Tiết lộ chi tiết về những Bố già ngoài đời thực
Loạt phim Bố già đã mang tới công chúng một cái nhìn mới về giới mafia Mĩ, với rất nhiều nhân vật và sự kiện được nhắc đến trong phim được dựa trên những nhân vật và sự kiện có thật. Chúng thuyết phục đến nỗi, rất nhiều khán giả (trong đó tất nhiên có những thành viên của các băng đảng tội phạm) tin rằng gia đình mafia gốc Ý thực sự là những quý ông trong giới tội phạm, những kẻ không tuân thủ luật pháp nhưng lại tuân theo những quy định ngầm cao hơn thế.
“Bố già, Phần I (1972) và Bố già, Phần II (1974) được xem là hai trong số những tác phẩm điện ảnh kinh điển của Hollywood. Được dàn dựng bởi đạo diễn lừng danh Francis Ford Coppola dựa trên tác phẩm cùng tên của nhà văn Mario Puzo, hai tập phim không chỉ có ảnh hưởng trong lĩnh vực điện ảnh đơn thuần mà đã trở thành một hiện tượng văn hoá trong xã hội Mĩ.
Nhiều người sử dụng bộ phim làm hình mẫu cho các thương vụ làm ăn, số khác thì coi nó như cuốn sách vỡ lòng về cách hành xử trong xã hội đầy bất trắc. Nhưng sự thật những Bố già ngoài đời có giống như hình mẫu trong phim hay không?”.
Loạt phim Bố già đã mang tới công chúng một cái nhìn mới về giới mafia Mĩ, với rất nhiều nhân vật và sự kiện được nhắc đến trong phim được dựa trên những nhân vật và sự kiện có thật. Chúng thuyết phục đến nỗi, rất nhiều khán giả (trong đó tất nhiên có những thành viên của các băng đảng tội phạm) tin rằng gia đình mafia gốc Ý thực sự là những quý ông trong giới tội phạm, những kẻ không tuân thủ luật pháp nhưng lại tuân theo những quy định ngầm cao hơn thế.
Cốt truyện chính của Bố già, Phần I xoay quanh vụ nổ súng nhắm vào Don Vito Corleone. Ông trùm gốc Sicily đã chọc giận một băng đảng đối lập bằng việc từ chối đầu tư vào Virgil Sollozzo, một tay buôn ma tuý đang muốn mở rộng và thâu tóm thị trường ma tuý vào thời điểm đó. Sollozzo muốn hợp tác với Don Corleone dựa trên mạng lưới các chính trị gia và thẩm phán mà Don Corleone đang nắm giữ. Tuy nhiên cám dỗ của lợi nhuận đã không làm Don Corleone đổi ý, vì ông không muốn tham gia vào “thương vụ bẩn thỉu” này và phải đánh đổi những mối quan hệ và đế chế ông đã dày công thiết lập.
Don Corleone để lại ấn tượng cho người xem bằng quan điểm không gây hại tới công chúng, đối nghịch với việc buôn bán ma tuý luôn được xem là mối đe dọa cho tất cả mọi người.
Trên thực tế, việc những tổ chức mafia nghiêm cấm việc buôn bán ma tuý là có thật. Số lượng lớn những vụ án giữa tội phạm ma tuý và các băng đảng qua nhiều năm đã minh chứng cho điều này. Khi Thượng viện Mĩ thông qua luật Kiểm soát các chất ma tuý vào năm 1956, các hình phạt tối thiểu cho việc buôn bán ma tuý đều được nâng lên. Vi phạm lần đầu sẽ lĩnh án 5 năm tù, lần thứ hai là 10 năm tù và 40 năm tù cho lần thứ ba. Thêm vào đó, mọi hình thức thử thách hay án treo đều bị loại bỏ. Những ông trùm vì thế phải tính đến việc lợi nhuận từ ma tuý có đủ để mạo hiểm với những bản án lớn như vậy hay không.
Nhưng điều làm các ông trùm đau đầu hơn là việc những tên đàn em sau khi bị bắt có thể sẽ thoả thuận với chính quyền để làm chứng và tìm cách giảm án. Với những bản án quá nặng, những tên tội phạm sẽ sẵng sàng đánh đổi việc phá vỡ luật im lặng để đổi lấy những bản án nhẹ hơn cho mình.
Cảnh đầu tiên bố già Don Corleone xuất hiện trên màn ảnh, ông mặc một bộ vest đuôi tôm với một bông hoa đỏ trên ve áo và ngồi tiếp khách trong phòng làm việc tối tăm của mình, trong khi gia đình và bè bạn đang tổ chức tiệc mừng đám cưới cho con gái ông ngay bên ngoài.
Mặc dù là ông trùm của một trong những tổ chức tội phạm lớn nhất liên bang, con người Don Corleone lại toát lên vẻ nhún nhường, với vẻ ngoài cho thấy một con người không dành nhiều sự quan tâm tới tiền bạc và quyền lực. Khi nhà văn Mario Puzo tạo ra nhân vật Don Corleone, ông có rất nhiều hình mẫu để lựa chọn, nhưng chỉ có một ông trùm để lại nhiều ấn tượng và cảm hứng cho ông: Carlo Gambino.
Carlo Gambino. |
Không giống như nam diễn viên chính Marlon Brando, Carlo Gambino hoàn toàn đối lập. Dáng người nhỏ thó với đôi mắt nhỏ nhưng tròn, sáng cộng với chiếc mũi to, Gambino thường xuất hiện với dáng vẻ mệt mỏi và bạc nhược. Nhưng cũng như Don Corleone, với vẻ ngoài như thế, Carlo Gambino lại là một bậc thầy về tâm lí với khả năng luôn đi trước, đón bắt được đối thủ trong khi làm đối thủ luôn nghĩ rằng chúng đang ở trong vị trí có lợi hơn.
Vào những năm 1940, 5 băng đảng mafia lớn nhất New York vẫn đang hình thành, và việc liên minh giữa những ông chủ đang lên này diễn ra rất nhanh và bị phá huỷ cũng nhanh chóng không kém. Cơ hội đến khi Charles “Lucky” Luciano, một trong những bố già quyền lực và ảnh hưởng nhất, người được coi như kiến trúc sư cho hệ thống mafia Mĩ bị trục xuất về Ý vào năm 1946.
Kế thừa vị trí của Luciano là trợ lí đắc lực Frank Costello, kẻ được coi là “thủ tướng của thế giới ngầm” với tính cách cởi mở suồng sã và mối quan hệ rộng với các chính trị gia và nhà chức trách. Cái mà Costello thiếu chính là sức mạnh của băng đảng Luciano để lại, vốn đã bị suy yếu nhiều sau khi Luciano bị trục xuất.
Để củng cố vị trí của mình, Costello thoả hiệp với các ông trùm khác để tìm sự hỗ trợ, và bằng tiền mặt, y mua được sức mạnh cần thiết cho băng đảng của mình. Tay chân thân cận và giá trị nhất của Costello là Albert Anastasia, với biệt danh “Kẻ Đồ Tể”, là trùm của băng đảng nhà Mangano. Tại thời điểm đó, cánh tay phải của Anastasia chính là Carlo Gambino.
Kình địch của Costello, Vito Genovese không hề giấu tham vọng trở thành bố già, khi đó muốn liên kết một vài băng nhóm để chống lại Costello. Nhưng với sự hậu thuẫn của Anastasia, Genovese phải chịu im hơi lặng tiếng trong một thời gian dài.
Vào năm 1957, Genovese quyết định ra tay. Y ra lệnh cho đàn em thực hiện kế hoạch ám sát Costello gần toà nhà do chính Costello sở hữu nằm ở phía Tây công viên Central Park. Không may cho Genovese, viên đạn đi không trúng đích mà chỉ sượt qua trán Costello.
Cú ám sát hụt làm các mối quan hệ và hiệp ước giữa các băng nhóm trở nên hỗn loạn hơn bao giờ hết. Genovese trở thành nghi vấn số một của vụ ám sát, và y hiểu rằng nếu y không tiếp tục hành động, mọi thứ sẽ chấm dứt với y. Genovese biết rằng, nếu Costello quyết định ra tay, hắn sẽ sử dụng Albert Anastasia. Để tự cứu mình, Genovese thuê hai sát thủ hạ gục Anastasia ngay tại hiệu cắt tóc quen thuộc của tên này.
Gia đình Corleone. |
Vụ thủ tiêu Anastasia được thực hiện bởi chính cánh tay phải của y, Carlo Gambino, người đã bí mật thoả hiệp với Genovese. Y được Genovese đảm bảo sẽ được lên thay Anastasia nắm vị trí thủ lĩnh của băng Mangano, ngay khi Genovese đạt được mục đích của mình là trở thành capo di tutti capi - bố già - ông trùm của các ông trùm. Frank Costello, giờ đây không còn Anastasia và băng đảng gia đình Mangano hậu thuẫn, quyết định rút lui khỏi vị trí cao nhất thế giới ngầm, thay vì đối đầu với Genovese nay đã rất mạnh. Gambino từ đó trở thành thủ lĩnh của băng nhóm nhà Mangano.
Không may cho Vito Genovese, y đã đánh giá Gambino - kẻ chưa bao giờ muốn dưới trướng bất kì ai - quá thấp. Gambino bí mật liên lạc với Frank Costello và thành công trong việc hoà giải với cựu trùm mafia, cho dù chính y là nguyên nhân khiến Costello phải về hưu non.
Gambino cũng đồng thời liên lạc với Lucky Luciano và Meyer Lansky, thủ lĩnh một băng nhóm Do Thái, người đã cùng Luciano thiết lập nên đế chế tội phạm tại New York trong những ngày đầu tiên. Genovese biết rằng cả Costello, Luciano và Lansky đều không ưa gì mình, nhưng y cho rằng Gambino vẫn ở phe mình. Và đó là sự thừa nhận, là sai lầm chết người của y.
Genovese là một trong những tên trùm dành nhiều sự ủng hộ cho việc buôn bán ma tuý. Y nhận thấy lợi nhuận từ các thương vụ ma tuý là quá lớn để có thể bỏ qua. Biết được quan điểm này của Genovese, bộ tứ Luciano, Lansky, Costello và Gambino quyết định đưa Genovese vào bẫy bằng một thương vụ ma tuý béo bở, sau đó vờ để lộ thông tin cho chính quyền bang. Bộ tứ này trả cho một tay buôn ma tuý người Puerto Rico 100.000USD để tên này hợp tác với bộ phận điều tra và khai ra kẻ chủ mưu là Genovese.
Với sự thành khẩn hơn mong đợi này, Genovese dễ dàng bị bắt và lĩnh án 15 năm tù cho hành vi chủ mưu buôn bán ma tuý. Y chết trong tù khi chưa thực thi xong bản án. Cùng với việc Costello bị chính quyền Liên bang cáo buộc tội trốn thuế, Luciano không được quay trở lại Mĩ và Lansky không muốn mở rộng mạng lưới làm ăn, Gambino dần dần trở thành tên trùm tội phạm quyền lực nhất nước Mĩ.
Gambino tiếp tục tạo thêm vây cánh bằng việc liên kết với nhiều nhóm tội phạm khác nhau và tới những năm 1970, hầu hết các băng đảng tội phạm ở New York đều qui về dưới trướng của y. Gambino sống trong một khuôn viên lớn nằm trên địa phận Massapequa, Long Island, tương tự như Don Corleone trong Bố già, Phần I. Và cũng giống như Don Corleone, Carlo Gambino chết do nhồi máu cơ tim ở tuổi 76. Không như rất nhiều đồng bọn khác, cả Gambino và Don Corleone đều không phải sống cảnh tù tội trong cả cuộc đời mình