Trở lại Bản Khoang ngày Nhà giáo Việt Nam: Tình thầy trò nơi khốn khó

Thứ Tư, 20/11/2013, 10:57

Tôi đến Bản Khoang sau cơn lũ dữ 2 tháng. Những đống đá khổng lồ chưa từng thấy vẫn còn nguyên ở đó.  Sự mất mát về người không gì bù đắp nỗi. Trường lớp trắng trơn sau lũ. Nhưng thầy cô các trường học ở  Bản Khoang đã gượng đứng dậy, bằng sự nỗ lực của chính mình và bằng những yêu thương, sẻ chia của cộng đồng.

Sự sống hồi sinh từ mất mát

Chỉ mới cách đây hai tháng thôi, sau cơn lũ dữ, hàng ngàn tấn đá khổng lồ từ trên đỉnh núi trút xuống trong đêm, cuốn trôi hàng chục người dân, nhiều nhà cửa sụp đổ hoàn toàn, có thầy giáo, cô giáo trường trung học cơ sở Bản Khoang (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) bị thương rất nặng. Khu tập thể giáo viên cũng bị lũ cuốn đi.  May mắn hôm đó có 18 em học sinh ngủ trong căn phòng chỉ bị lũ sạt qua mất một cái cột. Chúng thoát chết trong gang tấc. Có những thầy cô đang ngủ, bỗng thấy cái giường trôi đi tuồn tuột... Dù họ còn sống sót, nhưng đứa con yêu của họ thì không may như thế. Cả ba trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở Bản Khoang trắng trơn sau lũ. Tưởng như, cô và trò ở đó không thể gượng dậy được, bởi nỗi đau mất người và tan hoang trường lớp.

Bây giờ ở đống đá khổng lồ chưa từng thấy vẫn còn đó, vùi thi thể một em bé mới ra đời 3 tháng. Sự đau đớn mất mát về người không có gì bù đắp nổi, hi vọng với thời gian, sự mất mát sẽ nguôi ngoai phần nào. Nhưng họ phải vực dậy từ con số không tròn trĩnh. Trường lớp trắng trơn. Không sách vở, không quần áo, không đồ ăn thức uống. Bắt đầu từ gì và bắt đầu từ đâu, khi nỗi hoảng sợ vẫn còn hằn vết trên những gương mặt ngây thơ ở đây.

Thầy Nguyễn Công Hưng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bản Khoang kể lại: "Sau cơn lũ, nhiều gia đình hoảng sợ không dám cho con đến trường. Ban ngày, tất cả các thầy cô dầm mưa cùng bộ đội, công an thu dọn bùn đất, lau rửa phòng học, tới sẩm tối lại phân công nhau đến các thôn, bản vận động các em đến trường. Hơn 90 thầy cô đã phải phân nhau đến từng bản xa, vận động phụ huynh tiếp tục cho con đến trường. Các em học sinh còn nhỏ nên hồn nhiên và ngây thơ lắm. Có em khi thấy chúng tôi đến còn bảo "con sợ con ma bên suối bắt lắm, ở nhà thôi". Có những gia đình phải vào vận động 6-7 lần mới đồng ý cho con đi học".

Chị Chào Thị Mẩy hoảng sợ vì có con mất trong cơn lũ, nên chị nhất quyết không cho cô con gái đang học lớp 3 đến trường. Đích thân thầy Hiệu trường phải đến tận nhà 7-8 lần, lân la trò chuyện, đợi chị nguôi ngoai nỗi đau, rồi dần dần thuyết phục cho bé đến trường, ở lại bán trú cho an toàn. "Nếu không kiên trì thì học sinh ở đây bỏ học hết sau trận lũ vừa rồi. Tâm lý hoảng loạn lắm". Giọng trầm buồn, thầy kể: "Có đến 11 gia đình có người mất. Khi đưa được xác người về, chưa làm ma, các thầy cô giáo đã có mặt, xắn tay vào giúp bà con. Từ tình cảm chân thành đó, bà con mới tin tưởng và gửi gắm con em mình, cho các cháu đến trường".

Công việc của những thầy cô giáo ở Bản Khoang không chỉ lên lớp, dạy cho học sinh biết đọc, biết viết. Nỗi lo sợ nhất của các thầy cô ở đây, không phải cái đói, cái rét (dù đó là vấn đề thường trực) mà là các em không đến trường. Thầy Hưng bảo, thật may mắn, đến tháng 10, 100 % học sinh đã đến trường. Thế là bớt đi một nỗi lo. Nhưng rồi lại phải đối diện với cái đói, cái rét.

"Các em học sinh tiểu học Bản Khoang được nhà nước hỗ trợ tiền ăn học hàng tháng 450 ngàn đồng. Nhưng cứ phải hết học kỳ một thì tiền mới được rót về. Bây giờ, chúng tôi phải đi mượn tạm tiền, đi cắm nợ ở các hàng quán để cho các cháu ăn. Có những quán, nhà trường phải đứng ra ghi nợ, đợi khi ngân sách về thanh toán. Mỗi tuần, các cháu chỉ được 2 bữa thức ăn thôi, còn lại là ăn rau với cá khô, đậu phụ. Chúng tôi cũng đã cố hết sức, nhưng thầy cô ở đây đều nghèo cả. Mùa này rét mướt, chăn các cháu cũng không đủ ấm. Thiếu thốn đủ bề. Nhưng thầy cô chúng tôi vẫn cố gắng lên lớp đầy đủ".

Những đứa trẻ mồ côi sống dựa vào bữa cơm thầy cô giáo.

Hoa rừng ngày hiến chương nhà giáo

Có rất nhiều câu chuyện cảm động về sự cưu mang học sinh của các thầy cô Bản Khoang. Trong chuyến đi cùng mấy người bạn mang quần áo, giày dép đến cho các em trường tiểu học Bản Khoang, tôi bắt gặp ánh mắt ngơ ngác tội nghiệp của hai chị em Thào Thị Say và Thào Thị Sung. Hai đứa trẻ mồ côi. Một đứa lên 6, một đứa chừng lên 4. Mẹ mất. Bố bán nhà, rồi bỏ đi biệt tăm. Hai đứa sống quặt quẹo với bà cô Thào Thị Bâu, chị gái của bố.

Thầy giáo trẻ tên An dẫn chúng tôi đến thăm nhà của hai chị em Say. Bà bác đang ngồi bên bếp lửa tàn. Trong nhà chẳng có gì đáng giá ngoài những bắp ngô treo đầy trên xà nhà, để ăn lúc đói. Bà Bâu góa chồng, nuôi 5 đứa con và bà mẹ già. Bà cũng chẳng biết nói tiếng Kinh, chỉ láng máng hiểu, có người hỏi về gia cảnh, ôm đứa cháu mồ côi vào lòng và khóc. "Nhà con ăn tết xong là đói, một năm 7-8 tháng đói". Một đứa giọng buồn buồn.

"Ở đây, học sinh hoàn cảnh như thế nào, các thầy cô đều nắm rõ và hiểu. Chỉ sợ các em không đến trường thôi. Còn khó khăn nhiều rồi cũng quen", thầy giáo trẻ từ tốn.

Đá vẫn chất đầy con đường đến trường.

Hàng ngày, hai chị em Say cứ tha thẩn ở trường, các thầy có gì ăn thì cho. "Có khi trong nhà chỉ có gói mì tôm, cũng mang ra cho chúng nó ăn vì sợ nó đói quá". Say và Sung sống dựa vào cơm của thầy cô. Lúc nhà này, khi nhà khác. Mùa này rét mướt, nên nhà trường cho hai chị em ngủ lại ở gác bán trú nhà gỗ của trường. Hai chị em Say không nhận được chế độ gì của nhà nước. Nếu không được thầy cô cưu mang không biết hai đứa trẻ mồ côi có thể sống sót chứ chưa nói gì đến chuyện học con chữ.

Rất nhiều chuyến hàng của mọi người đã mang đến đây nhiều thứ vật chất để giúp thầy cô Bản Khoang tồn tại và học sinh có thể tiếp tục đến trường. Mong ước của thầy hiệu trưởng về những chiếc máy tính đã bị lũ cuốn để trang bị cho phòng tin học đã được các bạn thiện nguyện ở Hà Nội mang lên Bản Khoang. Và rất nhiều quần áo, sách vở để thầy trò ở đây tiếp tục lên lớp. Nhưng dường như vẫn còn chưa đủ.

Trường tiểu học Bản Khoang xập xệ, khu bán trú là một cái nhà gỗ tạm bợ, xiêu vẹo sau cơn lũ. Một người bạn của tôi, đã đến Bản Khoang ba lần sau cơn lũ đã kể lại rằng: "Bạn cũng đã mang đến đây một chuyến hàng có giá trị hàng trăm triệu đồng, chủ yếu là để trường học được tiếp tục hoạt động như máy tính, sách vở. Nhưng có một điều rất thật là chuyến đi nào cũng thấy chưa đầy đủ. Có em học sinh mặc áo lành thì quần lại rách tả tơi. Có đứa đang học bài mà mũi chảy thành dòng xuống bàn, dính cả vào sách vở... nhìn xuống chân, ý như rằng, nó không có dép. Hôm ấy lạnh 10 độ C, mình chân đi bốt mà vẫn tê đi vì lạnh... Trong lớp học ở Bản Khoang, nhiều em học sinh đi chân trần đến lớp...".

Học sinh lớp 1 Tiểu học Bản Khoang.

Những người dân Bản Khoang bị mất nhà đang đi lấy gỗ về dựng nhà mới. Một ngôi trường kiên cố hơn cũng đang được xây lên ở một nơi an toàn cho các em học sinh. Nỗi đau, sự mất mát dường như đã lắng xuống. Nhưng những khốn khó thì vẫn còn ngổn ngang. Đống đất đá từ đâu đổ về vẫn còn nằm nguyên ở đó. Cây cầu cho các em học sinh đến trường vẫn chỉ làm tạm bằng gỗ và tre nứa.

Tôi rời Bản Khoang trong buổi trưa nắng gắt. Hình ảnh những đứa trẻ ôm chặt những bộ quần áo và đôi ủng mới vào lòng cứ đeo bám tôi mãi. Và tôi nhớ câu nói của thầy giáo trẻ: "Học sinh đói thì làm sao mình nỡ bỏ các em. Kể cả nhà không có gì cũng cố đi kiếm cái ăn về cho các em".

Ngày 20/11, ngày hiến chương các nhà giáo năm nay có lẽ các thầy cô giáo Bản Khoang sẽ không có hoa hồng. Nhưng hoa tặng họ là hoa rừng, hoa của tình thương, trách nhiệm, hoa từ ánh mắt học trò nhìn vào sự gượng dậy của các thầy cô để giữ lấy con chữ cho các em.

Thầy Nguyễn Công Hưng- Hiệu trưởng trường Tiểu học Bản Khoang quê Thái Bình đã có 14 năm gắn bó với ngôi trường này. Thầy nói: "Mong nhà nước quan tâm, sớm triển khai xây lại ngôi trường an toàn hơn giúp thầy trò an tâm đến lớp. Hơn 200 học sinh tiểu học Bản Khoang đến lớp trong điều kiện cơ sở vật chất rất tồi tàn. Trường vách đất, nứt tung tóe. Chúng tôi cũng đã nỗ lực hết mình để giúp các em học sinh đến trường 100%, và ở lại bán trú trong mùa đông rét mướt này. Nhưng kinh phí eo hẹp quá, lại chậm trễ. Chúng tôi đang cố hết sức mình rồi, vay nợ khắp nơi để các con được đủ ăn và học.

Khánh Linh
.
.
.