Tỉnh táo khi dùng thực phẩm chức năng
Này nhé, điện thoại thì tít tít 10-15 lần mỗi ngày rao bán chung cư cao cấp, sim số đẹp, các loại bảo hiểm, các dịch vụ nghỉ dưỡng, các chương trình biểu diễn… Từ nhắn tin, mức độ "trơ trẽn" tăng tới đỉnh khi các nhân viên gọi thẳng vào máy bạn để giới thiệu sản phẩm.
Tiếp đến là truyền hình. Mở kênh nào cũng tràn ngập quảng cáo. Cứ xem được vài phút là đến phần dành cho quảng cáo đồ ăn thức uống, các loại thuốc đông y, các sản phẩm tẩy rửa…
Minh họa của Lê Tâm. |
Ra đường thì đầy rẫy các biển quảng cáo lớn nhỏ luôn chọn những vị trí thuận lợi để đập vào mắt người đi đường. Đến cơ quan mở máy tính ra thì hoa mắt bởi các sản phẩm thượng vàng hạ cám được rao bán trên các mạng xã hội…
Tóm lại, chúng ta phải chấp nhận sống chung với quảng cáo hằng ngày, hằng giờ. Thực tế cho thấy từ các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu, uy tín đầy mình đến các cá nhân nhỏ bé đều có thể kinh doanh kiếm lời. Lẽ đời, khi lao vào chốn thương trường, ít ai nói thật về tác dụng những sản phẩm của mình mà thường phóng đại nó lên nhiều lần.
Con người như một cái máy, đến một độ tuổi nào đó cũng mỏi gối chùn chân. Máy móc còn bảo hành bảo dưỡng, chứ con người thì chỉ biết vào bệnh viện để khám tổng thể.
Tôi tin là bất cứ ai dù mạnh mẽ đến mấy cũng suy sụp, choáng váng khi bác sĩ kết luận trong cơ thể họ đang có mầm mống của một căn bệnh nào đó, bước đầu có thể điều trị bằng các loại thuốc, nặng hơn có thể qua các cuộc giải phẫu. Vâng, điều tôi muốn nói ở đây chính là sự nhẫn tâm của các nhà sản xuất khi quảng cáo về những sản phẩm liên quan đến chữa bệnh hay nâng cao sức khỏe con người.
Cách đây không lâu, một sản phẩm được bán tại nhiều địa phương trong cả nước khiến các cụ ông, cụ bà mê mẩn, đó là giường massage có tác dụng… chữa bách bệnh.
Để chào bán mặt hàng này, các công ty thường tổ chức một buổi giới thiệu sản phẩm hoành tráng tại nhà văn hóa khu dân cư hoặc thuê hội trường ở ủy ban hay trường học nào đó nhằm huy động người dân đến nghe càng đông càng tốt.
Tại đây, nhân viên của hãng sản phẩm không ngớt lời giới thiệu chức năng của sản phẩm này và chào bán ngay với giá khuyến mại. Giá chiếc giường cũng không hề rẻ, trên dưới bốn chục triệu đồng.
Tuy nhiên, các nhà chuyên môn giải thích rằng, loại giường trên chỉ làm tăng sự điều hòa khí huyết, cộng thêm các hạt nam châm làm giảm triệu chứng mệt mỏi, đau nhức.
Mặt khác, nếu thường xuyên nằm trên giường cũng sẽ gây ra những tác dụng xấu về xương khớp. Thực chất đây chỉ là giường massage thư giãn, nhưng đã quảng cáo gian dối nhằm bán được nhiều sản phẩm.
Một thực tế khá nhức nhối trong mấy năm trở lại đây, đó là tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) có thể thay thế thuốc chữa bệnh và thậm chí chữa khỏi được cả bệnh ung thư, một loại bệnh nhiều người đang mắc và chữa trị vô cùng tốn kém.
Các nhà khoa học đều khẳng định chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh được TPCN có tác dụng điều trị ung thư. TPCN có 2 chức năng cơ bản là tăng cường sức khỏe (chống lão hóa, tăng sức đề kháng, sung mãn, làm đẹp) và hỗ trợ điều trị bệnh tật (góp phần giảm nguy cơ mắc bệnh, làm giảm tác hại của bệnh).
Số liệu từ Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cho biết, trong năm 2016, Cục đã thanh tra, phát hiện vi phạm và xử lý hơn 90 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN với tổng số tiền phạt trên 5,4 tỷ đồng.
Trong đó, hơn 50 cơ sở vi phạm về quảng cáo, bị xử phạt với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng. Sai phạm phổ biến nhất trong quảng cáo là thổi phồng công dụng của sản phẩm, quảng cáo TPCN như một loại thần dược có thể chữa khỏi tất cả các loại bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư…
Bộ Y tế đang lấy ý kiến rộng rãi vào dự thảo Nghị định Quy định điều kiện sản xuất, kinh doanh, quảng cáo và ghi nhãn TPCN trước khi trình Chính phủ thông qua.
Mặt khác, những sai phạm về sản xuất, kinh doanh TPCN cũng cần được xử lý nghiêm khắc cùng với công tác tuyên truyền sâu rộng để những người nhẹ dạ không bị kẻ xấu lừa gạt, giúp người tiêu dùng tỉnh táo hơn và góp phần làm trong sạch thị trường TPCN trong nước.