Tiền ảo - Tung chảo hay gia bảo?

Onecoin và Bitcoin - Kỳ 2

Thứ Ba, 12/09/2017, 11:23
Có thể nói, trong vài năm qua, 2 đồng tiền ảo “làm mưa làm gió” tại Việt Nam chính là các đồng Onecoin và Bitcoin. Rất nhiều nhà đầu tư Việt Nam đã đổ vốn vào 2 đồng tiền này, và còn nhiều người nữa đang muốn tham gia. Bài viết này sẽ phân tích những đặc điểm nổi bật của 2 loại tiền ảo này, nhằm giúp nhà đầu tư có cái nhìn sáng suốt nhất.


Bitcoin - Đồng tiền không thể hack

Bitcoin đáp ứng được tiêu chí đầu tiên về an toàn của tiền ảo, đó là đồng tiền phân trung. Đồng tiền này không được lưu trữ ở một nơi cố định có thể bị hack hay chịu ảnh hưởng bởi những “nhân tố con người” như tham nhũng, lừa đảo. 

Thay vào đó, nó được lưu trữ ở blockchain, một cơ sở dữ liệu phân tán vô chủ; các máy tính liên tục thực hiện việc kiểm toán độc lập bằng cách xác minh dữ liệu nhận tới và so sánh với chữ ký của giao dịch đó (xem lại kỳ 1). 

Càng có nhiều máy tính tham gia vào hệ thống ngang hàng cho blockchain thì sức mạnh xử lý và độ an toàn của hệ thống blockchain đó càng cao. Sức tính của mạng lưới Bitcoin hiện nay đã mạnh hơn gấp 256 lần 500 top siêu máy tính trên thế giới cộng lại. 

Điều này dẫn tới một sự thật khác về Bitcoin: Nếu muốn hack được mạng lưới Bitcoin, bạn phải có được một cỗ máy khổng lồ mạnh hơn 500 top siêu máy tính cộng lại. Điều này hầu như là không có khả năng.

Nhưng tại sao vẫn có những trường hợp các sàn giao dịch Bitcoin bị hack? Để trả lời câu hởi này, trước tiên cần nắm qua cách giao dịch của Bitcoin. 

Bất kỳ ai sở hữu Bitcoin đều được gán ít nhất một địa chỉ Bitcoin, nơi lưu trữ và ghi nhận "ví Bitcoin" (wallet). Ví có địa chỉ công khai (public key) và khóa riêng tư (private key). Bất kỳ ai cũng có thể gửi Bitcoin đến một chiếc ví bằng địa chỉ công khai, còn khóa riêng tư phải được nhập khi chủ ví muốn gửi Bitcoin đi. 

Vì vậy, việc sở hữu Bitcoin được định nghĩa là sự nắm giữ khóa riêng tư của một địa chỉ Bitcoin. Một khi khóa riêng tư bị mất, mạng lưới Bitcoin sẽ không thể xác nhận được việc sở hữu số Bitcoin đó, và số Bitcoin trong địa chỉ đó sẽ vĩnh viễn bị mất.

Thực tế, các vụ trộm Bitcoin lớn xảy ra trong lịch sử đều do lỗi bảo mật từ phía sàn giao dịch hoặc người sử dụng. Việc Bitcoin bị mất chủ yếu do người dùng bị mất khóa riêng tư (private key). Các hacker thường nhắm đến điểm yếu này. Họ sẽ xâm nhập hệ thống dữ liệu của người dùng và ăn cắp khóa riêng tư đó, sau đó sẽ dùng nó để chuyển Bitcoin về tài khoản của họ. 

Nói một cách nôm na, tủ chứa Bitcoin là không thể đập vỡ cũng không thể phá khóa. Chỉ có duy nhất một cách để trộm Bitcoin là lấy được chìa khóa chính chủ, đó chính là các “khóa riêng tư”. Nếu để mất chìa khóa này cũng như để mất khóa nhà, bị trộm là đương nhiên.

Có nên đầu tư?

Tính đến ngày 25-8, giá 1 Bitcoin ở mức 4.264 USD, tăng hơn 750% so với đầu năm. Đây là mức lợi nhuận trong mơ của tất cả nhà đầu tư. Vậy, có nên đầu tư Bitcoin hay không?

Vì tính chất ẩn danh trong giao dịch, Bitcoin được tội phạm mạng quan tâm. Tuy nhiên, không thể vì điều này mà lên án Bitcoin, vì vàng hay tiền mặt đều được dùng như vật trung gian để rửa tiền. 

Tháng 9-2015, Ủy ban Giao dịch hàng hoá tương lai Mỹ công bố Bitcoin đã chính thức được đưa vào danh sách hàng hóa được phép giao dịch tại Mỹ. Phần lớn các cơ quan trong Chính phủ Mỹ đều đã tán thành việc sử dụng Bitcoin. Đơn cử, Ủy ban Bầu cử liên bang Mỹ (FEC) muốn chấp nhận quyên góp qua Bitcoin. 

Theo phán quyết của Tòa án Tối cao châu Âu vào tháng 10-2015, Bitcoin sẽ được phép giao dịch như các đơn vị tiền tệ thông thường mà không bị đánh thuế tại châu Âu.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế liên quan. 

Tháng 8-2018, Ngân hàng Nhà nước sẽ cần hoàn thành rà soát, nghiên cứu, đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền ảo trình Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, Bộ Tài chính có nhiệm vụ chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo. Văn bản phải được hoàn thành vào tháng 6-2019.

Bộ Công an được giao chủ trì nghiên cứu, đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự về gian lận, rửa tiền, tài trợ khủng bố và các tội phạm khác liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo vào tháng 9-2019. Nếu hành lang pháp lý được hoàn thiện, Bitcoin cùng nhiều loại tiền thuật toán khác sẽ chính thức được công nhận tại Việt Nam, mở ra nhiều khả năng ứng dụng trong công nghệ tài chính fintech hay trong thanh toán trực tuyến.

Onecoin - Lập lờ công nghệ

Onecoin được các công ty của bà Ruja Ignatova là OneCoin Ltd và OneLife Network Ltd. quảng cáo như một đồng tiền mã hóa (cryptocurrency), với công nghệ “blockchain riêng tư”. Đây chính là điểm lập lờ khiến người tiêu dùng và nhà đầu tư dễ bị mắc lừa, vì tin tưởng vào công nghệ blockchain vốn được nhận định là “công nghệ vàng” như ở đồng Bitcoin. 

Tuy nhiên, giới phân tích khẳng định đã là blockchain thì không có chuyện “riêng tư”, vì phải có ít nhất 3 đặc điểm sau mới được gọi là blockchain: 

(1) Tính công khai, ai cũng có thể tra cứu. 

(2) Không thể bị làm giả hay bị sửa trái phép, vì tất cả các máy tính trên mạng đều tham gia vào quá trình kiểm soát, bảo vệ cho blockchain 24/7. 

(3) Phân trung, nghĩa là không bị tập trung vào một chỗ nào, không nằm riêng ở một server nào, mỗi người tham gia mạng bloackchain đều sở hữu một bản copy blockchain riêng để dễ dàng kiểm tra, so sánh, đồng bộ.

Trong khi đó, Onecoin tuyên bố đã dùng công nghệ bloackchain nhưng không hề công khai blockchain của họ, không hề công khai các chi tiết kỹ thuật (specs) cũng như mã nguồn (source code), nên không ai có thể kiểm tra, kiểm soát, quản lý blockchain ngoại trừ chính OneCoin. 

Đặc điểm mang lại giá trị vàng cho blockchain chính là tính mở và phân trung, thì “blockchain” của Onecoin lại vừa đóng, vừa tập trung ở một điểm duy nhất (là Công ty OneCoin Ltd. và bà Ruja Ignatova). Nói cách khác, với Onecoin, bạn chỉ có thể “gửi trọn niềm tin” vào cá nhân bà Ignatova hoặc Công ty OneCoin của bà ta.

Lừa đảo Ponzi?

Trong thực tế, từ điển Wikipedia tiếng Anh định nghĩa Onecoin là một mô hình lừa đảo Ponzi. Wikipedia dẫn ra hai lý do để gọi Onecoin là lừa đảo: thứ nhất, là cách thiết lập mập mờ của đồng tiền này; thứ hai, là các nhân vật chủ chốt của nó đều “dính chàm” trong các vụ lừa đảo Ponzi trước đó. 

Tại Hungary, Ngân hàng Trung ương nước này đã ra thông cáo cảnh báo Onecoin là mô hình lừa đảo Ponzi. Tại Trung Quốc, nhiều thành viên và nhà đầu tư Onecoin đã bị bắt giữ năm 2016 và 30,8 triệu USD tài sản đã bị phong tỏa.

Tháng 2-2017, Cơ quan Giám sát dịch vụ tài chính Liên bang Đức (BaFin) đã cho đóng băng tất cả tài khoản ngân hàng dùng để rửa tiền cho mạng lưới Onecoin, tổng cộng có 29 triệu EUR bị đóng băng. BaFin cũng lệnh cho Hãng Dịch vụ tài chính thị trường quốc tế GmbH ngưng mọi giao dịch liên quan đến Onecoin. 

Mới nhất, ngày 18-4, BaFin lệnh cho OneCoin Ltd. phải chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh ở Đức; đồng thời, OneLife Network Ltd. và One Network Services Ltd. cũng bị chấm dứt kinh doanh ở Đức. Ngày 23-4, Cảnh sát Ấn Độ đã bắt giữ 18 người ở Navi Mumbai vì tổ chức sự kiện để “tuyển mộ” thành viên Onecoin.

Ngoài ra, hoạt động của OneCoin đã bị đưa vào danh sách cảnh báo của nhiều nước, như: Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Latvia và ngay cả tại quê hương của bà Ignatova là Bulgaria. Chẳng hạn, tháng 3-2016, Hiệp hội Giao dịch trực tiếp của Na Uy đã lên tiếng cảnh báo Onecoin là mô hình lừa đảo Ponzi.

(Còn tiếp)

Vinh Trang
.
.
.