Tiền ảo và những rủi ro thật

Thứ Năm, 23/11/2017, 10:28
Vì giấc mơ "tỷ phú", thiếu hiểu biết, rất nhiều người đã "sập bẫy" khi tin vào khoản lợi nhuận mà các chủ sàn giao dịch tiền ảo hứa hẹn mỗi tháng. Bên cạnh việc mất tài sản, rơi vào vòng lao lý, việc lưu thông tiền ảo còn ẩn chứa nguy cơ mất an toàn dữ liệu, ảnh hưởng tới kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng và an ninh quốc gia.


"Sập bẫy" đầu tư tiền ảo

Đã có rất nhiều người vì hám lợi mà "sập bẫy" đầu tư tiền ảo, dẫn tới mất tài sản. Và khi đã rơi vào cảnh túng quẫn, kiệt quệ mới viết đơn trình báo lên cơ quan công an. Các phương tiện truyền thông, báo chí cũng đã phản ảnh rất nhiều về những dấu hiệu lừa đảo và nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn khi thanh toán, đầu tư, kinh doanh tiền điện tử (bitcoin).

Trước những nguy cơ mà tiền ảo có thể gây ra ảnh hưởng đến nền kinh tế - xã hội, Chính phủ đã đưa ra thông báo, khẳng định việc phát hành, cung ứng, sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán là không hợp pháp và bị cấm tại nước ta.
Nhiều người vì giấc mơ tỷ phú đã trở nên tán gia bại sản vì tiền ảo.

Gần đây chúng tôi nhận được rất nhiều phản ánh của bạn đọc về dấu hiệu lừa đảo của một số thị trường tiền ảo tại Việt Nam. Chị Trần Thu A đang theo dõi thị trường F và tham gia từ năm 2011. Khi đó, chị chọn một đơn vị nạp rút tại Việt Nam.

Năm 2014, các sàn bị thanh tra, chị A đã bị lỗ rất nhiều vì chưa có kinh nghiệm và chưa hiểu nhiều về cách thức vận hành, hoạt động của các cặp tỉ giá. Đến năm 2016, chị được một đơn vị đào tạo ở Việt Nam mời tham gia khóa học cơ bản và nâng cao.

Đồng thời mời thuê robot phí năm để giao dịch, trong quá trình giao dịch nhiều nhà đầu tư bị cháy tài khoản. Tuy nhiên, lần này chị A không bị cháy mà có lời. Chị mở thử tài khoản Min và deposit là 5.000 USD từ đầu tháng 9, tới giữa tháng 10 chị lời được 1.500 USD.

Chị A đã yêu cầu rút toàn bộ số tiền thì bên đơn vị đào tạo trên mới nói chỉ cho rút số tiền lãi, tài khoản gốc phải 2 tháng mới cho rút. Đây là điều vô lý ở giới tài chính, cho thấy tín hiệu thanh khoản có vấn đề. "Sau khi nhận thấy có vấn đề tôi đã điện thoại trực tiếp cho sàn có tên Wel thì họ báo không có chuyện chậm trễ đó. Tôi đã kiên trì hàng tuần làm việc, gọi điện và đòi đơn vị đào tạo kia phải giải quyết. Không những tôi mà những nhà đầu tư khác rút cũng vô cùng khó khăn. Họ hứa ngày này qua ngày khác và hầu như lảng tránh. Có thời điểm tôi đã gọi mà không nhận được tín hiệu trả lời. Theo tôi tìm hiểu thì đơn vị này vừa mở thêm chi nhánh tại Thái Nguyên".

Sau một tháng "chiến đấu" quyết liệt và kiên trì, chị A đã dùng mọi cách từ nhẹ nhàng đến dọa nạt thì được trả thêm 3.000 USD tiền gốc. Số còn lại bên đơn vị đào tạo hứa sẽ giải quyết sau. Điều vô lý là, các sàn đã cam kết sau 30 phút khách hàng báo lệnh rút tiền thì tiền sẽ được chuyển vào tài khoản của khách hàng.

Nếu có tranh chấp hay kiện tụng thì muộn nhất cũng chỉ 2-3 ngày. Đó là một trong những lời cảnh báo khi các nhà đầu tư bỏ tiền vào những kênh mà không có sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam.

Chúng tôi liên hệ được với chị Lê Thị T. từng làm IB cho một sàn trụ sở tại tòa nhà Keangnam. Đây là một sàn thử nghiệm của một tập đoàn công nghệ. Trong khi đó sàn này lại hoạt động công khai, mở tài khoản, nạp rút tiền cho khách hàng tại Việt Nam có hệ thống và đại lý khá mạnh về marketing.
Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh cho rằng, lưu thông tiền ảo có ảnh hưởng tới kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng và an ninh quốc gia.

Được biết sàn này hoạt động thử nghiệm từ năm 2011, hiện nay vẫn còn giao dịch. Theo tìm hiểu của phóng viên sàn hợp tác với một đơn vị marketing nằm ở khu vực đường Láng. Họ tuyển nhân viên vào để chào khách hàng mở tài khoản đầu tư.

"Khách hàng đầu tư vào đây liên tục cháy tài khoản. Mặc dù giám đốc đơn vị này còn đào tạo khóa học, vẽ cho khách hàng một tương lai rất sáng. Nhưng cuối cùng tài khoản đầu tư của khách hàng vẫn lỗ và thậm chí về số 0. Nhân viên môi giới cho đơn vị này có khi tự đào tạo cho khách hàng. Rất nhiều khách hàng phải bán nhà, vay ngân hàng để trả nợ khi bị cháy tài khoản.

"Đơn cử như chị tôi, là một giáo viên của một trường tiểu học, ban đầu nghe môi giới là con của một đồng nghiệp nói là có tiềm năng và cơ hội phát triển. Chị ấy đã tham gia thử, thấy có lời, liền cắm sổ vay ngân hàng được 700 triệu, giao dịch tất tay, khi tài khoản cháy, mất hết tiền, mới ngã ngửa ra.

Hoặc ông chú tôi, là khách hàng nhưng rất tin tưởng tôi, hiện chú có hai nhà máy sản xuất, chú chia sẻ có những đêm mất tiền tỷ vì ham thị trường. Nhiều khi không hiểu tại sao mình lại thua lỗ, mặc dù đã tham gia thị trường này 10 năm. Giờ chú ấy không dám đầu tư nhiều, thỉnh thoảng nạp 3.000 USD nhưng toàn bị cháy tài khoản" - chị T chia sẻ.

Mới đây, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an) phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai triệt phá đường dây huy động vốn công nghệ cao với số tiền chiếm đoạt lên tới 140 tỷ đồng, bắt giữ đối tượng cầm đầu là Nguyễn Minh Phương (39 tuổi, trú tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cùng hai đồng phạm. Bitcoin là một dạng tiền huy động vốn tương tự hệ thống đa cấp.

Người chơi càng đông, tham gia càng nhiều, người có nhiều thành viên "cấp dưới" sẽ được hưởng tỷ lệ phần trăm nhiều hơn. Công an TP Hà Nội cũng đã bắt giữ, xử lý rất nhiều đối tượng "chân rết" tại Việt Nam liên quan đến đầu tư tiền ảo. Tuy nhiên, điểm chung thì họ lại chính là nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo mà không hề hay biết.

Những hệ lụy khó lường

Bên cạnh những hệ lụy mất tài sản, rơi vào vòng lao lý, lưu thông tiền ảo phụ thuộc vào hệ thống công nghệ thông tin nên luôn ẩn chứa nguy cơ mất an toàn dữ liệu: Lộ tài khoản, lộ mã bảo mật, tài khoản bị giả mạo. Chính vì vậy người tham gia sẽ chịu thiệt hại khi xảy ra sự cố như hacker tấn công mạng.

Chia sẻ vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh - Cục trưởng Cục An ninh, Tiền tệ, Đầu tư - Tổng cục An ninh (Bộ Công an) cho biết: "Việc sử dụng tiền ảo một cách ồ ạt, không có định hướng, không có sự quản lý của Nhà nước sẽ gây ra những hệ lụy khó lường đối với nền kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh chủ quyền của đất nước".

Những năm gần đây, tiền ảo rộ lên là do một số cá nhân, doanh nghiệp và nhà đầu tư đưa thông tin. Còn ở nước ta chưa có thực tế để đánh giá chính xác về thực trang này. Chính vì thế Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh cho rằng, cần phải giải thích phòng ngừa để tránh gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, công dân. "Hiện chúng tôi chưa xử lý trường hợp nào vì thực tế chưa có, cái này chỉ là trong dư luận.

Hiện pháp luật chưa cho phép là phương tiện thanh toán, chưa coi là loại dịch vụ hàng hóa nên hoạt động sử dụng tiền ảo đang bị cấm. Công dân được làm mọi việc mà pháp luật không cấm, nhưng ở đây pháp luật cảnh báo không coi tiền ảo là phương tiện thanh toán.

Người nào đầu tư gặp rủi ro thì phải tự chịu trách nhiệm. Đồng thời sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu phát hiện việc đầu tư, sử dụng tiền ảo" - Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh cho biết thêm.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện nay việc kêu gọi đầu tư tiền ảo có dấu hiệu biến tướng thành kinh doanh đa cấp, lừa đảo người dân. Dùng tiền thật để mua tiền ảo, rồi lợi nhuận tăng khi tiền ảo tăng giá và nhận hoa hồng, tiền thưởng khi kêu gọi thêm được nhà đầu tư cùng chơi.

Như vậy đây chỉ là một loại hình đa cấp, lấy tiền của người này để trả hoa hồng cho người trước. Đến khi không thể cầm cự được thì tất yếu hệ thống sẽ bị vỡ và người chơi sẽ chịu thiệt đơn thiệt kép.
Lịch sử cung cầu của một sàn tiền ảo đang hoạt động tại Việt Nam.

"Trước những nguy cơ của tiền ảo có thể gây ra, chúng ta cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước với hoạt động kinh doanh, sử dụng tiền ảo trên các website để phòng ngừa rủi ro, bảo mật, phòng chống rửa tiền. Cần phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành trong quản lý, các hoạt động có liên quan đến tiền ảo. Do hoạt động trong lĩnh vực trực tuyến nên phải đẩy mạnh việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế vào hoạt động tài chính, ngân hàng, thương mại để hạn chế rủi ro. Cần tăng cường kiểm tra, rà soát ở các trang web, các tổ chức, cá nhân để phòng ngừa, đấu tranh kịp thời với các loại tội phạm" - Thiếu tướng Lĩnh cảnh báo.

Chuyên gia kinh tế Trần Minh Thuận chia sẻ: "Nên có các quỹ giao dịch ngoại hối, tập hợp các tài khoản nhỏ của nhà đầu tư. Qũy giao dịch trực tiếp với ngân hàng ở nước ngoài và đóng thuế đầy đủ. Đơn vị quản lý quỹ như các tổ chức tài chính, ngân hàng và chịu sự quản lý của Bộ Tài chính. Tuyệt đối nghiêm cấm các sàn mở tài khoản cho nhà đầu tư nhỏ lẻ. Tốt nhất nên xóa sạch hoạt động mở sàn, mở tài khoản nhỏ lẻ, đào tạo vô căn cứ và giao bán robot với lợi nhuận cao, bất thường".
Phong Anh
.
.
.