Từ vụ đuổi 7 học sinh xúc phạm thầy cô trên Facebook:

Trách nhiệm thuộc về cả gia đình và nhà trường

Thứ Tư, 07/11/2018, 14:45
Mới đây, dư luận xôn xao về việc 7 em học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hoá) bị đuổi học vì hành vi nói xấu thầy cô giáo trên Facebook. Dù quyết định sau đó nhanh chóng được thu hồi nhưng dư luận vẫn băn khoăn đặt câu hỏi, học sinh đến trường là để học cả tri thức lẫn nhân cách, vậy mối quan hệ giữa thầy cô, học trò và cả trách nhiệm của gia đình, nhà trường ở đâu khi xảy ra sự việc đáng tiếc này?


Theo đó, sự việc bắt đầu vào ngày 2-10, em M.Tr (lớp 10A5) sử dụng điện thoại di động trong giờ học nên đã bị giáo viên bộ môn thu giữ, sau đó giao cho giáo viên chủ nhiệm lớp là cô Đậu Thị Bích. 

Chiều cùng ngày, cô Bích phát hiện trên màn hình điện thoại của Tr. hiện lên cuộc nói chuyện từ tài khoản Facebook có tên là “Đ.C.B” với nội dung nói xấu thầy cô giáo và nhà trường với những lời tục tĩu. Sự việc tiếp tục diễn ra vào buổi tối cùng ngày.

Thu hồi quyết định kỉ luật của Trường THCS Nguyễn Trãi.

Cô Bích đã báo cáo lại sự việc trên với lãnh đạo nhà trường, đồng thời mời phụ huynh của những học sinh có liên quan để trao đổi. Ngày 6-10, nhà trường đã cung cấp các thông tin được đăng tải trên Facebook cho cha mẹ các học sinh nắm bắt được sự việc. Nhà trường cũng đã thành lập hội đồng xét kỷ luật tám em học sinh lớp 10A5 vì đã có hành vi lập nhóm trên Facebook nói xấu thầy cô, nhà trường.

Sau đó, ngày 23-10, hội đồng kỷ luật nhà trường họp, quyết định mức kỷ luật. Ông Bùi Nguyên Tiến, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi đã ra quyết định kỷ luật. Theo đó, có 3 học sinh bị đuổi học 1 năm, 4 học sinh bị đuổi học 1 tuần và 1 em bị cảnh cáo trước toàn trường. Cũng theo ông Tiến, nhóm học sinh này trao đổi với nhau nhiều nội dung tục tĩu, xúc phạm giáo viên, dọa đốt trường, ném mắm tôm vào nhà cô chủ nhiệm... Đến ngay phụ huynh của các học sinh này cũng thừa nhận con mình quá hư.

Quyết định đuổi học 7 học sinh nhanh chóng vấp phải sự phản đối của dư luận, bởi nhiều người cho rằng, hình thức đuổi học là quá nặng với các em, dù hành vi nói xấu thầy cô giáo là không thể chấp nhận được.

Trường THCS Nguyễn Trãi, nơi xảy ra sự việc đáng tiếc.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội và truyền thông đại chúng, chuyên gia tư vấn các vấn đề xã hội Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, các học sinh hành xử như vậy là chưa chuẩn mực và nhà trường hành xử như vậy là có xu hướng áp đặt. 

Các em học sinh mới dừng lại ở việc nói xấu thầy cô trên diễn đàn, trên một nhóm riêng mà chưa gây hậu quả nghiêm trọng. Thay vì đuổi học, nhà trường nên chọn cách triệu tập 8 học sinh đó để đối thoại. 

Cuộc đối thoại là cơ hội để thầy cô và học sinh ngồi lại, đứng vào vị trí của nhau mà nhìn nhận mối quan hệ của mình; từ những chia sẻ của học sinh, thầy cô nhìn nhận lại chính mình và sự giáo dục của nhà trường. Và ngược lại, học sinh cũng sẽ có thể có suy nghĩ tích cực hơn, nhận thức được những sai lầm của mình. 

Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong việc giáo dục, thu phục những học sinh cá biệt, bà Đặng Thị Chanh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Hưng, Mỹ Lộc, Nam Định cũng cho rằng, đây là một quyết định nóng vội, dễ đẩy các em học sinh vào con đường tội lỗi, bị bạn bè xấu lôi kéo. Khoảng thời gian các em bị đuổi học ai sẽ quản lý, ai sẽ sát sao và đảm bảo các em không gặp phải chuyện bất trắc gì. Nhất là với những em bố mẹ làm công nhân, lao động tối ngày, không có người bảo ban, quản lý hàng ngày. 

Trong gần 40 năm dạy học của mình, bà đã gặp nhiều trường hợp học sinh cá biệt hơn cả trường hợp các em học sinh ở Trường THCS Nguyễn Trãi, như trộm cắp, đánh nhau, bỏ học, nghiện điện tử, cãi lời bố mẹ, thầy cô nhưng bà luôn dùng tình cảm cộng với sự cứng rắn để uốn nắn các em. 

"Lứa tuổi cấp 2 là lứa tuổi nổi loạn, nếu không nắm bắt được tâm lý của các em thì càng dễ đẩy các em rơi vào vết trượt dài. Không phải cứ quát mắng, đánh chửi, răn đe là học sinh nghe lời răm rắp, mà càng kích động sự nổi loạn, tạo sự thù hằn giữa thầy cô và học trò khiến việc dạy dỗ, uốn nắn sau này càng khó hơn. Người giáo viên dạy giỏi không chỉ là người có chuyên môn, nghiệp vụ cao mà còn là người có phương pháp dạy tốt, có nhân cách, đạo đức tốt, được học sinh yêu quý và tin tưởng”, bà Chanh cho biết.

Đồng quan điểm với bà Chanh chị Bùi Thu Thảo, Thạc sĩ tâm lý học, giảng viên Trường Đại học Thuỷ Lợi cho hay: Nhiệm vụ của nhà trường là giáo dục các em, giúp các em nhận biết hành vi sai phạm để kịp thời khắc phục, sửa chữa. Nếu có kỷ luật thì cũng chỉ là cho nghỉ học vài ba ngày, chứ không phải là đưa ra hình thức đuổi học với thời gian dài như vậy. Thay vì ra quyết định đuổi học ngay, nhà trường cần cho các em cơ hội, tìm hiểu vì sao học sinh lại có hành động như vậy.

Trước làn sóng phản đối của dư luận, ngày 1-11, bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo thu hồi ngay quyết định đuổi học một năm đối với 7 học sinh lớp 10A5 Trường THPT Nguyễn Trãi. 

Theo bà Hằng, việc xử lý như vậy là nóng vội vì quan điểm xử lý kỷ luật học sinh làm sao tạo điều kiện cho các em có cơ hội sửa chữa tiến bộ hơn. Lý do khác nữa, các em học sinh đầu cấp, mới vi phạm lần đầu, môi trường giáo dục thì phải có những hình thức xử lý kỷ luật mang tính giáo dục học sinh định hướng để tương lai các em tốt lên.

Bà Phạm Thị Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa.
Không thể phủ nhận hành vi của các em học sinh lớp 10A5 Trường THCS Nguyễn Trãi là hành vi đáng phê phán, đáng nhận án kỉ luật. Nhưng kỉ luật ở mức độ nào để các em nhận thức được hành vi sai trái của mình mới là điều đáng nói. Ở trường hợp này dường như vai trò của gia đình, nhà trường không có sự phối hợp chặt chẽ. Gia đình không thể phó mặc các con cho nhà trường và ngược lại, nhà trường cũng không thể đẩy trách nhiệm về cho gia đình, xã hội như cách xử lý của Trường THCS Nguyễn Trãi. 
Mai Ngọc

.
.
.