Tôi đi đẻ thuê - Đẻ xong là… bắt

Thứ Năm, 13/06/2013, 15:05

Hai nữ phóng viên của CSTC tại TPHCM tiếp tục đóng vai người đi đẻ thuê để xâm nhập thế giới của những người trả giá cho những sinh linh vô tội. Sự thật trần trụi đến tê dại!

Mới gặp xế trưa, đầu giờ chiều số điện thoại 0165…14 đã hiện lên màn hình báo cuộc gọi. Con số ám hiệu để chúng tôi nhận ra "cò" xe ôm dắt mối đẻ thuê cho người đàn ông bên Đức. "Ủa, sao nhanh vậy anh?". "Người nhờ đẻ thuê thì đầy, gái đẻ thuê thì ít nên mấy cưng trở thành hàng hiếm. Bên đối tác đang cần gấp nên chiều nay muốn coi mặt mấy cưng. Mấy cưng đang ở đâu?". "Dạ, tụi em ở đang ở công viên Văn Lang". "Ok, anh chạy qua liền". Không để chúng tôi kịp hẹn chỗ khác, "cò" cúp máy cái rụp…

Chọn mặt gửi … "giống"

Hơn 14 giờ, chiếc xe máy tấp vào quán cà phê gần ngã tư Sư Vạn Hạnh, Hùng Vương, quận 5. "Cò" dè chừng nhìn trước nhìn sau. Chúng tôi muốn hẹn ở trước cổng Bệnh viện Từ Dũ nhưng "cò" nằng nặc không chịu. Dò xét xung quanh một hồi, "cò" bảo lên gác ngồi để tiện bàn việc. Góc "cò" chọn để tiện bàn việc tối om, lại gần ngay cái loa phát nhạc như đấm vào tai.

"Mấy phút nữa họ đến hả anh?". "Sắp rồi, mấy cưng đừng nôn nóng. Mà sao hôm nay mấy cưng rảnh mà lên đây tìm mối đẻ thuê vậy?". "Dạ, tụi em xin phép nghỉ ạ". "Đẻ xong họ trả cả trăm triệu, tha hồ mà lấy vốn làm ăn. Xong phi vụ này mấy cưng đừng quên tiền trà nước cho anh đấy". Chúng tôi ngầm hiểu khoảng trà nước ấy là 10% số tiền nhận được từ đối tác.

Dăm phút, cò lại đứng lên gọi điện. Mắt vẫn không ngừng láo liên dò xét xung quanh. Mười phút sau, hai người phụ nữ son phấn lòe loẹt, một già, một trẻ bước lên chào chúng tôi. "Cò" nháy mắt: "Đây là hai em gái của ông bên Đức". Xong "cò" lấy cớ kẹt khách để rút êm. Người phụ nữ lớn tuổi đưa cho "cò" 100 ngàn coi như tiền xe. 

Người đàn bà cho biết mình tên Quỳnh, 37 tuổi. "Em quê ở đâu? Tên gì? Bao nhiêu tuổi? Gia cảnh thế nào? Đẻ lần nào chưa? Trình độ văn hóa...". Trong khi bà Quỳnh hỏi han chúng tôi một thôi một hồi thì cô em gái lại ngó nghiêng, theo dõi xung quanh.

Vừa hỏi, bà Quỳnh vừa chat với anh trai bên Đức bằng Iphone để thuật lại cuộc trò chuyện. Nhận được thông tin do cô em gái cung cấp, ông hỏi chúng tôi có giấy tờ tùy thân không, chiều cao ra sao.

Được biết, người đàn ông bên Đức năm nay 38 tuổi, quê gốc Hà Nội. Ông làm việc ở một ngân hàng lớn tại Berlin. Bà Quỳnh mở hình ông anh trai cho chúng tôi xem. Khách quan mà nói, ông ta là một người thành đạt, điển trai, lắm cô theo, tại sao lại không muốn lấy vợ? "Anh í không thích lấy gái Tây. Mà gái Việt sang bên đó lại toàn thích chồng Tây chứ không lấy chồng Việt. Hôn nhân cũng lắm rắc rối nhưng lại bị bố mẹ giục hoài nên anh í chỉ muốn có con thôi. Tinh trùng đang gửi trong bệnh viện nên anh ấy đánh tiếng nhờ chị tìm người đẻ thuê nhưng người đó phải có ngoại hình và trình độ một chút. Việc này chị giấu bố mẹ, chỉ mấy anh em biết thôi".

Chúng tôi đều là gái chưa có chồng, chưa đẻ lần nào nhưng xem ra bà Quỳnh và anh trai vẫn rất hài lòng. Ngắm nghía một hồi, bà bảo chúng tôi vén tóc để chụp hình bằng Iphone. Quả thật lúc này, chúng tôi có cảm giác mình giống như một món hàng để người ta lựa lên, đặt xuống. Giấy chứng minh nhân dân của chúng tôi cũng bị chụp lại để gửi sang cho người đàn ông bên Đức. Bà chép miệng: "Trông hình trong giấy chứng minh của các em xinh hơn ở ngoài đấy nhỉ!".

Tôi hỏi "Trước đây chị đã gặp người đẻ thuê nào chưa?". Bà Quỳnh thở dài: "Chị quen anh xe ôm từ lâu rồi. Nhưng bốn tháng nay mới đánh tiếng nhờ anh í tìm người đẻ thuê. Tìm khó lắm em ạ. Mới đây, anh í dẫn tới người bà con. Cô này đã có một đứa con rồi. Cô đồng ý thỏa thuận giá cả rồi nhưng do cô đặt vòng, tháo vòng ra là đổ bệnh. Mà trông cô này mặt mũi không sáng sủa lắm nên anh trai chị cũng không ưng ý. Thành ra đành phải bỏ". Nói xong bà Quỳnh xin số điện thoại của chúng tôi rồi nhá máy sang. Nhìn đầu số chúng tôi biết ngay là sim rác. "Khi nào mấy em đồng ý hay có thắc mắc gì thì gọi chị nhá".

Trả giá cho một sinh linh

Ở góc cà phê tối mù và ồn ào đinh tai nhức óc, hai người đàn bà ngã giá cho hai sinh linh sẽ là con của anh trai mình. Càng nghe, chúng tôi - những cô gái vào vai đi đẻ thuê càng thấm thía nỗi đau đớn của những người mẹ phải dứt núm ruột cho người xa lạ. Người cần tiền, kẻ cần một nòi giống tốt.

Xong chuyện về gia cảnh, ngoại hình, trình độ, bà Quỳnh nói sang chuyện… đẻ. Sau khi hỏi chu kỳ kinh nguyệt của chúng tôi, bà tường tận hướng dẫn: "Đến kỳ kinh nguyệt sau, các em gọi điện báo cho chị. Chị sẽ dẫn các em đi xét nghiệm tổng thể để xem có bệnh tật gì không. Nếu OK chị sẽ cho uống thuốc (theo tìm hiểu đây là loại thuốc kích thích trứng phát triển - PV). Gần đến ngày rụng trứng, chị dẫn các em đến bệnh viện bơm tinh trùng vào tử cung".  Xong việc, chúng tôi sẽ về nhà bà Quỳnh để bà quản lý nhằm đảm bảo nòi giống của anh trai bà không bị pha tạp. Đây cũng là cách làm mà người nhờ đẻ thuê thường rốt ráo nhằm tránh trường hợp người đẻ thuê quan hệ lang chạ, cái thai không phải là con mình.

Hai đối tác đang trao đổi về việc đẻ thuê.

Bà Quỳnh chọn cả hai chúng tôi. Nếu cấn thai cả hai người, bà sẽ lấy cả hai. Bé trai, bé gái không thành vấn đề. Từ khi cấn thai đến khi sinh, chúng tôi phải ở nhà bà Quỳnh, có người giúp việc chăm nom. Toàn bộ tiền ăn uống, sinh hoạt, thuốc men … đều do gia đình bà Quỳnh lo.  Số tiền cuối cùng chúng tôi nhận được khi trao đứa bé là 150 triệu/ người. Số tiền này theo như các "cò" ở Bệnh viện Từ Dũ đánh giá là quá rẻ. Một "cò" trước đó cho biết, thông thường giá sẽ là 200 đến 300 triệu đồng, "sộp" hơn có thể trả 400 triệu đồng bao cả ăn ở, thuốc men trong thời gian có thai. Nhưng với cô gái quê, một trăm triệu đã là quá lớn. Thế nên bà Quỳnh cười giả lả: "Cô bà con của ông xe ôm chị cũng trả có 150 triệu. Chị em mình gặp nhau thế này âu cũng là cái duyên. Số tiền đó với các em là quá lớn còn gì, dư vốn cho các em về quê làm ăn".

Giấy cam kết chỉ làm khi đã cấn thai. Trong đó quy định sau khi sinh, đứa trẻ sẽ được đưa sang Đức và giấy khai sinh chỉ đứng tên bố, không đứng tên mẹ. Số tiền chi trước cho chúng tôi là 20%.  Để chúng tôi yên tâm và thoát khỏi tâm lý sợ bị lừa, bà Quỳnh đọc vanh vách địa chỉ nhà rồi vồn vã mời chúng tôi đến thăm ngay chiều hôm ấy.

Điều làm chúng tôi bất ngờ đó là đẻ xong, họ sẽ bắt con ngay. Bởi đơn giản, người ta sợ tình mẫu tử thiêng liêng, kỳ diệu khiến chúng tôi không nỡ xa con. Đã nghe chuyện một sản phụ, sau khi đẻ con liền kêu người nhà đến đưa con đi trốn. Tối hôm đó, chị cũng lén lút trốn đi, không về quê mà về một nơi khác để mẹ con đoàn tụ, đối tác không tìm được tung tích gì. Cũng có chị vừa mới sinh con xong, có người trả giá cao hơn rất nhiều lần so với người nhờ đẻ thuê ban đầu. Thế là bán. Giấy cam kết hay hợp đồng đẻ thuê không có giá trị pháp lý, thành ra người nhờ đẻ thuê đành "ngậm bồ hòn làm ngọt".

Đẻ xong, giao con xong, chuyện hậu sản ra sao chúng tôi phải tự lo. Coi như hai bên sẽ cắt đứt liên lạc, không liên quan gì đến nhau. Thắc mắc về việc con mình sẽ được chăm sóc ra sao, bà Quỳnh nói nhỏ: "Đứa trẻ sẽ được đưa sang Đức, có người giúp việc gốc Phi chăm sóc hẳn hoi. Sữa bột bây giờ nhiều khi còn tốt hơn sữa mẹ nữa ấy chứ". "Vậy tụi em có được gặp con không?". Bà Quỳnh đáp một câu nghe đắng lòng: "Chị mang con sang tận Đức. Em làm sao gặp? Mà nếu sau này nó lớn, nó muốn biết mẹ mình là ai, tụi chị cũng sẵn sàng. Nhưng em không thể đòi lại con".

Sang Đức đẻ thuê với cái mác du học

Sau cuộc gặp gỡ ở quán cà phê, bà Quỳnh liên tiếp gọi điện cho chúng tôi.

- (…) Anh ấy nói là nếu em mang bầu cho anh í thì anh í sẽ bảo lãnh sang Đức để đẻ luôn, em có chịu không?

- Là sao hả chị?

- Tức là khi em mang bầu được khoảng 6 tháng, anh sẽ làm giấy tờ cho em sang Đức. Nếu em muốn sống như vợ chồng với anh ấy thì sống còn không em giao con em về, coi như mình đi du lịch châu Âu.

- Thế thủ tục thế nào ạ?

- Chị sẽ lo hết giấy tờ cho em. Em đi theo kiểu du học, đi theo kiểu chồng bảo lãnh. Cái này cũng giống em đi du lịch nước ngoài ấy, dễ không ấy mà. Nói chung anh chưa có vợ, cũng có nhu cầu tìm vợ luôn. Con cái có cả bố, cả mẹ vẫn hơn.

- Phận em là công nhân em đâu dám trèo cao hả chị?

- Thì đúng là bên nhà chị kén người, nhưng điều đầu tiên gia đình nhà chị cần có em bé đã. Nếu ảnh về nước, nói chuyện với em, thấy em ngoan, dễ thương, ảnh OK thì có thể đưa em sang bên Đức cho em ở luôn. Sang đó em sẽ được đi học tiếng Đức để giao tiếp.

Hợp thức hóa đẻ thuê theo kiểu xin – cho

Một bác sĩ sản khoa (xin được giấu tên và nơi công tác) cho biết: Cách đây nhiều năm các trường hợp đẻ thuê thường "núp bóng" bằng hình thức xin - cho con. Người đẻ thuê xem như gái chửa hoang, lỡ làng, không muốn giữ lại đứa bé. Trước khi chuẩn bị sinh, bên xin và bên cho phải làm đơn trình bày với lãnh đạo bệnh viện. Hai bên ký cam kết trước mặt một người chứng (thường là bác sĩ). Sau khi sinh xong, người xin sẽ bế đứa trẻ cách ly với người cho và làm giấy chứng sinh cho đứa trẻ.

Còn vấn đề họ hợp đồng, thù lao đẻ thuê như thế nào thì việc đó nằm ngoài tầm quản lý của bệnh viện. Tuy nhiên, bây giờ các bệnh viện đã siết chặt tình trạng này hơn trước rất nhiều. Các trường hợp đẻ thuê hiện nay xuất hiện dưới dạng sản phụ khai tên, tuổi là tên, tuổi của người nhờ đẻ thuê. Nếu phát hiện ra trường hợp đó, các bác sĩ chỉ lập biên bản hành chính rồi buộc sản phụ khai tên, tuổi thật của mình. Nhưng ít khi gặp trường hợp này vì việc đẻ thuê thường làm "chui" ở các bệnh viện tư hay phòng mạch.

Nhóm PV tại TP HCM
.
.
.