Trao giải 'Cây bút vàng' cho các nhà báo thiệt mạng khi tác nghiệp
Chưa bao giờ tính mạng của các nhà báo, phóng viên lại gặp nhiều nguy hiểm như lúc này. Và giải thưởng "Cây bút vàng" được trao cho các nhà báo thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ là một cách ghi nhận sự hy sinh lớn lao của những người làm báo về quyền được thông tin và được biết sự thật của công chúng.
Thông điệp mạnh mẽ
Phát biểu tại hội nghị sau lễ trao giải, Chủ tịch Diễn đàn các nhà biên tập thế giới Marcelo Rech xúc động nói: "Việc Hiệp hội báo chí và các nhà xuất bản tin tức thế giới (WAN-IFRA) trao giải "Cây bút Vàng" từ năm 1961 cho các nhà báo thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ là để ghi nhận những hoạt động xuất sắc trong cả bài viết lẫn hành động của cá nhân hay tổ chức nhằm đóng góp cho sự nghiệp báo chí. Đồng thời, đây cũng là thông điệp mạnh mẽ tới những kẻ đã gây ra những tội ác chống lại báo chí, cũng như tới các nhà lập pháp và những người có quyền lực ban hành những điều luật hiệu quả hơn và tăng cường những sự bảo vệ mạnh mẽ hơn cho các nhà báo trên toàn thế giới".
Là cựu phóng viên chiến trường, từng tham gia đưa tin về các cuộc chiến ở Trung Đông, vùng Balkans, châu Phi và Mỹ Latinh, ông Marcelo Rech thấu hiểu rõ sự hy sinh lớn lao của các nhà báo, những người dám xả thân vì thông tin trung thực để đem lại cho thế giới cái nhìn toàn diện về các cuộc chiến tranh, phơi bày sự bất công trên thế giới.
Từ năm 2012, nghề báo đã trở thành nghề nguy hiểm nhất thế giới với 135 người làm việc trong lĩnh vực báo chí bị thiệt mạng. Ảnh: Getty Imagine. |
Chủ tịch Diễn đàn các nhà biên tập thế giới nói: "Giết hại các nhà báo là một tội ác ghê tởm đánh vào trung tâm của sự tự do trên toàn thế giới. Sự hy sinh của các nhà báo nhắc nhở chúng ta về cái giá của hòa bình, của dân chủ…
Bi kịch qua những con số
Qủa thực, nghề báo đòi hỏi sự tìm tòi và dấn thân vào sự kiện. Nó mang lại cho người viết cả nỗi vinh quang và cay đắng. Thống kê của UNESCO cho hay, từ đầu năm đến nay, ít nhất 33 nhà báo trên thế giới đã thiệt mạng. Nếu tính từ năm 1992 đến nay có hơn 1.100 nhà báo thiệt mạng chỉ vì họ đã mang sự thật ra ánh sáng hay thể hiện quan điểm của mình. Riêng năm ngoái, có 119 vụ bắt cóc nhà báo và 66 phóng viên đã thiệt mạng. Điển hình nhất là vụ IS hành quyết 2 nhà báo Mỹ James Foley và Steven Sotloff hồi tháng 8 và tháng 9.
Còn theo báo cáo của tổ chức Nhà báo không biên giới (RSF), từ năm 2012, nghề báo đã trở thành nghề nguy hiểm nhất thế giới với 135 người làm việc trong lĩnh vực báo chí bị thiệt mạng. Bi kịch của các cuộc thảm sát nhà báo càng trở nên rõ ràng khi 9 trong 10 vụ giết hại nhà báo, những kẻ sát nhân không bị trừng phạt. Ông Marcelo Rech nhấn mạnh: "Sự thật này đã tiếp tay cho những vụ thảm sát, việc không bị trừng phạt khuyến khích những hành động phạm tội mới, làm cả xã hội vấy máu và phủ nhận quyền tự do báo chí của mọi công dân'.
Và hành động của Liên Hợp Quốc
Để nhân rộng sự nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ các nhà báo, Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova đã giới thiệu về Kế hoạch hành động của Liên Hợp Quốc (LHQ) về sự an toàn cho các nhà báo và vấn đề quyền miễn trừ. Kế hoạch này tiếp nối việc LHQ thông qua nghị quyết lên án sự ngược đãi đối với các phóng viên, kêu gọi thả tự do một cách vô điều kiện và ngay lập tức những nhà báo bị bắt cóc hoặc đang bị bắt giữ làm con tin tại những khu vực xung đột hồi năm ngoái.
Trước đó, tại Hội nghị các nhà báo thế giới được tổ chức tại Hàn Quốc hồi tháng 4, Chủ tịch Hội nhà báo Hàn Quốc Park Chong-Ryul đã kêu gọi các nhà báo đến từ khắp nơi trên thế giới, không phân biệt tôn giáo, giới tính, quốc tịch cùng nhau đoàn kết vì quyền được thông tin và thảo luận về giải pháp phòng tránh nguy cơ bị tấn công của các nhà báo trên thế giới.
Tổ chức Bảo vệ tự do báo chí hồi tháng 2 thì công bố những những hướng dẫn mới về việc bảo vệ các cộng tác viên và nhà báo tự do sau hàng loạt vụ bắt cóc giết người tại một số vùng xung đột. Tài liệu này đề ra bảy tiêu chuẩn cơ bản dành cho các nhà báo tới tác nghiệp ở những vùng xung đột nguy hiểm, kêu gọi tập huấn cứu thương và hoạt động trong vùng nguy hiểm, mua bảo hiểm y tế, trang bị các thiết bị bảo hộ như áo giáp và mũ chống đạn cho các nhà báo. Các hãng thông tấn phải đảm bảo cộng tác viên của mình tham gia các khóa đào tạo cơ bản và được trang bị những thiết bị như trên và hỗ trợ tối đa các nhà báo làm việc trong những vùng nguy hiểm.