Tranh cãi về hệ thống máy bầu cử và kiểm phiếu ở Mỹ

Thứ Ba, 17/11/2020, 08:19
Cho đến tối 15-11, đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn cáo buộc trên Twitter rằng, đối thủ Joe Biden đã thắng do cuộc bầu cử có gian lận. Lý do mà ông Trump đưa ra là giám sát viên, quan sát viên không được tiếp cận các điểm kiểm phiếu và hệ thống máy kiểm phiếu có vấn đề.

1 tuần để đảo ngược tình thế

Theo Daily Mail, trong 2 ngày cuối tuần qua, hy vọng lật ngược thế cờ của đương kim Tổng thống Donald Trump đã dần tiêu tan. Nguyên do là chiến dịch tranh cử của ông liên tục nhận thất bại trong các vụ kiện ở một loạt bang. 

Cụ thể, hôm 7-11, ông Donald Trump đệ đơn kiện tại bang Arizona, trong đó nói rằng nhiều cử tri lo ngại phiếu bầu cử họ không được kiểm do bị máy kiểm phiếu phân loại là "bầu quá số lượng quy định" và đề nghị kiểm lại thủ công toàn bộ phiếu bầu. 5 ngày sau đó, một thẩm phán tiểu bang ở quận Maricopa đã tổ chức phiên điều trần về chứng cứ kéo dài 6 giờ liên quan đến cáo buộc này. 

Các luật sư của quận Maricopa đã lập luận rằng sự cách biệt phiếu giữa hai ứng viên là hơn 11.000 phiếu trong khi số phiếu chưa được kiểm đếm chỉ hơn 10.000 phiếu và chỉ có 191 phiếu bị coi là "phiếu bầu quá số lượng quy định"… Cuối cùng, thẩm phán bác đơn kiện.

Tại bang Pennsylvania, sau khi giành được chiến thắng pháp lý tác động tới vài nghìn phiếu, ông Trump vẫn không xoay chuyển được tình thế bởi khoảng cách phiếu giữa ông và cựu Phó Tổng thống là 62.000 phiếu. 

Theo tính toán của các hãng truyền thông, ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden giành chiến thắng ở bang Pennsylvania và chiếm trọn 20 phiếu đại cử tri dù hai ứng viên bám đuổi sát nút với tỷ lệ phiếu bầu dành cho ông Joe Biden là 49,8%, còn ông Donald Trump là 49%. Riêng ở thành phố Philadelphia, Hội đồng bầu cử đã bác đơn kiện về hàng nghìn phiếu bầu không được kiểm đúng cách và lẽ ra phải bị từ chối theo luật của bang…

Tình hình các vụ kiện khác ở những bang như Arizona, Michigan cũng không có tiến triển gì tốt đẹp. Thậm chí, các bang chiến địa như Georgia, Michigan còn dự kiến sẽ công bố kết quả bầu cử cuối cùng trong một tuần nữa và nhiều khả năng chiến thắng vẫn thuộc về ông Joe Biden. Nếu lợi thế của ông Joe Biden tiếp tục được duy trì ở các bang này, điều đó đồng nghĩa với việc ông Donald Trump không còn nhiều hy vọng cho nhiệm kỳ 2. 

Kể cả trong trường hợp Georgia- bang chứng kiến sự đua tranh quyết liệt khi ông Joe Biden chỉ hơn ông Donald Trump 3 điểm phần trăm, tương đương 14.000 phiếu, đã kiểm xong 99% phiếu và đang kiểm tra lại toàn bộ bằng tay mang thắng lợi cho đương kim Tổng thống. Hiện chỉ có bang Wisconsin là nơi mà đội ngũ của ông Donald Trump đang tập trung nỗ lực pháp lý có tia hy vọng.

Nhân viên kiểm phiếu đang thao tác kiểm phiếu ở Miami. Ảnh: AP.

Những nghi ngờ về hệ thống đếm phiếu

Hãng tin CBS cho hay, song song với các vụ kiện nói trên, đương kim Tổng thống còn đang mở chiến dịch chống lại hệ thống bỏ phiếu Dominion. Hệ thống này đã được sử dụng ở nhiều bang bị cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử; và cũng lại từng bị các chuyên gia dữ liệu từ Văn phòng Bộ trưởng Bộ Tư pháp Texas từ chối 3 lần vì không đáp ứng các tiêu chuẩn bảo mật cơ bản. 

Một số tờ báo Mỹ thông tin, hệ thống bỏ phiếu Dominion thuộc Công ty kinh doanh phần cứng và phần mềm bỏ phiếu liên doanh Canada-Mỹ, có trụ sở quốc tế đặt tại Toronto, Canada và trụ sở chính ở Denver, Colorado, Mỹ. Công ty này chuyên phát triển phần mềm nội bộ cho khách hàng ở Mỹ, Canada và Serbia. Hệ thống bỏ phiếu Dominion là một trong 3 hệ thống bỏ phiếu chủ yếu được sử dụng trong cuộc bầu cử ở Mỹ vừa qua. Các hệ thống khác là hệ thống bỏ phiếu và phần mềm; hệ thống Hart InterCivic của một công ty cho trụ sở tại Texas.

Đội ngũ pháp lý của ông Donald Trump cho hay, hệ thống bỏ phiếu Dominion từng được chọn để triển khai trên toàn tiểu bang New Mexico từ năm 2013 nhưng lại bị từ chối ở Texas cũng cùng năm đó. Gần đây nhất, vào năm 2019, chính quyền bang Texas tiếp tục từ chối việc sử dụng hệ thống bỏ phiếu Dominion. 

Ngược lại, bang Louisiana thì hiện đại hóa hệ thống bỏ phiếu qua thư bằng cách triển khai phần mềm Dominions ImageCast Central trên toàn tiểu bang. Quận Clark của bang Nevada cũng triển khai hệ thống tương tự vào năm 2017. Khoảng 52 quận ở New York, 65 quận ở Michigan và toàn bộ tiểu bang Colorado và New Mexico sử dụng hệ thống bỏ phiếu Dominion. Nghiên cứu của hãng Penn Wharton, mang tên "Kinh doanh việc bỏ phiếu" chỉ rõ, hệ thống bỏ phiếu Dominion đã tiếp cận khoảng 71 triệu cử tri tại 1.635 khu vực ở Mỹ vào năm 2016.

Tuy nhiên, báo cáo của AccessWire có trụ sở tại Anh thì cho hay, Dominion từng gặp một số rắc rối với các công ty con vì bị phát hiện sử dụng trong một số trường hợp gian lận. Trong số các công ty con bị “tuýt còi” này có Smartmatic-một công ty khá quen thuộc trên thị trường hệ thống bỏ phiếu của Mỹ trong một thập kỷ qua. Cáo buộc nhằm vào  Smartmatic xảy ra trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2010 và 2013 ở Philippines, làm dấy lên nghi vấn gian lận. 

Một kết quả đánh giá độc lập tiết lộ, Chủ tịch của Smartmatic là thành viên của Hạ viện Anh, Mark Malloch Brown, cựu Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư của George Soros, cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, đối tác quốc tế hàng đầu tại Sawyer Miller, một công ty tư vấn chính trị và là người “vẫn tham gia sâu vào các vấn đề quốc tế”. Mối quan hệ theo chủ nghĩa toàn cầu này của người đứng đầu công ty đã khiến giới truyền thông và quan chức Mỹ đặt ra câu hỏi về sự tham gia của công ty trong quá trình bầu cử Tổng thống. Hồi tháng 1, các nhà lập pháp Mỹ từng bày tỏ lo ngại về sự can dự của nước ngoài thông qua việc tạo ra và giám sát thiết bị bầu cử của các công ty này.

Một điểm bỏ phiếu sử dụng hệ thống bầu cử Dominion. Ảnh: AP

Và tuyên bố từ cơ quan an ninh

Tuy nhiên, theo tuyên bố mới nhất của Cơ quan An ninh mạng & Cơ sở hạ tầng (CISA) được đưa ra hôm 13-11, đến nay, không có bằng chứng cho thấy bất kỳ hệ thống bỏ phiếu nào đã xóa hoặc mất phiếu bầu, thay đổi phiếu bầu hoặc bị xâm phạm theo bất kỳ cách nào. 

Tuyên bố chung, từ Hội đồng điều phối chính phủ về hạ tầng bầu cử và Ủy ban điều hành khu vực cơ sở hạ tầng Bầu cử còn gọi cuộc bầu cử năm 2020 là "an toàn nhất trong lịch sử Mỹ”. Để thể hiện rõ quan điểm của mình, Giám đốc CISA Chris Krebs đã đăng lại một tin nhắn từ chuyên gia luật bầu cử và cộng tác viên của CBS News, David Becker, cảnh báo về những tuyên bố "hoang đường và vô căn cứ" về gian lận bầu cử Tổng thống Mỹ.

Về những cáo buộc liên quan đến hệ thống này, hãng AP đưa tin rằng, chỉ có thể phát hiện bằng chứng ở hạt Antrim thuộc bang Michigan về việc phần mềm không hoạt động và đảo ngược cuộc bỏ phiếu khiến nhiều người cũng đặt câu hỏi về việc xem xét lại tần suất mà hệ thống Dominion bị hỏng ở các bang khác. Nhưng sau đó, chính quyền bang Michigan lại tuyên bố rằng kết quả điều tra ban đầu cho thấy đó là do lỗi của con người, không phải hệ thống Dominion. 

"Việc báo cáo sai sót về kết quả không chính thức từ hạt Antrim là do lỗi của thư ký hạt. Thiết bị và phần mềm không bị trục trặc và tất cả các phiếu bầu đều được lập bảng hợp lý. Tuy nhiên, nhân viên đã vô tình không cập nhật phần mềm được sử dụng để thu thập dữ liệu máy bỏ phiếu và báo cáo kết quả không chính thức”, báo cáo của chính quyền bang Michigan có đoạn viết.

Còn ở quận Gwinnett của bang Georgia, việc kiểm phiếu bị trì hoãn do có vấn đề rõ ràng với hệ thống bầu cử Dominion, theo lời giải thích chi tiết từ các quan chức quận. Phần mềm đã đếm đúng số phiếu bầu, nhưng nó không gửi một số phiếu tới cơ sở dữ liệu trung tâm của bang. Joe Sorenson, phát ngôn viên của quận Gwinnett, nói rằng quận đã báo cáo tổng số phiếu cho tiểu bang nhưng vẫn chưa rõ chính xác điều gì đã xảy ra với phần mềm. 

Các quận Spalding và Morgan ở bang Georgia cũng gặp phải các vấn đề riêng biệt với hệ thống kiểm tra cử tri tại các cuộc bỏ phiếu. Harri Hursti, một chuyên gia an ninh bầu cử tại Georgia, cho biết, cái gọi là Poll Pads được thực hiện bởi một công ty có tên KnowInk, chứ không phải Dominion. Perez, nhà nghiên cứu công nghệ bầu cử, cho biết cần yêu cầu tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cao hơn từ các công ty tạo ra công nghệ làm cơ sở cho các cuộc bầu cử. Nhưng để cáo buộc gian lận hoặc sai sót thì phải có bằng chứng cụ thể. “Sẽ là hợp lý khi các công dân và chính trị gia nhìn vào vai trò của các nhà cung cấp tư nhân trong bộ máy dân chủ và đặt câu hỏi. “Bây giờ điều đó không có nghĩa là các cuộc bầu cử được dàn dựng”.

Đáp lại những cáo buộc nói trên, phát ngôn viên của Dominion cho biết, hãng "phủ nhận dứt khoát bất kỳ khiếu nại nào về vấn đề chuyển đổi phiếu bầu hoặc phần mềm nào bị cáo buộc gian lận với hệ thống bỏ phiếu của chúng tôi. Hệ thống của chúng tôi tiếp tục kiểm đếm chính xác và đáng tin cậy đối với các cơ quan bầu cử của bang và địa phương, đã xác nhận tính toàn vẹn của quy trình".

Chi Anh
.
.
.