Thanh toán bằng quét tĩnh mạch ngón tay
Theo giới truyền thông, công nghệ Fingopay do Công ty thanh toán sinh trắc học Sthaler của Anh phối hợp với tập đoàn Hitachi của Nhật Bản phát triển.
Theo Công ty Sthaler, tính bảo mật của công nghệ Fingopay rất cao bởi 3,4 tỷ người may ra mới có 2 người có cấu trúc tĩnh mạch ngón tay giống nhau. Theo giới chuyên môn, công nghệ FingoPay sử dụng đầu đọc sinh trắc học công nghệ cao để lập bản đồ 3D về tĩnh mạch ngón tay của khách hàng để tạo ra chìa khóa cá nhân duy nhất kết nối với tài khoản ngân hàng.
Và khách hàng chỉ cần đặt ngón tay vào chiếc máy quét có kích thước nhỏ gọn là có thể quét và nhận diện tĩnh mạch ngón tay của họ. Và công nghệ Fingopay sẽ tạo ra tính đột phá trong lĩnh vực bán lẻ ở Anh và nhiều nước trên thế giới trong thời gian tới.
Quét tĩnh mạch ngón tay. |
Tuy nhiên, hiện mới có siêu thị Costcutter trong khuôn viên Đại học Brunel ở London là nơi đầu tiên trên thế giới cho phép người mua sử dụng công nghệ Fingopay - tất cả khách mua hàng chỉ cần thanh toán bằng ngón tay của mình. Tất cả nhờ vào một công nghệ mới mang tên Fingopay mà cửa hàng mới đưa vào sử dụng.
Theo tờ The Telegraph, Công ty Sthaler sẽ thử nghiệm công nghệ FingoPay tại một hộp đêm ở London trong thời gian tới. Còn theo Nick Dryden, người sáng lập dự án khởi nghiệp Sthaler cho biết, hãng McDonald cũng đang tiến hành một phiên bản thử nghiệm của công nghệ FingoPay.
Được biết, máy quét tĩnh mạch là sản phẩm được sản xuất bởi hãng điện tử Hitachi và đang được sử dụng trong các máy rút tiền ở Nhật Bản. Tuy nhiên, Công ty Sthaler đã có quyền hợp pháp để sử dụng sản phẩm này và cấp phép cho các nhà bán lẻ của mình.
Theo tờ India Times, công nghệ FingoPay được kết nối với thẻ tín dụng hoặc tài khoản ngân hàng của người sử dụng, cho phép họ thực hiện việc thanh toán chỉ đơn giản bằng cách đặt ngón tay vào một chiếc máy quét có kích thước nhỏ gọn mà không cần dùng tới tiền mặt hay thẻ tín dụng.
Công nghệ FingoPay được sử dụng để giảm thiểu thời gian chờ đợi tại quầy bar bằng cách cắt giảm những thủ tục cần thiết khi dùng thẻ tín dụng. Nhờ đó, quầy bar có thêm thời gian để tư vấn đồ uống và phục vụ khách hàng tốt hơn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, giải pháp an toàn hơn, chính xác hơn và thuận tiện hơn chính là "những mạch máu" của bạn - cơ thể bạn là loại "ví mới" và mạch máu của bạn là số truy cập tài khoản tín dụng. Và việc xác thực cá nhân bằng sinh trắc học luôn là ý tưởng thu hút các công ty bảo mật tìm cách thương mại hóa nhằm thay thế cho mật khẩu truyền thống.
Sơ đồ mạch máu của mỗi người là duy nhất, thậm chí khác biệt với cả cặp sinh đôi cùng trứng và nó không thay đổi theo tuổi tác và khó làm giả. Công ty khởi nghiệp Quixter Thụy Điển từng trình diễn công nghệ thanh toán dựa trên việc quét mạch máu, lần đầu tiên được thương mại hóa trên thế giới.
Bởi bạn chỉ cần xòe bàn tay mình sát với phía trên máy quét hồng ngoại và hệ thống sẽ nhận dạng dựa trên mẫu các mạch máu trên bàn tay bạn đã được lưu trữ. Ngoài hệ thống của Quixter ở Thụy Điển, ở Mỹ, hãng PulseWallet (đổi tên thành Biyo) cũng sử dụng công nghệ này.
Phương pháp này có thể quét mà không cần tiếp xúc vật lý nên rất thuận tiện trong khi việc quét vân tay gặp khó khăn khi ngón tay bị ướt hoặc dính chút dầu mỡ. Theo giới chuyên môn, công nghệ này xuất hiện hơn 1 thập kỷ trước và dùng để nhận dạng ở một số bệnh viện, trường học và máy rút tiền ATM ở một vài nước, nhưng tốc độ thương mại hóa vô cùng chậm chạp.
Giáo sư máy tính Willy Susilo đến từ Đại học Wollongong (Australia) từng trả lời tờ Sydney Morning Herald rằng, công nghệ nhận dạng quét vân tay sẽ sớm bị thay thế bởi công nghệ quét mạch máu.
Hãng Pulse News từng dẫn thông báo từ Ủy ban dịch vụ tài chính Hàn Quốc (FSC) cho biết, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiến hành thử nghiệm thanh toán dựa trên sinh trắc học tĩnh mạch và chương trình này được thực hiện trong nửa đầu năm 2017. FSC cũng khuyến cáo các tổ chức phát hành thẻ nên thí điểm một hệ thống xác thực sinh trắc học sử dụng máy quét tĩnh mạch để kiểm tra độ hiệu quả và an toàn của hệ thống trước khi đưa vào áp dụng hoàn toàn.
Theo giới truyền thông, 2 năm trước (tháng 11-2015), FSC đã lên kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn dành cho nhận dạng sinh trắc học trong việc xác thực các giao dịch kỹ thuật số. Ủy ban thúc đẩy thông tin Tài chính (CFIP) cũng đã hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật và kiểm tra các dịch vụ như vậy. Được biết, một số ngân hàng đã triển khai nhận dạng vân tay, nhưng vẫn còn hạn chế do chi phí khá cao.