Tìm tương lai trong giống lúa cổ

Thứ Hai, 14/10/2019, 07:19
Vốn là một lương y, ông Lê Thái Tôn (ngụ quận 11, TP HCM) luôn mày mò tìm kiếm những phương thuốc quý chữa các loại bệnh nan y, cứu giúp nhiều người thoát khỏi lưỡi hái tử thần. Trong một lần sang Campuchia tìm cây thuốc, ông Tôn xin vào nhà của một lão nông nghỉ chân. Ngôi nhà đơn sơ, nằm lẻ loi ở bìa rừng chỉ có một mình cụ ông ở.


Ông cụ đãi khách bằng một bữa cơm, nhưng mỗi người chỉ được một chén. Gạt từng hạt cơm vào miệng, ông Tôn nhận ra ngay sự khác lạ, đặc biệt mà chưa bao giờ ông cảm nhận được. Nhìn chủ nhà, ông Tôn nhận ra, ở tuổi 96 mà sức vóc của cụ như trung niên, nhanh nhẹn, minh mẫn lạ kỳ.

Bí quyết khỏe mạnh, trường thọ của cụ chỉ là ngày ăn ba bữa cơm rau muối, không hề có sơn hào hải vị. Tìm hiểu về hạt gạo, ông Tôn ngỡ ngàng khi khám phá ra đây là giống lúa Tàu Binh đã bị thất truyền tại Việt Nam trên 30 năm. 

Lương y Lê Thái Tôn bên hạt gạo Tàu Binh.

Trên gác bếp nhà ông cụ chỉ còn đúng 3 bông lúa, ông Tôn xin và được cụ đồng ý. Mang về Việt Nam, ông Tôn gieo giống 2 năm sau thì cấy được 1.000m2 đất ruộng. Từ số lúa này, ông Tôn nhân ra thêm được một hécta. Cả đời theo nghề y, ông Tôn chưa học nghề nông một ngày nào, nhưng nghĩ tới cây lúa Tàu Binh, hạt gạo có nhiều thành phần dinh dưỡng, chữa trị được nhiều bệnh tật, ông Tôn quyết tâm xắn tay xuống đồng.

Ông về Long An thuê đất, cải tạo đất để trồng lúa. Những mầm lúa lớn lên, ông Tôn không sử dụng phân bón hay bất cứ một loại thuốc hóa học nào mà chỉ dùng thuốc đông y để “chữa” bệnh cho lúa.

Sau 5 năm trồng lúa kết hợp nghiên cứu tác dụng của hạt gạo Tàu Binh, ông Tôn đưa cho bạn bè dùng thử, nhiều người bị tiểu đường đã giảm đường, men gan giảm, nhất là người béo phì dùng gạo Tàu Binh thấy hiệu quả rõ rệt.

Ông Lê Công Chánh (61 tuổi, ngụ TP. Hồ Chí Minh) là một trong những người đầu tiên dùng gạo Tàu Binh của lương y Lê Thái Tôn và đã duy trì thường xuyên trong bữa ăn gia đình nhiều năm nay. Ông Chánh cho biết, loại gạo này không gây nóng trong người, giúp điều hòa các cơ quan tiêu hóa, đặc biệt là làm mát gan.   

Trung tâm Đào tạo và Phát triển sắc ký TP. Hồ Chí Minh đã đưa ra kết quả phân tích mẫu gạo lứt Tàu Binh của Công ty TNHH Y học Cổ truyền Lê Thái Tôn đứng ở vị trí cao nhất so với các giá trị của gạo lứt trong bảng dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế).

Cụ thể, gạo lứt Tàu Binh chứa hàm lượng Omega 3 là 0.35kg và Omega 6 từ 10.3kg; chất chống oxy hóa, gốc tự do và các loại Aminoacid đều có giá trị dinh dưỡng rất tốt. Ngày 22-7-2019, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (Tổng cục Đo lường Chất lượng) đã công bố kết quả thử nghiệm mẫu gạo Tàu Binh xay nhuyễn đảm bảo tiêu chuẩn về các chỉ số dinh dưỡng.

Kết quả thử nghiệm và kiểm nghiệm giống gạo Tàu Binh của lương y Lê Thái Tôn

Ông Tôn tiếp tục nhân rộng giống lúa lên 200ha nhằm phát triển thành dự án lâu dài. Lúa có tuổi đời 8 tháng, bắt đầu gieo hạt từ tháng 4 (âm lịch). Ở miền Tây, cây lúa chịu đựng được qua tất cả các mùa trăng và con nước. Nước nổi cao bao nhiêu thì lúa cao bấy nhiêu. Lúa Tàu Binh cho năng suất rất thấp. Một công ruộng chỉ thu về được 1 tạ lúa nên mỗi hạt gạo ra đời được xem như hạt ngọc, một viên thuốc quý.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Lang, Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao đồng bằng sông Cửu Long nhận định, việc trồng lúa kết hợp nuôi cá của lương y Lê Thái Tôn tạo ra một mô hình phát triển bền vững cho môi trường hữu cơ. Do điều kiện sâu bọ ít nên lúa không cần phải phun thuốc, vì vậy đây sẽ là loại gạo sử dụng làm thực phẩm chức năng rất tốt.

Ngọc Thiện
.
.
.