Trần Lập: “Người bão” trở về đốt lửa

Thứ Năm, 12/01/2012, 16:13

Một Trần Lập có vẻ trầm lắng và nhiều nỗi niềm sau đêm Nhiệt bùng nổ đánh dấu sự trở lại của Bức Tường. Bốn năm ai đi đường nấy, dường như Trần Lập và ban nhạc của anh đang bắt đầu một con đường mới. Dù phía trước, Trần Lập nói, vẫn còn rất bấp bênh.

Khủng hoảng sáng tạo và tự ái nghề nghiệp

- Sau Nhiệt tôi cảm giác khán giả còn mong đợi ở Bức Tường nhiều hơn thế, còn tâm trạng của các anh thế nào?

-  Sau Nhiệt chúng tôi rất vui vì lâu rồi mới có một chương trình được đầu tư kỹ lưỡng như vậy. Mặc dù đứng trước khán giả là một điều đã rất quen. Nhưng cảm giác lần này vẫn khác. Quá nhiều thời gian xa cách, tạo nên nhiều cảm xúc mới như những ngày đầu bước lên sân khấu chuyên nghiệp. Vẫn là thói quen tạo thành bản năng riêng, cảm giác đó chỉ thoáng qua trong những phút đầu và khi đã trở lại với bản năng của một người biểu diễn chuyên nghiệp nhiều năm thì mọi việc lại trở về như cũ… Nên mọi người rất là vui.

- Thường thì sự tan rã của một ban nhạc do những mâu thuẫn nội tại của họ. Với Bức Tường thì sao khi các anh đang ở đỉnh cao phong độ, lại có một đêm diễn chia tay Last Saturday năm 2007 (với hơn 20 ngàn khán giả)?

 - Bí bách, mệt mỏi. Tự ái nghề nghiệp. Khủng hoảng sáng tạo. Với dòng nhạc rock mà Bức Tường theo đuổi cách đây 5 năm đã lạc hậu so với thế giới. Chúng tôi đi diễn nhiều nhất trong các ban nhạc ở Việt Nam nhưng tự nhận ra rằng nếu như mình vẫn tiếp tục chơi dòng nhạc cũ, mình chưa sáng tạo ra cái mới thì mình đang bóp chết khả năng phát triển. Chúng tôi ý thức phải thay đổi nhưng lại bất lực. Điều đó thật nặng nề. Chúng tôi vẫn phải chơi những thứ mà chúng tôi đang có. Có những lúc bọn tôi thấy tê liệt và không còn cảm xúc nữa.

Ngày đó, nói về thị trường âm nhạc, các ca sĩ đỉnh cao kiếm được 30-40 triệu một chương trình vẫn không thể bằng Bức Tường. Nhưng vấn đề họ là cá nhân. Còn chúng tôi, khi  chia cho mọi người còn rất ít. Thậm chí đôi lúc trở nên khánh kiệt. Rồi bắt đầu có gia đình, con cái. Mình đã cống hiến cả một thời tuổi trẻ mà không đủ sống. Rock một năm có khoảng chục chương trình lớn cũng không đủ bù lại cho chúng tôi những ngày không biểu diễn.

Cống hiến nhiều, biểu diễn liên tục, nhưng tôi chưa từng có được bất kỳ một giải thưởng nào. Đôi lúc thấy đúng là "hữu danh vô thực". Bọn tôi cũng chạnh lòng, tự ái chứ. Rồi giải Cống hiến, Mai Vàng gì đó, có gửi giấy mời đề cử, nhưng chúng tôi bay vào Sài Gòn chỉ để chứng kiến... các nghệ sĩ khác lên nhận giải. Bởi vì… Bởi vì gì tôi không biết. (cười). Nhưng rõ ràng trong thời điểm đó có rất nhiều người phàn nàn và hỏi: Thế nào là sự cống hiến? Thế nào là sự đóng góp của âm nhạc đối với xã hội? Tất nhiên cũng có người bảo, làm ca sĩ mà được khán giả yêu thích là oách lắm rồi, cần gì. Nhưng bỏ công sức ra cần phải được công nhận chứ.

- Những điều anh nói đều là những nguyên nhân khách quan. Nhiều người vẫn tò mò muốn biết, liệu có mâu thuẫn nào từ các thành viên dẫn đến việc ai đi đường nấy?

- Không. Ở trong một ban nhạc gắn bó với nhau bằng quyền lợi rất chặt thì mâu thuẫn khó xảy ra. Bức Tường đi với nhau mười mấy năm, chúng tôi phải có cơ chế rất rõ ràng, rành mạch thì mới có thể đi xa như vậy. Ở thời điểm bọn tôi dừng lại, xét về mặt thu nhập và quyền lợi nó không khác gì so với cách đây vài năm. Tức là mâu thuẫn từ vấn đề quyền lợi là rất khó. Về đời sống bọn tôi thân nhau còn hơn anh em trong nhà. Và bọn tôi vẫn gặp nhau uống bia, uống rượu, cà phê.

- Ai là người chủ động kết nối các thành viên của Bức Tường trở lại. Liệu đó là sự kết hợp lâu dài, bền vững hay chỉ là một cơn ngẫu hứng bất thường của người nghệ sĩ?

- Bốn năm qua, chúng tôi vẫn thường xuyên gặp nhau. Vào dịp kỷ niệm nghìn năm Thăng Long-Hà Nội, chúng tôi vẫn mơ được chơi nhạc. Các anh trong ban nhạc xui tôi liên hệ với ban tổ chức của thành phố và đến phòng thu tập. Trong khi tập lại nảy ra ý tưởng sáng tạo mới, rồi bài này đến bài kia. Và năm 2010, chúng tôi cho ra đời một album. Mọi việc nó cứ tiếp diễn dần dần như vậy. Nếu nói là tự mình định lấy thì cũng không phải nhưng có một điều gì đó như duyên nợ, bắt mình phải chơi. Bức Tường đối với bọn tôi là đời sống và chưa bao giờ chúng tôi ngừng chơi.

- Có một thời Bức Tường đã mang đến một xu hướng mới cho thanh niên và niềm tin vào chiến thắng. Còn Bức Tường của bây giờ?

- Đúng là có một thời như thế. Có những người khi bắt đầu một việc lớn họ chọn nghe nhạc Bức tường để tăng sự tự tin. Một thế hệ học sinh trước khi thi đại học, trước khi thi tốt nghiệp họ đều chọn nghe "Đường tới đỉnh vinh quang" để tự động viên mình. Và tôi tin, Bức Tường của hôm nay cũng sẽ tiếp nối điều đó. Khán giả của Bức Tường hôm nay là những người có học...

Còn bấp bênh lắm

- Bức Tường trở lại ở thời điểm các anh không còn trẻ nữa? Có mạo hiểm không khi rock đang sống trong thời loạn của âm nhạc?

- Việc bọn tôi chơi nhạc cũng giống như hơi thở thôi. Cầm đàn là chơi và đã ra album một cách nghiêm túc, tử tế. Nhưng còn một lý do nữa dẫn đến ngày hôm nay. Lật lại mọi thứ mới thấy, khi ở một giai đoạn nhất định, rất nhiều bức bí nên chúng tôi không chơi nữa. Không diễn, không làm gì, không festival, không truyền hình, không gì hết. Những năm tháng ấy cũng nghe nhạc nhiều, đi chơi với nhau nhiều, trải nghiệm thêm rất nhiều thứ và đến bây giờ, thì mọi chuyện không còn quan trọng nữa. Chơi là chơi, không thích chơi là nghỉ.

Chúng tôi không còn quan tâm đến giải thưởng và chơi đúng với những cái gì mình có. Chúng tôi đang thay đổi. Trước khi đến với dòng nhạc mới này, chúng tôi sẵn sàng bỏ, kể cả khán giả cũ. Chúng tôi đủ thông minh để biết nếu theo dòng nhạc này mình sẽ mất đi một lượng khán giả nhất định nhưng phải làm. Mình không làm mình chết. Nếu như ra sân khấu và vẫn chơi kiểu cũ, tất nhiên khán giả cũ sẽ đến. Nhưng rồi ngay sau buổi đấy họ sẽ hỏi: "Ơ thế bọn này có thế thôi à?". Lúc đấy thì có thay đổi kịp không. Chúng ta sống trên hào quang cũ của quá khứ. Rất nhiều người đã nói khi đã chấp nhận nó thì chấp nhận cả búa rìu.

- Rock ở Việt Nam chắc không thể... chạy sô như các dòng nhạc khác. Anh có chạnh lòng khi các ca sĩ thị trường giờ sống thoải mái bằng nghề, còn các anh vẫn phải vật vã mưu sinh để nuôi "cơn bão"  của mình?

- Đó là nỗi xấu hổ cho nền nghệ thuật nước nhà, khi nghệ sĩ phải vật vã mưu sinh để nuôi dưỡng những giá trị tinh thần.

Nhưng có một điều, chúng tôi được khán giả trẻ ủng hộ hết mình. Có thể thế hệ nghe nhạc cũ bản thân họ cũng quên mất là họ đã lớn lên. Thế nên khi họ đi xem họ cũng không nghe với thái độ như ngày xưa nữa. Họ không còn nhảy nhót tưng bừng, cởi phăng cái nọ, cái kia nữa. Và họ cũng tự lạnh dần với chính niềm đam mê vì họ đã sang những công việc khác rồi. Họ vồ vào âm nhạc với một thái độ lạnh hơn ngày xưa. Chữ Nhiệt của chúng tôi ra đời ngay trong cái chữ lạnh ấy.

- Đêm Nhiệt vừa rồi vẫn thấy một Trần Lập và Bức Tường với những hào quang xưa cũ, chứ không phải là những điều mới mẻ, phá cách.

- Cả mới lẫn cũ. Họ đến một phần vì họ muốn nghe lại những ca khúc mà họ đã từng yêu mến. Một phần nữa họ đến xem sự trẻ trung, mới mẻ của ban nhạc đã thành danh từ nhiều năm trước có tạo được cái điều gì. Trước khi làm đạo diễn cho  ''Rock storm'' thì ban nhạc Bức Tường đã nghỉ được 2 năm. Trong hai năm đó tôi đã làm rất nhiều chương trình, tôi đi đây đó nhiều nên biết được thanh niên và khán giả nghĩ gì về mình. Tôi ăn, ở, ngủ cùng với họ nên tôi hoàn toàn yên tâm với việc Bức Tường trở lại. Tôi đi rất nhiều tỉnh lẻ, thấy những thanh niên mới khoảng hai mươi thôi họ thuộc vanh vách những bài hát của mình. Nghĩa là chúng tôi vẫn tồn tại trong đời sống. Và chúng tôi định lượng được mình.

Lấy ví dụ như show Nhiệt vừa rồi nếu các nhà tổ chức họ vẫn chọn một sân vận động và mời tài trợ để có thể miễn phí vé xem thì người xem sẽ rất khủng khiếp. Nhưng tôi không muốn vậy, vì sau đó mình không biết chính xác lượng khán giả yêu thích và sẵn sàng bỏ tiền ra mua vé xem mình. Con đường đi tiếp sẽ không chắc. Nếu mình chấp nhận rủi ro một chút thì mình sẽ đo được lượng khán giả đến với mình.

- Nhiều người xem Nhiệt xong thì đã cảm thấy rất hụt hẫng, rất buồn. Anh nghĩ sao về điều này?

- Tôi biết chứ. Đúng là cái phần kết ấy nó thực sự chưa khéo với số đông. Người Việt Nam mình vẫn chưa quen với cái kết bất ngờ. Tức là kết là kết chứ không lằng nhằng và thậm chí ban nhạc nó biến mất khỏi sân khấu, trèo lên xe đi rồi nó mới bắt đầu đốt pháo đùng đùng. Nhưng rõ ràng là bọn tôi có chào, thậm chí là cho chữ chạy rất đầy đủ trên màn hình rồi. Nếu mọi người có dịp xem lại trên truyền hình sẽ thấy chả thiếu gì. Họ bất ngờ vì họ chưa quen được với một cái kết nhanh và hơn nữa trước chương trình có một tờ báo họ đưa ra một thông tin là ban nhạc sẽ hát tới 40 bài.

Sau đó rất nhiều trang mạng copy lại và phần lớn khán giả nghĩ rằng chắc chắn phải còn gì, tức là họ đang chờ chúng tôi hát tiếp. Hơn nữa, hầu hết trước đây, ban nhạc thường kết bằng  ''Đường lên đỉnh vinh quang'' và mọi người vẫy tay chào rồi hát nhưng bọn tôi không muốn làm như thế nữa. Cái kết ''Tâm hồn của đá'' là một cái kết mở, mọi người hãy sống Nhiệt hơn,  đừng lạnh như đá.

- Vậy sau Nhiệt sẽ là gì?

- Đã chơi là phải đầu tư tới nơi tới chốn. Ở thời điểm hiện nay chúng tôi cũng đang khó khăn. Đầu ra cho chương trình gần như không biết chắc. Trước đây có thể đo lường một cách chính xác lượng fan và người mua vé đi xem. Hai năm trở lại đây, với nhạc pop thì người ta có thể bỏ tiền ra mua vé từ 300 nghìn trở lên nhưng với nhạc rock, họ quen với việc xem miễn phí. Đó là một điều cực kỳ khó khăn cho những người làm chương trình. Thế nên cũng rất bấp bênh. Nhưng đã trót mê rồi, và coi nó là thứ quan trọng nhất đời mình rồi, thì làm sao dứt ra được.

- Một Trần Lập vẫn cháy hết mình trên sân khấu như chưa bao giờ mỏi mệt. Còn ngoài đời, hình như anh có vẻ trầm và mỏi mệt?

- Con đường phía trước vẫn còn bấp bênh... Nhưng cứ đi đã, chúng tôi giờ không còn biết sợ nữa. Còn đời thường ư, tôi cũng bình thường như mọi người thôi. Có một mái nhà ấm để đi về và những đứa trẻ. Và rất nhiều đam mê khác ngoài rock.

- Cảm ơn Trần Lập

Ngọc Anh
.
.
.