Tranh cãi trong việc cấm bán sách của Hitler trên Amazon

Thứ Tư, 25/03/2020, 15:21
Ngày 13/3/2020, Công ty công nghệ Amazon đã gửi email cho tất cả những người buôn bán sách trên Amazon rằng họ sẽ không được bán những tác phẩm của các tác giả quốc xã, trong đó có cuốn “Mein Kampf” (Cuộc chiến đấu của tôi) của trùm phát xít Hitler.


Danh sách cũng bao gồm cả những cuốn sách thiếu nhi kích động tinh thần bài Do Thái trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Lý do Amazon đưa ra là những tác phẩm này đã “không tuân thủ những quy định mà nền tảng (plate-forme) này đã đặt ra”.

Rất nhiều cuốn sách điện tử (ebook) được thiết kế để đọc trên thiết bị Kindle cũng bị hủy bỏ. Bù lại, những ấn phẩm mang tính hàn lâm như cuốn “Adolf Hitler: Mein Kampf, A Critical Edition”, một phiên bản “Mein Kampf” đi kèm với những chú giải của các nhà sử học Đức, được xuất bản lần đầu năm 2016 thì vẫn còn được tiếp tục bán trên Amazon. 

Cuối cùng Amazon cũng đã cấm bán sách của Hitler

Những người bán sách trên Amazon phàn nàn rằng công ty này không có một “tiêu chí rõ ràng” đối với những cuốn sách mà họ muốn cấm phát hành và thường ra quyết định chỉ để “chiều lòng” của công chúng. 

Trước đây, họ từng cho phép tự do lưu hành trên Amazon những cuốn sách quốc xã, hồi giáo cực đoan, sách của những tác giả tân phát xít như David Duke và George Lincoln Rockwell. Nhiều cuốn sách xúc phạm đến niềm tin tôn giáo và chủng tộc vẫn thường xuyên được rao bán trên Amazon. 

Ngày 10/3, người phát ngôn của Amazon vẫn còn tuyên bố cứng rắn rằng nền tảng của họ cho phép các khách hàng “có thể tiếp cận với những quan điểm phong phú” và rằng “các nhà cung cấp là người sẽ chọn lựa danh sách những thứ mà họ muốn cung cấp”.

Nhưng sau ngày Amazon gửi email thông báo cho các nhà cung cấp sách rằng “Amazon không thể khuyến khích việc bán cuốn sách này”, người ta vẫn thấy trên AbeBook, một chi nhánh của Amazon những hoạt động độc lập, hàng trăm bản “Mein Kampf” cả cũ lẫn mới, vẫn đang được chào bán công khai. 

“Thật là kỳ cục khi một công ty kinh doanh thương mại điện tử hàng đầu thế giới lại có cách kiểm soát nền tảng của mình vớ vẩn đến thế. Họ không có biện pháp gì để chống lại việc nâng giá cũng như việc bán sách giả tràn lan trên Amazon, cũng không có biện pháp hữu hiệu nào để cấm những cuốn sách mang tư tưởng quốc xã”, Scott Brown, một nhà bán sách trên mạng cư trú tại bang California, phẫn nộ.   

Gregory Delzer, chủ một hiệu sách ở Nashville, Mỹ đã phàn nàn rằng Amazon “không hề phổ biến cho chúng tôi về các nguyên tắc và cũng không muốn lắng nghe những ý kiến phản hồi của chúng tôi”.

Amazon cũng hứng chịu những lời phê phán đối với cái cách mà họ mô tả về chế độ Đức quốc xã. Vào tháng 2/2020, Tổ chức “Tưởng niệm Auschwitz-Birkenau” đã chỉ trích mạnh mẽ bộ phim truyền hình nhiều tập “Hunters”(Thợ săn) do Amazon Video sản xuất kể về một “trò chơi sinh tử” bằng mạng người do các cai ngục quốc xã bày ra và các con cờ là những tù nhân. 

Tổ chức này cho rằng việc trình chiếu bộ phim này cho thấy Amazon đã tiếp tay cho các tổ chức tân phát xít đang ra sức phủ nhận các tội ác trong quá khứ của chế độ Nazi và tìm cách viết lại lịch sử. Trước những lời tố cáo đó, David Weil tác giả của bộ phim đã biện minh rằng ông chỉ sử dụng hư cấu như một “thủ pháp” để  “không muốn tầm thường hóa thực tế”.

Trong danh mục những cuốn sách bị cấm trên Amazon mà công ty này đưa ra người ta thấy có cả cuốn “The International Jew” (Người Do Thái Quốc tế), cuốn sách tuyên truyền chống Do Thái được nhà tài phiệt trong ngành công nghiệp ôtô Henry Ford xuất bản vào đầu những năm 1920, cũng như cuốn "The Prot Protocol of the Elders of Sion", xuất bản đầu thế kỷ XX nói về một kế hoạch thống trị thế giới của người Do Thái.

Karen Pollock, một thành viên của tổ chức “Holocaust Educational Trust” (Giáo dục sự thật về nạn diệt chủng), một tổ chức hướng đến sinh viên, các trường học và các cộng đồng ở Anh thì tuyên bố rằng cô muốn thấy Amazon đi xa hơn nữa. Cô hoan nghênh việc Amazon cấm bán sách của Hitler nhưng cô còn muốn “Amazon UK cũng phải cấm cả những sách của Himmler, Goebbels và Rosenberg nữa”. 

Trên một diễn đàn trực tuyến của Amazon, một khách hàng đã tuyên bố rằng tất cả sách có nội dung “độc hại” phải được loại bỏ: “Những cuốn sách mà tôi muốn nhìn thấy bị cấm, đó là những cuốn sách gây hại cho mọi người, ví dụ như những cuốn sách kêu gọi người bệnh ung thư đừng đến bác sĩ nữa, và hãy tự điều trị bệnh bằng phương pháp tự nhiên”.

Những bản sách “Adolf Hitler: Mein Kampf, A Critical Edition”, in tác phẩm của trùm phát xít đi kèm với những chú giải, những phân tích và phê phán của các học giả, xuất bản năm 2016, được Amazon chấp nhận cho tiếp tục mua bán trong hệ thống của công ty này.

Phiên bản tốt của một cuốn sách xấu xa

Năm 2014, một nhóm các nhà sử học Đức đã cùng cộng tác làm công việc chú giải trên cuốn sách “Mein Kampf” của Hitler với mục đích sẽ tái bản cuốn sách đi kèm với những chú giải của họ. Thời gian ra mắt của cuốn sách ấn định vào ngày 1-1-2016. 

Khi chọn ngày này để ra mắt sách, nhóm các nhà sử học này không thể ngờ rằng đó chính là thời điểm nước Đức sẽ chao đảo trong một cuộc xung đột nội bộ gây ra bởi cuộc khủng hoảng dân di cư. Nhưng cho dù xuất hiện trong thời khắc yên bình nhất của nước Đức, việc tái bản “Mein Kampf” cũng sẽ làm dấy lên những cuộc tranh luận nẩy lửa từ các phía.

“Mein Kampf” được xuất bản lần đầu tiên ở Đức vào năm 1925 và nhanh chóng trở thành hệ tư tưởng nền tảng của chủ nghĩa phát xít. Sau khi nước Đức phát xít bại trận, số phận của cuốn “Mein Kampf” đã rơi vào tay lực lượng quân quản Mỹ tại Đức và họ bối rối không biết phải xử lý với nó ra sao, cuối cùng họ đã quyết định chuyển giao quyền tác giả cho chính quyền tỉnh Bavaria. 

Trong hoàn cảnh tác giả cuốn sách đã chết và không có người kế thừa hợp pháp, chính quyền Bavaria lúc đó đã phong tỏa quyền tác giả và cấm không cho bất cứ ai tái bản cuốn sách này.

Nhưng từ ngày 1/1/2016, khi mà thời hạn có hiệu lực của quyền tác giả đã hết, theo những quy định của pháp luật thì bất cứ ai cũng có thể đứng ra tái bản lại cuốn sách này. Nhưng việc tái bản cuốn sách này ở bất cứ thời điểm nào cũng sẽ làm dấy lên những mối lo ngại chính đáng. Làm thế nào để chống lại ảnh hưởng của cả một ngàn trang sách chứa đầy thù hận và phân biệt chủng tộc đã từng là nền tảng của học thuyết phát xít? 

Việc xuất bản cuốn sách có trở thành một cứu cánh cho những kẻ “phủ định” đang tìm cách viết lại lịch sử hòng xóa đi các dấu vết tội ác của chế độ quốc xã? Việc xuất bản cuốn sách này có “tiếp thêm lửa” cho những nhóm tân phát xít đã từ lâu hâm mộ cuồng nhiệt và thần tượng Hitler? Tất cả những điều này rất có thể sẽ xẩy ra nếu như người ta tái bản “nguyên xi” cuốn “Mein Kampf”.

Việc tái bản “Mein Kampf” của Hitler luôn làm dấy lên những lo ngại chính đáng trong cộng đồng, nhất là khi các lực lượng tân phát xít đang trỗi dậy mạnh mẽ ở khắp nơi.

Giải pháp duy nhất là xuất bản cuốn sách đi kèm với những lời chú giải và những phân tích phê phán đối với từng trang viết của Hitler. Một nhóm các nhà sử học của Viện Nghiên cứu lịch sử đương đại Munich đã bắt tay vào làm việc và ngày 8/2/2016, cuốn “Adolf Hitler: Mein Kampf, A Critical Edition” đã được xuất bản. Lần đầu tiên kể từ năm 1945, “Mein Kampf” của Hitler xuất hiện trở lại và được bán rộng rãi tại các hiệu sách. 

Trong phiên bản “Mein Kampf, A Critical Edition” này, tác phẩm của Hitler được tái bản đi kèm với phần chú giải công phu, khôn khéo và uyên bác về học thuật. Những người biên soạn không chỉ cung cấp những hiểu biết liên quan đến những gì Hitler đã viết mà còn tiến hành phản bác một cách có hệ thống các lý thuyết của Hiter để rồi bẻ gãy chúng hoàn toàn. 

Các thông điệp dối trá được Hitler nhào nặn tinh vi cũng đã bị bóc trần. Không chỉ có vậy, cuốn sách đã vạch rõ bằng cách nào mà cái phác thảo ý tưởng vội vã và chắp vá này của Hitler vào những năm 1920 (ông ta viết nó ở trong tù) lại có thể trở thành những chiến lược hành động chính trị cụ thể khi Hitler lên nắm quyền vào năm 1933. 

Việc xuất bản cuốn sách của Hitler đi kèm với những chú giải của Viện Nghiên cứu lịch sử đương đại Munich là một việc làm rất có giá trị, một hành động khôn ngoan và là một bước tiến dài trong hành trình truy tìm cái ác ẩn chứa trong từng dòng chữ của cuốn sách này. Việc minh bạch những vấn đề quá khứ thay vì che giấu hay khỏa lấp nó đi luôn luôn là một việc làm có ích.

Dương Thắng (tổng hợp)
.
.
.