Thi hài bà chúa 400 năm không tan và câu chuyện trộm mộ mới được tiết lộ
Những kẻ trộm mộ người bỏ chạy, người kinh hoàng trước những gì đang chứng kiến. Thi hài trong ngôi mộ cổ như vừa mới được chôn cách đó vài hôm. Từ trong hầm mộ, mùi hương ngào ngạt tỏa ra càng làm cho câu chuyện về thi hài không tan của bà chúa Chén thêm phần ly kì và đầy ma mị.
Mới đây, khi ngày giỗ của bà chúa vừa qua được ít ngày, một hậu duệ của bà đã kể lại câu chuyện về những kẻ trộm mộ nói trên. Và cũng cho tới nay, người này vẫn đau đáu chuyện liệu còn có báu vật nào được tuẫn táng cùng bà chúa bị thất lạc bởi bàn tay của những kẻ trộm mộ này hay không…
Câu đố tìm mộ
Bà chúa Chén là một nhân vật có thật trong chính sử, bà là vợ của chúa Trịnh Tùng và từng được phong làm đệ tam cung tần, ban chức thượng phủ nội cung nhờ những đóng góp của bà cho triều đình thời đó. Cho tới khi xin trở về quê ngoại tại Tứ Kỳ - Hải Dương để báo đáp ơn dưỡng dục, bà chúa Chén đã giúp dân xây dựng cầu cống, kênh mương phục vụ cho việc đồng áng và có công lớn trong việc tu bổ đền chùa miếu mạo.
Bà mất vào ngày 8/8 âm lịch và được các quan viên phụ trách việc mai táng trong triều đình tổ chức tang lễ long trọng và được chôn cất tại thôn Ô Mễ (xã Hưng Đạo, Tứ Kỳ, Hải Dương). Trước khi rời đi, các vị quan này đã trao lại cho những bô lão dòng họ Vương là họ ngoại của bà chúa Chén những đầu mối để xác định vị trí ngôi mộ. Thế nhưng trải qua hàng trăm năm, những đầu mối ấy đã dần thất lạc và từ đó, người dân thôn Ô Mễ chỉ biết được rằng, mộ bà chúa Chén đang nằm đâu đó trên khu đất rộng thênh thang được chọn làm lăng mộ.
Chúng tôi đã tìm gặp ông Vương Thi Tân, một hậu duệ của bà chúa để lắng nghe câu chuyện mà ông ít kể liên quan đến việc tìm thấy mộ của tổ tiên. Theo như ông Tân cho biết, sau khi về giúp người dân xây dựng lại làng quê được hơn chục năm, bà chúa Chén gặp phải bạo bệnh và qua đời. Lúc ấy, ngôi mộ của bà chúa Chén được xây dựng ngay trên khu đất bà đã chọn trước đó để chôn cất mẹ của bà.
Ông Vương Thi Tân, hậu duệ của bà chúa. |
Khu đất rộng 5 sào được chọn để đặt mộ có địa thế lưng tựa núi, mặt nhìn sông, đầu gối về phía Tây còn mặt nhìn thẳng về phía Đông mặt trời mọc để hưởng sinh khí của trời đất. Ông Tân cho biết, trước khi mộ của bà chúa được phát hiện, gia đình nhà họ Vương cũng đau đầu trong việc tìm kiếm.
Theo những gì người cao tuổi trong họ kể lại, trên gò đất cao ở khu mộ có một bia đá, trên bia đá có một con chim và đến một thời khắc nhất định nào đó, bóng con chim đậu vào đâu thì đó chính là mộ của bà chúa. Nhưng sau nhiều biến cố lịch sử của hơn 400 năm, khu đường lăng với gò đất cao hơn 10m để đánh dấu mộ của bà chúa Chén cũng bị thay đổi, bia đá với con chim phía trên cũng không còn nguyên vẹn. Vì thế dù hết sức tìm kiếm, gia đình nhà ông Tân cũng không có lời giải về vị trí ngôi mộ.
Trước khi tìm thấy ngôi mộ, nhiều nhà khảo cổ cũng đào sâu nghiên cứu các dấu vết và cho rằng, khối đất khổng lồ hàng nghìn m3 giữa cánh đồng là nơi chôn cất bà chúa Chén. Nhưng khi đào lên thì không có bất kỳ ngôi mộ nào cả.
Tuy vậy, sau nhiều năm người nhà họ Vương vẫn chưa thôi tuyệt vọng trong việc tìm mộ. Ông Tân giải thích rằng: "Một người bà con bên Pháp cũng khá mê tín và thường xuyên đi xem bói toán. Các "thầy" đã "phán" cho bà này rằng, nhờ bà chúa ở quê nhà mà bà làm ăn tốt, vì thế bà đã nhiều lần gửi tiền về quê để tu sửa lại ngồi đền thờ bà chúa đã có hàng trăm năm tuổi ở thôn Ô Mễ. Hơn nữa nhiều người trong họ cũng tâm huyết tìm mộ của tổ tiên để tiện bề thờ cúng".
Ngôi đền thờ nằm trong khuôn viên gia đình nhà họ Vương. |
Còn đối với người dân trong làng từ xưa đến này vẫn xem bà chúa như Thành hoàng làng vì là người có công xây dựng làng xã. Nhiều năm trôi qua, mọi người trong vùng cũng chỉ biết đến tên của bà chúa cùng những giai thoại do các bô lão kể lại. Và cho đến một ngày, những người dân nơi đây được tận mắt diện kiến bà chúa mà trước đó chỉ biết qua lời kể...
Ngôi mộ cổ và xác ướp không tan
Vào năm 1978, trong một lần đào mương, người dân đã vô tình đụng phải một khối đất cứng trong lòng đất. Sau khi đào rộng hơn thì phát hiện ra rằng đây là một ngôi mộ được đổ vôi mật để phong bế mọi đường thoát khí. Tưởng rằng đây là mộ của một người mất bị bệnh hủi, một số người tỏ ra sợ hãi và bỏ đi. Thế nhưng, trong số những người đào mương ấy vẫn có những tay sành sỏi tinh đời. Chỉ nhìn qua, họ biết rằng dưới khối đất đá cứng ngắc kia là một ngôi mộ cổ và có khả năng là có châu báu được chôn theo.
Tối hôm đó, khi mọi người trong thôn còn đang say giấc nồng, một số người đã mang dụng cụ quay lại để phá mộ. Nhưng cho đến khi bật được nắp ngôi mộ, nhiều người đã bỏ chạy, kẻ nào to gan hơn thì đứng lại nhưng cũng không khỏi kinh hoàng khi chứng kiến những gì bên trong. Một số kẻ lì lợm vẫn cố lấy được những di vật bên trong áo quan rồi mới co giò chạy.
Cho tới tận sáng ngày hôm sau, người dân phát hiện ra chuyện đào được mộ cổ mới kéo ra xem. Các chuyên gia khảo cổ và công an cũng được thông báo đến để bảo vệ hiện trường.
Theo như lời ông Tân kể, ngôi mộ tỏa ra một mùi thơm ngào ngạt mà không phải mùi của xác chết. Người nằm trong mộ mặc bộ đồ như các vương phi ngày trước, mặt phủ khăn kim tuyến. Khi lật chiếc khăn lên thì thấy khuôn mặt không có mấy biến dạng dù mồm của thi hài hơi mở.
Theo các chuyên gia cho biết, có thể đã có kẻ cậy miệng thi hài để tìm của. Sau khi bị đưa ra ngoài không khí khoảng một ngày, thi hài có dấu hiệu khô và thâm đen lại dù trước đó nhìn chỉ giống như một người đang say ngủ. Sau khi giám định các cổ vật còn lại và niên đại của ngôi mộ, xác định được thời điểm mất của chủ nhân ngôi mộ, người dân trong làng và đặc biệt là con cháu của bà chúa Chén mới dám khẳng định đây chính là mộ của bà chúa mà làng đã thờ cúng bấy lâu.
Còn những kẻ trộm mộ, có lẽ trong đêm hôm đó, khi đào được ngôi mộ cổ, chứng kiến cảnh tượng kì dị đó nên thất kinh bát đảo. Nhưng câu chuyện không chỉ thế, một kẻ có gan trước khi bỏ chạy đã thò tay lấy chuỗi tràng hạt đeo trên cổ bà chúa. Khi người này mang tràng hạt về nhà để giấu rồi tìm cách tẩu tán. Không hiểu sao, dù cất vào góc nào đi nữa vẫn không thể giấu nổi ánh sáng quái dị phát ra từ tràng hạt.
Do quá khiếp sợ, người này bèn gói ghém thật kĩ món đồ dị thường này để đem nộp cho bảo tàng Hải Dương. Trên quãng đường từ nhà đến bảo tàng, ông này luôn nơm nớp lo sợ. Một phần sợ bị cướp nhưng phần khác lại do lo lắng bị bà chúa trừng phạt. Cho đến khi trao tận tay chuỗi hạt cho các cán bộ, ông này mới thở phào nhẹ nhõm. Nhiều người còn cho rằng, chính ánh sáng từ tràng hạt này phát ra trong đêm đã khiến nhiều kẻ đến đào mộ phải sợ hãi đến mức bỏ của chạy lấy người.
Ngôi mộ bà chúa Chén sau khi được cải táng. |
Về phần ông Tân, mối nghi ngờ về việc còn nhiều cổ vật bị thất lạc vẫn khiến ông đau đáu cho tới ngày hôm nay. Nhưng khi hỏi manh mối về những người tham gia vụ trộm, ông Tân cho biêt: "Tôi nghĩ chuyện cũng qua rồi thì chúng ta không truy cứu thêm nữa, những người làm việc trái đạo lý cũng đã gặp phải báo ứng rồi…"
Không biết chuyện các cổ vật bị mất mát đi thế nào nhưng đối với người dân và những nhà khảo cổ, việc thi hài bà chúa Chén còn nguyên vẹn không bị ảnh hưởng mới là điều đáng mừng. Ông Tân cho biết, chính những nhà khảo cổ học có mặt tại thời điểm tìm ra mộ bà chúa cũng tỏ ra luyến tiếc. Nếu họ có mặt sớm hơn và có đủ điều kiện bảo quản thì thi hài của bà chúa Chén chính là một báu vật của quốc gia.
Nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành - nguyên Giám đốc Bảo tàng Hải Dương cũng từng giải thích về bí ẩn xác ướp không tan của bà chúa Chén, xác bà chúa này được bảo quản trong môi trường yếm khí, được ướp đơn giản bằng gạo rang và một số nguyên liệu khác. Vì ướp xác bằng cách đó, nên xác bà chúa Chén khô đét lại. Khi người dân vô ý để nước tràn vào quan tài, xác chết liền thấm nước và xác bà chúa Chén trở nên… rất đẹp, y như người mới chết. Tất nhiên, chỉ thời gian ngắn sau, xác chết đã xỉn màu và thối.
Có một thắc mắc, đó là, những người đào mộ khẳng định không có tinh dầu ngọc am, không có nguyên liệu gì như gạo rang, trà, than hoạt tính… trong mộ. Thế nhưng, những người phá mộ lại chắc chắn rằng, dưới đáy áo quan có 7 lỗ, gọi là "thất tinh", có tác dụng thấm nước từ xác chết ra ngoài. Điều này khá mâu thuẫn, vì nếu không có nguyên liệu thấm nước từ xác chết, thì nước từ xác chết thấm đi đâu? Có thể sau nhiều năm, những người có mặt cũng không nhớ nổi những chi tiết cụ thể như thế nào nữa.
Sau khi được cải táng, xác của bà chúa vẫn còn nguyên vẹn và những hậu duệ của bà ở Pháp đã gửi tiền để xây dựng khu mộ trở nên khang trang, đẹp đẽ hơn trước. Tấm bia đá dùng để làm dấu hiệu tìm kiếm khu mộ cũng được mang xuống đặt ra ngay sau khu mộ.
Hàng năm tại Sùng Minh tự - nơi bà chúa đã có công xây dựng, tăng ni phật tử vẫn cùng người dân Ô Mễ chung tay tổ chức hội vào ngày 8/8 âm lịch để tưởng nhớ đến công lao của bà Chúa Chén trong việc xây chùa và giúp người dân phát triển ruộng nương