Theo chân ngư phủ "ném" cá đối

Thứ Sáu, 07/04/2017, 09:34
Gọi là đi biển nhưng phương tiện của người “ném” cá đối chỉ có chiếc xe đạp, manh lưới và mấy hòn đá. Người theo nghề không nhiều, vì thu nhập chỉ đủ cho cuộc sống bình thường, nói chi giàu được.


Vả lại, rủi ro cũng rất cao. Rách lưới, thủng lưới, rồi chuyện chân tay va đập vào mảnh hào hoặc những mỏm đá nhọn, bầm dập, rách toác cũng là bình thường. Họ theo nghề vì không muốn phụ lòng cha ông.

Cá đối ngược sóng vào bờ

5 giờ sáng, ánh đèn pin le lói ngoài bãi Trước (TP. Vũng Tàu), những tiếng tủng toảng từ mặt biển búng lên quen thuộc đến mức đứa trẻ lượm ve chai ở bãi biển cũng biết ngay là ông Bảy Cua xuất hiện, đi ném cá đối. Thằng bé phục sẵn ông Bảy ở ngọn con sóng, khi ông bước tới, nó thì thầm: “Nay nước lớn ông Bảy ơi, không cần ném xa đâu”. Ông bảy ừ hả một tiếng rồi nhanh chân trèo lên hòn đá cao phóng tầm mắt ra biển để chọn vị trí ném đá thuận lợi nhất. Ông đeo bọc đá giữa bụng, phía sau khoác tay lưới, một bên hông đeo giỏ đựng cá. 

Trời nhá nhem tối, bóng ông Bảy lúc ẩn lúc hiện theo ánh đèn Hải Đăng xé trời trên núi. Hòn đá ông ném xuống biển, bị sóng “ngoạm” mất hút, nhưng vẫn kịp phát ra tiếng kêu “dụ” cá vào bờ. Những sải tay của ông chắc nịch, quăng ầm một cái xuống biển rồi gồng hết sức lực kéo mẻ cá đối ngược sóng vào bờ. Mẻ đầu tiên chỉ có hai con cá đối bằng ngón chân cái, nhưng ông vẫn rất vui.

Quăng chài bắt cá đối.

Ông cười khì khì: “Đầu tiên mà được vậy là hên đó”. Nếu ai đã từng chứng kiến khoảnh khắc ông Bảy cong người, gập lưng, vặn hết cơ bắp của cánh tay kéo lưới sẽ thảng thốt, xót xa khi nhìn mẻ cá chỉ có hai con mà lão ngư phủ này thu về. Ông Bảy thì không nghĩ thế, ông cho biết: “Mỗi ngày tôi kéo hàng chục lần như thế, kéo dầm dề từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều, hôm nào nhiều nhất cũng được chục ký cá. Đây là cái nghề mình quen nên làm nó cũng bình thường thôi. Có ngày kéo cả chục lần không được con cá nào vẫn vui vẻ”.  

Dù đã 65 tuổi, nhưng ông Bảy Cua vẫn tràn đầy sức lực và sự dẻo dai. Ông sinh ra bên làng chài Long Hải, muối mặn và gió biển ngấm vào ông từ khi mới lọt lòng mẹ. Nhờ vậy mà sương gió thời gian chưa thể đánh gục ông. Từ biển Long Hải, ông buông mình ra những vùng biển lớn rồi “dạt” về Vũng Tàu khi bén duyên với người vợ bây giờ. Cả cuộc đời của ông chỉ có biển mà thôi.

“Ăn sóng nói gió” và cả giọng cười cũng nhuộm vị mặn của biển cả. 10 năm trước, ông làm nghề đãi vàng ở bãi biển và tìm đồ vật thuê cho du khách bị đánh rơi. Công việc tự do, thu nhập bếp bênh, nhưng cũng có những ngày trúng mánh đãi được nguyên chiếc đồng hồ vàng. Ham quá ông trang bị hẳn chiếc máy rà kim loại để dễ bề tìm kiếm. 

Có hôm ông tìm được chiếc lắc tay bằng vàng, tính ra phải cả cây vàng, trị giá vài chục triệu đồng. Ông chưa kịp mang đi bán thì gặp hai vợ chồng kia dáo dác trên bãi biển, tâm trạng thất thần tìm kiếm vật gì đó đánh rơi. Thấy ông đeo máy rà, họ nói nếu ông lượm được thì cho chuộc lại, bao nhiêu cũng được, vì đây là món quà của người cha quá cố để lại. Nhìn mắt người vợ đỏ hoe, mặt ông chồng buồn não nề, ông Bảy chợt động lòng. Ông chìa ra chiếc vòng hỏi có phải không? Hai vợ chồng phục lạy ông, xin chuộc bằng bất cứ giá nào. Ông ngập ngừng rồi nói: “Thôi trả tiền công rà tìm cho tui được rồi”. Họ trả ông 10 triệu, số tiền lúc ấy rất lớn đối với gia đình ông. 

Thành quả sau một buổi đi săn cá đối.

Kiếm được tiền nhưng đêm hôm ấy ông không sao ngủ được. Nghĩ đến đôi mắt của người phụ nữ mọng nước đi tìm kỷ vật, ông cảm thấy có điều gì đó quặn trong lòng. Ở bãi biển hàng trăm người như vậy, một tài sản bị đánh rơi nếu ông không nhặt được thì cũng có người khác nhặt hoặc bị vùi chôn vào lòng cát rồi trôi biệt ra đại dương. Xác suất cho thấy đồ vật bị mất mà quay trở về với chủ là rất hiếm. Ngẫm lại, cái nghề này, tuy không xấu nhưng luôn mang đến nỗi buồn cho người khác. 

Sáng hôm sau, ông lặng lẽ vác máy rà cùng đồ nghề ra bãi biển, bán lại cho một đồng nghiệp. Về nhà ông tuyên bố với vợ: “Tôi sẽ quay lại nghề chài lưới”. Sau vài năm bỏ nghề, ông Bảy Cua lúng túng trong việc đoán biết luồng lạch và các ổ cá. Những ngày đầu, tay lưới mới toanh của ông bị mảnh hào găm rách xác xơ, không có con cá nào lọt lưới. Về nhà, ông thu mình buồn xo. Bạn chài đến nhà chơi, sau vài ấm nước trà, họ mách ông bí quyết kiếm cá bằng ném đá. Ông hăm hở theo chân bạn học một tuần thì lặn lưng được ngón nghề rồi tự mình ra riêng làm ăn.

Ông Bảy cho biết: “Cá đối hoạt động mạnh vào những đợt thủy triều lên. Buổi sáng chúng tập trung rầm rộ nhất. Chúng tôi chỉ việc đứng trên bờ ném đá chặn phía ngoài, nghe tiếng động chúng sẽ vụt vào gần bờ. Lúc ấy quăng lưới là dính chắc”. Giá cá đối dao động từ 40 – 60 ngàn đồng/kg. Có ngày trúng mánh, ông Bảy Cua kiếm được chục ký, thu về 500 – 600 ngàn đồng. Cánh thu mua đến tận bãi biển chờ, được bao nhiêu là gom hết nên nghề ném đá bắt cá của ông Bảy thoải mái đất sống. Cứ thế, cái nghề gắn với ông không chỉ là kiếm cơm, mà ở đó, ông trải qua nhiều cung bậc cảm xúc vui buồn, hạnh phúc.  

Cách đây hai tháng, vào buổi chiều chạng vạng, khi đang nghe ngóng cá ở bãi biển, chợt ông Bảy nghe tiếng kêu cứu thất thanh của người phụ nữ gần đó. Ông bỏ vội tay lưới đeo trên người, lao về phía trước. Bà mẹ gào khóc chỉ tay ra chấm nhỏ ngoài biển, giọng khản đặc: “Cứu con tui với”. Ông Bảy Cua nhanh như rái cá, ngụp lặn trong cột sóng trắng xóa cứu người. Lát sau, ông cắp tay thằng nhỏ mặt tái mét vì hoảng sợ vào bờ. Thì ra nó ham tắm quá nên bị sóng cuốn ra xa, chấp chới ngoài biển. 

Ông Bảy giao nó cho bà mẹ, nói: “Nó bị sóng đánh mạnh quá trôi ra xa, chứ chưa bị đuối nước. Nếu tui không ra kịp thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Từ sau bà đừng để thằng bé tắm một mình nữa”. Mải cứu người mà tối đó, ông Bảy Cua chỉ quăng được vài con cá đối. Nhưng ông vui lắm, đêm về, ông đánh một giấc no tròn.

Những con thuyền nhỏ miệt mài đi tìm luồng cá mới.

Nghề nghèo mà vui

Bạn vong niên ném đá bắt cá với ông Bảy Cua là cha con anh Năm Tác. Anh Năm có thâm niên trên 10 năm hành nghề “săn” cá đối. Bằng vốn kinh nghiệm kha khá, anh Năm cho biết, cá đối rộ và dễ bắt nhất là thời điểm nước êm, sóng nhỏ (từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch). 

Nghề “săn” cá đối rất dễ mà lại rất khó. Dễ với người tinh mắt, thính tai và phải có duyên với cá. Còn không thì thua. Bằng chứng là nhiều ngư dân sau khi hăm hở sắm ngư cụ ra biển bắt cá đối đã “trắng tay”, chán nản mà bỏ nghề. Lý do vì họ không thể nhìn thấy luồng cá, cũng không đoán được hướng bơi của nó nên quăng trật. Vài ngày như thế thì chào thua. Gọi là đi biển nhưng phương tiện của người “săn” cá đối chỉ có chiếc xe đạp, manh lưới và mấy hòn đá. 

Anh Năm tâm sự, nhiều khi ngồi cùng mâm với mấy lão ngư vươn khơi xa bờ, nghe kể chuyện cá tôm ngoài biển cũng ham lắm, nhìn lại thì chạnh lòng với nghề biển của mình. Đếm thời gian thì nghề ném đá bắt cá có từ xa xưa, cha truyền con nối đến tận bây giờ. Người theo nghề không nhiều, vì thu nhập chỉ đủ cho cuộc sống bình thường, không bao giờ giàu được. Vả lại, rủi ro cũng rất cao. 

Anh Năm theo nghề vì không muốn phụ lòng cha, lúc sinh thời ông mê đắm nghề này. Nghề nghèo mà vui. Hai năm nay thằng con trai lớn vừa đủ 18, không học hành gì nên anh kéo nó theo phụ mình và truyền nghề luôn. Anh chia sẻ: “Cũng không muốn con theo nghề đâu, vì nghèo lắm. Nhưng nó không học hành được thì biết làm gì đây”. 

Mẻ lưới đôi khi cần hai người hợp lực kéo.

Ở bãi biển này, hai cha con anh Năm Tác là ân nhân của nhiều người đuối nước hoặc bị tai nạn khi đang tắm. Nói đến việc cứu người, anh Năm gãi đầu tỉnh bơ: “Là chuyện đương nhiên thôi. Nhìn thấy người ta gặp nạn làm ngơ sao đành”. 

Vào buổi chiều cuối tuần của tháng 5 năm 2016, anh Năm đang ngồi trên mỏm đá quan sát đàn cá đối vào bờ để hốt mẻ đậm, chợt mắt anh dừng lại ở một cái phao không có người. Linh tính mách bảo, anh nhìn kỹ trong lớp sóng trắng xóa thì phát hiện một cái đầu người chập chờn, đang vẫy vùng. Anh nhảy ùm xuống biển, sải những cánh tay mạnh mẽ vươn ra vị trí nạn nhân. Sóng lúc này rất mạnh, thúc đẩy anh trôi xa. 

Dùng hết sức lực của mình, anh trườn người ngược sóng tiếp cận nạn nhân lúc này đã buông xuôi, sắp chìm. Túm lấy mỏm tóc, anh lôi nạn nhân từ từ trồi lên, dùng hai tay đỡ thân để không bị sặc nước biển. Vào bờ, anh lập tức hà hơi thổi ngạt rồi bảo con trai đi gọi đội cứu hộ. Giao nạn nhân xong, anh quay lại săn đàn cá khi nãy thì nó đã lặn mất tăm. Anh chép miệng tiếc mãi.

Bẵng đi một tuần, có hai vợ chồng dẫn một cậu con trai đến bãi biển tìm anh. Vừa tới nơi, người mẹ quỳ sụp xuống òa khóc rồi nắm tay anh gọi ân nhân. Anh ngơ ngác không hiểu chuyện gì thì ông bố nghẹn ngào nói: “Nhờ có anh mà con trai tôi được sống. Anh là ân nhân của gia đình tôi”. 

Sau đó, họ dúi vào tay anh một bịch quà, gồm một chai rượu ngoại, một hộp yến sào và chiếc phong bì rất dày. Anh Năm bối rối, bảo chỉ nhận quà thôi còn gửi lại phong thư. Vợ chồng nọ kiên quyết không nhận lại, họ bảo anh hãy dùng số tiền ấy sắm thêm lưới để bám biển. 

Những tháng năm gắn bó với nghề, anh Năm Tác đã xả thân cứu người mà không bao giờ mong một sự đáp nghĩa. Có người tìm đến anh cảm ơn, cũng có người không bao giờ trở lại. Anh hiện diện trên bãi biển này, mục đích chính là mưu sinh, còn lại, cũng chỉ là chân lý giản đơn mà anh luôn tâm niệm: “ra đường thấy người gặp nạn chớ làm ngơ”. 

Ngọc Thiện
.
.
.