Tháo gỡ vướng mắc cho các cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân
Thiếu thốn từ cơ sở vật chất đến nhân viên…
Qua 21 năm hoạt động, Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa (thường gọi Cơ sở cai nghiện ma túy Thanh Đa) đã tiếp nhận, cai nghiện cho hơn 22.000 lượt học viên. Bác sĩ (BS), Giám đốc Nguyễn Hữu Khánh Duy cho hay nhiều gia đình học viên có hoàn cảnh khó khăn, trung tâm có kế hoạch miễn, giảm chi phí nhưng cũng chỉ giới hạn nhất định.
Theo BS Nguyễn Hữu Khánh Duy, nghiện ma túy là một bệnh lý chuyên sâu, phức tạp liên quan nhiều lĩnh vực: y tế, giáo dục, tổ chức, quản lý, pháp luật, lao động, huấn nghiệp, tâm lý… Trong khi đó, điều trị cai nghiện ma túy rất khó khăn và tốn kém, đòi hỏi có sự hiểu biết sâu sắc về nhiều lĩnh vực, nhưng cho tới nay công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ làm công tác cai nghiện còn đơn giản.
Hội thảo "Cai nghiện ma túy tại cộng đồng và ngoài công lập". |
Theo bác sĩ Duy thì chương trình đào tạo cho công tác cai nghiện ma túy tại các trường đại học còn mang tính tổng quát, thiếu đi vào chi tiết. Các lớp ngắn ngày thì chỉ có cán bộ chủ chốt được đi học và việc học không mang tính chất bắt buộc nên chưa hiệu quả… Giáo trình, giáo án vừa thiếu lại thường trùng lắp và nặng về y tế (do ngành Y tế giảng dạy). Chương trình học mang tính lắp ghép thiếu hệ thống, bài bản…
Cùng ý kiến, BS Võ Cảnh Sinh, đại diện Cơ sở cai nghiện ma túy Tấn Hưng (Cần Thơ), cũng cho rằng sự hiểu biết về ma túy và các vấn đề liên quan đến công tác cai nghiện ma túy đối với đa số thân nhân gia đình người nghiện chưa đầy đủ. Do đó, họ thiếu cương quyết trong việc cai nghiện cho người thân của mình, hạn chế đến hiệu quả phối hợp giữa gia đình và cơ sở trong quá trình điều trị cai nghiện cho học viên.
Điều kiện kinh tế của một số gia đình người cai nghiện cũng có nhiều khó khăn, nên khó có thể đóng góp đủ các khoản chi phí để thực hiện đủ thời gian cai nghiện theo quy trình, nên thường xin về trước thời hạn, dẫn đến nguy cơ tái nghiện cao…
"Hiện nay các cơ sở cai nghiện do tổ chức, cá nhân thành lập chưa nhận được sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, trong khi đây là lĩnh vực lợi nhuận không cao, không thu hút được các nhà đầu tư, cơ sở vật chất còn thiếu nên ảnh hưởng công tác chuyên môn", BS Võ Cảnh Sinh thẳng thắn nhìn nhận.
Ở khía cạnh khác, đại diện Trung tâm Tư vấn và Cai nghiện ma túy Đức Thanh Tâm (phường 28, quận Bình Thạnh) cho biết công tác cai nghiện đặc thù, phải làm việc tất cả ngày trong tuần, thường xuyên phải tiếp xúc với những người nghiện, có thể kích động gây nguy hiểm nên khó thu hút tuyển nhân viên.
"Hiện các chính sách của Nhà nước chưa có quy định cụ thể về đãi ngộ đối với các cán bộ, nhân viên công tác tại các cơ sở cai nghiện tư nhân dẫn đến khó tuyển cán bộ, nhân viên vào làm việc", đại diện Trung tâm Đức Thanh Tâm nói. Theo đại diện Trung tâm Đức Thanh Tâm, qua quá trình hình thành, tích lũy và phát triển, trung tâm cũng gặp rất nhiều khó khăn về quỹ đất, không ổn định lâu dài để phát triển (vì phải thuê mặt bằng và đã đến hạn phải trả)…
Từ các tồn tại kể trên, các đơn vị này đã kiến nghị được có chế độ hỗ trợ cho vay, cho thuê mặt bằng dài hạn, theo giá Nhà nước, cấp phép xây dựng trên phần quỹ đất đơn vị có, có chính sách ưu đãi cho cán bộ, nhân viên làm công tác cai nghiện tại cơ sở tư nhân…
Vấn đề quy định thời hạn cai nghiện đối với người nghiện cũng được đại diện nhiều cơ sở nêu ý kiến. Như đại diện Trung tâm Đức Thanh Tâm cho rằng, thực tế hiện nay trên 60% học viên có sử dụng kết hợp ma túy tổng hợp (ma túy đá), đây là một khó khăn trong quá trình điều trị: các rối loạn tâm thần, ổn định tâm sinh lý tâm lý vì khả năng bình ổn tâm lý học viên đòi hỏi phải có quá trình dài lâu.
Qua 21 năm hoạt động, Trung tâm Điều dưỡng và Cai nghiện ma túy Thanh Đa đã tiếp nhận, cai nghiện cho hơn 22.000 lượt học viên. |
BS Trần Thanh Liêm, phụ trách chuyên môn kỹ thuật BV Tâm thần Trung ương 2, cho rằng hiện vẫn chưa có mô hình chuẩn cho việc cai nghiện ma túy tại cộng đồng, vấn đề chuyên môn trong cai nghiện vẫn chưa được chú trọng đúng mức.
"Một bệnh nhân nghiện ma túy đá có thể vào cơ sở cai nghiện cắt cơn là hai tuần sau đã hết nghiện rồi, tuy nhiên vấn đề quan trọng là họ có tái nghiện không", bác sĩ Liêm băn khoăn. Trong quá trình tập huấn về công tác cai nghiện cho nhiều địa phương, nhận thấy nhân lực và kiến thức về vấn đề này của cán bộ còn thiếu và yếu, trong khi thị trường các loại ma túy luôn biến động, liên tục xuất hiện các loại ma túy mới gây ảo giác, loạn thần.
Cần nghiên cứu thay đổi hình thức cai nghiện
Ông Mai Như Sơn, đại diện Doanh nghiệp xã hội và phát triển cộng đồng Xuân Hợp (Đồng Nai), cho biết do phần lớn người nghiện có tâm lý ngại vào cơ sở nhà nước, nên ông đã mạnh dạn thành lập cơ sở cai nghiện dân lập. Mục đích là giúp đỡ cưu mang những hoàn cảnh yếu thế, thu nhận tự nguyện người nghiện có điều kiện trả phí. Tuy nhiên, nếu người nghiện quá khó khăn trong kinh tế, cơ sở vẫn tiếp nhận và vận động giúp đỡ.
Với thực tế từ cơ sở của mình, ông Sơn đề nghị thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động của cơ sở cai nghiện dân lập nên giao cho Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh, cũng giống như trường học dân lập do Sở Giáo dục- Đào tạo cấp giấy phép, hay cơ sở y tế tư nhân là do Sở Y tế tỉnh cấp giấy phép. Như vậy, sẽ giảm chi phí thẩm định, tiết kiệm thời gian và gắn với quản lý nhà nước lâu dài khi cơ sở đi vào hoạt động.
Học viên sinh hoạt văn nghệ và thể dục thể thao tại Trung tâm Tư vấn và cai nghiện ma túy Đức Thanh Tâm. |
Về phía địa phương, phường xã, nhiều nơi cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý người nghiện và tổ chức cai nghiện tại cộng đồng dân cư. Ông Trần Quốc Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Linh Trung, quận Thủ Đức, cho biết công tác cai nghiện ma túy, quản lý, giáo dục tại phường gặp nhiều khó khăn do người nghiện thường né tránh, không hợp tác nên tổ chức, cá nhân được phân công giúp đỡ không tiếp cận được, thậm chí đối tượng bỏ trốn khỏi địa phương, dẫn đến việc giáo dục theo Nghị định số 111/2013/NĐ-CP chưa hiệu quả hoặc hiệu quả chưa cao, tỷ lệ tái nghiện cao.
Một số trường hợp người nghiện ma túy có quyết định cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng nhưng tự ý bỏ đi khỏi địa phương nên không thể tổ chức cắt cơn, giải độc. Từ đó, dẫn đến việc áp dụng đồng thời biện pháp giáo dục tại phường theo Nghị định số 111/2013/NĐ-CP với biện pháp cai nghiện tại cộng đồng không đảm bảo tính pháp lý (do đối tượng không được tổ chức cắt cơn, giải độc), nên khi đối tượng tái nghiện vẫn không đủ điều kiện để lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc…
Mặt khác, một số gia đình có con em là người nghiện ma túy không hợp tác với chính quyền địa phương trong việc quản lý, giúp đỡ con em mình, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, giúp đỡ người nghiện ma túy…
"Cần nghiên cứu thay đổi hình thức cai nghiện như hiện nay, thực tế đánh giá công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chưa hiệu quả", ông Trần Quốc Hưng nhấn mạnh.
Thực tế thời gian qua cho thấy công tác cai nghiện hiện còn nhiều bất cập, đặc biệt trong bối cảnh số người nghiện gia tăng và xuất hiện nhiều chất ma túy mới, nhất là ma túy tổng hợp. Vì vậy, trong Dự thảo Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi) đã khuyến khích thành lập các cơ sở cai nghiện tư nhân, có chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư vào công tác cai nghiện… Tuy nhiên, công tác xã hội hóa cai nghiện còn nhiều khó khăn, hiện nay các cơ sở cai nghiện do các tổ chức, cá nhân thành lập chưa được quan tâm và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, trong khi đây là lĩnh vực lợi nhuận không cao nên không thu hút được các nhà đầu tư.
Cơ sở vật chất ở một số cơ sở cai nghiện còn thiếu, xuống cấp, chưa được quan tâm đầu tư thỏa đáng, dẫn đến khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt, dễ gây bức xúc cho học viên. Các học viên sau khi cai nghiện ở các cơ sở cai nghiện bắt buộc trở về cộng đồng khó kiếm việc làm để ổn định cuộc sống. Thực trạng này đòi hỏi các cấp các ngành cần phải tiếp tục tháo gỡ.