Trò lừa mị giữa thời dịch bệnh

Chủ Nhật, 29/03/2020, 15:55
Dịch COVID-19 xâm nhập vào Việt Nam, gây xáo trộn đời sống xã hội, nhiều đối tượng đã lợi dụng tình hình này đưa ra thông tin không chính xác, phục vụ cho mục đích cá nhân. Có những thông tin vô cùng thiếu cơ sở khoa học, mê tín cũng được sử dụng để đánh lừa người dân, khiến "cuộc chiến" chống dịch của đất nước bị ảnh hưởng.


Lập đàn đọc sớ đuổi… virus Corona

Từ ngay những ngày đầu tiên khi dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam, khi mà kiến thức về loại virus mới này còn khá ít khiến nhiều người hoang mang lo sợ. Một ngôi chùa lớn tại Quảng Ninh đã khiến dư luận xã hội dậy sóng khi tổ chức một khóa tu tập để "hóa giải" virus Corona. Ngôi chùa còn quảng cáo khóa tu tập này trên các phương tiện truyền thông của mình, giải thích dịch bệnh này là do "ác nghiệp của chúng sinh".

Đáng nói, trong thời điểm đó, Bộ Y tế đã có khuyến cáo về việc hạn chế tập trung đông người để tránh lây nhiễm chéo loại virus này từ người sang người.

“Cô đồng” tung tin giả bị xử phạt 15 triệu đồng.

Trước sự lên án của dư luận xã hội, ngôi chùa này sau đó cũng đã phải gỡ toàn bộ thông tin về chương trình tu tập để "hóa giải" virus Corona của mình. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người tin tưởng mù quáng vào việc khóa tu này có thể giúp đẩy lùi virus, thông qua việc ủng hộ trên các trang fanpage của ngôi chùa.

Tại Ninh Bình, một "cô đồng" là Phạm Thị Hồng Chinh (SN 1981, trú tại xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh) đã đưa thông tin mê tín liên quan đến dịch bệnh lên Facebook cá nhân của mình với nội dung: "Thường xuyên gặp được Quan thế âm bồ tát, người có tượng được mọi người cúng bái trong chùa và Diêm Vương là người cai quản âm phủ, nơi con người đến khi chết. Khoảng 22h30 ngày 20-3 thì được Diêm Vương cho gặp và chỉ cho cách chữa bệnh COVID-19, người bị bệnh ăn cật dê sẽ khỏi".

Mặc dù được nhiều người khuyên can nên gỡ bài, không nên đăng tải các thông tin sai sự thật câu view, nhưng "cô đồng" này không đồng ý, cho rằng thông tin của mình là đúng sự thật. Kết quả, tại cơ quan Công an, Chinh thừa nhận hành vi của mình là để thu hút tương tác cho Facebook và bị xử phạt hành chính 15 triệu đồng.

Tưởng chừng sau khi nhiều đối tượng bị xử phạt vì hành vi đăng tin sai sự thật, dùng thông tin mê tín dị đoan câu kéo người xem thì các hành vi này sẽ giảm bớt. Nhưng không, chỉ cách đây vài ngày, một đoạn clip ghi lại cảnh thầy cúng tiến hành nghi lễ "đuổi" virus Corona lại khiến cộng đồng mạng dậy sóng.

Theo đoạn clip này, người ngồi cúng bái là một người Việt Nam, mặc áo choàng đỏ, đầu cạo trọc với nhiều đồ vật lạ đeo trên người. Sau khi chuẩn bị đồ lễ, người này quỳ trên thảm đỏ và cầm một tờ văn tế đuổi… virus để cúng. Hành động của người này khiến nhiều người không khỏi cảm thấy buồn cười. Nhưng đáng cười hơn đó là nhiều người ngồi đằng sau liên tục quỳ lạy và làm lễ cùng ông thầy mà không nhận thấy sự vô lý trong lời văn tế đó.

Buổi cúng đuổi virus SARS-CoV-2 được cộng đồng mạng chia sẻ rộng rãi.

Bài tế của thầy cúng được ghi lại như sau: "Nguyên thân Corona nCoV lắng nghe thầy giảng pháp kinh… Nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới không sinh ra con, họ vô tội vì vậy con hãy quay về nơi đã sinh ra con hỏi tội chủ nhân của con, đòi hỏi lý lẽ và lời giải thích của họ.

Nếu có trừng phạt thì hãy trừng phạt họ chứ con không được quấy phá. Điều đó là trái với đạo lý thiên địa. Hôm nay, thầy có chuẩn bị cháo đỗ xanh, hoa hồng, hoa ly và hoa quả và thầy cũng chuẩn bị 99 phi thuyền có hình dáng của con để con quay lại nơi mà con đã được sinh ra. Chỉ có ở đó các con mới tìm được câu trả lời đúng nhất. Trước đàn lễ, thầy có chuẩn bị cháo đỗ xanh, hoa hồng, hoa ly để các con hưởng thụ. Mời các con hưởng thụ.

Sau khi hưởng thụ xong thầy mời các con lên 99 phi thuyền để quay về nơi mà các con sinh ra. Tạm biệt Corona nCoV… Thầy tạm biệt các con".

Đoạn clip này sau đó nhận về hàng chục ngàn lượt tương tác, bình luận và chia sẻ. Trong một thời gian ngắn đã đạt lượng view khủng từ dân mạng.

Đáng nói, khi dịch bệnh khiến gần 20.000 người chết trên toàn thế giới, các nhà khoa học đang phải làm việc ngày đêm để tìm ra phương pháp chữa trị, vị pháp sư này lại cho rằng mình có năng lực thể đuổi loại virus này bằng phi thuyền, hoa quả và cháo đỗ xanh.

Nếu trong số hàng ngàn người đã xem và theo dõi đoạn clip, có khoảng một nửa tin tưởng, cho rằng virus Corona đã bị "đuổi" ra khỏi Việt Nam và chủ quan trong việc phòng dịch thì đó sẽ trở thành mối hiểm họa, khiến bao nhiêu công sức của đất nước trong việc phòng, chống dịch bệnh đổ xuống sông xuống biển.

Cho đến thực dưỡng vượt đại dịch

Bên cạnh những trò mê tín dị đoan nói trên, hiện nay trên mạng xã hội còn lan tràn đủ các loại thông tin tào lao. Nó còn nguy hiểm hơn nữa khi được pha trộn khéo léo với một ít kiến thức khoa học hoặc nghiên cứu bởi khiến người đọc nửa tỉnh nửa mê với những thông tin được tiếp cận.

Tại tài khoản Facebook tên Nguyen Binh, một người tự xưng là "cốc chủ" với gần 15.000 lượt theo dõi đã viết nhiều bài để nói về khả năng của "thực dưỡng" và "sống thuận tự nhiên" là có thể "yêu thương em cô vi, chả có tí sợ sệt gì".

Một bài viết đăng tải hướng dẫn.

Trong một bài viết khác, chủ tài khoản này đã phủ nhận toàn bộ công lao của vắc xin - thành tựu y học vĩ đại của nhân loại trong việc phòng chống bệnh tật, đặc biệt là trong dịch bệnh. Chị này cho rằng chỉ vì vắc xin mà sức đề kháng của của nhiều người suy giảm, khiến cơ thể dễ mắc bệnh hơn khi dịch bệnh xảy ra.

Nguyên văn bài viết này như sau: "Để mình xem các đám tôn sùng vacxin nó diễn hề kiểu gì. Xem phim xác sống nhiều quá nên tưởng vacxin là thần dược phòng bệnh. Đâu biết rằng vacxin là thủ phạm làm suy giảm đề kháng khiến cơ thể dễ mắc bệnh hơn khi dịch bệnh xảy ra… Muốn đề kháng khỏe chống lại mọi sự tấn công của mầm bệnh thì phải ăn ở cho thuận tự nhiên…".

Thay vào việc chữa bệnh bằng y học, chủ tài khoản lại hướng dẫn nhiều người trị bệnh bằng uống nước tiểu buổi sáng và sống "thuận tự nhiên" bằng cách sử dụng phương pháp "thực dưỡng" do người này hướng dẫn.

Trong một bài viết khác, chị này lại cho rằng virus Corona là loại "âm dịch". "Việc âm đã có các thiên vương xử lý, việc của tớ là lo tuyên truyền phòng bệnh bằng ăn uống lành sạch, suy nghĩ thiện lương, hành động nhân ái", chị này viết và phía cuối bài không quên quảng cáo cho cách sử dụng nước tiểu để làm đẹp của mình.

Qua tìm hiểu, chủ tài khoản này khá nổi tiếng trong cộng đồng anti-vắc xin (không sử dụng vắc xin). Ngoài các bài viết đăng tải lợi dụng thời điểm dịch bệnh với thông tin phản khoa học, người này còn có nhiều bài viết khác để phủ nhận tác dụng của vắc xin. Thay vào đó là nêu cao tác dụng có một số loại thực phẩm như tương sắn dây, tương tamari mà chị này bán.

Sự anti vắc xin còn kinh khủng đến mức, trên Facebook cá nhân chị này còn đăng tải hướng dẫn người "thải độc vắc xin" ra khỏi cơ thể ngay sau khi tiêm. Phương pháp này đã bị các chuyên gia đầu ngành phản bác bởi quan niệm hết sức sai lầm của nó.

Với lượng theo dõi khủng, các bài viết được nhiều người đọc và chia sẻ, các thông tin do chủ tài khoản này đăng tải có ảnh hưởng rất lớn tới việc tuyên truyền thông tin phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong thời điểm hiện tại. Sẽ nguy hiểm thế nào nếu để người đọc tin tưởng vào các phương pháp như dùng nước tiểu, ăn tương… có thể trị được dịch bệnh.

Ngoài ra, với quan điểm anti vắc xin, việc người này cho rằng đó chính là tác nhân gây hại, khiến nhiều người suy giảm miễn dịch và dễ mắc bệnh hơn trong tình hình dịch bệnh hiện tại, nó sẽ trở thành mầm mống để nhiều người trong cộng đồng không sử dụng khi vắc xin được chế tạo thành công. Từ đó tạo ra lỗ hổng trong miễn dịch cộng đồng, điều đã xảy ra với một số căn bệnh khác do ảnh hưởng của cộng đồng anti vắc xin ngày càng mạnh mẽ.

Để tránh trường hợp xấu đó xảy ra, cần thiết có sự can thiệp của các cơ quan chức năng với các chủ tại khoản Facebook đăng tải những thông tin xấu mê hoặc người dân trước khi nó tiếp tục được lan truyền rộng rãi. Đó cũng là một nhiệm vụ quan trọng trong việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 được Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Quốc gia liên tục nhắc đến.

Trâm Hiền
.
.
.