Tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái ngày càng phức tạp

Thứ Tư, 24/10/2018, 21:25
Tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) đang diễn ra ngày càng phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, môi trường đầu tư và sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng…


Tình trạng này do nhiều nguyên nhân, như  do lợi nhuận quá cao, chế tài xử lý chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe hay do kẽ hở pháp luật, tình trạng cán bộ nhũng nhiễu…

Những con số đáng báo động

Theo ông Trần Hữu Linh - Tổng cục Trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) tại Hội thảo "Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam, nguy cơ, thách thức và giải pháp" do Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia phối hợp tổ chức ngày 19-10 tại TP Hồ Chí Minh, hiện nay, nạn hàng giả, kém chất lượng, xâm phạm quyền SHTT đang diễn biến rất phức tạp và có sự gia tăng về quy mô, số lượng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, tác động tiêu cực đến đời sống người dân, môi trường sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và môi trường đầu tư… 

Hàng giả và xâm phạm SHTT diễn ra ở nhiều mặt hàng, lĩnh vực từ nguyên liệu phục vụ sản xuất, gia công, hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng đến các sản phẩm hàng hóa có giá trị cao; xuất hiện những xu hướng mới, tinh vi, chuyên nghiệp hơn, mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn.

Thời gian gần đây, nhiều vụ việc có quy mô lớn, trị giá hàng chục tỷ đồng đã bị phát hiện, điều tra và xử lý như vụ sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng của Công ty TS; sản xuất thuốc chữa ung thư từ than tre của Vinaca hay sản phẩm lụa tơ tằm của Tập đoàn Khải Silk... đã khiến người tiêu dùng hoang mang.

Hàng giả, hàng nhái bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý.

Các mặt hàng thường được làm giả, xâm phạm quyền SHTT nổi cộm bao gồm: thực phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, giày dép, dược phẩm, mỹ phẩm, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, điện tử...

Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, năm 2017 và 9 tháng năm 2018, lực lượng QLTT đã phát hiện 34.733 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 121,3 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm hơn 907 tỷ đồng. 

Trong đó, hàng hóa giả về chất lượng, công dụng có 458 vụ vi phạm; hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bao bì 6.154 vụ; 690 vụ vi phạm tem, nhãn, bao bì hàng hoá giả; 1.064 vụ vi phạm về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; 26.367 vụ vi phạm về nhãn hàng hoá.

Đặc biệt, trong tháng 9-2018 lực lượng QLTT Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an điều tra, xử lý 11 vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, theo ông Nguyễn Văn Bách, Quyền Cục trưởng Cục QLTT TP Hồ Chí Minh, tình trạng vận chuyển, chứa trữ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, hàng vi phạm về sở hữu công nghiệp (SHCN); sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không nguồn gốc xuất xứ... trên địa bàn thành phố cũng phát triển, diễn biến phức tạp và chưa được đẩy lùi.

Theo đó, trong 9 tháng tính từ đầu năm 2018, lực lượng QLTT TP Hồ Chí Minh kiểm tra các trung tâm thương mại, chợ truyền thống, các cửa hàng, đã phát hiện 749 vụ kinh doanh hàng giả, thu giữ 20.4279 sản phẩm gồm quần áo, mắt kính, đồng hồ đeo tay, ví, túi xách, phụ tùng xe máy, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… giả. 

Rất nhiều hàng giả các thương hiệu nổi tiếng như giày Nike, túi xách Chanel, đồng hồ Rolex và mức độ giả đạt đến mức tinh xảo giống hệt như hàng chính hãng. Không chỉ có hàng giả, lực lượng QLTT thành phố còn thu giữ 50.970 nhãn hàng hóa giả nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng.

Thống kê của Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho thấy, các mặt hàng giả chỉ đứng sau các mặt hàng nhập lậu về số vụ vi phạm bị xử lý, trung bình mỗ#i tuần, 28 Đội QLTT phát hiện từ 10-40 vụ hàng giả.

Đơn cử như chợ Bến Thành ở TP Hồ Chí Minh trong những năm gần đây, mặc dù hàng ngàn tiểu thương ký vào bản cam kết không bán hàng giả và cơ quan chức năng liên tục kiểm tra, xử phạt, nhưng hàng giả vẫn tràn ngập chợ. 

Như ngày 10-5 vừa qua, lực lượng QLTT TP Hồ Chí Minh kiểm tra 20 sạp tại chợ Bến Thành, đã phát hiện hơn 3.200 sản phẩm là mặt hàng mắt kính, đồng hồ, bóp ví kinh doanh trái phép, trong đó có 1.380 sản phẩm là hàng giả…

Trong khi đó, đại diện một số DN cũng nêu vấn nạn không ít đối tượng lợi dụng sự tiện ích của thương mại điện tử để rao bán, quảng cáo, khuyến mại nhiều hàng giả, xâm phạm quyền SHTT, trốn thuế (đặc biệt là mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng...), một cách công khai, tràn lan trên các website, mạng xã hội… 

Thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy số vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái trong lĩnh vực thương mại điện tử ngày càng gia tăng. Cụ thể, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử trong năm 2015 là 5,5 tỷ đồng đến năm 2017 là 6 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Văn Bách nêu lên thực trạng khá phổ biến này là hiện nay nhiều DN đã áp dụng thương mại điện tử thông qua các website để khuyến mại, quảng cáo, bán hàng nhưng đây cũng là kênh đang được nhiều đối tượng lợi dụng để rao bán, quảng cáo, khuyến mại nhiều hàng giả, xâm phạm quyền SHTT, đặc biệt là mặt hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... một cách công khai, tràn lan trên các website, mạng xã hội.

Hàng giả, hàng nhái bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý.

Có những vụ việc cần xử lý hình sự

"Tuy đạt được những kết quả quan trọng, nhưng nhìn chung công tác phòng chống hàng giả, xâm phạm quyền SHTT chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt là chưa đáp ứng được mong muốn của các nhà sản xuất, kinh doanh hợp pháp và người tiêu dùng. Kết quả xử lý chưa phản ánh hết thực tế vi phạm trên thị trường; công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả và hàng xâm phạm quyền SHTT vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế và khó khăn", ông Trần Hữu Linh nhìn nhận.

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, nguyên nhân khiến cho vấn nạn hàng gian, hàng giả chưa được loại trừ là do lợi nhuận rất lớn từ việc sản xuất, kinh doanh loại hàng này; sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng, DN trong công tác phối hợp, tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả… Trong khi đó, nhiều DN còn có tâm lý ngại tố giác tội phạm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái vì sợ làm ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín, doanh thu của sản phẩm.

Tổng cục QLTT nhận định, một trong những khó khăn lớn của công tác chống hàng giả hiện nay là phương thức, thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái hiện nay đang xuất hiện các xu hướng mới, ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp hơn. Các đối tượng vi phạm có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đầu mối chuyên cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện, đầu mối, chuyên cung cấp các loại bao bì, tem nhãn…

Hội thảo với chủ đề "Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam - Nguy cơ, thách thức và giải pháp".

Phân tích các nguyên nhân dẫn đến hàng giả, hàng nhái ngày càng phổ biến, nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, bên cạnh các nguyên nhân khách quan và chủ quan từ thị trường, DN và người tiêu dùng, còn có những nguyên nhân bắt nguồn từ sự bất cập của các chính sách pháp luật và việc xử lý đối với hành vi vi phạm.

Để công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả và hàng xâm phạm quyền SHTT ngày càng hiệu quả hơn, Tổng cục QLTT đã đề ra 7 nhóm giải pháp triển khai trong thời gian tới. Trong đó, nhấn mạnh triển khai các hoạt động gồm: Chỉ đạo lực lượng QLTT tăng cường các giải pháp giám sát thị trường; phối hợp với cơ quan chức năng như báo chí, hiệp hội, DN đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các hộ kinh doanh; tăng cường hợp tác với các hiệp hội ngành nghề, các DN sản xuất trong công tác kiểm tra, xử lý hàng giả.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Viết Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh đề xuất, các DN không nên lo sợ thông tin về hàng giả sẽ làm sụt giảm doanh số do người tiêu dùng quay lưng mà hãy hợp tác với cơ quan chức năng để chống tận gốc. Ngoài nâng cao chất lượng, làm mới bao bì, dán tem chống hàng giả để bảo vệ sản phẩm và giúp cho người tiêu dễ dàng nhận diện hàng thật hàng giả khi mua sắm là giải pháp hiệu quả đang được nhiều doanh nghiệp thực hiện.

Mặt khác, các cơ quan thực thi pháp luật cần phải đưa ra những giải pháp chống hàng giả, vi phạm quyền SHTT cụ thể và chặt chẽ để tiến tới rút giấy phép, xử lý hình sự đối với những vụ việc vi phạm lớn.

Ông Nguyễn Phương Minh, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ cho rằng dù cơ quan quản lý rất quyết liệt trong công tác chống hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe. Các vụ việc phần lớn vẫn được xử lý hành chính, xử lý hình sự còn hạn chế.

Ông Nguyễn Văn Bách cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền cần sớm hoàn thiện các quy định về thực thi quyền SHTT và phải hướng dẫn cụ thể để các cơ quan thực thi có thể thực hiện một cách thống nhất. Điển hình như các quy định về căn cứ kết luận vi phạm, hành vi về vận chuyển, tàng trữ hàng hóa dịch vụ xâm phạm quyền hoặc giả mạo đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý.

Để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp và lợi ích của người tiêu dùng, ông Nguyễn Văn Bách cho rằng, ngoài công tác tăng cường kiểm tra xử lý của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần nói không với hàng giả bằng cách không mua hàng giá rẻ, yêu cầu người bán cung cấp hóa đơn để loại bỏ hàng giả ngay từ đầu.

Phú Lữ
.
.
.