Thu phí tác quyền âm nhạc đối với tivi gắn ở khách sạn liệu có đúng luật?
Có luồng dư luận còn đang băn khoăn không biết VCPMC đã được cơ quan quản lý Nhà nước đồng ý chưa, có lộ trình cụ thể hay không và sẽ dùng biện pháp nào kiểm đếm được số ti vi ở tất cả các khách sạn để làm cơ sở thu phí?
Nhưng rất nhiều ý kiến cho rằng việc làm của VCPMC là chưa bảo đảm theo quy định bởi Luật Sở hữu trí tuệ chưa có điều khoản quy định cụ thể, trong khi các chủ khách sạn đã phải trả phí cho các nhà đài để mua chương trình mà nay lại phải đóng thêm phí tác quyền âm nhạc thì đồng nghĩa với việc phải đóng phí hai lần chưa kể là các chủ thuê bao chưa chắc đã muốn sử dụng các chương trình âm nhạc đó...
1. Tháng 6-2017, khi dư luận phản ứng gay gắt về việc VCPMC tiến hành thu phí âm nhạc đối với ti vi đặt trong khách sạn ở các TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và tỉnh Khánh Hòa, ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã tỏ ra rất trăn trở rằng việc thu phí này là không ổn.
Trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí tại thời điểm ấy, ông Vương Duy Biên nhấn mạnh đến một số văn bản mà đơn vị này phát hành với tư cách là một đơn vị tư nhân mà nội dung lại giống như văn bản của cơ quan quản lý Nhà nước: “Nếu quán cà phê nào không chịu nộp phí tác quyền âm nhạc thì sẽ mời cơ quan Công an, Thanh tra vào cuộc…”.
Theo ông Vương Duy Biên, việc nộp phí tác quyền âm nhạc là quan hệ dân sự, chỉ thỏa thuận với nhau khi đi đến ý kiến thống nhất giữa hai bên mới tiến hành thu chứ thu theo kiểu của VCPMC là không ổn bởi chứng cứ pháp lý để tiến hành thu phí tác quyền chưa có cơ sở rõ ràng và cũng không được phép sử dụng biện pháp hành chính như cơ quan Nhà nước.
Trong trường hợp nếu nhạc sỹ nào ủy quyền cho Trung tâm này thu phí tác quyền hộ thì phải chứng minh được là những nhạc sỹ nào đã ủy quyền và đơn vị tổ chức sự kiện sử dụng các bài hát ấy như thế nào, số lần sử dụng bao nhiêu chứ cứ thu theo kiểu khoán như trong thời gian trước đây rồi lấy lí do vì số đông nên không kịp chưng ra các loại giấy tờ cho từng người là không thể được.
Việc thu phí tác quyền dù chưa hợp lý nhưng vẫn diễn ra trong nhiều năm qua mà không kiểm soát được đã gây bất bình cho các đơn vị tổ chức biểu diễn và các nghệ sỹ, qua đó có thể khẳng định là nó đã đi quá xa và vì thế sẽ dẫn đến tình trạng hạn chế sự hưởng thụ nghệ thuật của công chúng.
Người vào khách sạn đâu có phải để xem chương trình ca nhạc mà là để nghỉ ngơi, còn người đi uống cà phê cũng chưa chắc là để nghe nhạc vì việc này nếu muốn chỉ cần mở điện thoại hoặc máy tính tại nhà cũng có thể nghe được chứ đâu cần phải đi ra ngoài.
Nhạc sỹ Phó Đức Phương tại buổi trả lời phỏng vấn báo chí. |
2. Ngay sau bài trả lời phỏng vấn của ông Vương Duy Biên được lan tỏa trên các phương tiện thông tin đại chúng thì VCPMC cũng đã cho tạm dừng việc thu phí tác quyền âm nhạc theo đầu ti vi ở khách sạn với lý do là để hoàn thiện lộ trình cụ thể.
Sau hơn ba tháng tạm dừng, lộ trình chưa thấy đâu, văn bản cho phép của cơ quan quản lý Nhà nước cũng chưa có nhưng chiều 11-9, nhạc sỹ Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC đã có buổi gặp gỡ báo chí thông báo rằng đơn vị của ông đã được Cục Bản quyền tác giả cho phép tiếp tục thu phí tác quyền âm nhạc qua ti vi đặt trong khách sạn từ ngày 19-8.
Mức phí áp dụng không thay đổi (25.000đồng/tivi/năm) và đã được tham khảo ý kiến của các nhạc sỹ, tác giả, Bộ Tài chính và kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới do Liên minh quốc tế các Hiệp hội tác giả và nhạc sỹ (CISAC) cung cấp. Hiện tại Trung tâm cũng không truy thu phí của các đơn vị chưa đóng tiền trong thời gian tạm ngừng (từ ngày 26-5 đến 18-8-2017).
Nhạc sỹ Phó Đức Phương còn khẳng định chắc nịch: “Dù khách hàng có nghe hay không thì khách sạn vẫn phải trả chúng tôi tiền. Họ có thể thắc mắc mức phí đắt hay rẻ thì chúng tôi nghiên cứu điều chỉnh chứ dứt khoát không nộp tiền phí là phạm luật. Việc tạm dừng thu phí trong thời gian dài là nhằm xác định tác giả thành viên ủy quyền, xây dựng biểu mức, tiến hành đàm phán thỏa thuận với tổ chức/cá nhân sử dụng âm nhạc và báo cáo Bộ VHTT&DL để xác định cơ sở pháp lý và tính chất chặt chẽ, khả thi của hoạt động này”.
Việc thu phí trở lại đã khiến cho dư luận tiếp tục “dậy sóng”, đặc biệt Hiệp hội khách sạn Đà Nẵng phản ứng mạnh mẽ nhất. Sự kiên quyết thể hiện qua việc Hiệp hội này đã nhóm họp vào chiều 13-9 để đi đến quyết định thống nhất không nộp phí.
Tại buổi họp này, bà Dương Thị Thơ - Phó Chủ tịch Hiệp hội khẳng định sẽ có văn bản kiến nghị gửi lên Sở Du lịch TP Đà Nẵng để Sở này có cơ sở kiến nghị lên Cục Bản quyền - Bộ VHTT&DL đề nghị xem xét và đến ngày 20-9 thì các loại văn bản này đã được gửi đến tận văn phòng của các cơ quan chức năng.
Nhiều khách sạn ở Đà Nẵng phản đối việc tái thu tiền tác quyền âm nhạc với mức giá 25.000 đồng/phòng có tivi/năm - Ảnh chỉ có tính minh họa: Trường Trung. |
3. Theo ông Lâm Tấn Lợi - Giám đốc Công ty Sản xuất Duy Lợi và được ông chia sẻ trên góc độ là người hoạt động trong ngành sản xuất, kinh doanh thì chất lượng sản phẩm, lợi nhuận của doanh nghiệp, đời sống của công nhân viên luôn được đặt lên hàng đầu và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm nộp thuế cho Nhà nước chứ không thể bắt người sử dụng sản phẩm (khách hàng) phải chịu thuế hoặc phí (trí tuệ) được vì họ là người bỏ tiền ra mua sản phẩm để thụ hưởng chứ không phải là nhà sản xuất, kinh doanh.
Ví dụ như khi sản phẩm võng xếp của ông (đã được đăng ký bảo hộ lên Cục Sở hữu trí tuệ) nếu bị một tổ chức, cá nhân nào khác cố tình nhái nhãn mác và thiết kế giống hệt nhau rồi mang kinh doanh thu lợi thì cơ quan chức năng mới tiến hành xử lý được, còn nếu một cá nhân làm ra một sản phẩm để dùng trong gia đình thì không thể nói là họ đã vi phạm.
“Việc VCPMC thu phí tác quyền âm nhạc đối với các quán cà phê, khách sạn là chưa đúng luật, có cảm giác như họ đang tự cho mình được phép đứng lên trên cơ quan quản lý Nhà nước để áp đặt việc này. Các khách sạn đã phải trả tiền hằng tháng để mua các chương trình truyền hình của các nhà đài tức là họ đã phải trả phí để thụ hưởng âm nhạc và phục vụ cho khách thuê phòng. Hơn nữa khách sạn không phải là đơn vị tổ chức biểu diễn hoặc nhà sản xuất chương trình nên họ không thuộc diện phải nộp phí tác quyền âm nhạc mà việc này thì các đơn vị tổ chức biểu diễn hoặc nhà đài phải trả vì họ là những đơn vị sử dụng âm nhạc để kinh doanh” - ông Lợi chia sẻ.
Cũng theo ông Lợi, nếu cơ quan quản lý Nhà nước không lập tức có hướng dẫn cụ thể, có khi trong thời gian tới đây VCPMC còn thu phí tác quyền âm nhạc đối với các tụ điểm phục vụ công cộng, những cá nhân, gia đình sử dụng ti vi, radio, thậm chí có khi người ta nghêu ngao hát và sách nhạc in nội dung bài hát chắc cũng phải nộp phí tác quyền…
Luật sư Phan Hoàn Phúc - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay không có bất cứ một điều luật hay điều khoản nào trong Luật Sở hữu trí tuệ buộc các tổ chức, cá nhân khi mua dịch vụ của các nhà sản xuất chương trình về thụ hưởng lại phải đóng phí. Khách sạn cũng như người dân chỉ là đối tượng mua chương trình phát sóng của “nhà đài” để phục vụ cho khách và như vậy các đối tượng này không có nghĩa vụ phải trả phí tác quyền âm nhạc.
Theo khoản 1 điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Đối tượng nộp tác quyền là các tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi hình, ghi âm đã công bố nhằm vào mục đích thương mại để phát sóng có tài trợ quảng cáo hoặc thu tiền”.
Ngoài ra tại khoản 4 điều 23 Nghị định 100 cũng quy định rất rõ ràng về quyền truyền đạt tác phẩm trước công chúng nên trong trường hợp này việc truyền đạt thuộc về các nhà đài, họ là đơn vị chủ động kinh doanh và thu phí còn các chủ khách sạn mua sản phẩm của đài đã phải trả phí mang về phục vụ trong khách sạn là thụ động, mang tính phục vụ chứ không phải là đơn vị chủ động khai thác để thu lợi.
Việc VCPMC trích dẫn rằng đã tham khảo tại một số nước trên thế giới và được tư vấn từ Liên minh quốc tế các Hiệp hội tác giả và nghệ sỹ cũng không phải là lý do thuyết phục bởi theo tìm hiểu của luật sư Phúc thì ở một số nước như Pháp chẳng hạn, luật quy định rõ ràng nhà đài phải trả loại phí nào, người mua chương trình về hưởng thụ phải trả loại phí nào. Hơn nữa đài truyền hình của họ xây dựng riêng một kênh về âm nhạc và trong hợp đồng cũng thể hiện rõ các kênh để người sử dụng ti vi tự chọn. Nếu người sử dụng không chọn kênh âm nhạc thì không phải trả phí.
Anh Trần Quốc Hùng, một chủ khách sạn trên đường Bùi Thị Xuân, quận 1, TP Hồ Chí Minh phản ánh: Trước đây khi VCPMC yêu cầu anh phải đóng phí đối với các ti vi được đặt trong phòng lưu trú của khách, anh đã cho nhân viên mang tiền ra nộp ngay và nghĩ việc này đã được quy định trong luật và đơn vị thu phí đã được hướng dẫn từ Cục Bản quyền tác giả. Đến khi thấy trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đăng bài phản ứng thì anh mới tham khảo luật sư và biết được đây là việc chưa rõ ràng vì Luật Sở hữu trí tuệ chưa có quy định cụ thể.
Luật sư tư vấn rằng anh đã phải trả tiền trọn gói hằng tháng để mua chương trình phát sóng của đài truyền hình thì không cần phải đóng bất cứ một loại phí nào nữa bởi khi xây dựng chương trình truyền hình để bán cho người thụ hưởng, các đài buộc phải thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước, với các nhạc sỹ và các tổ chức được ủy quyền thu phí tác quyền âm nhạc.
Với 25.000 đồng/tivi/năm thì khách sạn của anh chỉ phải đóng 750.000 đồng/30 tivi/năm. Số tiền này không lớn nhưng anh Hùng nhất quyết không chịu đóng cho năm tiếp theo vì cho rằng thu như thế là phí chồng phí và quá bất hợp lý.
Không chỉ có luật sư, chủ khách sạn, người dân mà ngay cả một số nhạc sỹ, nghệ sỹ đang được VCPMC đứng ra thu hộ phí tác quyền âm nhạc cũng không đồng tình với cách làm này. Tuy họ ngại việc đưa hình, tên trên mặt báo nhưng tất cả đều có chung quan điểm rằng việc thu phí tác quyền trên đầu ti vi là không thuyết phục, mà phải thu từ đài truyền hình hoặc đơn vị sản xuất.Cách làm này theo VCPMC là bảo vệ nhạc sỹ, nghệ sỹ nhưng thực tế không phải vậy vì cho đến nay đã gần 10 năm trôi qua mà nhiều nhạc sỹ vẫn chưa nhận được đồng xu nào từ Trung tâm này.