Tháng Ba trẩy hội ''chợ tình''

Chủ Nhật, 16/04/2017, 10:19
Hằng năm, đã thành thông lệ, các tộc người ở huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình) và vùng phụ cận lại nô nức tìm về thị trấn Quy Đạt để vui hội rằm tháng Ba. Đây cũng là dịp để các cặp đôi nam thanh, nữ tú hẹn hò, trao duyên.


Tháng Ba, nô nức hội rằm

Được một người quen giới thiệu về hội rằm tháng Ba (hay còn gọi là "chợ tình), từ thành phố Vinh, tôi vượt hàng trăm cây số tìm về thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa để theo chân người dân địa phương đi trẩy hội.

5 giờ chiều 14-3 âm lịch, chiếc xe khách vào bến. Tiết trời đầu hè nóng nực nhưng khắp các ngả đường đổ về thị trấn Quy Đạt đã chật kín người. Trong đó, nhiều nhất vẫn là thanh niên nam nữ...

Người dân Minh Hóa, đa phần là những thanh niên dự "chợ tình".

Hàng ngàn người ở khắp nơi về đây xem văn nghệ do các đội văn nghệ của các làng, xã biểu diễn bằng các tiết mục truyền thống như hát đúm, hò thuốc, hò kéo nốc (thuyền), hát sắc bùa, hát nhà trò, múa tiên, múa lăm tơi (điệu múa của người Lào). Các làng, xã thi nấu cơm, giã hạt ngô làm bồi, chế biến món ăn truyền thống từ sản vật của địa phương... trong không khí náo nhiệt.

Cùng với đó, các dịch vụ như quán nước giải khát, hàng ăn đua nhau mọc lên như nấm ở hai bên đường đến nơi tổ chức đêm hội. Nếu không đặt phòng trước, du khách cũng rất khó khăn trong việc tìm cho mình một chỗ nghỉ chân trong đêm chính hội.

Về với Hội rằm tháng Ba là về với hội văn hóa truyền thống các dân tộc ở huyện Minh Hóa, Quảng Bình. Do vậy, không ai bảo ai, người già, người trẻ, trai gái các tộc người huyện vùng cao Minh Hóa cứ háo hức mong chờ ngày rằm tháng Ba. Không đến được với phiên chợ xem như cả năm đó thiếu đi cái may mắn, thiếu đi một niềm vui kết bạn, thiếu đi cái gì đó đã và sẽ thuộc về mình.

Không biết từ bao giờ, người dân Minh Hóa đã dặn lòng với nhau bằng câu ca truyền miệng: "Thà ốm mà nằm, ai mà bỏ được chợ rằm tháng Ba...".

Tục truyền rằng, ngày xưa có ba anh em nhà nọ lên lèn ông Ngoi tìm mật ong. Họ đi lạc vào một hang động. Trong đó có cơ man nào là tượng Bụt bằng đá… Ba anh em họ mỗi người vác một tượng về.

Đến thác Bụt họ xuống suối tắm. Nhưng khi vác tượng lên lại để trở về nhà thì không tài nào vác được nữa. Mãi sau họ mới vác được một tượng về đến Hói Chàm và đặt ở đó. Từ đó đến nay, dòng thác mà ba anh em nhà kia tắm và để tượng Bụt lại, được gọi là thác Bụt.

Vậy là mỗi năm, từ sớm tinh mơ của ngày rằm tháng Ba âm lịch, các đoàn đại diện cho các làng, xã cùng nhau đến vùng thác Bụt ở Dốc Cáng, xã Yên Hóa. Tại đây họ dâng hương cúng Bụt (như ông Bụt trong truyện cổ tích).

Chính từ nơi đây đã xuất hiện lễ hội rằm tháng Ba Minh Hóa. Thế là các tộc người vùng rẻo cao Minh Hóa lại đến đây cúng Bụt cầu tự, cầu tài, cầu lộc chuẩn bị cho một lễ hội rằm mới.

Hội rằm tháng 3 được tổ chức đó là lễ hội tạ ơn trời đất đã cho mùa màng bội thu. Chợ tình được tổ chức đó là nơi tìm hiểu, giao lưu để tìm "duyên" của biết bao trai tài gái sắc.

Hội rằm tháng Ba là nơi gặp gỡ, giao lưu văn hóa của các tộc người vùng rẻo cao Minh Hóa, Quảng Bình

Có người đi chơi hội với mục đích gặp gỡ, xem hát, tìm bạn tình... Còn người đi hát thường mang theo lúa để giã làm nhịp đệm cho các làn điệu dân ca như hát đúm, ví, hò thuốc hôi lên...

Những làn điệu dân ca này được rất nhiều người hát, nhất là các nam thanh nữ tú. Trước khi hát, con trai và con gái đứng thành vòng tròn xung quanh, ở giữa có đống lửa đang cháy rực. Ngoài ra còn có một cối giã gạo đầy lúa.

Trước khi giã gạo, người ta thường chọn 3 đến 4 người đàn ông khỏe mạnh cầm chày đứng quanh cối. Khi bắt đầu hát thì người cầm chày giã thóc đệm nhịp theo lời của từng làn điệu dân ca như: "Vui ngày hội quê ta/ Rằm tháng Ba đã đến/ Khách bạn bè thân mến/ Về vui hội quê hương/ Khách bạn bè đã đến/ Chợ Quy Đạt thân thương". Hay "Ai lên Minh Hoá quê mình/ Chè xanh mật ngọt đượm tình quê hương/ Bạn ơi quê bạn dưới xuôi/ Bạn về Minh Hoá cùng tôi thì về...". Xong mỗi câu hát, tất cả mọi người đồng thanh cùng tiếng vỗ tay: "Hôi lên là hôi lên".

Nhờ "chợ tình" mà nên duyên

Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử, Hội Rằm tháng Ba - chợ tình Minh Hóa đã đổi thay nhiều nhưng nét xưa vẫn còn nguyên vẹn. Những năm gần đây, không chỉ có các tộc người vùng rẻo cao Minh Hóa về Hội Rằm tháng Ba, mà còn những người ở các vùng phụ cận như Tuyên Hóa, Đồng Hới, Quảng Trạch, Lệ Thủy, Ba Đồn cũng tìm về trẩy hội.

Cơ hội để nam thanh, nữ tú hò hẹn.

Trong đêm hội, những làn điệu dân ca truyền thống của người Nguồn và các tộc người rẻo cao Minh Hóa lại tiếp tục vang lên như để mời gọi bạn tình. Các trò chơi dân gian như đi cà kheo, đánh đu... được sự cổ vũ của hàng vạn người khiến cho lễ hội thêm sôi động.

Chợ Rằm tháng Ba - chợ tình Minh Hóa vẫn là nơi giao lưu gặp gỡ của du khách thập phương, là nơi hội ngộ của cộng đồng các dân tộc anh em. Đặc biệt, đây là nơi để nam thanh nữ tú làm quen, hẹn hò. Dưới ánh trăng rằm, nhiều người đã làm quen và đến với nhau đầy thi vị.

Lần đầu tiên cùng bạn gái về dự Hội Rằm tháng Ba, Hồ Văn Nam, một chàng trai người Bru-Vân Kiều ở xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa không giấu được sự hồ hởi: "Nhà mình cách thị trấn Quy Đạt hơn 40 cây số, cũng được nghe nhiều về hội rằm này, nay mới về nên háo hức lắm.

Quay sang người con gái bên cạnh, Hồ Văn Na bộc bạch: "Trước mình có quen một cô gái ở Hóa Tiến qua mạng xã hội đã mấy tháng rồi, cũng nhờ hội rằm cả hai mới có cuộc gặp đầu tiên. Đến đây, mình cùng bạn gái được chơi các trò chơi dân gian, nghe văn nghệ vui lắm. Sau hội rằm này, mình mong mình và cô ấy có thể hiểu nhau hơn và sẽ sớm thành đôi".

Nhà cách nơi diễn ra hội rằm 50 cây số và tránh nắng nóng nên năm nay, vợ chồng chị Cao Thị Kim Cúc, 36 tuổi quê ở xã Xuân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) đã đưa con gái đến thị trấn Quy Đạt từ sáng sớm. Khi được hỏi chuyện, chị Cúc không giấu được xúc động và thốt lên: "Nhờ chợ tình ni mà chúng mình nên duyên vợ chồng!".

Rồi chị bồi hồi kể lại: "Vợ chồng mình quen nhau cách đây bốn mùa chợ rồi. Mình tình cờ quen biết anh Nguyễn Đức Hoa (chồng chị bây giờ-PV) người ở huyện Tuyên Hóa. Khi đó, cả hai tình cờ gặp nhau rồi chỉ hỏi thăm nhau, sau đó giành chỗ xem văn nghệ đã". Nói đến đây, chị Cúc nhìn chồng cười khúc khích.

Sau hội rằm ấy, hai người vẫn giữ liên lạc với nhau.

Tuy nhà cách nhau 50 cây số nhưng nhờ anh Hoa là dân xây dựng, lên Minh Hóa công tác nên hai người có điều kiện gặp gỡ, nhờ đó họ càng thêm hiểu và "kết nhau" lúc nào không hay. Và rồi, đúng một năm sau họ nên duyên vợ chồng. Hiện vợ chồng chị Cúc đã có đứa con gái đầu lòng 3 tuổi.

Và rồi hằng năm, cứ đến Hội rằm tháng Ba, vợ chồng chị Cúc lại tìm về nơi ngày xưa đã từng hò hẹn và se duyên hạnh phúc cho hai người. Cứ mỗi lần về lại nơi xưa, họ không khỏi bồi hồi, xúc động.

"Chợ tình" se duyên để anh Hoa và chị Cúc thành vợ chồng.

Các đôi nam nữ ngày xưa rất khó khăn để gặp nhau, hẹn hò. Thậm chí có những người yêu nhau nhưng cả năm chỉ gặp được vài lần. Và đêm hội Rằm tháng Ba là cơ hội "cả năm có một" để họ đến với nhau, để trao nhau lời yêu thương, hò hẹn.

Trên chuyến xe khách từ Vinh về Quy Đạt, tôi tình cờ gặp một người phụ nữ tên Hiền, tuổi ngoài năm mươi lên xe ở thị trấn Hương Khê, Hà Tĩnh.

Khi biết tôi về Quy Đạt để đi "chợ tình", người phụ nữ ấy bồi hồi kể lại: "Dì và chú quen nhau cũng ở chợ tình hội rằm tháng Ba, cách đây đã hơn hai mươi năm rồi. Ngày đó, đến hội rằm, dì theo bạn đi chơi và tình cờ gặp người bạn đời của dì bây giờ".

Rồi người phụ nữ ấy kể tiếp: "Sau một hồi làm quen thấy hợp, dì đã trốn mấy cô bạn và cùng chồng dì bây giờ ra bờ suối gần đó nói chuyện mãi tới khuya mới về. Sau lần ấy, vì cả hai ở xa nên vài tháng mới gặp nhau được một lần, chủ yếu gửi những dòng thương nhớ qua thư. Và hằng năm, chỉ chờ đến hội rằm để hò hẹn cho thỏa lòng mong nhớ".

Trước khi xuống xe, người phụ nữ ấy khoe: "Hiện giờ cả năm người con của dì đã trưởng thành nhưng năm nào đến ngày ni, vợ chồng dì vẫn về đi hội rằm để gợi nhớ lại ngày xưa. Chiều ni mà không lên được xe khách để về, chắc dì khóc mất. Cháu cứ về chợ tình đi, biết mô lại tìm được vợ người Quảng Bình cũng nên".

Đồng hồ chỉ 12 giờ đêm, tôi chia tay "chợ tình" Minh Hóa mà vẫn còn đó tiếng kèn, tiếng sáo gọi bạn tình vang vọng. Ai đã một lần về với Hội rằm tháng Ba-chợ tình Minh Hóa một lần rồi sẽ khó quên.

Thạch Văn
.
.
.