Triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ tân dược giả liên tỉnh
- Phá đường dây sản xuất, tiêu thụ tân dược giả liên tỉnh
- Cảnh giác với tân dược giả
- Quyết chiến với tội phạm sản xuất tân dược giả
Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Trần Thị Minh Hằng (55 tuổi), ngụ quận 11, TP Hồ Chí Minh; Trần Hữu Đồng (49 tuổi, chồng Hằng), Dương Hồng Sơn (ngụ tỉnh Phú Yên), Nguyễn Đình Thanh (ngụ tỉnh Bình Định) về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh".
Cơ quan CSĐT cũng đã khởi tố, bắt tạm giam bị can Trần Hữu Tâm (52 tuổi, anh trai Đồng) và khởi tố bị can Võ Văn Thao (40 tuổi) nhưng cho tại ngoại, áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, cùng hành vi sản xuất hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.
Trước đó, tối 20-9, Đội 7- PC 46 Công an TP Hồ Chí Minh, bắt quả tang Trần Hữu Tâm chở 2 thùng các-tông trên xe gắn máy, bên trong có 230 hộp tân dược giả VitaminC Laroscorbine (6 lọ/hộp). Tâm khai, số tân dược giả này do Tâm sản xuất và theo chỉ đạo của Trần Thị Minh Hằng, Tâm mang đi giao cho khách hàng là Dương Hồng Sơn ở tỉnh Phú Yên.
Lực lượng chức năng kiểm tra tang vật vụ án. |
Từ lời khai của Tâm cùng những chứng cứ thu thập được, PC 46 Công an TP Hồ Chí Minh tiến hành khám xét khẩn cấp nhà Trần Thị Minh Hằng (chung cư Lý Thường Kiệt, quận 11), phát hiện 229 hộp thuốc hiệu Phenobarbital 0,1 và 93 lọ thuốc hiệu Aminazin 25g (dạng viên); khám xét nhà Trần Hữu Tâm (hẻm 364 Tô Ký, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12), phát hiện thu giữ 350 hộp tân dược hiệu Voltaren 75mg, 400 lọ Diclofenac 75mg, 253kg vỏ hộp các hiệu tân dược Voltaren, Laroscorbine, Bencozyme Vitamin B, vỉ trắng, và tờ hướng dẫn sử dụng. Khám xét Công ty NHH in ấn Q.T ở đường Nguyễn Văn Luông, phường 12, quận 6, cơ quan chức năng thu giữ 4 khuôn dùng để cắt bìa hộp thuốc Laroscorbine Vitamin C 1g/5ml và 52kg vỏ hộp, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc Laroscorbine Vitamin C 1g/5ml.
Tại Phú Yên và Bình Định, PC46 khám xét nhà của Dương Hồng Sơn và nhà của Nguyễn Đình Thanh, thu giữ hàng chục ngàn hộp, lọ, vỉ tân dược các loại và 33,5kg bao bì, nhãn hiệu thuốc giả ngoại. Bước đầu, Dương Hồng Sơn thừa nhận chỉ có 6 thùng tân dược là Sơn mua của Hằng, số tân dược còn lại Sơn mua bên ngoài.
Theo lời khai của Trần Thị Minh Hằng, trước đây, Hằng có quen một đối tượng tên Mỹ (tên thật là Mai Thanh Hoàng) và Mỹ chỉ cho Hằng cách sản xuất tân dược giả. Từ năm 2016, Hằng bắt đầu sản xuất tân dược giả.
Theo đó, Hằng đến công ty in ấn Q.T ở đường Nguyễn Văn Luông, phường 12, quận 6 đặt Võ Văn Thao thiết kế, in các loại bao bì, tem, hộp thuốc, giấy hướng dẫn sử dụng để làm thuốc giả.
Trần Thị Minh Hằng. |
Khi đặt, Hằng đưa mẫu thật để cho Thao căn cứ vào đó làm giống như thật. Sau khi thiết kế, Thao gửi lại mẫu thiết kế cho Hằng. Sau khi chuẩn bị xong khâu in ấn bao bì, nhãn mác giả, Hằng đến Trung tâm thuốc tây quận 10 (TP Hồ Chí Minh) mua một số loại thuốc do Việt Nam sản xuất giá rẻ, rồi thuê Trần Hữu Tâm (anh chồng Hằng) sản xuất.
Để làm thuốc giả, Tâm bóc hết vỏ các loại thuốc nội, rồi cho vào vỏ hộp giả (do Thao in ấn), dán tem, nhãn, bỏ giấy hướng dẫn sử dụng vào hộp để "lên đời" thành thuốc ngoại. Theo chỉ đạo của Hằng, Tâm sản xuất 3 loại tân dược: Voltaren, Laroscorbine, Bencozyme và chỉ sản xuất số lượng đúng theo đơn đặt hàng.
Tân dược giả thành phẩm, Hằng bán cho 3 khách hàng là Dương Hồng Sơn (tỉnh Phú Yên), Nguyễn Đình Thanh (tỉnh Bình Định) và một khách hàng ở tỉnh Nam Định. Khi khách đặt hàng, Tâm có nhiệm vụ chở hàng ra ga Sài Gòn hoặc bến xe miền Đông gửi dịch vụ.
"Tân dược giả đóng mỗi thùng 100 hộp, hiệu Laroscorbine bán giá 2,2 triệu/thùng, Bencozyme 2,8 triệu/thùng, Vottaren 1,7 triệu đồng/thùng. Sau khi trừ tất cả chi phí, lời 400.000 đồng/thùng", Hằng khẳng định. Để phụ giúp vợ trong việc sản xuất, buôn bán thuốc giả, Trần Hữu Đồng có trách nhiệm nhận đơn đặt hàng của khách hàng gọi đến, đi rút tiền bán thuốc giả của các khách hàng gửi và mua thuốc nguyên liệu để sản xuất thuốc giả.
Theo khai nhận của Tâm, Tâm được Hằng thuê sản xuất tân dược giả từ đầu năm đến nay, trả lương 7 triệu đồng/tháng. Mỗi tuần Tâm sản xuất 2-3 chuyến hàng, mỗi chuyến 100-200 hộp tân dược giả và mang đi giao cho khách hàng.
Sau khi có mối tiêu thụ tân dược giả, Hằng đặt Thao sản xuất các loại bao bì, tem nhãn giả hiệu Voltaren, Laroscorbine, Bencozyme để giao Tâm sản xuất. Ngoài ra, Hằng còn đặt Thao sản xuất thêm bao bì, tem nhãn giả hiệu H 5000 để bán lại cho các khách hàng tiêu thụ tân dược giả của mình là Dương Hồng Sơn và Nguyễn Hồng Thanh.
"Sau khi in lô đầu tiên, đến lô hàng thứ hai Hằng đặt in, Thao yêu cầu giấy phép in ấn bao bì nhưng Hằng không có để cung cấp. Biết Hằng in bao bì để làm tân dược giả nên Thao đề nghị tăng giá thêm 20% và Hằng đồng ý. Số lượng mỗi lần đặt tối đa 5.000 vỏ hộp. Từ tháng 12-2016 đến nay, Thao in cho Hằng tổng cộng 6 lần là 30.000 vỏ hộp các nhãn hiệu trên với tổng số tiền 60 triệu đồng. Thao lời khoảng 10 triệu đồng", Võ Văn Thao cho biết.
Số bao bì giả hiệu H5000 này, Hằng cho biết là do Dương Hồng Sơn có nhu cầu nên Hằng đặt in, bán lại cho Sơn để hưởng chênh lệch. Khi biết Thanh có nhu cầu mua thuốc H 5000, Hằng biết là Sơn có mua bao bì giả của Hằng loại này để sản xuất thuốc giả. Vì vậy, khi Thanh đặt hàng, Hằng yêu cầu Sơn cung cấp cho Hằng để Hằng bán lại cho Thanh hưởng chênh lệch.
Tang vật vụ án. |
Dương Hồng Sơn thừa nhận, ngoài việc mua bán thuốc giả với Hằng, Sơn còn trực tiếp sản xuất thuốc giả nhãn hiệu Terneurine H5000 tại Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Để làm thuốc giả loại này, Sơn đặt hộp thuốc giả từ Hằng 1 lần vào tháng 5-2017, số lượng 2.000 hộp với giá 10 triệu đồng.
Về nguyên liệu, Sơn mua thuốc hiệu Coinvit (Việt Nam sản xuất), bóc gỡ hết vỏ hộp rồi bỏ vào vỏ hộp, tem nhãn giả. Số thuốc giả sản xuất được, Sơn bán lại cho Hằng giá 70.000 đồng/hộp và đã bán cho Hằng tổng cộng 1.400 hộp. Ngoài ra, Sơn còn bán cho các cửa hàng tân dược trên địa bàn tỉnh Phú Yên với giá 75.000 đồng/hộp.
"Tôi biết hành vi mua bán tân dược giả là vi phạm pháp luật nhưng vì lợi nhuận nên tôi sản xuất thuốc giả để bán. Còn việc tôi mua lại tân dược giả của Hằng, Hằng nói những loại thuốc giả trên không có hại cho sức khỏe và bán có lợi nhiều nên tôi đồng ý mua để bán kiếm lời"-Sơn thú nhận.
Còn với Nguyễn Đình Thanh khai nhận: khoảng tháng 1-2016, Thanh vào TP Hồ Chí Minh đến chợ dược phẩm quận 10 để mua tân dược về bán. Tại đây, Thanh gặp Trần Thị Minh Hằng, Hằng chủ động làm quen và đặt vấn đề mua bán tân dược giả hiệu Terneurine H5000 và Dodevit.
Sau khi nghe Hằng thuyết phục, Thanh đồng ý mua và tiêu thụ tổng cộng 1.000 hộp tân dược hai nhãn hiệu trên của Hằng. Đến tháng 8-2016. Hằng hướng dẫn Thanh cách làm giả tân dược hiệu Terneurine. Hằng cam kết sẽ cung ứng đầy đủ bao bì nhãn hiệu vỏ thuốc. Còn nguyên liệu thì Hằng hướng dẫn Thanh mua tân dược nhãn hiệu Neovit rồi tháo gỡ bao bì, nhãn hiệu cho vào hộp giả để trở thành tân dược hiệu Terneurine.
Với tân dược giả hiệu Dodecovit, Thanh mua nguyên vật liệu của Hằng gồm: vỏ hộp, tem nhãn giả hiệu Dodecovit, các ống thuốc nước B1, B16, B12 pha trộn để biến thành tân dược giả hiệu Dodecovit.
Tân dược giả hiệu Dodecovit sau khi sản xuất, Thanh mang tiêu thụ với giá 60.000 đồng/hộp. Từ tháng 8-2016 đến tháng 9-2017, Thanh đã sản xuất và tiêu thụ khoảng 20.000 hộp tân dược giả hai nhãn hiệu trên. Thuốc giả sản xuất ra Thanh bán cho Hằng và một số hiệu thuốc trên địa bàn tỉnh Bình Định.
"Đây là vụ án sản xuất, buôn bán tân dược giả quy mô lớn do Trần Thị Minh Hằng (đối tượng chính) cùng các đồng phạm thực hiện. Điều nguy hiểm là tân dược giả này đã được các đối tượng tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành", cơ quan điều tra nhận định.
Được biết, các loại thuốc giả do các đối tượng sản xuất là các loại thuốc giảm đau, kháng viêm, trị đau dây thần kinh, thuốc bổ, Vitamin... Hiện vụ việc đang tiếp tục được điều tra mở rộng để làm rõ vai trò của các đối tượng liên quan.