Thêm một vụ bạo hành trẻ em gây bức xúc dư luận
Đây được xem như giọt nước tràn ly trước thực trạng bạo hành trẻ em hiện nay ở các cơ sở mẫu giáo đang tồn tại những bảo mẫu thiếu nhân tâm...
Đánh trẻ sưng mặt còn dọa sẽ... cắt lưỡi
Trong ngày 25-7, tại quận 12, TP. Hồ Chí Minh, TAND quận 12 đã mở phiên tòa công khai xét xử sơ thẩm 3 bị cáo Phạm Thị Mỹ Linh, Nguyễn Thị Đào và Phạm Như Huỳnh về tội “Hành hạ người khác”.
Đây là các bảo mẫu của cơ sở Mầm non tư thục Mầm Xanh (khu phố 3, phường Hiệp Thành, quận 12). Trong quá trình chăm sóc các bé, các bảo mẫu này đã nhiều lần đánh đập, hành hạ các trẻ hiếu động bằng cách đánh, đạp vào người, dùng dao gõ vào đầu, gí dao vào mặt đe dọa, lấy vá đánh vào bụng hoặc bắt các cháu đội chồng ghế nhựa lên đầu, lấy cây đập lên đầu trẻ...
Với các hành vi phạm tội như trên, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Linh mức án 3 năm tù; bị cáo Huỳnh 1 năm 6 tháng tù, cho hưởng án treo; bị cáo Đào mức án 2 năm tù, cho hưởng án treo. Ngoài ra, bị cáo Linh còn phải chịu khoản bồi thường dân sự lên tới hơn 800 triệu đồng cho gia đình các trẻ.
Và ngay buổi chiều hôm ấy lại xảy ra một vụ việc đáng tiếc tương tự - bà nội bé gái P.T.N.D (5 tuổi) đến nhóm trẻ tư thục Ánh Sao Vàng (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh) đón bé về thì phát hiện bé có dấu hiệu bị đánh ở mặt, thâm, sưng một bên má nên trình báo cơ quan Công an. Sự việc này ngay sau đó người nhà cháu D. đưa lên mạng xã hội khiến dư luận phẫn nộ, lên án.
Đến chiều 28-7, Thượng tá Lê Văn Hải, Trưởng Công an huyện Bình Chánh, cho biết đã tạm giữ bảo mẫu Trần Thị Hồng Phúc (26 tuổi - làm việc tại nhóm trẻ tư thục Ánh Sao Vàng) để điều tra về hành vi hành hạ người khác.
Tại cơ quan Công an, bước đầu bảo mẫu Phúc thừa nhận hành vi gây thương tích cho cháu D. Cụ thể, vào trưa 25-7, khi cho cháu D. ăn thì bé không chịu ăn, liên tục nôn ói. Lúc này, cô Phúc đã la mắng và dùng tay tát liên tục vào má cháu D. khiến cháu bị sưng đỏ rồi thâm tím một bên má.
Qua làm việc và trích xuất camera tại cơ sở giữ trẻ này, cơ quan Công an phát hiện cô bảo mẫu Phúc đã kẹp cổ và tát liên tiếp vào mặt bé D. Thậm chí còn có thông tin, sau khi tát bé D., cô Phúc còn lấy dép đánh từ trên lưng xuống dưới chân bé và dọa sẽ cắt lưỡi nếu bé dám mách lại người lớn…
Theo cô Phúc, do bị áp lực, quản nhiều cháu cùng một lúc nên không kiềm chế được, vô tình gây thương tích cho cháu.
Cháu bé bị bảo mẫu tại cơ sở mầm non Ánh Sao Vàng tát sưng mặt. |
Làm việc với cơ quan chức năng, ông Lý Quốc Huy, chủ cơ sở Ánh Sao Vàng đã cung cấp nhiều tài liệu, giấy tờ liên quan đến cơ sở mầm non cho Công an để phục vụ công tác điều tra. Ông Huy cho biết sẽ không bao che cho hành vi bạo hành trẻ, luôn hỗ trợ tối đa cơ quan Công an điều tra, xác minh vụ việc.
“Sự việc xảy ra, trách nhiệm thuộc về chúng tôi. Ngay từ đầu, chúng tôi đã phối hợp với cơ quan điều tra, cung cấp đầy đủ bằng chứng, vật chứng cũng như lời khai, camera để làm rõ sự việc. Chúng tôi tuyệt đối không bao che giấu giếm”, ông Huy giải thích.
Theo ông Huy, nhóm trẻ này mới được thành lập khoảng một năm nay. Bốn cô giáo đang giảng dạy tại nhóm trẻ đều có các chứng chỉ về nghiệp vụ sư phạm. Riêng cô Phúc mới về dạy tại nhóm trẻ từ tháng 2-2018 và đang trong thời gian thử việc. Thời gian gần đây, gia đình cô cũng xảy ra nhiều biến cố - mẹ và chị gái phải nhập viện, cô vừa ly hôn chồng, đang phải một mình nuôi con nhỏ. Tuy nhiên, ông Huy cho rằng cho dù thế nào, những hành động của cô bảo mẫu này đối với bé D. cũng không thể chấp nhận được.
Ông Huy bày tỏ sự đáng tiếc khi sự việc trên lại xảy ra tại cơ sở của mình. “Sau khi đánh bé D., cô Phúc đã sơ cấp cứu, chườm đá cho bé, nhưng không trình báo sự việc. Đến 2 giờ chiều, cô Phúc mới nói sự việc cho tôi biết. Khi đó mặt bé D. đã thâm tím. Tôi hỏi thì cô Phúc nói đã tát vào mặt bé, nhưng khi tôi hỏi lý do tại sao thì cô ấy im lặng. Lúc đó tôi chỉ tập trung chườm đá cho bé”, ông Huy kể lại.
Đại diện gia đình bé D. gửi đơn đến Hội Bảo vệ quyền trẻ em nhờ hỗ trợ pháp lý. |
Sẽ xử lý nghiêm
Ngay khi vụ việc xảy ra, Phòng Giáo dục đào tạo phối hợp với Công an huyện Bình Chánh đã tiến hành đình chỉ hoạt động nhóm trẻ này và điều tra làm rõ. Những bé đang theo học tại đây được chuyển sang các trường công trong khu vực.
Theo ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng Giáo dục đào tạo huyện Bình Chánh, cơ sở này giữ 50 trẻ, có bốn giáo viên giữ trẻ cùng một số bảo mẫu trông giữ cháu bé. Người đánh trẻ là cô giáo có bằng Cao đẳng Sư phạm mầm non.
“Sự việc xảy ra khiến dư luận phẫn nộ và bức xúc. Phòng Giáo dục đào tạo đã nhiều lần quán triệt và triển khai về đạo đức nhà giáo trong việc giữ trẻ, nhưng các cô vẫn làm trái. Vụ ở Lớp mẫu giáo Mầm Xanh vừa mới xử ngay trong ngày hôm đó, các cô cũng đã biết, vậy mà trong một phút không kiềm chế, cô giáo vẫn đánh đập trẻ. Hành động này cần phải xử lý nghiêm để răn đe”, ông Dũng nói.
Xuống kiểm tra và làm việc với chủ cơ sở mầm non này, sau đó đến thăm cháu D. và gia đình, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo TP Hồ Chí Minh khẳng định, ngành giáo dục và chính quyền địa phương sẽ xử lý nghiêm minh, không bao che việc bạo hành trẻ. Ngành không chấp nhận những hành vi thiếu đạo đức của nhà giáo và đã chỉ đạo các cơ sở kiên quyết và có thái độ xử lý cứng rắn đối với những thầy cô giáo có hành vi bạo hành trẻ.
Bà Thu cho hay, để xảy ra sự việc đáng tiếc tại nhóm trẻ, chủ nhóm trẻ phải chịu trách nhiệm: “Sự việc này trách nhiệm thuộc về chủ nhóm trẻ vì không quản lý tốt giáo viên của mình. Điều tôi thắc mắc là trong quá trình nhận giáo viên, nhóm trẻ có tập huấn về đạo đức nhà giáo không? Cơ sở Ánh Sao Vàng phải rà soát lại vấn đề này vì đó là trách nhiệm của mình thì mình phải làm cho đúng”.
Cơ sở mầm non Ánh Sao Vàng, nơi xảy ra sự việc. |
Điều đáng nói là lúc đầu đại diện gia đình bé D. khẳng định sẽ không đề nghị truy cứu sự việc, chỉ mong nhóm trẻ phối hợp tốt trong việc chăm sóc bé. Theo gia đình, đây cũng là sự việc không mong muốn vì trước giờ nhóm trẻ dạy dỗ khá tốt. Hơn nữa gia đình cô Phúc cũng đang có nhiều chuyện buồn.
Tuy nhiên, sau đó sáng 28-7, thông tin từ anh Tuấn (cha bé D.) cho biết bé D. có biểu hiện đau ở tai, khóc nhiều nên anh đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1. Qua thăm khám, các bác sĩ đã lấy trong tai bé D. ra một cục máu bầm và kết luận ban đầu bé bị viêm tai giữa cấp P - viêm mũi họng khiến gia đình bé vô cùng lo lắng.
Anh Tuấn cho biết, trước đó cơ quan chức năng đã đưa cháu D. đi thăm khám, giám định nhưng kết quả không nghiêm trọng, chỉ bị thương nhẹ. Kết quả khám ban đầu thì bé chỉ bị lệch một bên má, điều trị kết hợp với uống thuốc sẽ khỏi, nên anh Tuấn không muốn cô Phúc bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, đến sáng 28-7, cháu D. lại có biểu hiện sức khỏe xuống dốc. Ngoài mặt sưng tím, tâm lý hoảng sợ, không dám đi học trở lại thì nay bé còn bị nhức tai và có máu bầm trong tai. Chính vì những điều này, để bảo vệ quyền lợi cho con mình, anh Tuấn đã gửi đơn nhờ Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh hỗ trợ pháp lý.
“Đúng ra lúc đầu gia đình tôi không muốn truy cứu sự việc, nhưng kết quả khám lại cho thấy con tôi bị thương tích khá nặng. Do đó, gia đình tôi không còn cách nào khác, vì sức khỏe con bé như vậy nên phải nhờ đến các luật sư của Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh hỗ trợ pháp lý”, anh Tuấn cho biết.
Về phía Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh cũng cho biết sau khi tiếp nhận đơn của gia đình bé D., Hội sẽ làm các thủ tục pháp lý để hỗ trợ cho bé.
Vụ việc này cho thấy câu chuyện về việc các bảo mẫu dù có bằng cấp hay không vẫn có hành động đánh đập trẻ một cách tàn nhẫn là chuyện không thể chấp nhận được.