Trở thành tỷ phú nhờ nhãn Hưng Yên
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là cây nhãn lồng Hưng Yên rất phù hợp với khí hậu, chất đất ở đây. Những cây nhãn tổ trồng từ những năm 60 thế kỷ trước đến nay vẫn xanh tốt, cho quả đều. Đó là cây nhãn tổ của gia đình ông Nguyễn Văn Bảy, ở bản Hải Sơn, gốc to mấy người ôm, tán rộng đường kính tới 25m, có năm thu tới 1,7 tấn quả.
Những năm 90 thế kỷ trước, ở Sơn La có phong trào san hộ giãn bản, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bà con huyện Sông Mã trồng đến gần chục nghìn héc-ta nhãn. Dọc hai bên bờ sông vào mùa nhãn nở hoa, người ta chỉ thấy nhãn và nhãn, vàng rực cả bờ sông.
Cách đây hơn chục năm, nhãn mất giá, một phần do thị trường chưa như bây giờ, phần do việc chăm sóc, đầu tư cho cây nhãn chưa tốt, giống cũ, quả nhỏ, chỉ để làm long nhãn, nên có nơi bà con chặt bỏ nhiều.
Người dân Sông Mã vui mừng trước mùa nhãn bội thu. |
Mấy năm trở lại đây, bà con đã biết cải tạo vườn nhãn, dùng gốc nhãn cũ, cưa cành ghép giống nhãn mới, cho quả to, ngon, cùi dày, năng suất cao, mang lại hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần nhãn cũ và cây nhãn Sông Mã đã tìm lại được chỗ đứng.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Mã, hiện toàn huyện có 4.268ha nhãn, trong đó đã có hai phần ba diện tích được cải tạo thành nhãn ghép, năng suất từ 10 - 12 tấn/ha, sản lượng khoảng 32.000 tấn. Như vậy, với giá khoảng 20 - 22 nghìn đồng/kg, người trồng nhãn ở đây có thể thu tới hàng trăm tỷ đồng.
Mùa nhãn năm nay, ở Sông Mã có nhiều chuyện vui. Không chỉ bà con người Kinh mà nhiều bà con dân tộc Thái, Mông cũng đang làm giàu từ cây nhãn. Anh Lường Văn Thoan, ở bản Mé, xã Nà Nghịu dù chưa thu hoạch hết, nhưng đã bán hơn 17 tấn nhãn quả.
Anh Lò Văn Nhan, ở bản Phiêng Ca, xã Chiềng Khoong có 2,5ha nhãn ghép, năm nay bắt đầu cho quả, ước sẽ thu khoảng 20 tấn quả. Được biết, một số hộ bà con di dân tái định cư Thủy điện Sơn La mới chuyển về sinh sống xen ghép với bà con Sông Mã, cũng đã bắt đầu trồng nhãn.
Chính sự chia sẻ thông tin, học hỏi kinh nghiệm làm ăn đã gắn kết họ với nhau. Người Kinh, người Thái, người sở tại, người mới đến tái định cư cùng nhau đoàn kết, làm giàu.
Đến thăm HTX Đoàn Kết, thuộc bản Hải Sơn, xã Chiềng Khoong, là nơi trồng nhiều nhãn nhất huyện. Bản Hải Sơn hiện có gần 400ha nhãn, hai HTX trồng nhãn, trong đó HTX Đoàn Kết có bảy thành viên kinh doanh 25ha nhãn ghép. Vượt qua cầu treo Hải Sơn, ông Đặng Văn Thửa và ông Nguyễn Văn Dũng đã chờ sẵn, đưa đi tham quan vườn nhãn bằng xe máy.
Chúng tôi bị choáng ngợp trước một vườn nhãn xum xuê, mà trước đó chưa từng thấy bao giờ. Từng chùm nhãn, quả to, mọng, có cây phải có giá đỡ đang chuẩn bị cho thu hoạch.
Ông Thửa cho biết, ông có khoảng 200 gốc nhãn ghép, mỗi gốc thu từ 2-3 tạ quả, trừ chi phí, năm nay vườn nhãn của ông sẽ thu từ 800 triệu đến một tỷ đồng. Còn ông Dũng, đã có người nhận bao tiêu cả vườn với giá 20 nghìn đồng/kg, với 4 ha chắc chắn sẽ có ba tỷ đồng.
Để có thành quả như hôm nay, ông Thửa từng bị bà con ở bản Hải Sơn gọi là "ông điên" khi vườn nhãn đang xanh tốt thì cưa cụt cành. Năm 2009, một lần về thăm quê Khoái Châu, học được cách tỉa cành, ghép mắt giống nhãn Thiết Miền, ông đã mạnh dạn chuyển toàn bộ hơn 1 ha nhãn thường thành nhãn ghép. Hai năm sau đó, bà con trong bản mới hiểu việc ông làm.
Quả nhãn ghép của ông to, cùi dày, thơm ngon, bán giá gấp đôi nhãn thường. Từ câu chuyện ông Thửa "điên" làm cho cả vùng nhãn Sông Mã thay đổi nhận thức, đến nay, hàng nghìn héc-ta nhãn đã được cải tạo, ghép mắt giống mới.
Bà con ở đây đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết chăm sóc, bón phân, cắt tỉa, đầu tư cho cây nhãn. Không dừng lại ở đó, ông Thửa đã tập hợp những người có diện tích nhãn lớn, sản xuất tập trung, biết đầu tư chăm sóc để xin thành lập HTX.
Năm 2016, HTX Đoàn Kết đã chủ động mời Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương hỗ trợ quy trình sản xuất nhãn sạch, thực hiện chăm sóc nhãn tiêu chuẩn VietGAP. Có người bảo: "Nhãn đang được giá, việc gì phải thêm chi phí", nhưng ông nghĩ khác.
Để có thị trường ổn định, không bị ép giá, thì không thể không liên kết sản xuất, đồng thời nhãn phải bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, không dùng hóa chất, nhất là nhãn của HTX Đoàn Kết phải tạo nên sự khác biệt mới tăng được giá trị.
Những suy nghĩ và cách làm của ông Thửa, ông Dũng đang được UBND huyện Sông Mã và tỉnh Sơn La ghi nhận, khuyến khích. Hai năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã đầu tư xây dựng bốn mô hình sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đồng thời, UBND huyện đã triển khai đề tài nghiên cứu khoa học ghép cải tạo giống nhãn, bằng giống nhãn PHM 99-11 và nhãn HPM1 (nhãn chín muộn Hưng Yên) tại hai xã Nà Nghịu và Chiềng Khoong. Tổ chức đoàn đi tham quan học hỏi kinh nghiệm xây dựng thương hiệu cam Cao Phong (Hòa Bình) để về áp dụng đối với cây nhãn Sông Mã.
Huyện khuyến khích các hộ nông dân liên kết hình thành các HTX chuyên canh cây nhãn, liên kết bốn nhà để nâng cao hiệu quả sản xuất. Bởi nếu chỉ có nhãn của HTX Đoàn Kết bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm còn nơi khác không thì cũng rất khó ra thị trường.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Sông Mã lần thứ 20 nhiệm kỳ 2015-2020 đã dành vị trí quan trọng nói về cây nhãn, xây dựng chỉ dẫn địa lý hàng hóa, thương hiệu nhãn Sông Mã. Đó là định hướng lớn, nhận thức mới hỗ trợ giúp người nông dân có thể đứng vững trên thị trường, làm giàu trên quê hương mình.
Sông Mã, dòng sông thi ca đã được nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh lấy cảm hứng viết nên bản ''Tình ca Tây Bắc''. Mùa nhãn bên dòng sông, mạnh mẽ nhưng cũng đầy thơ mộng ấy, người nông dân gom góp niềm vui. Cuộc sống nơi này vốn thế, tự nó đã là một bản tình ca...