Thu phí ôtô vào trung tâm có giảm được tắc đường?
Các trạm thu phí sẽ được xây tại quận 1, 3 và giáp ranh quận 5, 10; vành đai thu phí bao gồm các tuyến đường: Hoàng Sa (dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) - Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng Tám - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng. Cách này sẽ tạo thành vành đai khép kín khu vực trung tâm thành phố và một số trục giao thông chính bên ngoài đang thường xuyên kẹt xe.
Khi triển khai thu phí, mỗi ôtô sẽ mở một tài khoản. Lúc xe vào khu trung tâm giờ cao điểm, hệ thống sẽ trừ tiền trong tài khoản. Ô tô con phải đóng 40.000 đồng mỗi lượt; ôtô khách là 50.000 đồng. Hệ thống chỉ thu trong giờ cao điểm (6-9h và 16-19h) để người dân lựa chọn thời gian di chuyển và tuyến đường phù hợp; xe biển xanh vào trung tâm vẫn phải nộp phí, trừ xe công vụ ưu tiên theo quy định (cấp cứu, hộ đê, chữa cháy...); xe buýt không bị thu phí; giảm 25% đối với taxi (30.000 đồng); xe đăng ký trong khu vực trung tâm cũng được đề xuất giảm 25%. Xe nào không đóng tiền, hệ thống sẽ ghi nhận và thông báo xử phạt, sau đó báo qua đơn vị đăng kiểm không cho đăng kiểm cho đến khi nộp phạt.
Dự kiến, việc thu phí chỉ áp dụng đối với ôtô đi vào trung tâm, không thu chiều ra; không thu phí xe máy. Dự án do Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn làm chủ đầu tư, thực hiện từ nay đến năm 2021, bao gồm các cổng thu phí được thiết kế đa làn, không dừng, và một trung tâm điều hành kết nối các cổng, xử lý thông tin và điều hành việc thu phí.
Lý giải việc này, ông Ngô Hải Đường (Trưởng phòng Khai thác hạ tầng đường bộ, Sở GTVT TP Hồ Chí Minh) cho biết, các tuyến đường nội đô đang bị quá tải, trong 6 tháng đầu năm, lượng ôtô đăng ký mới trên địa bàn tăng hơn 15% (xe máy tăng 6%). Nếu thành phố không có giải pháp, tình hình kẹt xe ở trung tâm sẽ ngày càng nghiêm trọng.
Đề án thu phí ôtô vào khu vực trung tâm Sở GTVT TP Hồ Chí Minh vừa trình UBND thành phố dựa trên đề xuất của Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD) trước đây. Mục tiêu là hạn chế ùn tắc giao thông khu vực trung tâm, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, đồng thời hạn chế lượng ôtô cá nhân, phát triển giao thông công cộng và hạ tầng giao thông.
"Với sự đồng tình của Hội đồng giao thông đô thị thành phố, Sở GTVT đã trình UBND thành phố để xin chủ trương đầu tư công để ghi vốn, làm cơ sở thuê tư vấn nghiên cứu khả thi, lập nghiên cứu có đánh giá sâu hơn", ông Đường nói. Theo đại diện Sở GTVT, đề án có điểm khác cơ bản so với đề xuất của ITD là phương thức đầu tư công.
Sở kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh dùng ngân sách thực hiện, chỉ thuê tư nhân bảo trì, thu phí... Tổng mức đầu tư khái toán là 250 tỷ đồng, còn mức đầu tư ITD đưa ra trước đây là 1.500 tỷ đồng (do tư nhân tự đầu tư nên có nhiều yếu tố khác như lãi suất vay ngân hàng, hao mòn thiết bị...).
"Kinh nghiệm từ Singapore cho thấy khoảng 2 năm thực hiện là có thể thu hồi vốn. Số tiền này sẽ dùng phục vụ trở lại cho việc phát triển hạ tầng và phương tiện giao thông công cộng", ông Đường nói. Cụ thể là tăng đầu tư xe buýt mới, miễn phí đi xe buýt ở khu trung tâm, đầu tư thêm các nhà chờ... nhằm thu hút người dân sử dụng xe buýt, giảm xe cá nhân.
Sau khi thông tin này được công bố đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân với nhiều quan điểm trái ngược. Nhiều người không đồng tình khi cho rằng với hạ tầng giao thông công cộng như hiện nay, người dân dù có muốn bỏ xe cá nhân cũng không được.
Trên các diễn đàn, nhiều người đặt câu hỏi chúng ta đang khuyến khích loại hình di chuyển nào? “Phải có metro, xe buýt rồi mới hạn chế và cấm các phương tiện khác chứ. Phải có hướng mở cho người dân, chứ hạn chế việc đi lại cũng đồng nghĩa với việc giảm lưu thông và bóp nghẹt kinh tế. Đừng để người dân nhìn ra xung quanh đâu đâu cũng thấy phí. Chúng ta nên sắp đặt cho người dân cách đi lại, rồi hãy hạn chế hay cấm. Đừng thấy một số nước làm mà làm theo, vì giao thông công công của mình đã bằng họ đâu".
Thực tế khi đã có việc thì dù có phải đóng 40.000 đồng cũng không phải là mối quan tâm. Và như vậy, việc thu phí để hạn chế xe cá nhân không đạt mục tiêu. Tắc đường giờ đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều đô thị lớn chứ không riêng TP. Hồ Chí Minh. Việc phải hạn chế xe cá nhân là cần thiết.
Tuy nhiên, hạn chế thế nào để không ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân là điều cần phải tính toán một cách khoa học trên cơ sở thực tế. Với các dự án hạ tầng giao thông công công chậm tiến độ như hiện nay thì việc cấm xe cá nhân chỉ là giải quyết phần ngọn mà thôi.