Theo câu thơ đi tìm ngai đá và mỹ nhân xưa

Thứ Bảy, 05/09/2020, 08:46
Hồ Thuỷ điện Hoà Bình chạy từ TP Hoà Bình lên tới chân đập Thuỷ điện Sơn La, với chiều dài lên tới trên 200km. Ngày nay, trên những con tàu du lịch hiện đại, du khách thỏa sức ngắm cảnh non nước hữu tình được ví như "Hạ Long trên cạn". Những cảnh đẹp mê hồn ấy mới chỉ là phần nổi của hồ mà ai đến đây cũng thấy. 


Du khách sẽ vô cùng ngạc nhiên nếu biết dưới hàng trăm mét nước nơi đáy hồ đang ẩn chứa một kỳ quan thiên nhiên nổi tiếng: Thác Bờ! Trong "trăm bảy mươi thác, trăm ba mươi ghềnh" của sông Đà thì thác Bờ được mệnh danh "Kỳ quan đệ nhất thác".

Có mặt tại chính nơi đây từ 43 năm trước (1977) để nhận công tác tại Công an huyện Đà Bắc đóng tại chợ Bờ, cánh lính trẻ xuất thân từ đồng bằng chúng tôi đã bao lần ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của thác Bờ và rồi để lại không ít kỷ niệm vui, buồn cùng nó. Chiến dịch chuyển dân, chuyển huyện khỏi vùng ngập lòng hồ sông Đà đã bốc đi tất cả và dần chìm ngập tất cả. Cuộc mưu sinh nhiều lúc cuốn chúng tôi vào quên lãng. Quên lãng vẻ đẹp lộng lẫy của thác Bờ kể cả có khi mình đang ngồi trên tàu du lịch lướt ngay trên thác. Thế rồi những năm gần đây, nhất là từ khi tỉnh Hoà Bình quy hoạch vùng hồ Thuỷ điện là Khu du lịch cấp quốc gia, các dòng vốn đang đổ về kiến tạo và hàng loạt sản phẩm du lịch vùng hồ đã và đang xuất hiện, tôi chợt nghĩ đến việc tìm lại ảnh thác Bờ, chợ Bờ...

Hòn Ngai (phía sau).

Thác Bờ là một quần thể đá khổng lồ lô xô giữa đoạn rộng và quành của sông Đà chảy qua khu chợ Bờ, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình. Một bên sông là dãy núi đá vôi dựng đứng, một bên là thị trấn huyện Đà Bắc với phố Bờ duyên dáng, chợ Bờ sầm uất, mỏm đá Vua Lê Lợi tạc thơ uy nghiêm, các cơ quan huyện Đà Bắc nhấp nhô trên sườn đồi. Xa hơn nữa, nơi đây đã hai lần đặt tỉnh lỵ tỉnh Bờ - tiền thân của tỉnh Hoà Bình dưới thời thuộc Pháp. Và tôi quyết tâm tìm kiếm hình ảnh thác Bờ, chợ Bờ may ra còn lưu giữ đó đây!

Thác Bờ đẹp nhất hòn Ngai

Hòn Ngai, đây là một hòn đá lớn có hình thù giống như chiếc ngai vua trong quần thể đá thác Bờ. Những ai đã từng ra thác Bờ chụp ảnh đều cố chụp lấy hình ảnh trong đó có hòn Ngai.

Đang là cán bộ Công an huyện Đà Bắc, năm 1972, ông Xa Văn Dong được điều động cho An ninh miền Nam. Trước khi lên đường Nam tiến, ông rủ bạn thân Nguyễn Đắc Tơ cũng là cán bộ Công an huyện ra thác Bờ chụp ảnh kỷ niệm. Rồi tấm ảnh được ông mang theo vào Nam chiến đấu. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ông Dong trở lại quê hương Hoà Bình và tấm ảnh kỷ niệm ngày chia tay ấy lại theo ông về miền núi Đà Bắc quê ông. 

Rồi 47 năm sau (2019), khi đã ngoài bảy mươi tuổi, ông lấy tấm ảnh ra gửi xuống phố huyện nhờ con rể là Lê Tùng phóng giúp. Là người sinh ra ở phố Bờ, nhìn thấy hình ảnh hòn Ngai, ông Tùng xúc động đến lặng người. Và một ý tưởng nảy ra trong đầu, một mặt phóng ảnh giúp bố vợ, một mặt ông lấy riêng ảnh hòn Ngai, phóng to ra để treo và tặng Đền Bờ trên hồ Hoà Bình. Theo đề nghị của tôi, ông Tùng đã cho tôi chụp lại ảnh gốc. Đây là tấm ảnh đầu tiên tôi sưu tầm được có hòn Ngai. Và câu thơ: "Thác Bờ đẹp nhất hòn Ngai" đã có chỗ neo đậu!

Phố Bờ đẹp nhất cô Mai bán hàng

Phải thừa nhận con gái Hoà Bình đẹp, con gái phố Bờ ngày tôi đặt chân lên chợ Bờ càng đẹp. Những buổi chiều trời trong, mây trắng. Dưới chân thác Bờ hùng vĩ, trên bãi Cánh Chim như dải bờ biển thu nhỏ, thấp thoáng các cô gái phố Bờ mang quần áo ra sông làm thác Bờ đã đẹp lại càng thêm lộng lẫy. Mỗi khi các cô xuất hiện, cánh con trai chúng tôi lại bỏ cả hòn Ngai, hòn Cô Tiên... để đóng mắt vào các bóng hồng. Gái phố Bờ đẹp thế mà cô đẹp nhất lại là cô Mai! 

Thế là chúng tôi tìm hỏi mong tận mắt cô Mai, mới hay, cô đã không còn ở phố Bờ từ trước khi tôi có mặt nơi đây những bảy năm rồi. Thời gian cứ trôi. Nhắc lại chợ Bờ, phố Bờ, thác Bờ..., những người trung tuổi lại nhắc lại câu thơ "Thác Bờ đẹp nhất hòn Ngai/ Phố Bờ đẹp nhất cô Mai bán hàng". Khi đi tìm lại ảnh thác Bờ, có ảnh hòn Ngai rồi, tôi càng muốn có ảnh cô Mai để vế thứ hai của câu thơ cũng có chỗ neo đậu.

Cô Mai khi còn trẻ.

Và cô Mai bây giờ (ảnh chụp năm 2020)

Một ngày cuối tuần, tôi tìm đến mấy gia đình bà con người phố Bờ trước, nay đang ở TP Hoà Bình, trong đó có nhà cụ Lê Thông ở phường Đồng Tiến. Khi còn trên phố Bờ, gia đình cụ Thông làm nghề sông nước. Từ thuyền chèo tay đến thuyền gắn máy, rồi đến tàu hiện đại, máy lớn sau này. Kể cả khi chuyển gia đình về theo huyện, rồi ra TP Hoà Bình, cụ Thông còn rong ruổi trên sông tiếp một thời gian dài. Gặp lại người quen cũ, hai ông bà ngoài tám mươi mừng luýnh quýnh. Chuyện đang vui, nhưng khi biết tôi đi tìm lại hình ảnh thác Bờ, cụ Thông buồn ra mặt. 

Cụ nói: "Gia đình tôi bao năm sông nước là bấy nhiêu năm gắn bó với thác Bờ. Ngày ấy tôi cũng chụp ảnh và chở rất nhiều người ra thác chụp ảnh mà giờ tôi không giữ được tấm nào. Mà nghĩ cũng buồn quá. Từ lúc biết thác Bờ rồi sẽ mất bởi chìm dưới hàng trăm mét nước, đến khi nó mất thật cũng phải gần chục năm. Thế mà mình không nghĩ ra để chụp mà giữ lại nhỉ. Tiếc quá!". "Vâng, đúng là tiếc quá. Và thế nên cháu cố đi tìm bác ơi!".

Trong tâm trạng buồn vì không lưu giữ được tấm ảnh thác Bờ, chợ Bờ nào, hai ông bà tiễn tôi ra ngõ. Đi nửa ngõ, ông Thông à lên: "Anh vào đây, nhà này cũng từ trên phố Bờ về đấy". Cánh cổng sắt nhỏ mở ra. Bên khu vườn xanh, gọn là căn nhà xây cấp 4 từ những năm 1980, hai vợ chồng già bầu bạn. Cụ ông là Nguyễn Đắc Tái, sinh năm 1939, quê Thạch Thất - Hà Nội. Năm 1958, ông Tái lên huyện Đà Bắc công tác ở Cửa hàng Thương nghiệp tại chợ Bờ. Năm 1976, ông tăng cường cho ngành Thương nghiệp vào Tây Nguyên. Năm 1981, ông trở lại Hoà Bình công tác và nghỉ hưu năm 1989. 

Cũng như vợ chồng cụ Thông, ông Tái cũng rất tiếc không giữ được ảnh thác Bờ, phố Bờ nào. Khi tôi đứng lên chào ra về, cụ bà vợ ông Tái mới sực nhớ: "À, tôi còn cái ảnh này, nhưng không phải thác Bờ". Nói rồi bà đi vào buồng. Cầm tấm ảnh nhỏ hơn bao diêm đi ra, cụ bà tỏ vẻ ngại ngùng rồi nói khẽ: ""Thác Bờ đẹp nhất hòn Ngai/ Phố Bờ đẹp nhất cô Mai bán hàng". Đây, cô Mai đây!". Tôi quýnh lên, Trời, bà là cô Mai, cô Mai đây rồi!

  
Nhà thơ Lê Va.

Cô Nguyễn Thị Mai quê Quảng Xương, Thanh Hoá. Năm 1959, chưa tròn 17 tuổi, cô Mai đi Thanh niên xung phong mở con đường 12B qua Kim Bôi, Hoà Bình. Năm 1960, cô Mai được cử đi học ngành Thương nghiệp rồi được điều lên công tác tại Cửa hàng Thương nghiệp Đà Bắc ngay bên thác Bờ. Vào tuổi 18 mang vẻ đẹp rực rỡ của người con gái và lại là nhân viên bán hàng thương nghiệp nên "cái giá" của cô Mai càng cao. Cô Mai cũng không biết ai là người nghĩ ra hai câu thơ trên. 

Cô chỉ biết hồi đó, đám thanh niên đi qua cửa hàng thường nói to hai câu thơ ấy như một khúc đồng dao. Nhiều khi cô chưa kịp nhìn mặt thì người đọc hai câu thơ ấy đã đi qua rồi. Lúc đầu vừa xấu hổ, vừa xen chút hãnh diện, sau quen dần cũng thấy bình thường. Và thực ra, cô Mai cũng chỉ ở chợ Bờ có hơn 10 năm, năm 1971 cô chuyển về thị xã Hoà Bình. Còn về tấm ảnh, bà Mai kể: "Ngày ấy cả phố Bờ và cả huyện Đà Bắc chỉ có một hiệu chụp ảnh của nhà ông Tài. Tấm ảnh này, tôi chụp tại hiệu ảnh nhà ông ấy nên không có cảnh gì. Năm ông nhà tôi tăng cường vào Tây Nguyên, ông ấy mang theo, rồi lại mang ra Bắc và tôi giữ lại đến nay. 

Có thể ông nhà tôi cũng không nhớ tấm ảnh này nữa? Khi anh hỏi ảnh thác Bờ thì đúng là nhà tôi không có thật. Giờ nhớ đến cái ảnh này cho anh xem mà tôi thấy ngại!". Tôi trả lời hai ông bà là tôi đang mơ ước tìm được ảnh cô Mai, giờ mơ ước thành sự thật. Đúng, ảnh cô Mai không có cảnh thác Bờ, nhưng nó đã hoá thân vào thác Bờ bằng câu thơ và giờ đây, hơn 60 năm sau và khi thác Bờ chìm ngập trên 40 năm rồi, nó còn lưu truyền trong nhân gian. Có hình ảnh cô Mai bên hình ảnh hòn Ngai và giới thiệu cho du khách bằng câu thơ "Thác Bờ đẹp nhất hòn Ngai/ Phố Bờ đẹp nhất cô Mai bán hàng" thì thú vị biết bao!

Lê Va
.
.
.