của các địa phương, chưa áp dụng ngay vào thực tế khi xây dựng trụ sở mới. Mục tiêu của đề án này là đưa ra mẫu kiến trúc chung theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn của nhà nước.

Từ đó, khi triển khai xây dựng mới những trụ sở ở cấp xã, phường, thị trấn thì áp dụng theo mẫu chung này, đảm bảo tính thống nhất chứ không có chuyện đập bỏ các trụ sở mới xây dựng hoặc đang sử dụng tốt đi để xây lại trụ sở mới theo thiết kế mới, đồng bộ. 

"Không ai làm như thế cả, nó giống như việc nhà mình đang tốt thì không ai lại đi đập nhà mình đi để xây mới cả. Còn cái trụ sở nào nó cũ, nát thì phải cải tạo hoặc xây mới và lúc đó cơ quan chức năng có thể nghiên cứu xây dựng theo mẫu thiết kế chung", ông Vinh khẳng định.

Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin này được công bố đã thu hút sự chú ý của dư luận. Trong đó nhiều ý kiến cho rằng vào thời điểm này, đây là việc không cần thiết vì Hà Nội đang có quá nhiều lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư như như xây dựng trường học để giải quyết  tình trạng một lớp học có tới 70 học sinh. 

Bình luận về việc này, một đại biểu Quốc hội cho rằng Hà Nội phải tính toán sao cho hài hoà giữa chủ trương và các điều kiện thực tiễn về kinh tế, phải tính đến việc chuyển đổi giữa trụ sở cũ và trụ sở mới như thế nào, vị trí ra sao, có thuận lợi cho người dân không? 

Việc áp dụng chung một mô hình như thế có phù hợp với đặc điểm về địa lý của từng địa phương không khi Hà Nội, ngoài vùng đồng bằng còn có cả khu vực miền núi? Rồi việc xây dựng trụ sở như thế có đảm bảo yếu tố tiện lợi, khoa học không? Và một vấn đề nữa là trong quá trình xây dựng và mua sắm, làm sao tránh được thất thoát và tham nhũng? Những câu hỏi đó buộc Hà Nội phải có những đề án cụ thể nếu muốn triển khai chủ trương này.

Từ góc độ chuyên môn, nhiều kiến trúc sư cho rằng việc làm này là không cần thiết, không phù hợp với xu hướng kiến trúc bền vững và thích ứng với khí hậu, kiến trúc xanh. Không những thế việc thiết kế sẽ còn phụ thuộc vào diện tích khu đất xây trụ sở, với những mảnh đất có diện tích khác nhau thì sẽ phải có kiến trúc khác nhau.

Thực tế hiện nay, nếu như các xã ngoại thành hoặc phường ven đô, nơi qũy đất còn nhiều thì việc chọn địa điểm xây trụ sở còn dễ dàng, nhưng tại các phường trong khu phố cổ, trụ sở phường nhiều nơi chỉ là những ngôi nhà nhà ống với diện tích mặt bằng vài chục mét vuông, thậm chí nằm trong ngõ nhỏ thì để xây trụ sở theo đúng quy chuẩn là bất khả thi.

Còn với người dân khi đến cơ quan chính quyền, điều quan trong nhất là cần được giải quyết công việc nhanh chóng, mà điều này lại phụ thuộc vào tinh thần làm việc và thái độ phục vụ nhân dân của các cán bộ chứ không phải trụ sở to hay nhỏ. Hà Nội đang hướng tới xây dựng thành phố thông minh. 

Thực tế thời gian qua Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính và đặt mục tiêu cao nhất là chuyển từ nền hành chính "xin - cho" sang nền hành chính "phục vụ". 

Hiện Hà Nội  đã đưa vào hoạt động 552/1.883 dịch vụ công trực tuyến (trong đó: 382 dịch vụ mức 3 và 170 dịch vụ mức 4) chiếm 30% tổng số dịch vụ công của cơ quan hành chính thành phố và đang nỗ lực để đạt mục tiêu 55% thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành, UBND các cấp được cung cấp trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Năm 2018, TP Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu 55% số hồ sơ được thực hiện qua dịch vụ trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 với 1.883 dịch vụ khác nhau.

Vì vậy, để chính quyền cơ sở hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì điều quan trọng nhất là cần nâng cao năng lực chuyên môn và thái độ phục vụ người dân của cán bộ công chức chứ không phải là xây dựng trụ sở bề thế.

Tân Lương
.
.
.